Muối và mối liên quan với bệnh tăng huyết áp
01/09/2019 | 15:32 PM



Khi phát hiện bị cao huyết áp chúng ta không nhất thiết phải dùng thuốc ngay, ngoại trừ những trường hợp cao huyết áp kịch phát (210/120 mmHg) bởi vì cao huyết áp có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt.
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa, số ở trên) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu, số ở dưới) ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở mức cao, 25% người lớn từ 25 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp và tỷ lệ này ngày càng gia tăng.
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện cảnh báo, nhưng gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một số biến chứng của tăng huyết áp như: đi tiểu ra máu, suy thận, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não…
Đa số các trường hợp tăng huyết áp ở người trưởng thành không tìm ra nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố được chứng minh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp:
- Ăn mặn;
- Hút thuốc lá, thuốc lào;
- Uống nhiều rượu,bia;
- Ít vận động thể lực;
- Căng thẳng, lo âu quá mức;
- Mắc các bệnh: thận, đái tháo đường;
- Rối loạn chuyển hóa mỡ máu;
- Béo phì;
- Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tăng huyết áp;
- Gia đình có người mắc tăng huyết áp.
Trong các yếu tố trên, thói quen ăn nhiều muối (ăn mặn) là một trong các yếu tố làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp của mỗi người.
Làm cách nào để giảm muối trong khẩu phần?
- Nên giới hạn muối ở mức 5g/ngày. Ngoài lượng muối có sẵn tự nhiên trong thực phẩm (2g muối đối với thức ăn không ướp muối); lượng muối dùng để nêm vào thức ăn trong một ngày là một muỗng cà phê gạt ngang muối hoặc hai muỗng cà phê nước mắm hoặc hai muỗng canh xì dầu (chứa khoảng 3g muối).
- Không nên nêm thêm nước mắm, nước tương đối với thức ăn đã nêm nếm hoặc khi ăn trái cây không nên chấm muối. Các loại thức ăn mặn như mắm, dưa cà muối, cá khô nên loại ra khỏi thực đơn mỗi ngày.
- Một chén canh chứa khoảng 0.8g muối, tùy theo thực đơn và thời tiết mà bạn có thể húp hết nước. Ví dụ trời nóng, không ăn món kho bạn có thể húp hết nước của hai chén canh trong hai bữa cơm chính.
- Đối với các loại thức ăn nước như phở hủ tiếu, một tô sẽ chứa khoảng 1,8-2g muối, tốt nhất là chỉ nên húp một phần nước khi ăn.
- Đối với mì tôm chỉ nên nêm 1/3 đến 1/2 gói bột nêm khi chế biến. Một gói mì tôm chứa 4g muối, khối lượng muối này đã vượt quá 3g muối dành cho nêm nếm.
- Việc giảm muối giai đoạn đầu sẽ làm chúng ta khó chịu, nhưng dần dần sẽ thích nghi. Theo kinh nghiệm thì bạn sẽ chỉ gặp khó khăn trong 1-2 tuần đầu mà thôi. Bạn có thể dùng vị chua và vị ngọt khi chế biến để tăng khẩu vị, ví dụ canh chua, thịt bò xào hành tây và thơm… là những món có lượng muối nêm thấp nhưng ăn ngon vì áp dụng hai nguyên tắc trên.
Người cao huyết áp nên tăng lượng muối kali trong thức ăn song song với việc uống thuốc hạ huyết áp nhưng không nên uống trực tiếp thuốc bổ sung kali. Rau củ quả tươi chứa nhiều kali như quýt, chuối, khoai tây, rau bí, quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua... rất tốt cho thành mạch. Nếu người bệnh cao huyết áp kèm theo suy thận, phù thũng, ít nước tiểu thì không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa kali để tránh thừa kali.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Related news
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh