CẢI CÁCH THỂ CHẾ, ĐIỂM NHẤN TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ TRONG NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2023
07/07/2023 | 11:22 AM
|
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật luôn được Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội: thông qua 11 Luật, Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án Luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 805/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời gian trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật: Tính đến 30/6/2023, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 13 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 71 dự án, dự thảo VBQPPL. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hơn 160 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 44 nghị định, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 1600 VBQPPL để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính.
Về kết quả kiểm tra, rà soát VBQPPL: Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản, tăng 675 văn bản (49.34%) so với 6 tháng đầu năm 2022; đã xây dựng Báo cáo về kết quả kiểm tra chuyên đề văn bản liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, qua đó kịp thời phục vụ công tác giám sát của Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5 về nội dung này. Cũng theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành đã tổng hợp được 496 VBQPPL cần phải xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực). Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL trong 6 tháng đầu năm 2023 là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải; các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái,...
Thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL theo yêu cầu tại Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 315/TCTTKĐA của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành các nhiệm vụ rà soát văn bản được giao, theo đó, ngày 31/3/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 99/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kết quả rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung VBQPPL để triển khai Đề án 06.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc rà soát, xử lý kết quả rà soát của các Bộ, ngành phục vụ triển khai Đề án 06, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Tổ công tác, trong đó có nhiệm vụ “Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý VBQPPL phục vụ triển khai Đề án 06”. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL đã ban hành tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ rà soát, xử lý văn bản phục vụ triển khai Đề án 06 (Công văn số 2367/TCT ngày 09/6/2023) và công văn số 2788/BTP-KTrVB ngày 05/7/2023 về việc thực hiện rà soát VBQPPL theo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Để thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL có hiệu quả, từ ngày 28/6/2023 đến ngày 05/7/2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các thành viên Nhóm thường trực của Tổ công tác (Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 08 cuộc họp cho ý kiến về kết quả rà soát và đề xuất xử lý văn bản của 14 bộ, cơ quan ngang bộ theo từng lĩnh vực, nhóm lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo Kế hoạch, Tổ công tác sẽ tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, cho ý kiến đối với kết quả rà soát, đề xuất xử lý văn bản phục vụ triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương theo hướng dẫn tại Công văn số 2367/TCT và dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp liên ngành, đoàn khảo sát, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và lấy ý kiến thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ về nội dung này trong tháng 7 và tháng 8/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, cho ý kiến độc lập, đề xuất biện pháp xử lý văn bản, trình Lãnh đạo Chính phủ theo chỉ đạo, đồng thời cũng sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp, tổ chức cho ý kiến độc lập đối với kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương phát sinh sau thời điểm báo cáo (nếu có).
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 28/01/2023 ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023. Theo đó, các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 là: (i) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giá; (ii) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai Kế hoạch nêu trên, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, tổng hợp xây dựng, ban hành Danh mục VBQPPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 (kèm theo Công văn số 1515/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 19/4/2023 của Bộ Tư pháp).
Về công tác kiểm soát TTHC, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 307 TTHC tại 31 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL (11 luật, 14 nghị định, 06 quyết định) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo. Trong đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị không quy định 04 thủ tục, đề nghị sửa đổi 189 thủ tục (chiếm tỷ lệ 63% tổng số TTHC quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 10 TTHC.
Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng kết 05 năm thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 - 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ đã tổ chức thành công 02 Hội nghị “Tổng kết 05 năm thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
(1405 từ)
Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ
Tin liên quan
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Kết quả trong thực hiện phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính tại Bộ Y tế năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Dược, Mỹ phẩm năm 2025
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025 và một số định hướng đến năm 2030
- Tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh việc triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ Y tế
- Bộ Y tế thông qua phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y, Dược cổ truyền
- Tỉnh Thái Nguyên công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực Y tế dự phòng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế