Bệnh tăng huyết áp ở người già : Nguyên nhân và cách chữa trị
17/08/2019 | 03:27 AM
|
Theo thống kê, gần ¾ người có độ tuổi từ 70 trở lên bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh.
Huyết áp thường tăng theo độ tuổi, đặc biệt khi một người đã qua tuổi trung niên. Theo Viện tim, phổi và máu quốc gia, một người có huyết áp khỏe mạnh ở độ tuổi 50 có tới 90% nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp ở người già
Cao huyết áp được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng vì không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng. Tuy vậy, nó lại có khả năng gây nên các tình trạng như đau tim, đột quỵ hoặc suy thận. Cách duy nhất để chẩn đoán là sử dụng máy đo huyết áp. Việc này bạn cũng có thể thực hiện tại nhà.
Một số như các trường hợp cao áp huyết gây do uống rượu nhiều quá, do bệnh của tuyến nội tiết, bệnh thận.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố ảnh hưởng, khiến người nọ có thể dễ mang bệnh cao áp huyết hơn người kia:
- Yếu tố gia đình: Cao áp huyết có tính di truyền. Có cha mẹ,anh em ruột cao áp huyết, đi khám bác sĩ, bạn nhớ cho bác sĩ biết điều này bạn nhé.
- Ðàn ông: Ðàn ông dễ cao áp huyết hơn phụ nữ. Tuy vậy, phụ nữ sau khi mãn kinh, cũng dễ cao áp huyết hơn lúc còn kinh.
- Tuổi tác: Cao áp huyết dễ xảy ra sau tuổi 35.
- Dòng giống: Người da đen hay cao áp huyết hơn người da trắng và bệnh cao áp huyết ở người da đen cũng nặng hơn.
- Béo phì: Khi sức nặng của ta trên sức nặng lý tưởng so với chiều cao và vóc người 30% trở lên.
Bệnh tiểu đường: Tiểu đường và cao áp huyết như đôi bạn thân, hay đi đôi với nhau, lại cùng nhau phá hoại tim và thận mạnh hơn.
- Rượu: Các khảo cứu cho thấy rượu uống nhiều và thường xuyên có thể đưa đến cao áp huyết, đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ bị tai biến mạch máu não và bệnh thận.
- Ðời sống thiếu vận động: Ðời sống thiếu vận động dễ gây béo mập như đã biết, có thể đưa đến cao áp huyết.
Cách chữa trị
Mục tiêu điều trị cao huyết áp là để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép, thường là dưới 140/90 mmHg đối với mức huyết áp mục tiêu chung.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Lưu ý, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Sau đây là các phương pháp chữa trị cao huyết áp:
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
Béo phì là một trong những nguyên nhân tăng huyết áp ở người cao tuổi. Bạn hãy đến gặp bác sĩ và nhờ tư vấn về cân nặng tối ưu của mình, dựa trên chiều cao, giới tính, thể trạng và tuổi tác. Nếu cân nặng vượt quá lý tưởng, hãy hỏi bác sĩ về việc giảm cân an toàn.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm trái cây và rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo. Sử dụng thực phẩm tươi sống sẽ tốt cho sức khỏe hơn so với thực phẩm đã được chế biến sẵn. Mặt khác, thực đơn dinh dưỡng như vậy cũng hỗ trợ cho việc duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Chế độ ăn DASH dùng trong quá trình điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi cũng rất dễ thực hiện.
Tập thể dục hàng ngày
Nếu thể trạng không thích hợp cho việc hoạt động thể chất, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những bài tập mà mình có thể thực hiện. Hầu hết những người lớn tuổi đều có thể tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ ngắn… Việc tập thể dục thể thao hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi.
Hạn chế hấp thụ muối
Muối là một trong nhiều nguyên nhân tăng huyết áp, đặc biệt là ở người già. Các chuyên gia sẽ gợi ý cho bạn hai cách để hạn chế muối trong bữa ăn thường ngày:
Không để lọ muối trong tầm mắt
Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn vì có rất nhiều muối ở trong đó với vai trò chất bảo quản.
Bỏ thuốc lá
Bệnh tăng huyết áp ở người già có nguy cơ cao xảy ra nếu bạn có thói quen hút thuốc lá. Do đó, bạn nên chấm dứt thói quen không tốt này. Bỏ thuốc lá không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể mà còn tác động tích cực đến sức khỏe của gan.
Hạn chế dùng thức uống chứa cồn
Một ly rượu vang đỏ có thể tốt cho sức khỏe, nhưng quá nhiều có thể sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Bạn nên tham vấn cùng bác sĩ về lượng cồn cơ thể có thể tiếp nạp cũng như khả năng tương tác của nó với những loại thuốc điều trị tăng huyết áp.
Coi trọng giấc ngủ ngon
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Điều này không có lợi đối với sức khỏe của người già. Không dùng thức uống chứa cồn hoặc caffeine trước khi đi ngủ và giữ không gian phòng ngủ thoải mái là hai trong số nhiều biện pháp có thể giúp bạn giải quyết tình trạng này.
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp
Nếu phương pháp thay đổi lối sống lành mạnh không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể kê toa cho bạn các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp. Dưới đây là một số loại phổ biến:
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu sẽ giúp tăng lượng chất lỏng mà cơ thể đào thải. Điều này đồng nghĩa với việc natri cũng sẽ theo đường đó ra khỏi cơ thể. Thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng kết hợp cùng với các loại thuốc khác.
Thuốc chẹn beta
Nhóm thuốc chẹn beta có công dụng giảm nhịp tim của bạn. Lúc này tim sẽ bơm ít máu đi qua các mao mạch hơn, dẫn đến tình trạng hạ huyết áp.
Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
ACE là tên viết tắt của enzyme chuyển đổi angiotensin. Thuốc ức chế men chuyển ngăn chặn hormone làm hẹp các mạch máu. Nếu mạch máu của bạn rộng ra, lưu lượng máu sẽ dễ dàng di chuyển. Từ đó, huyết áp cũng sẽ hạ.
Thuốc giãn mạch
Những loại thuốc này làm giãn nở các cơ thành mạch máu để hạ huyết áp.
Bác sĩ có thể kê toa một hoặc nhiều loại thuốc này. Họ sẽ theo dõi huyết áp của bạn để đảm bảo nó ở trong phạm vi lý tưởng. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng nhiều loại thuốc tăng huyết áp cũng có tác dụng phụ. Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ thay đổi nào kể từ khi bạn bắt đầu dùng thuốc.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà
Bạn có thể theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp cá nhân. Bạn nên học cách đọc chỉ số đo huyết áp trước khi sử dụng thiết bị này. Hãy đo huyết áp thường xuyên như bác sĩ khuyên dùng. Đến cuộc tái khám lần sau, hãy mang theo những kết quả mà bạn đã đo trong thời gian qua. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định rõ liệu những thay đổi mà bạn đã thực hiện có giúp ích hay không.
Bạn cần lưu ý rằng đo huyết áp tại nhà không thay thế cho việc đi khám bác sĩ thường xuyên. Các chuyên gia y khoa có thể muốn gặp bạn thường xuyên hơn bình thường để hỗ trợ bạn trong việc kiểm soát cũng như điều trị tăng huyết áp. Hãy chắc chắn để tuân thủ các khuyến nghị của họ. Bác sĩ cũng có khả năng đề nghị bạn thực hiện các cuộc xét nghiệm máu hoặc những loại xét nghiệm khác./.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Related news
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ