Chị em cần cảnh giác cơn đau bụng bệnh lý
30/09/2019 | 10:26 AM
Các cơn đau vùng bụng dưới thường gây ra cảm giác rất khó chịu cho chị em. Có những cơn đau là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Chị em cần có kiến thức để nhận biết và phòng ngừa.
Các cơn đau vùng bụng dưới thường gây ra cảm giác rất khó chịu cho chị em. Có những cơn đau là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Chị em cần có kiến thức để nhận biết và phòng ngừa.
Cơn đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Đau trước khi hành kinh: là một dấu hiệu “hội chứng tiền kinh nguyệt”. Đau kèm với căng tức vú, đôi khi nhức nửa đầu, tính tình nóng nảy hơn, tăng cân nhẹ, cảm giác bụng to ra và như có khối gì nén xuống... Nguyên nhân của hội chứng này là sau khi trứng rụng, có sự giảm tiết progesteron, một hormon có vai trò chuẩn bị niêm mạc để trứng được thụ tinh làm tổ và giúp cho trứng phát triển. Các triệu chứng kể trên đều mất đi khi bắt đầu hành kinh.
Cơn đau giữa kỳ kinh: là hiện tượng sinh lý bình thường. Đó là cơn đau bụng do rụng trứng. Người bệnh có cảm nhận khi thì đau lệch trái khi thì lệch phải, là do bên buồng trứng nào có nang trứng chín và rụng thì sẽ đau lệch về bên đó. Đôi khi cơn đau này kèm ra nhiều chất xuất tiết âm đạo có màu trắng hay lẫn máu, thường gọi là “hành kinh ngày thứ 15”. Chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau, nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.
Cơn đau vùng bụng dưới thường gây ra cảm giác rất khó chịu cho chị em.
Đau khi hành kinh: hay còn gọi là thống kinh. Đau có tính chất lan tỏa xuống âm hộ, đôi khi ra vùng thắt lưng hay khắp vùng bụng, có thể đau cấp tính, kèm buồn nôn hay nôn. Đó là cơn đau liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung. Với trường hợp có u xơ tử cung nằm ở lớp cơ thành tử cung thì cơn đau càng dữ dội và sẽ hết sau khi sạch kinh.
Cơn đau sau khi sạch kinh: Phải nghĩ ngay đến bệnh lạc màng trong của tử cung. Trong lòng tử cung có xuất hiện lạc chỗ các mô như các ống tuyến, mô liên kết và một số sợi cơ trơn. Cơn đau này thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ.
Đau trước khi hành kinh, hay đôi khi trong lúc rụng trứng và chỉ mất đi ở cuối kỳ kinh nguyệt: Đó là cơn đau trong bệnh loạn dưỡng buồng trứng. Bệnh này gây nên những biến đổi chức năng của buồng trứng, làm rối loạn hiện tượng tiết hormon.
Đau không liên quan đến chu kỳ kinh
Cơn đau xuất hiện sau khi bệnh nhân được làm một số thủ thuật, chẳng hạn làm đông máu bằng điện cao tần ở cổ tử cung hoặc sinh thiết, lấy một mẩu mô quanh tuyến ở cổ tử cung để khảo sát các tế bào ở lớp niêm mạc. Ở các trường hợp này, đau thường kèm rối loạn kinh nguyệt (bởi cổ tử cung bị hẹp do các thủ thuật trên).
Đau do quan hệ tình dục: thường khó phân biệt do yếu tố tâm lý hay do tổn thương ở bộ phận sinh dục ngoài của nữ. Liên quan nhiều đến tâm lý (không thích thú, sợ, bị cưỡng ép) khi đau xuất hiện sớm, ngay khi chỉ mới bắt đầu. Nếu đau ở mông thì có thể do tổn thương thực thể như người phụ nữ vừa mới làm thủ thuật mở rộng lỗ âm hộ để dễ sinh con; hoặc do bệnh viêm âm đạo - âm hộ do nấm; hoặc ở trường hợp teo tử cung sau mãn kinh... Quan hệ tình dục có thể không thực hiện được nếu bị viêm âm đạo bởi các cơ khép lỗ âm hộ đã co thắt hẹp lại.
Sau khi sinh con có thể đau dữ dội, ở sâu, thuộc vùng bụng dưới. Đó là trường hợp tử cung bị gập ra phía sau, cổ tử cung di động, bởi màng bụng bị rách sau khi sinh. Khám sản khoa sẽ xác định được nguyên nhân này.
Đau do nhiễm khuẩn ở bộ phận sinh dục phía trong (buồng trứng, vòi trứng...). Khám bằng mỏ vịt sẽ thấy mủ rỉ ra từ lỗ tử cung. Bệnh nhân sẽ thấy đau hơn nếu trong khi khám có di chuyển tử cung. Các phần phụ (buồng trứng, vòi trứng) đôi khi tăng kích thước. Cần làm các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh ở cột sống thắt lưng như: viêm, thoái hóa đốt sống, viêm khớp cùng chậu... có thể gây đau ở bụng dưới và thường ở phía sau, có thể nghĩ lầm là đau phụ khoa. Cần đặc biệt lưu ý là phần lớn các bệnh phụ khoa như tử cung quặt ra sau, u xơ tử cung, u nang buồng trứng... rất ít khi gây đau nếu không có biến chứng (chảy máu, nhiễm khuẩn). Để được chẩn đoán và điều trị sớm, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần.
Những cơn đau cấp vùng bụng dưới nếu xảy ra ở phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ và không kèm theo sốt thì trước tiên cần nghĩ đến chửa ngoài tử cung nhưng cũng có thể là u nang buồng trứng xoắn. Nếu kèm theo sốt, cần nghĩ đến viêm phần phụ nhưng không loại trừ viêm ruột thừa hay viêm đại tràng sigma (đoạn cuối đại tràng trước trực tràng).
Các cơn đau bụng liên quan chu kỳ kinh nguyệt thường gây khó chịu cho chị em nhưng không nguy hiểm và nghỉ ngơi hoặc làm việc nhẹ nhàng thì sẽ hết đau. Nếu các cơn đau có tính chất dồn dập với mức độ ngày càng tăng, kèm ra máu thì chị em cần đi khám bệnh ngay, bởi có thể liên quan một bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng hơn, cần được điều trị kịp thời.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống
Related news
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'