Người cao tuổi và nỗi ám ảnh “nhớ nhớ, quên quên”
02/07/2019 | 10:25 AM



Theo các chuyên gia, cùng với tuổi thọ tăng cao, người cao tuổi (NCT) đang phải đối mặt với nhiều bệnh lý như tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, trong đó, hội chứng sa sút trí tuệ cũng được coi là điển hình hay gặp ở nhóm đối tượng này.
Sa sút trí tuệ là hội chứng rất hay gặp ở người cao tuổi. Ảnh minh họa
NCT thường hay "nhớ nhớ quên quên"
Thông tin tại Hội thảo phổ biến kiến thức về "Sa sút trí tuệ trong bối cảnh già hóa dân số" được tổ chức cách đây không lâu, TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng điều trị Tâm thần người già (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não. Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer – chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Biểu hiện đầu tiên của sa sút trí tuệ là suy giảm trí nhớ, mà giai đoạn đầu chủ yếu là giảm trí nhớ ngắn hạn, tức là lúc nhớ lúc quên; tiếp đến, người bệnh có biểu hiện vong ngôn (nói lặp từ, khó tìm từ khi nói, thêm từ lạ, không gọi được tên đồ vật, nói, viết sai); vong tri (không nhận ra người quen cũ, người thân, nhận nhầm, không nhận ra đồ vật quen thuộc); vong hành (vụng về trong thao tác nghề nghiệp, khó khăn trong việc tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, rối loạn trong trang phục, không sử dụng được công cụ, trang thiết bị trong gia đình); suy giảm khả năng điều hành (giảm khả năng tính toán, sáng tạo, lập kế hoạch, ra quyết định).
Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện biến đổi nhân cách xuất hiện sớm: Thụ động (thờ ơ, cách ly xã hội), mất kiềm chế (nói năng linh tinh, tự cho mình là trung tâm, kích động rất thường gặp và thường nặng lên khi bệnh tiến triển, kích động về lời nói, hành động, các hành vi không phù hợp như đi lang thang…).
Theo BS Hà An, NCT bị sa sút trí tuệ không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội, cho những người chăm sóc. Vì thế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi mà chỉ điều trị giảm triệu chứng, do đó việc chăm sóc bảo đảm an toàn cho người bệnh và người chăm sóc rất quan trọng. Việt Nam đang dần hình thành câu lạc bộ dành cho người nhà bệnh nhân sa sút trí tuệ để hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất.
Thiết kế không gian sống phù hợp cho người bị sa sút trí tuệ
Mới đây, chia sẻ tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ Người bệnh sa sút trí tuệ tại Viện Sức khỏe tâm thần, ThS. Lê Thị Phương Thảo đã hướng dẫn việc sắp xếp không gian nơi ở phù hợp với những NCT bị sa sút trí tuệ. Theo BS Phương Thảo, không gian sống của NCT cần được thiết kế đơn giản, an toàn, dễ sử dụng, yên tĩnh, quen thuộc, ánh sáng và nhiệt độ vừa phải, có màu sắc riêng biệt.
Đối với từng không gian cụ thể như nhà bếp, cần đề cao việc an toàn như các vật sắc nhọn cần được cất cao và khóa lại; đồ ăn cần được thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng để loại bỏ các thực phẩm quá hạn nhằm đảm bảo sức khỏe với người bệnh.
Người nhà bệnh nhân Alzheimer cũng cần để một lượng thức ăn vừa đủ tại nơi dễ thấy để bệnh nhân có thể dễ dàng ăn khi đói. Yêu cầu đối với không gian phòng tắm lại là tránh ngã, phòng tắm nên có thảm nhựa chống trơn trượt, có tay vịn để người già đứng lên ngồi xuống dễ dàng. Phòng ngủ cần đặc biệt chú ý tới ánh sáng, ánh sáng đều không tạo bóng sẽ giúp bệnh nhân giảm sợ hãi, ngủ ngon giấc. Phòng khách lại cần thiết kế cửa ra vào có màu giống tường hoặc treo các bức tranh để người bệnh khó nhận biết nhằm giảm nguy cơ ra khỏi nhà bỏ đi…
Bên cạnh đó, NCT bị sa sút trí tuệ cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, nghe nhạc cổ điển, tóm tắt một câu chuyện hay một bộ phim sau khi xem xong, tham gia các buổi sinh hoạt, cùng thảo luận về những sự kiện xảy ra xung quanh… để kích thích tư duy và não bộ làm việc. Tránh uống nhiều rượu, bia, các chất kích thích vì sẽ làm tăng nguy cơ nhũn não và tăng tốc độ lão hóa của các cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra, NCT cần tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Đây là một trong những cách tốt nhất để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy quá trình tuần hoàn, hô hấp giúp tăng cường cung cấp oxy và dinh dưỡng cho não. Hơn nữa, các cụ cũng cần có chế độ ăn hợp lý để phòng ngừa suy giảm trí nhớ như ăn nhiều trái cây, chất xơ, rau cải; hạn chế ăn chất béo, chất ngọt; chất đạm nên ăn vừa đủ theo nhu cầu.
Cẩn trọng khi cho NCT dùng thuốc bổ não
Theo TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng điều trị Tâm thần người già (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay nhiều NCT có thói quen sử dụng thuốc bổ não, nhưng trong điều trị các bệnh sa sút trí tuệ, đặc biệt là Alzheimer không có các loại thuốc bổ não. Các loại thuốc mà không do bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị kê đơn chỉ là thuốc hỗ trợ, bổ trợ cho não chứ không phải thuốc chữa bệnh Alzheimer cũng như các bệnh về sa sút trí tuệ.
Related news
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh