Nhìn từ cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở 2019: Cơ hội và thách thức từ xu hướngbiến đổi hộ gia đình Việt Nam
09/01/2020 | 08:50 AM
|
Gia đình là tế bào của xã hội, là đơn vị xã hội thu nhỏ luôn có quan hệ mật thiết với chủ thể dân số. Ở Việt Nam, ngay từ đầu Công nguyên theo Đại Nam nhất thống chí và Đại Việt sử ký toàn thư đã cho thấy tầm quan trọng của những con số thống kê về số hộ, số khẩu,… Trong các cuộc Tổng Điều tra dân số từ 1979 đến 2019, chỉ tiêu về số dân, số hộ dân cư là 2 chỉ tiêu đầu tiên được thu thập.
Mô hình gia đình Việt Nam đã chuyển đổi nhanh sang gia đình quy mô nhỏ (gia đình hạt nhân). Đây cũng là vấn đề cần quan tâm đặc biệt khi hoạch định chính sách trong tình hình mới. Ảnh minh họa
Thực trạng biến đổi gia đình ở Việt Nam
Để đánh giá, phân tích về sự biến đổi hộ gia đình Việt Nam qua các giai đoạn, số liệu kết quả Tổng Điều tra dân số (TĐTDS) sẽ cho ta bức tranh tổng quát nhất thông qua kết quả tổng điều tra toàn diện. Cho đến năm 2019 Việt Nam đã tiến hành 5 cuộc TĐTDS, kể từ cuộc TĐTDS lần đầu tiên trên cả nước vào năm 1979, đây là thời điểm thuận lợi cho việc đánh giá, nhìn nhận sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong 40 năm qua, đặc biệt dân số Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ nhân khẩu học.
Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ gia đình, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Tỷ lệ tăng số hộ gia đình giai đoạn 2009 - 2019 là 18,0%, bình quân mỗi năm tăng 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009. Đây là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Như vậy số người bình quân trong hộ liên tục giản, TĐTDS 1979 là 5,22 người/hộ; 1989 là 4,84 người/hộ; 1999 là 4,6 người hộ; 2009 là 3,8 người/hộ; TĐTDS năm 2019 có tổng số 26,870 triệu hộ, bình quân mỗi hộ có 3,5 người/hộ, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Điều này cho thấy xu thế quy mô hộ gia đình nhỏ đã hình thành và ổn định ở nước ta và tuy quy mô hộ gia đình nhỏ đã hình thành và ổn định nhưng vẫn tiếp tục giảm.
Quy mô hộ bình quân khu vực thành thị là 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ lớn nhất cả nước (3,8 người/hộ); xếp thứ hai là vùng Tây Nguyên (3,7 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ); Hai vùng ở giữa là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (3,6 người/hộ) và Đồng bằng sông Cửu Long (3,5 người/hộ).
Quy mô hộ bình quân phổ biến trên cả nước là từ 2-4 người/hộ, chiếm 65,5% tổng số hộ. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ hộ chỉ có 1 người (hộ độc thân) tăng so với năm 2009 (năm 2009: 7,2%; năm 2019: 10,9%) thì tỷ lệ hộ có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (năm 2009: 28,9%; năm 2019: 23,6%). Trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ hộ độc thân cao nhất, tương ứng là 13,0% và 12,8%.
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ hộ từ 5 người trở lên cao nhất cả nước, tương ứng là 30,0% và 27,5%. Đây là hai vùng tập trung nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số, có tập quán sinh sống theo gia đình nhiều thế hệ và có mức sinh cao.
Tác động qua lại và những vấn đề trọng tâm cần chú ý
Về quy mô tổng số hộ gia đình, theo xu thế biến đổi hộ gia đình ở Việt Nam cùng với mục tiêu chính sách dân số trong tình hình mới là mỗi gia đình sinh đủ 2 con và đến năm 2030 dân số 104 triệu người, như vậy theo dự báo thì số hộ gia đình Việt Nam sẽ khoảng 30 triệu hộ gia đình.
Đây là điều cần được đặc biệt quan tâm trong xây dựng các chính sách Dân số và Phát triển. Đơn cử như chính sách chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng hoặc phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình gia đình Việt Nam đã chuyển đổi nhanh sang gia đình quy mô nhỏ (gia đình hạt nhân). Như vậy, số hộ ít người sẽ tăng lên, điều này cũng là vấn đề cần quan tâm đặc biệt khi hoạch định kế hoạch trong tình hình mới.
Với sự tác động, gắn kết chặt chẽ của quy mô tổng số hộ gia đình đến công tác dân số và để hoạch định chính sách trong tình hình mới, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, cần quan tâm đến những vấn đề trọng tâm sau:
1. Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Chiến lược gia đình Việt Nam đến 2030 cấn gắn kết, thống nhất với Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 đã được phê duyệt.
2. Cần đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về gia đình, cung cấp các bằng chứng, khuyến nghị khoa học phục vụ thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21 của BCH TW khóa XII, trong đó trọng tâm là xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (trình ban hành năm 2020); Đề án Cơ sở dữ liệu về gia đình đến 2025.
3. Gia đình là tế bào của xã hội, đó cũng là đơn vị cơ sở của con người cư trú và phát triển. Do vậy khi nghiên cứu về gia đình cần xem xét tổng thể và đồng bộ theo các yếu tố dân số. Về dân số cần nghiên cứu, đánh giá để đề ra các chính sách, hoạch định kế hoạch phát triển qui mô hợp lý với số hộ gia đình. Qui mô hộ gia đình phù hợp cho từng vùng, tỉnh/thành phố và kể cả các đơn vị quản lý hành chính các cấp. Về cơ cấu hộ gia đình cũng cần nghiên cứu các vấn đề như: Cơ cấu theo độ tuổi và giới tính của các thành viên trong hộ; Cơ cấu gia đình theo thế hệ cùng sống; cơ cấu gia đình theo dân tộc và tôn giáo, nghề nghiệp, . . và các tác động của cơ cấu dân số vàng, cơ cấu dân số già, . . .
Về chất lượng gia đình cần tập trung nghiên cứu các chiều cạnh liên quan đến chất lượng cuộc sống là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng dân số là một trong những trọng tâm trong Nghị quyết 21-NQ/TW hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành trung ương khóa XII.
Về phân bố hộ gia đình cần nghiên cứu, hoạch định chiến lược, kế hoạch theo các vùng lãnh thổ, đơn vị quản lý hành chính, theo đặc điểm địa lý, các vùng kinh tế trọng điểm và đặc biệt ở vùng sâu xa, biên giới, biển đảo.
Khi nghiên cứu về dân số rất cần xem xét các biến đổi của hộ gia đình, đặc biệt để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, chuyển định hướng tử DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.
Chúng ta sẽ triển khai toàn diện các vấn đề dân số gắn kết chặt chẽ với hộ gia đình như cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Ngay trong Nghị quyết 137 NQ-CP của Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng đã có hoạch định xây dựng Chiến lược gia đình Việt Nam đến 2030.
Nguồn: Gia đình xã hội
Related news
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ