Hội thảo triển khai kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) giai đoạn 2021-2025
14/02/2020 | 15:02 PM



Ngày 12/2/2020, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo triển khai xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) giai đoạn 2021-2025.
Tham dự và chủ trì có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS; bà Ritu Singh, Giám đốc Phòng Y Tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS), bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, quyền Giám đốc điều phối PEPFAR tại Việt Nam, bà Kimberly Green, Giám đốc tổ chức PATH. Cùng tham dự còn có lãnh đạo và chuyên viên các phòng thuộc Cục, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS tại Việt Nam.Tại Hội thảo, các đại biểu đã được đại diện Phòng Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS chia sẻ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025; Dự thảo hướng dẫn cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP); Đồng thời chia sẻ của đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam về dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV theo tình huống (PrEP ED).
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được chia làm 3 nhóm để thảo luận các vấn đề chiến lược cung ứng, các mô hình triển khai trong kế hoạch 5 năm và Chiến lược tạo cầu cho chương trình PrEP.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phan Thị Thu Hương đánh giá cao các đối tác, các đơn vị đã đồng hành Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Đồng thời PGS. Hương cũng nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch bao gồm các chỉ tiêu, giải pháp triển khai hoạt động dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV giai đoạn 2021 – 2025 hết sức quan trọng. Xây dựng kế hoạch và các giải pháp phù hợp với thực tế sẽ giúp việc triển khai mở rộng PrEP tại Việt Nam đạt hiệu quả tốt…Tại Việt Nam, từ khi triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) năm 2017, tính đến hết năm 2020 toàn quốc có 26 tỉnh, thành phố triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Đến 12/2019, số người có nguy cơ cao nhiễm HIV sử dụng dịch vụ PrEP là 7.504 người tại 49 cơ sở của 12 tỉnh, số người đang sử dụng dịch vụ PrEP là 5.888 người.
Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị sau 3 tháng đạt 84% và sau 6 tháng đạt 71%. Việc triển khai dịch vụ PrEP được thực hiện trên 2 mô hình cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân, trong đó 49% số khách hàng sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế nhà nước và 51% số khách hàng sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế tư nhân. Có 3/7504 (0.042%) khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP có kết quả xét nghiệm HIV (+), trong đó có 1 trường hợp phát hiện có đột biến kháng thuốc và 2 trường hợp HIV (+) do không tuân thủ điều trị PrEP. Kết quả triển khai năm 2019 cho thấy điều trị PrEP là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất hiện nay cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV. Việc lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi nhóm quần thể có nguy cơ cao ngừng sử dụng dịch vụ hoặc không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn.
Nguồn: Cục HIV/AIDS
Related news
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024