Người dân chủ quan với bệnh không lây nhiễm
07/12/2015 | 04:47 AM
VN đang phải đối mặt với hậu họa khôn lường của tiểu đường, ung thư, tim mạch, hô hấp mạn tính… với trên 17 triệu người mắc. Theo ước tính của WHO, gánh nặng của các bệnh này chiếm trên 66% tổng gánh nặng bệnh tật do tất cả các nguyên nhân tại VN.
Những con số giật mình
Các bệnh mạn tính có tiến triển chậm, thời gian bị bệnh dài như tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản) và đái tháo đường còn được gọi là bệnh không lây nhiễm.
Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%, như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 chết bởi bệnh không lây nhiễm.
Đáng báo động hơn là 43% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm lại rơi vào nhóm người dưới 70 tuổi (theo số liệu thống kê năm 2012).
Năm 1986 tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện là 40%, năm 2010 tăng lên 71%, gấp hơn 3 lần các bệnh lây nhiễm.
Đặc biệt, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.
Hiện tại, nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư.
Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.
Người dân chủ quan với bệnh không lây nhiễm
Những thói quen hút thuốc lá, uống rượu, khẩu phần ăn không hợp lý, lười tập thể thao... đang khiến tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm tăng cao. Thế nhưng phần lớn người dân, kể cả người đang mắc bệnh vẫn chủ quan với sức khoẻ, mạng sống của mình.
Tại Việt Nam, chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm được thành lập từ năm 2002 với các bệnh huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên cho đến nay các chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa được đầy đủ và tuân thủ chưa tốt. Việt Nam chưa có chương trình quốc gia toàn diện về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Thiếu nhiều chính sách đa ngành trong giảm các yếu tố nguy cơ như giảm ăn muối, chất béo, cấm hút thuốc; bia rượu cần hạn chế tiếp thị và quảng cáo.
Mặc dù có Luật phòng chống thuốc lá nhưng việc thực hiện còn vô cùng hạn chế.
TS. Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm RTCCD cho rằng “Sự gia tăng gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam trong thời gian qua là do lĩnh vực dự phòng chưa được chú trọng đúng mức, trong đó vai trò của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, và các ban ngành chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đã chưa được phát huy đầy đủ.
Chiến lược Quốc gia giai đoạn 2015-2025
Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025.
Để thực hiện Chiến lược một cách toàn diện và hiệu quả cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và mọi người dân, trong đó có vai trò các tổ chức xã hội dân sự. Với lý do đó, 14 tổ chức xã hội dân sự hành động vì sự nghiệp sức khỏe toàn dân đã tập hợp lại và thống nhất đề xuất thành lập một liên hiệp các hội/tổ chức với tên gọi là Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam– Vietnam NCDs Prevention Alliance (NCDs-VN).
Tại hội nghị thành viên của “Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam”, 6 tổ chức và 16 cá nhân đã cam kết tham gia liên minh với tư cách thành viên chính thức. Các đại biểu đã cùng nhau ký tên thể hiện quyết tâm chung tay hành động phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, vì sức khỏe và hạnh phúc của đất nước. Các thành viên cũng đã thống nhất cùng thông qua quy chế hoạt động, tôn chỉ mục đích và tổ chức nhân sự của liên minh, đồng thời đưa ra định hướng hành động cho liên minh trong giai đoạn 2015 – 2016.
Các thành viên trong liên minh cũng thống nhất cho rằng: Để hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của toàn xã hội. Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam nên phối hợp, tham gia ý kiến và phản biện các chính sách liên quan tới phòng chống bệnh không lây nhiễm./.
Related news
- Bước tiến mới trong điều trị bệnh thận mạn tại Việt Nam
- Bác sĩ Quảng Bình nảy sáng kiến tích trữ nước sạch để phục vụ bệnh nhân trong lũ lụt
- Bệnh viện đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ thí điểm xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao