Biến chứng và cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi
31/08/2019 | 03:51 AM
|
Tăng huyết áp nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh.
Biến chứng cao huyết áp ở người già
Bệnh cao áp huyết không chữa trị sẽ làm hại cơ thể ta nhiều cách. Áp huyết cao hơn bình thường khiến tim và các mạch máu phải làm việc nhiều hơn, tim lúc nào cũng gắng sức, sau trở thành mệt mỏi và yếu dần cho đến một lúc, tim suy yếu sẽ không còn bơm đủ máu, không đáp ứng được nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể, nhất là khi người bệnh vận động, gây các triệu chứng mau mệt, choáng váng, khó thở… nhất là khi vận động.
Áp suất cao trong các mạch máu có thể làm tổn thương thành của các mạch máu. Nhưng chỉ tổn thương trong lòng các mạch máu dễ bị chất mỡ cholesterol và các tế bào tiểu cầu (platelet) luôn luôn có sẵn trong máu bám vào. Cơ chế dây chuyền này lại càng làm lòng các mạch máu tổn thương thêm nữa và dần dần nhỏ hẹp lại.
Tương tự, cao áp huyết làm tổn thương các mạch máu nuôi óc, nuôi thân, nuôi mắt,… gây các biến chứng tai biến mạch máu não, suy thận, giảm thị giác,…So với người thường, người cao áp huyết nếu không chữa, dễ bị bệnh hẹp tắc các động mạch tim khiến tim đâm ra thiếu máu nuôi (ischemic heart disease) gấp 3 lần, dễ suy tim gấp 6 lần và dễ bị tai biến mạch máu não gấp 7 lần.
Phòng ngừa bệnh cao huyết áp ở người già như thế nào?
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp đơn giản dành cho những người nghi ngờ bản thân đang phải đối mặt với bệnh lý này.
Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng >85cm ở nữ và >98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Chế độ ăn uống
Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau. Ăn 3 bữa một ngày, nên tăng cường ăn các loại thức ăn giàu kali như giá đỗ, chuối chín, các loại đậu, khoai sọ, ngô, khoai tây.
Để hạn chế xơ vữa động mạch thì nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa chiều vitamin C, vitamin PP như các loại quả chín (cam, quýt, bưởi, xoài) hoặc ăn nhiều rau (rau dền, rau ngót, rau đay, rau sam).
Vì chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt, ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng…
Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như phomát, sữa chua…Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
Thay vì ăn thịt thì nên ăn cá vì trong cá có các loại protein làm giảm huyết áp. Trong 1 tuần nên ăn nhiều cá hơn thịt. Đối với thịt đỏ (thịt trâu, bò, dê, ngựa), nên ăn hạn chế hoặc không ăn.
Hạn chế ăn nhiều thịt gà: Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn nhiều sẽ khiến cho cholesterol và huyết áp tăng cao. Do đó, không nên cho rằng thịt gà là thứ bổ dưỡng cho mọi người bệnh, nhất là người cao huyết áp. Người cao huyết áp ăn nhiều thịt gà sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Không nên ăn nhiều protein động vật: Người bị huyết áp cao không nên dùng phủ tạng động vật (như gan, tim, bầu dục…) vì trong quá trình trao đổi, chất này sinh ra độc tố làm huyết áp bất ổn.
Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.
Hạn chế dùng các loại nước ngọt có ga, các loại bia vì có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.
Bỏ những thói quen xấu như hút thuốc,cà phê,chè đặc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Hạn chế hoặc kiêng uống rượu bia: Nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng, nhưng nếu uống nhiều dễ làm tăng huyết áp.
Chế độ tập luyện thể dục, thể thao:
Nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, không nên tập những động tác mạnh, khó; tùy theo sức và điều kiện của từng người mà lựa chọn hình thức tập cho phù hợp.
Chế độ sinh hoạt và làm việc:
Bảo đảm ngủ đủ giấc, giữ được tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh. Các hoạt động thể lực có thể giúp bạn điều đó.
Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp cần điều trị liên tục ngay cả khi cảm thấy khỏe, kiểm tra huyết áp định kỳ (có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà), có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc.
Điều chỉnh lối sống để phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp là việc hoàn toàn có thể thực hiện ở gia đình, là phương pháp không tốn kém, qua đó giảm được bệnh tật, tử vong và các nguy cơ cho người mới bị tăng huyết áp, là cơ hội tốt để ngăn chặn bệnh tăng huyết áp và các biến chứng của nó.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng để phòng bệnh tăng huyết áp và các tai biến do bệnh này gây nên, giảm đáng kể tử vong do tai biến của bệnh tăng huyết áp./.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Related news
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'