Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
05/12/2024 | 09:20 AM
|
Các cơ sở y tế ở Quảng Ninh là nơi chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi càn quét. 3 tháng sau bão, dù những tàn dư của cơn cuồng phong vẫn còn sót lại nhưng BVĐK tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực cải thiện môi trường bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến cho người bệnh sự hài lòng.
Bác sĩ tặng 'bó hoa' sức khỏe, người bệnh tri ân lại cây xanh.
Nhiều bệnh nhân khi điều trị khỏi bệnh và xuất viện đã gửi tặng các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh những chậu cây xanh mát. BSCKI Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu cho biết, điều này đã được duy trì từ lâu khiến cả người bệnh cũng như y bác sĩ đều cảm thấy ấm áp, có sự kết nối như người nhà. Những chậu cây này sẽ được nhân viên y tế chăm sóc hàng ngày để tạo cảnh quan bệnh viện thân thiện với người dân khi đến khám.
Theo BS. Thắng, mỗi người bệnh sẽ có những trải nghiệm riêng khi vào viện, và nếu được quan tâm chăm sóc từ những chi tiết nhỏ nhất sẽ khiến họ hài lòng. Tại khoa có các nhóm chăm sóc, quản lý bệnh nhân; nhân viên y tế lưu số điện thoại từng người bệnh, nhắc họ lịch tái khám, cách sử dụng thuốc, liệu trình uống thuốc thế nào, tư vấn để họ tự chăm sóc sức khỏe tại nhà...
"Giữa bác sĩ và người bệnh có sự gắn kết chặt chẽ. Điều này cũng lý giải vì sao số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quay lại với chúng tôi khá nhiều. Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta cho đi tình cảm, tặng họ một "bó hoa" sức khỏe thì sẽ nhận lại sự chân thành, những ý kiến đóng góp từ người bệnh để xây dựng bệnh viện ngày càng tốt hơn..." - BS. Thắng nói.
Không gian nhiều màu xanh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 2015, BVĐK Quảng Ninh đã được nâng hạng lên bệnh viện hạng I và không ngừng đầu tư cải thiện cảnh quan, cơ sở vật chất. Bệnh viện đã chú trọng trồng cây xanh trong khuôn viên, tạo môi trường trong lành cho người bệnh và nhân viên y tế. Đồng thời, bệnh viện ban hành quy định tiết kiệm năng lượng, khuyến khích tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng thiết bị chiếu sáng phù hợp với diện tích, số lượng người làm việc….
Hiện nay, tại các khoa phòng của bệnh viện đã trang bị vòi nước uống RO, các cây nước nóng lạnh, đảm bảo cho người bệnh luôn có nước sạch để dùng... Bệnh viện luôn chú trọng việc thực hiện Quyết định số 3638/QĐ-BYT triển khai cơ sở y tế xanh sạch đẹp và áp dụng Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp theo Quyết định số 5959/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành.
BSCKII Nguyễn Bá Việt - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong tương lai sẽ xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trở thành Bệnh viện Đa khoa hạng đặc biệt tuyến tỉnh với mô hình bệnh viện xanh, bệnh viện thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bệnh viện tiến hành trồng mới cây xanh, thay thế cây gãy đổ sau bão số 3.
Chuyển đổi số giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng, giảm chất thải nhựa
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Bá Việt, ông từng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ bệnh nhân phàn nàn vì phải chờ đợi lâu khi đến bệnh viện khám, vì thế bệnh viện quyết tâm triển khai hệ thống đặt lịch khám trực tuyến.
Nếu vào đầu năm 2024, tỷ lệ đặt lịch khám trước qua trực tuyến chỉ đạt 15%, thì nay đã tăng lên 50%. Hình thức đặt lịch được triển khai qua điện thoại, Zalo, website bệnh viện và ứng dụng di động. Lịch hẹn được phân bổ đều trong ngày, giúp hạn chế tình trạng quá tải cục bộ. Bệnh nhân chỉ cần đến viện trước lịch hẹn 10 phút và không phải mua sổ giấy khám bệnh nếu không có nhu cầu. Quá trình khám chữa bệnh chỉ cần một mã QR để đi khắp các khoa, phòng.
Bệnh viện đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ đạt mức 6/7 - theo nhóm tiêu chí hạ tầng của Bộ Y tế. Bệnh viện cũng sử dụng bệnh án điện tử và hệ thống lưu trữ truyền tải hình ảnh y khoa (PACS),... giúp giảm thiểu sai sót trong khâu nhập liệu, phối hợp thanh quyết toán bảo hiểm y tế, góp phần minh bạch hóa mọi hoạt động khám chữa bệnh.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số y tế, bỏ hồ sơ giấy, không in phim, đơn thuốc điện tử, giúp bệnh viện tiết kiệm được hàng tỉ đồng và giảm thải chất thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BSCKI Ngô Quang Chức - Trưởng khoa chia sẻ, trước đây, mỗi tháng, nơi này chụp chiếu, in ra khoảng 3.000 phim, tiêu tốn khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi năm. Việc xử lý nước rửa phim rất phức tạp bởi có chứa chì, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây nhiễm độc, ô nhiễm môi trường xung quanh.
Hiện nay, khi bệnh nhân vào chụp chiếu, kết quả sẽ được chuyển đến số điện thoại của người bệnh, không cần chờ lấy phim, vừa thuận tiện trong khám chữa bệnh, vừa tiết kiệm chi phí cho bệnh viện, đồng thời giữ môi trường xanh sạch đẹp.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh giúp bệnh viện dễ dàng quản lý, giảm thiểu chất thải y tế, đảm bảo tiêu chí sạch, bảo vệ cảnh quan. Trong khi trước đây khi sử dụng hồ sơ giấy, bệnh viện phải bố trí kho để lưu trữ hồ sơ, dữ liệu bệnh nhân, kéo dài hàng chục năm rất tốn kém.
Việc chuyển đổi số y tế, bỏ hồ sơ giấy, không in phim, đơn thuốc điện tử... giúp bệnh viện tiết kiệm được hàng tỉ đồng và giảm thải chất thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, bệnh viện cũng thay thế dây máy thở nhựa dùng 1 lần thành dây máy thở silicon tiệt trùng dùng nhiều lần; bình dẫn lưu màng phổi nhựa thành bình dẫn lưu thủy tinh... Sử dụng 100% túi đựng chất thải y tế là túi dễ phân hủy, tái sử dụng sản phẩm sau xử lý.
Hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa được triển khai cả trong sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Theo BS. Nguyễn Thị Hải Thanh - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh viện giảm sử dụng đồ dùng 1 lần từ nhựa hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân. Đối với nhân viên y tế, thay thế chai đựng nước thủy tinh tái sử dụng, thay cho chai nước nhựa dùng một lần. Dùng cốc giấy, cốc thủy tinh uống nước thay cho sử dụng cốc nhựa dùng một lần. Bệnh viện cũng sử dụng túi thuốc bằng giấy phát thuốc cho người bệnh…
"Nếu bệnh viện không thực hiện các biện pháp sử dụng các vật liệu thay thế, không tái sử dụng chất thải nhựa, không phân loại thu gom chất thải tái chế triệt để, thì sẽ phải chi phí nhiều tiền để xử lý chất thải. Sau khi triển khai các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, bệnh viện đã tiết kiệm được nhiều kinh phí cho khoản tiền vận chuyển, xử lý chất thải, với tổng số tiền tiết kiệm khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm" - BS. Thanh thông tin.
Ki-ốt đăng ký khám bệnh tự động rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Xu hướng y tế xanh, bền vững
Bác sĩ Phan Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh ngành y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phong trào bệnh viện sáng - xanh - sạch - đẹp đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh tiên phong, nổi bật trong việc xây dựng môi trường khám chữa bệnh an toàn, thân thiện và bền vững.
Trước đó, đoàn công tác của Cục Quản lý Môi trường Y tế cũng đã đi thực tế tại một số cơ sở y tế của các tỉnh Bến Tre, TPHCM, Phú Thọ để đánh giá công tác triển khai tăng trưởng xanh và xây dựng nền y tế xanh, bền vững.
Qua thực tế cho thấy, hầu hết các đơn vị đều có những mô hình, cách làm hay trong việc thực hiện Quyết định số 3638/QĐ-BYT triển khai cơ sở y tế xanh sạch đẹp và áp dụng Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp theo Quyết định số 5959/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành.
Trong tương lai, hy vọng trên cả nước các mô hình bệnh viện xanh sạch đẹp có thể được nhân rộng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe toàn diện cho người dân./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp