Bổ sung vi chất dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh

10/11/2020 | 10:30 AM

 | 

Các bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư… đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong đó, các thói quen hút thuốc lá; lạm dùng rượu, bia; dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh này.

Khám, tư vấn cho người dân về các bệnh không lây nhiễm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: BVCC

Bộ Y tế công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”Bộ Y tế công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định đến lối sống, chế độ ăn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của quần thể dân cư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Mức sống cải thiện, thực phẩm sẵn có tràn ngập… đã làm gia tăng các hậu quả liên quan đến thay đổi lối sống và thói quen ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.

Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư…đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 77% các trường hợp.

Các chuyên gia đều cho rằng, đối với các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: Yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá; lạm dụng rượu, bia; dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực.

Các yếu tố nguy cơ về hành vi sẽ dẫn tới các biến đổi về sinh lý/chuyển hóa bao gồm: tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn lipid máu và hậu quả là các bệnh mạch vành tim, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư… Sâu xa hơn, nguyên nhân gốc rễ của sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trên liên quan đến các yếu tố môi trường (kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tự nhiên…).

Một số yếu tố nguy cơ chung của các bệnh không lây nhiễm như:

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá ước tính là nguyên nhân của 71% số trường hợp ung thư phổi; 42% số trường hợp bệnh phổi mạn tính; và 10% các bệnh tim mạch. Hút thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ của một số bệnh nhiễm trùng như lao phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhai sợi thuốc có thể gây ra ung thư khoang miệng, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác.

Thuốc lá không những gây tác hại cho người trực tiếp hút mà còn gây tác hại cho những người hút thụ động. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong do thuốc lá, bao gồm cả do hút thuốc thụ động.

Sử dụng rượu, bia ở mức có hại: Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác là chất gây nghiện, vì vậy Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo để đảm bảo cho sức khỏe tốt nhất là không uống rượu, bia. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương theo phân loại bệnh tật quốc tế ICD10.

Dinh dưỡng không hợp lý: Ăn ít rau và trái cây được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.

Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa (có thể có trong thực phẩm chế biến sẵn), làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.

Bên cạnh đó, lượng muối tiêu thụ hàng ngày là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức huyết áp cũng như nguy cơ các bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối là nguy cơ của tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác.

Ít hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong. Một số người ít vận động sẽ tăng từ 20 – 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nếu so sánh với một người vận động cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày của tuần.

Nếu hoạt động thể lực mức độ vừa phải 150 phút/tuần ước tính có thể giảm 30% nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm 27% nguy cơ đái tháo đường, và giảm 21 – 25% nguy cơ ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Hoạt động thể lực còn làm giảm nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp, trầm cảm, và giúp kiểm soát cân nặng.

Để nâng cao sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh không lây nhiễm, ngoài việc loại bỏ các thói quen xấu và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, các chuyên gia cho rằng, người dân có thể bổ sung thêm một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật.

Hiện nay, trong Đề án 818 (Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020) đang phân phối một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: Bột Unical For Rice; Liquid Calci –D3 (Bổ sung Canxi); Thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe phòng chống ung thư Imuglucan; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Enzyme 125TM; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lacto Turmerin; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ Hoàng sâm. Người dân có nhu cầu có thể tìm hiểu và mua sử dụng.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến