Chẩn đoán và điều trị Thoát vị bẹn trẻ em
04/09/2020 | 09:35 AM
|
Thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cha mẹ cần biết những kiến thức cơ bản về bệnh để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh cho bé.
1.Thoát vị bẹn là gì?
– Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại, nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở bé trai và thoát vị ống nuck ở bé gái.
2.Tỉ lệ trẻ bị thoát vị bẹn là bao nhiêu và thường gặp ở giới nào?
– Bệnh chiếm 0,8 – 4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất cao hơn chiếm tới 30% tùy theo tuổi thai.
– Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái từ 3-10 lần.
3. Bệnh lý này có ở một bên hay hai bên bẹn?
– Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn của trẻ, thường gặp ở bên phải (60%) hơn so với bên trái (25%), hoặc có khi bé bị cả hai bên (15%).
4. Bệnh có thể tự hết không? Nếu không điều trị sẽ gây biến chứng gì?
– Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả sau:
– Ruột, buồng trứng trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng nếu không được mổ kịp thời.
– Tổn thương tinh hoàn: Mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt.
5. Các triệu chứng của thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở bé trai và vùng gần âm môi ở bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như: chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường.
6.Làm sao để nhận biết trẻ thoát vị bẹn bị nghẹt?
– Vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc kêu đau (trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ). Thường ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó ở trẻ, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi.
7. Thoát vị bẹn cần được điều trị như thế nào?
Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa.
8.Mục đích của phẫu thuật là thắt lại ống phúc tinh mạc hoặc ống Nuck (bé nữ)
– Trẻ cần được chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật:
+ Làm các xét nghiệm máu cơ bản.
+ Siêu âm bẹn bìu đánh giá.
+ Chụp X-quang phổi.
Trẻ không được ăn thức ăn đặc 6 giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê.
9. Các phương pháp phẫu thẫu thuật để điều trị thoát vị bẹn:
– Mổ mở đường bẹn:
Phẫu thuật viên sẽ rạch nhỏ 2cm ngay tại các nếp gấp da của bụng, sau đó phẫu tích bộc lộ và thắt lại ống phúc tinh mạc. Nhược điểm của phương pháp này là để lại sẹo sau mổ, không phát hiện được bên đối diện có bị không.
– Mổ nội soi: Có nhiều phương pháp mổ nội soi như nội soi: 1 lỗ, 2 lỗ, 3 lỗ.
Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyên tư vấn và khám chữa bệnh, phẫu thuật điều trị các bệnh lý ngoại khoa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: các loại dị tật bẩm sinh hệ tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, cơ xương khớp,…, các loại bệnh u bướu, chấn thương, phẫu thuật tạo hình. Khoa thực hiện trung bình 2000 ca mổ/ năm. Trong đó số ca mổ cấp cứu sơ sinh là 58 ca, mổ loại đặc biệt và loại 1 là 1000 ca. Đặc biệt, với bộ dụng cụ nội soi loại 3mm để phẫu thuật cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khoa đã ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi phẫu thuật nhiều loại bệnh lý chuyên khoa đặc thù như: phình đại tràng bẩm sinh, nang ống mật chủ, tắc ruột sơ sinh,… đồng thời phối hợp các chuyên khoa khác phẫu thuật điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh nhi khó, phức tạp như các bệnh ung thư di căn, đa chấn thương phức tạp,…
Nguồn: Bệnh viện Việt Đức
Related news
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ