Bản tin dân số tháng 4

18/04/2019 | 08:45 AM

 | 

5 đột phá quan trọng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

 

5 đột phá quan trọng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

Thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT 2019) đã được thiết kế với 5 đổi mới quan trọng mang tính đột phá.

Thực hiện theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương cho biết, từ sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đầu tiên năm 1979, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999 và 2009 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở trên phạm vi toàn quốc.

Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại Việt Nam được thực hiện theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về phương pháp luận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của quốc gia, phục vụ mục đích so sánh quốc tế và tổng hợp dữ liệu toàn cầu. Qua mỗi chu kỳ, Tổng điều tra dân số và nhà ở đều có những bước đổi mới, cải tiến cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin trong nước và quốc tế.

Trong cuộc Tổng điều tra đầu tiên năm 1989, Việt Nam áp dụng các khái niệm, định nghĩa, phương pháp thiết kế và quy trình xử lý số liệu hiện đại được quốc tế thừa nhận. Đến năm 1999, Tổng điều tra đã bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhằm thu được nguồn số liệu toàn diện về kinh tế - xã hội và nhân khẩu học của Việt Nam. Năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở tiếp tục được thiết kế với hai chiến lược mới, đó là sử dụng cỡ mẫu 15% để mở rộng nội dung điều tra nhằm biên soạn một số chỉ tiêu cơ bản đại diện đến cấp huyện và áp dụng công nghệ nhận biết ký tự thông minh để nhập tin phiếu điều tra, qua đó nâng cao mức độ chính xác và rút ngắn thời gian xử lý số liệu.

5 đổi mới quan trọng mang tính đột phá

Thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế dần cắt giảm, trong khi nhu cầu thông tin về dân số ngày càng cao, TĐT 2019 được thiết kế với 5 đổi mới quan trọng mang tính đột phá.

Thứ nhất, ứng dụng CNTT trong tất cả các công đoạn của TĐT.

So với năm 2009, TĐT 2019 đã cải tiến cả và phương pháp và hình thức thu thập thông tin.

Trước hết về phương pháp thu thập thông tin, nếu như TĐT 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin), TĐT 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến).

Về hình thức thu thập thông tin, ngoài việc sử dụng hình thức phiếu giấy in sẵn như năm 2009, TĐT 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: Điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).

Do thay đổi về phương pháp và hình thức thu thập thông tin, nhiều công đoạn khác của TĐT cũng đã được thay đổi theo hướng ứng dụng CNTT bao gồm: Lưu trữ và sử dụng sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách thôn/tổ dân phố và địa bàn điều tra, lập và cập nhật Bảng kê hộ, chọn mẫu hộ, nhắn tin và gửi thư điện tử (email) đến các hộ đăng ký thực hiện Webform, kiểm tra và duyệt số liệu trực tuyến.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả TĐT, giảm kinh phí điều tra trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.

Thứ hai, áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn nhằm bảo đảm tính đại diện cấp huyện và tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, TĐT 2019 sẽ thu thập thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm bảo đảm tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm chi phí TĐT.

Cụ thể, TĐT 2019 áp dụng phương pháp phân tầng hai giai đoạn. Trong đó, bước 1: Phân bổ và chọn mẫu phân tầng theo huyện; trong mỗi huyện, các địa bàn điều tra mẫu được chọn theo phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô; bước 2: Trong từng địa bàn điều tra mẫu, các hộ mẫu được chọn ngẫu nhiên hệ thống theo khoảng cách. Theo đó, số lượng địa bàn mẫu là khoảng 40% tổng số địa bàn và quy mô mẫu chiếm khoảng 9% tổng số hộ trên cả nước.

Thứ ba, lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục phát triển bền vững toàn cầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2015.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, ngoài thông tin cơ bản về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở, một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu SDGs đã được thiết kế để thu hập trong TĐT 2019. Thực tế TĐT 2019 sẽ cung cấp thông tin phục vụ tính toán và đánh giá khoảng 10% các chỉ tiêu SDGs của Việt Nam.

Thứ tư, cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện TĐT.

Địa bàn điều tra sử dụng trong công tác thống kê là khu vực địa lý nơi có dân cư sinh sống, có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng. Về cơ bản, địa bàn điều tra là các thôn, buôn, xóm, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, tiểu khu.

TĐT 2019 quy định mỗi địa bàn điều tra có quy mô trung bình khoảng 120 hộ dân cư. Mỗi xã/ phường gồm nhiều địa bàn điều tra và ranh giới các địa bàn điều tra ghép lại sẽ thành bản đồ của xã/ phường đó.

Theo phương pháp luận quốc tế, sơ đồ sử dụng trong TĐT gồm sơ đồ nền xã/phường và sơ đồ chi tiết đến từng ngôi nhà/đơn vị nhà ở (sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra) nhằm bảo đảm không tính trùng hoặc bỏ sót dân số trong quá trình điều tra thực địa. Các cuộc TĐT trước đây đã thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí TĐT 2019 hạn chế nhiều hơn so với các cuộc TĐT trước, công tác vẽ sơ đồ đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng chỉ thực hiện vẽ sơ đồ nền xã/phường nhưng vẫn thể hiện rõ ranh giới giữa các địa bàn điều tra, các vật định hướng nhằm phục vụ công tác thu thập thông tin. Việc không thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra đã tiết kiệm NSNN ước tính khoảng 100 tỷ đồng.

Thứ 5, TĐT 2019 là căn cứ để đề xuất tiến tới không thực hiện TĐT 2019.

TĐT là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được luật định, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.

Hiện nay thông tin về dân số từ TĐT chỉ được cung cấp 10 năm một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có nhiều nguồn dữ liệu sẵn có liên quan đến dân số như dữ liệu từ hệ thống thống kê hộ tịch của Bộ Tư pháp, hệ thống thống kê hành chính của ngành công an, y tế; tuy nhiên, dữ liệu từ các nguồn này hầu như chưa đáp ứng yêu cầu về tổng hợp dữ liệu dân số do một số lý do như: Thông tin thu thập không đủ chi tiết; mỗi hệ thống thông tin sử dụng các quy ước và khái niệm về dân số khác nhau; cơ chế chia sẻ thông tin giữa hầu hết các cơ quan, bộ ngành có liên qua với Tổng cục Thống kê chưa được thiết lập một cách hiệu quả.

Do đó, nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho NSNN và tận dụng tối đa các lợi thế của CNTT, TĐT 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số, từ đó đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới khong thực hiện TĐT 2019.

Theo Chinhphu.vn

Tổng điều tra dân số, nhà ở: Lợi ích ‘sát sườn’ với mỗi người dân

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của từng người dân, từng gia đình trong thời gian tới.

Tất cả người dân đều được tính đến để không ai bị bỏ lại phía sau

Nhận định về tình hình biến động dân số và nhà ở toàn quốc trong 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng: Cuộc sống luôn biến động và công tác dân số cũng như vậy. So với Tổng điều tra dân số năm 2009 (TĐT 2009), 10 năm trôi qua với sự phát triển rất nhanh của KTXH đất nước, dân số nước ta cũng thay đổi rất nhiều cả về số lượng, cơ cấu, cả về phân bổ… Chính vì vậy, việc tiến hành TĐT 2019 có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối công tác dân số nói chung, mà còn tác động tới lợi ích sát sườn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng: Việc Tổng điều tra dân số và nhà ở vừa là hoạt động mang tính vĩ mô, vừa liên quan đến lợi ích của từng người dân cụ thể.

Dẫn thông điệp của Liên Hợp Quốc là “Tất cả mọi người đều được tính đến”, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh rằng: Cuộc TĐT của chúng ta như là một cơ hội để “Tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển KTXH đồng thời cũng là một người được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển KTXH của đất nước, để cho không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Tân lý giải, có TĐT chúng ta mới đánh giá được diễn biến dân số trong thời gian qua, qua đó xác định chúng ta có thực hiện đúng chiến lược dân số hay không. Kết quả này không chỉ giúp chúng ta giám sát quá trình thực hiện, mà còn giúp chúng ta dự báo được sự phát triển dân số trong những năm tới. Trên cơ sở đó để hoạch định chính sách phát triển dân số nói chung và xây dựng những chính sách cụ thể tác động đến từng người dân.

Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề mức sinh, ông Tân nêu vấn đề “chúng ta sẽ điều chỉnh mức sinh như thế nào? Và cho biết, về chính sách, trước đây chúng ta siết khá chặt nhằm giảm mức sinh. Nhưng vừa rồi (theo Nghị quyết 21 năm 2017) Đảng đã khẳng định là duy trì mức sinh thay thế. Như vậy những quy định về hạn chế mức sinh chắc chắn sẽ phải thay đổi và điều này sẽ tác động tới từng gia đình, từng cặp vợ chồng, từng người dân cụ thể.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Tân, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhấn mạnh thêm rằng: Cuộc TĐT 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đánh giá chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011-2020 và đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 5 năm, đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển KTXH của giai đoạn tới (2021-2030), đặc biệt là xây dựng kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.

Kết quả TĐT 2019 cũng là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có những chỉ tiêu như: Làm thế nào để giữ được mức sinh tự nhiên, mức sinh thay thế; hay giảm mức sinh chênh lệnh giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng núi với vùng đồng bằng.

Bên cạnh đó, kết quả cuộc TĐT này còn liên quan tới việc đánh giá kết quả thực hiện những chỉ tiêu mà chúng ta đã cam kết với Liên Hợp Quốc về sự phát triển bền vững. Bởi nếu chúng ta thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển bền vững sẽ tác động tới cuộc sống của từng người dân. Ví như chỉ tiêu mà chúng ta đã cam kết là: Tất cả mọi người đều được hưởng hạnh phúc, đều được hưởng hòa bình, không ai bị đói nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau… Cho nên thông tin của cuộc TĐT 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng cả ở tầm vĩ mô, cả ở tầm vi mô với từng người dân, từng gia đình.

Cuộc TĐT lớn nhất từ trước đến nay

Thông tin thêm về công tác chuẩn bị TĐT 2019, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là cuộc Tổng điều tra lớn nhất từ trước đến nay.

Theo ông, ngành thống kê có 3 loại tổng điều tra (gổm Tổng điều tra kinh tế; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp thủy sản; Tổng điều tra dân số), trong đó, Tổng điều tra dân số được thực hiện 10 năm 1 lần. Cuộc tổng điều tra dân số lần này là cuộc tổng điều tra lớn nhất so với những lần tổng điều tra trước đây cả về mặt quy mô lẫn ứng dụng phương pháp thực hiện.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Tổng cục Thống kê đã chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo cho cuộc Tổng điều tra dân số nhà ở 2019, đặc biệt là trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo thành công cuộc tổng điều tra này. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Thứ hai, Tổng cục xác định phương pháp luận theo các chuẩn quốc tế để áp dụng vào cuộc tổng điều tra lần này.

Thứ ba là xác định cách chọn mẫu để vừa đảm bảo suy rộng được kết quả của các chỉ tiêu, đồng thời phù hợp với mức kinh phí dành cho tổng điều tra.

Thứ tư, là cài đặt những thông tin để tính toán, đánh giá các chỉ tiêu để phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Đặc biệt, là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm nâng cao chất lượng thông tin.

Theo Chinhphu.vn

10 sự thật bất ngờ về các biện pháp tránh thai

Hãy đọc thử những điều dưới đây để khám phá thêm nhiều sự thật thú vị về các biện pháp tránh thai nhé!

1. Vào những năm 1950 và 1960, phụ nữ đã sử dụng Coca Cola để thụt rửa âm đạo như là một biện pháp tránh thai vì tin rằng acid carbonic có trong Coca Cola có thể diệt được tinh trùng.

2. Trứng có thể tồn tại trong ống dẫn trứng của người phụ nữ 24 giờ sau khi rụng. Còn tinh trùng có thể sống trong âm đạo người phụ nữ từ 3-5 ngày. Do đó, nếu muốn chủ động tránh thai bằng biện pháp tính ngày an toàn, bạn sẽ phải tránh quan hệ tình dục trong 5 ngày trước khi rụng trứng, ngày rụng trứng và cả 3 ngày sau khi rụng trứng.

3. Xuất tinh ngoài chỉ đạt tỉ lệ thành công khoảng 73% và nhiều chuyên gia y học thậm chí không công nhận đây là một biện pháp tránh thai.

4. Cọ rửa âm đạo sau khi quan hệ tình dục không phải là một biện pháp tránh thai an toàn. Ngược lại, bất kì chất lỏng nào tiếp xúc với âm đạo còn có thể khiến tinh trùng đi vào sâu hơn và dễ thụ tinh với trứng hơn.

5. Thuốc viên tránh thai được đánh giá là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại vì nó giúp thúc đẩy cuộc cách mạng bình đẳng giới mang tầm quốc tế và giúp nâng cao vai trò của người phụ nữ trong môi trường công sở.

6. Tại các nước đang phát triển, việc chủ động tránh thai đã giúp làm giảm tỉ lệ phụ nữ tử vong khi mang thai khoảng 40%. Nếu việc tránh thai được thực hiện đúng cách có thể làm giảm tỉ lệ này đến 70%.

7. Trong quá khứ, việc dùng thuốc viên tránh thai nhiều năm liên tục có thể khiến phụ nữ vô sinh. Tuy nhiên, điều này đã được chứng minh là sai.

8. Nhiều bác sĩ cũng từng cho rằng phụ nữ có thai ngay sau khi ngưng sử dụng thuốc viên tránh thai sẽ có khả năng sảy thai cao hơn bình thường. Điều này cũng đã được chứng minh là không có cơ sở.

9. Chủ động tránh thai giúp kéo dài khoảng cách giữa các lần mang thai. Nhờ đó, cũng làm giảm các nguy cơ khi sinh và tỉ lê tử vong của trẻ sơ sinh.

10. Cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn cho phụ nữ của các nước đang phát triển sẽ có thể ngăn chặn hơn 54 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, 26 triệu ca nạo phá thai và 7 triệu ca sảy thai.

 

 

Nhiều tỉnh, thành rốt ráo ra quân hưởng ứng Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Đây là lần thứ 5 Việt Nam tiến hành cuộc Tổng điều tra này. Ngay ngày đầu thực hiện, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân hưởng ứng.

 

Theo Quyết định 722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/6/2018, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày. Đây là lần thứ 5 Việt Nam tiến hành cuộc Tổng điều tra này. Ngay ngày đầu thực hiện, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân hưởng ứng.

Nhiều tỉnh/thành rốt ráo ra quân

Ngày 1/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra TP Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ hai trên cả nước với khoảng 2,2 triệu hộ được chia thành 17,8 nghìn địa bàn điều tra và để thực hiện khối lượng công việc này, thành phố đã huy động hơn 12 nghìn điều tra viên thống kê trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin các hộ dân cư. Đến thời điểm hiện tại, 100% các địa bàn Hà Nội đăng ký điều tra bằng công nghệ phiếu điện tử (CAPI). Tổng số hộ tự đăng ký tự cung cấp thông tin trên Internet là 13.000 hộ, chiếm 0,6%; đứng thứ 2 cả nước sau TPHCM

“Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra quan trọng, phức tạp, phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến các hộ dân cư và người dân thực tế thường trú trên địa bàn, thu thập số liệu trong thời gian ngắn, nhiều điểm mới nên được sự quan tâm của UBND Thành phố, các văn bản kế hoạch, chỉ thị đã được ban hành kịp thời và chỉ đạo quyết liệt”, ông Toản nhấn mạnh.

Cùng với Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, tại TP Vinh (Nghệ An), sáng 1/4, Lễ ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được tổ chức. Tại buổi lễ, ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh nêu rõ một số nội dung trọng tâm, các điểm mới và ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này; đề nghị đội ngũ điều tra viên các khối phố tập trung cao độ để hoàn thành điều tra theo tiến độ, đảm bảo chất lượng; kiến nghị cấp tỉnh và thành phố hỗ trợ đầy đủ về hạ tầng công nghệ thông tin, các vật tư văn phòng phẩm cần thiết.

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Sơn cũng lưu ý, địa bàn thành phố rộng nên có một số khó khăn khi tiếp cận với các hộ dân, bởi vậy UBND các phường, xã cần quan tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho điều tra viên, đồng thời cần phải tăng cường truyền thông để người dân được biết, cung cấp thông tin cho điều tra viên chính xác nhất.

Còn tại Đắk Lắk, cũng trong buổi sáng ngày đầu tiên cuộc Tổng điều tra chính thức bắt đầu, các địa bàn trong tỉnh đã tiến hành tổ chức đồng loạt các hoạt động thu thập thông tin Tổng điều dân số và nhà ở năm nay. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đạt kết quả cao nhất, tỉnh đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo, các điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên ở các cấp nói chung phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn được phân công để thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Ban chỉ đạo và thành viên tổ điều tra cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu và chuyển kịp thời về kho dữ liệu chung của cuộc tổng điều tra.

Hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuộc Tổng điều tra năm nay có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến khoảng 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người sẽ được điều tra, được tổ chức thành khoảng 217,6 nghìn địa bàn điều tra (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành Quân đội, Công an, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng, những người này sẽ được điều tra theo kế hoạch riêng của 3 Bộ: Quốc phòng, Công an và Ngoại giao).

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, cuộc tổng điều tra về dân số và nhà năm nay có sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên, tập trung thu thập các thông tin về dân số, tình trạng di cư, hôn nhân, mức độ sinh - chết và phát triển dân số, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng về nhà ở và nhiều nội dung thông tin khác. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của người dân.

“Việc thu thập thông tin đầy đủ và chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra lần này, theo các chuyên gia ngành Dân số, cuộc sống luôn biến động và công tác dân số cũng như vậy. So với Tổng điều tra dân số năm 2009, 10 năm trôi qua với sự phát triển rất nhanh của kinh tế - xã hội đất nước, dân số nước ta cũng thay đổi rất nhiều cả về số lượng, cơ cấu, cả về phân bổ. Chính vì vậy, việc tiến hành Tổng điều tra năm nay có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối công tác dân số nói chung, mà còn tác động tới lợi ích sát sườn của người dân.

Có thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở, chúng ta mới đánh giá được diễn biến dân số trong thời gian qua, qua đó xác định chúng ta có thực hiện đúng chiến lược dân số hay không. Kết quả này không chỉ giúp chúng ta giám sát quá trình thực hiện, mà còn giúp chúng ta dự báo được sự phát triển dân số trong những năm tới. Trên cơ sở đó để hoạch định chính sách phát triển dân số nói chung và xây dựng những chính sách cụ thể tác động đến từng người dân.

Đây cũng là cơ hội để tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội đồng thời cũng được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để cho “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tổng cục DS-KHHGĐ gửi công văn đến các Chi cục Dân số về việc có người mạo danh Tổng cục để bán sách

Tổng cục DS-KHHGĐ nhận thấy đây là hành vi mạo danh cán bộ Tổng cục và có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi.

Ngày 1/4, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có công văn số 151/TCDS-VP gửi Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố về việc có người mạo danh cán bộ Tổng cục DS-KHHGĐ bán sách cho Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố.

Công văn nêu rõ, gần đây, Tổng cục nhận được phản ánh của một số Chi cục Dân số về tình trạng có người xưng danh tên Trang, công tác tại Văn Phòng Tổng cục dùng nhiều số điện thoại khác nhau liên hệ với Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố để bán sách về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức bộ máy tại địa phương với giá 700.000 đồng/bộ.

Trước tình hình trên, Tổng cục DS-KHHGĐ nhận thấy đây là hành vi mạo danh cán bộ Tổng cục và có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi.

“Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định không bán sách và cũng không giao cho bất kỳ cán bộ nào thực hiện việc liên hệ các tỉnh, thành phố để bán sách dưới hình thức như một số Chi cục DS-KHHGĐ đã phản ánh”, công văn nhấn mạnh.

Công văn Tổng cục DS-KHHGĐ gửi Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố về việc có người mạo danh Tổng cục để bán sáchCông văn Tổng cục DS-KHHGĐ gửi Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố về việc có người mạo danh Tổng cục để bán sách

Do vậy, Tổng cục DS-KHHGĐ thông báo để Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố được biết. Nếu Chi cục các tỉnh, thành phố có thông tin liên quan đến việc bán sách của đối tượng này, xin cung cấp thông tin cho Tổng cục Dân số để Tổng cục tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Văn Tính, Chánh Văn phòng Tổng cục DS-KHHGĐ, người trực tiếp nhận được phản ánh từ các địa phương, xác nhận sự việc trên.

Theo ông Nguyễn Văn Tính, gần đây, một số Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ… đã nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng tên Trang làm ở Văn phòng Tổng cục.

Sau khi giới thiệu, người này đã “chào mời” các vị lãnh đạo mua bộ sách hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức bộ máy tại địa phương với giá 700.000 đồng/bộ. Để tạo niềm tin, người này còn cam kết, hình thức “mua bán” là sẽ giao qua bưu điện và thanh toán tiền khi nhận được sách.

Trước tình hình trên, có Chi cục "bán tín bán nghi" và gọi điện cho ông Tính để xác minh. Tuy nhiên, cũng có Chi cục tin lời người phụ nữ này và đồng ý đặt mua sách. Theo Chánh Văn phòng Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện tại, đã có Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Dương nhận được sách qua bưu điện.

Thế nhưng, khi nhận hàng từ bưu điện, cán bộ Chi cục này không được xem hàng bên trong. Đến khi trả tiền và mở hộp giấy mới phát hiện, thực chất, những quyển sách này không hề liên quan gì đến dân số cũng như việc hướng dẫn về công tác dân số ở địa phương như đã quảng cáo trước đó.

Ở một diễn biến liên quan, chị Lê Huyền Trang, chuyên viên Văn phòng Tổng cục DS-KHHGĐ – người bị mạo danh để tiếp thị bán sách cho các Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố cho biết, chị rất sốc khi biết thông tin này. Mong các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ vụ việc.

Nghịch lý đáng báo động về dân số và sức khỏe của người Việt

Có một điều đáng mừng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng, nhưng cũng có nghịch lý là người Việt đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm.

Tuổi thọ cao nhưng số năm bệnh tật nhiều

Trong chương trình Sức khỏe Việt Nam TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã đưa ra 5 vấn đề bất cập về sức khỏe của người Việt.

Theo đó, ông Bắc cho biết người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2.

"Nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Trung bình mỗi người Việt có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh", ông Bắc nói.

26 năm chiều cao tăng chỉ 3cm

Theo ông Bắc, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em. Nhưng tầm vóc, thể lực của người dân vẫn không thay đổi nhiều.

Sau 26 năm, từ năm 1993 đến nay chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm, với 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. So với các nước trong khu vực chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á rất thấp.

Bệnh không lây nhiễm tăng

Người Việt đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn).

Gánh nặng của các bệnh này đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

"Hiện nay, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 ca mắc mới ung thư", ông Bắc cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 cả nước có khoảng 520.000 ca tử vong các loại trong đó 73% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Tỷ lệ tử vong chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%).

Ít vận động thể lực

Ông Bắc cho hay, các bệnh không lây nhiễm tăng ở người Việt là do tăng các thói quen xấu như, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực. Gây ra tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu.

Theo số liệu điều tra năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn chiếm 45,3%. Trong khi đó, vẫn có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại.

"Trong ăn uống, hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây. Người Việt đang ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị. Khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực", ông Bắc nói.

Dân số Việt Nam già nhanh nhất thế giới

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự kiến, tới năm 2038 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên của Việt Nam đạt 20,1%.

Từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 10,2% tổng dân.

Năm 2015, trong số các nước Đông Nam Á, người Việt Nam có tuổi kỳ vọng sống sau 60 tuổi khá cao. Nhưng cũng có số năm sống bệnh tật cao.

Nữ giới sau 60 tuổi có kỳ vọng sống là 25 năm nhưng lại có số năm sống với bệnh tật tới 7 năm. Nam giới sau 60 tuổi có kỳ vọng sống là 19 năm và cũng có số năm sống bệnh tật tới trên 5 năm.

Chú trọng sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai

Thống kê từ Liên hiệp quốc (LHQ) mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%).

90% trẻ có thể mắc viêm gan B mạn tính

Hiện nay, tỉ lệ người nhiễm viêm gan B đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. Đặc biệt là tỉ lệ phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị viêm gan B từ 10 – 20%. Trên thực tế, tỉ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con là từ 5 – 10%, trong đó có tới 90% trẻ chuyển sang viêm gan B mạn tính.

Theo các chuyên gia của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), viêm gan virus B là một trong hai loại viêm gan do virus có gánh nặng lớn nhất đối với sức khoẻ cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan và xơ gan, gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B.

Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%

Hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B. Đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang virus viêm gan B sang con là đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B tại các nước châu Á. Phụ nữ nhiễm virus viêm gan B có thể truyền cho con khi mang thai, khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau đẻ.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em cho biết, trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ thì tỉ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỉ lệ lây nhiễm sang con từ 60 – 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ước tính có khoảng 5 – 10% nguy cơ nhiễm viêm gan B xảy ra cho thai nhi trong tử cung do virus xâm nhập qua gai rau bị tổn thương.

Trên thực tế, nhiều trẻ sinh ra từ mẹ có virus viêm gan B dương tính vẫn bị nhiễm bệnh viêm gan B sau khi sinh, mặc dù đã được tiêm vắc xin viêm gan B. Lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Tăng cường sàng lọc để phát hiện bệnh

Theo Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, hoạt động dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ bao phủ liều vắc xin viêm gan B sau sinh chưa cao, thậm chí giảm xuống.

Được biết, xét nghiệm virus viêm gan B cho phụ nữ trước khi sinh đã được triển khai tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai vẫn chưa được coi là xét nghiệm thường qui trong gói chăm sóc trước sinh cũng như chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm virus viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc viêm gan cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan virus tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cũng như chưa có sự điều phối tổng thể lồng ghép các hoạt động.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sự lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là một trong 3 bệnh (lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai) từ mẹ sang con gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hướng lớn đến sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em và phụ nữ mang thai không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi gây khó khăn cho việc loại trừ 3 bệnh này. Thời gian tới, mục tiêu loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con đã rất rõ ràng và đang được ngành y tế quyết tâm thực hiện.

Bộ Y tế đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030. Theo đó, ngành y tế sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục và tiếp cận bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó xác định gói can thiệp thiết yếu hiệu quả, đảm bảo cho mọi đối tượng có thể tiếp cận được khi có nhu cầu; đảm bảo tính bền vững của chương trình can thiệp loại trừ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trên cơ sở đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép và cung cấp gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định virus viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỉ lệ bảo vệ trên 90%).

Theo chân điều tra viên sắm điện thoại "xịn" phục vụ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Vì chiếc điện thoại "cùi bắp" ảnh hưởng đến tiến độ công việc, chị Phương đã quyết định sắm ngay một chiếc mới "xịn" hơn để phục vụ cho cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay được thuận lợi, sớm hoàn thành công việc được giao.

Theo Quyết định 722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4 và kéo dài trong 25 ngày. Đây là cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc, với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên.

Chị Nguyễn Thị Phương (áo hoa) là một trong hơn 12.000 điều tra viên trên địa bàn Hà Nội trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà năm 2019.

Tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội là thành phố có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ hai trên cả nước với khoảng 2,2 triệu hộ, được chia thành 17,8 nghìn địa bàn điều tra tại 30 đơn vị hành chính. Để thực hiện khối lượng công việc này, thành phố đã huy động hơn 12.000 điều tra viên trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin tại các hộ dân.

Là một trong hơn 12.000 điều tra viên tại Hà Nội tham gia vào cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay, chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1966, sống tại ngõ 8, Hà Trì 1, Hà Cầu, Hà Đông) cho biết, đây là lần thứ 2 chị tham gia cuộc tổng điều tra này. Tuy nhiên, những trải nghiệm lần này khác hoàn toàn so với lần trước.

Chị Phương cho biết, ban ngày, có rất ít người ở nhà hoặc chủ yếu chỉ gặp những người cao tuổi, họ không nhớ chính xác nhiều thông tin nên chị chủ yếu đi điều tra vào buổi tối - lúc có đông đủ các thành viên ở nhà.

Nếu như cách đây 10 năm, chị thực hiện việc điều tra thông tin dân số đơn thuần qua việc hỏi thông tin các hộ dân và kỳ cạch viết ra bảng kê thì đến lần này, mọi thao tác đều được thực hiện trên các thiết bị điện tử thông minh.

Theo chị Phương, để thực hiện tốt nhiệm vụ lần này, chị cũng như các điều tra viên khác đã phải trải qua nhiều cuộc tập huấn, phổ biến về hình thức mới cũng như việc thực hành trên phần mềm điều tra như thế nào cho chuẩn xác.

"Ban đầu khi nghe phải làm tất cả mọi việc trên điện thoại, tôi cũng nản lắm vì mình đã lớn tuổi, việc sử dụng điện thoại thông minh không được nhanh nhạy như những bạn trẻ bây giờ. Lúc ấy, chỉ mong quay lại việc điều tra "thủ công" trên giấy như lần trước. Thế nhưng, sau nhiều lần được đào tạo và thực hành, giờ tôi đã thấy quen việc và phải công nhận, phương pháp mới lần này "sướng" hơn rất nhiều, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức ghi chép cho chúng tôi", chị Phương nói.

Là người đã trải qua nhiều lần điều tra về dân số, bà Nguyễn Thị Đông (72 tuổi, sống tại đường Liên khu, Hà Trì 1) cho biết, bản thân bà ngạc nhiên khi lần này không thấy ai phải cặm cụi ghi chép những gì bà cung cấp. Thay vào đó là thao tác "bấm bấm" trên điện thoại và cuối cùng là thông tin bà vừa nói đã có trên máy chủ của hệ thống. "Đúng là xã hội ngày càng hiện đại, tiết kiệm nhiều thời gian cho người dân", bà Đông nói.

Tuy nhiên, để công việc Tổng điều tra trong những ngày qua được trơn tru, thuận lợi, chị Phương cũng chia sẻ một kỷ niệm vui xuất phát từ chiếc điện thoại của chị - công cụ chính phục vụ công tác điều tra lần này.

Điều tra viên Nguyễn Thị Phương tranh thủ kiểm kê những hộ đã được thu thập thông tin điều traChị cho biết, trước đây, chị chỉ sử dụng điện thoại chủ yếu vào việc nghe gọi nên chiếc máy cũ có chậm một chút cũng không quá quan trọng. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên "vác" chiếc máy "cùi bắp" đi làm, chị mới thấy nó ảnh hưởng đến tiến độ công việc của chị như thế nào.

 "Vì màn hình máy đã cũ nên có hơi bị "đơ". Vì vậy, để điều tra xong một hộ dân, tôi phải mất từ 20 đến 25 phút, thậm chí là nửa tiếng đồng hồ cho một hộ đông người", chị Phương chia sẻ.

Chiếc điện thoại "xịn" mới được sắm đã giúp ích rất nhiều cho công việc của chị Phương lần này.

Trong khi đó, theo chị Phương, chị được phân công phụ trách điều tra 97 hộ dân đang sống trong khu Hà Trì 1. Nếu cứ sử dụng chiếc máy cũ, chị sợ sẽ không đảm bảo tiến độ công việc. Do vậy, chị đã quyết định sắm ngay một chiếc điện thoại "xịn" hơn để phục vụ cho cuộc Tổng điều tra dân số lần này được hoàn thành một cách tốt nhất.

Theo Giadinh.net.vn

Con số báo động việc phụ nữ mắc UTCTC nếu không sàng lọc, tiêm ngừa trong 50 năm tới

Nếu không sàng lọc và tiêm ngừa vi rút HPV ước tính khoảng 15 triệu phụ nữ sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung (UTCTC) trong số 44 triệu ca mắc mới trong vòng 50 năm tới.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu tháng 02/2019 cũng cho thấy, chỉ trong năm 2018, cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc UTCTC. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ. Tại Việt Nam, theo báo cáo của HPV Information Center năm 2018, UTCTC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 4,177 ca mắc mới và 2,420 ca tử vong do UTCTC; điều đó đồng nghĩa, căn bệnh nguy hiểm này cướp đi khoảng 7 sinh mệnh phụ nữ Việt mỗi ngày.

Tại hội thảo khoa học Vai trò của chủng ngừa trong chiến lược dự phòng HPV dưới sự điều hành của Hội Y học  Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM vừa diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin về mức độ nguy hiểm của UTCTC. Theo đó, 99,7% nguyên nhân gây UTCTC có liên hệ chặt chẽ đến vi rút HPV với 70% là liên quan hai chủng HPV 16 và 18. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV, đi cùng với tầm soát định kì.

Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của vắc xin ngừa vi rút HPV, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: “Vắc xin ngừa HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như các mụn cóc sinh dục, các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin ngừa HPV đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao sau 14 năm nghiên cứu”.

Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Úc đã công bố có thể loại bỏ UTCTC trên toàn cầu. Theo đó, nếu có thể đạt được phạm vi tiêm chủng rộng rãi và mở rộng sàng lọc cổ tử cụng, sẽ có 149/181 quốc gia có thể loại bỏ UTCTC vào nửa đầu thế kỷ này. Ngoài ra, bằng việc sử dụng các mô hình động và dữ liệu chất lượng cao từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng việc thực hiện các bước này sẽ ngăn ngừa tới 13,4 triệu trường hợp UTCTC trong vòng 50 năm (2069).

Vắc xin ngừa HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều. Theo đó, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

Theo Giadinh.net.vn

 

Gia đình ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng bạo lực của trẻ

Trong những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, chính học sinh nhận định rằng gia đình là phần quan trọng tạo ra khuynh hướng bạo lực.

Trong những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, chính học sinh nhận định rằng gia đình là phần quan trọng tạo ra khuynh hướng bạo lực.PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM - người có nhiều năm nghiên cứu tình trạng bạo lực học đường - nói vớiPV rằng xã hội cần có cái nhìn công tâm hơn về tình trạng bạo lực học đường. Học sinh dù non nớt, nhất thời nông nổi, cũng cần phải nghiêm túc đối diện pháp luật, nếu các em xúc phạm thân thể, danh dự người khác.

Trong khi đó, nhiều người lớn đang mắc lỗi tư duy khi kỳ vọng và đòi hỏi quá nhiều nhưng lại có nhiều mâu thuẫn trong việc dạy dỗ con trẻ, khiến bạo lực học đường trở thành bài toán nan giải.

Nhà trường có lỗi nhưng không phải tất cả- Là người nhiều năm nghiên cứu về chủ đề bạo lực học đường, theo ông, nguyên nhân sâu xa của "bài toán khó" này là gì?

- Lý giải về nguyên nhân của bạo lực học đường cần xem xét trên nhiều góc độ khác nhau như gia đình, xã hội, nhà trường và bản thân trẻ. Chúng ta không trách học sinh, bởi các em cũng là "thực thể” chịu tác động từ người lớn. Nhưng chính các em cũng nhận ra sự gàn dở hay tệ hại của chính mình.

Cụ thể, bản thân trẻ bạo hành người khác cũng thốt lên rằng thật sự xấu hổ khi xem lại hình ảnh của chính mình. Nếu cho rằng mọi nguyên nhân đến từ nhà trường thì phải chăng đã vô hiệu hóa vai trò của xã hội, đoàn thể, các lực lượng giáo dục khác. Nói thế để có cái nhìn công bằng nhằm tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đó là văn hóa và giáo dục mà nhà trường là đại diện chính.

Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát với 2.070 học sinh trung học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ tháng 9/2018 đến tháng 2/2019, nhằm tìm ra nguyên nhân của bạo lực học đường. Kết quả cuộc khảo sát đưa ra những con số đáng suy ngẫm.

Theo đó, học sinh trung học nhận định bạo lực học đường có 3 nhóm nguyên nhân là gia đình, nhà trường và xã hội. Xin nhấn mạnh, nhà trường thực sự có trách nhiệm nhưng chính nền văn hóa chung của chúng ta phải đồng hành và trao cho nhà trường những tác động đồng bộ. Không thể chỉ nhìn một phía nếu ta muốn giải quyết vấn đề tận gốc

- Về tâm lý, những học sinh là nạn nhân của bạo lực sẽ chịu ảnh hưởng về lâu dài như thế nào?

- Hậu quả hay hệ lụy của việc bị bạo hành không dễ định lượng, phải có các yêu cầu lâm sàng khá chi tiết mới có thể xác định tình trạng của học sinh.

Trên bình diện chung, trẻ bị bạo hành thường có những hành vi khó dự báo. Khi bị bạo hành, phản ứng cảm xúc thụ động của các em là không làm gì, chỉ chờ cho nó qua đi. Sự phản ứng thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan. Từ đó, trẻ lo lắng, căng thẳng, sợ sệt và trầm cảm hay sang chấn tâm lý.

Ở góc độ khác, một số trẻ dễ có hành vi bộc phát, phát sinh những cảm xúc tiêu cực, dễ bị kích thích, bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh. Mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi mình. Từ đây, sự hung hăng hay phản ứng thái quá hoặc phản ứng tự vệ có thể xuất hiện một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, nhận thức sai về chuẩn giá trị cũng ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần và định hướng thiếu chuẩn mực là những hệ lụy dễ thấy.

Lo lắng môi trường học đường không còn bình yên- Gần đây, bạo lực học đường có xu hướng tăng nhanh và có phần nghiêm trọng. Người ta lo sợ môi trường học đường chính là nơi đầu tiên trẻ bị đối xử bạo lực. Ông nghĩ sao về vấn vấn đề này?

- Cần thừa nhận rằng môi trường học đường phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện. Nhiều vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục khiến không ít người lo lắng về môi trường học đường ngày nay.

Trường học cần xem xét sự tác động của mình đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Chưa kể ngay trong nhà trường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ. Nhiều thầy cô chỉ chăm chăm bắt trẻ học hành để lấy thành tích.

Ngoài ra, phương pháp giáo dục của nhiều thầy cô còn quá cứng rắn, phản sư phạm. Không ít giáo viên vẫn cho rằng mình là bậc bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh học sinh. Từ đó, họ không có sự đầu tư cho công tác giáo dục đạo đức.

Nhưng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao nó có thể miễn nhiễm từ xã hội? Hàng ngày, hàng giờ, một đứa trẻ đang trưởng thành vẫn thu nạp những hình ảnh thực tế ngoài xã hội. Đó là chưa kể công nghệ đang lấn át và làm chủ con người, nếu họ thụ động. Mạng xã hội, phim ảnh, tác động đáng kể đến các em. Ai sẽ kiểm soát vấn đề này trong khi thần tượng của nhiều em là "chị Google", "anh Internet"?

Tất nhiên, các nguyên nhân khác từ gia đình, bản thân trẻ cũng là những vấn đề đáng kể.

- Các nước trên thế giới giải quyết ra sao khi bạo lực học đường trở thành vấn nạn khiến xã hội lo lắng?

- Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề bạo lực học đường khiến nhiều nước đau đầu, ngay cả Mỹ.

Năm 2001, một nghiên cứu do Tonja Nansel và đồng nghiệp thực hiện chỉ ra rằng trong số hơn 15.000 học sinh Mỹ từ lớp 6 đến lớp 10, khoảng 17% cho biết họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị bắt nạt trong cả năm học. Gần 19% cho rằng “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” bắt nạt bạn khác và 6% nói rằng họ vừa đi bắt nạt người khác vừa là nạn nhân của bắt nạt.

Ở Australia, nghiên cứu thử nghiệm đã thiết lập cơ chế “bảo hộ”, phân công một học sinh lớn đưa đón một học sinh nhỏ tới trường. Nét chung của các chương trình chống bắt nạt quốc tế là sự tỉ mỉ, chu đáo, có hệ thống và tôn trọng nhân cách của học sinh và phụ huynh.

Ở Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, mô hình tư vấn học đường, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống rất quan trọng. Những chương trình này giúp trẻ hình thành định hướng giá trị, khả năng kiểm soát bản thân. Chính những trẻ em yếu thế cũng được khơi gợi nội lực để bảo vệ chính mình.

Và ở nhiều quốc gia, các vấn đề giáo dục pháp luật, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội được thực hiện rất hiệu quả. Xin khẳng định mã nghề tư vấn tâm lý học đường được phát triển bài bản và có nhiều thành tựu góp phần giáo dục học sinh, nâng đỡ học sinh.

 "Trẻ sai cần nghiêm túc đối diện pháp luật"- Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay, các nhà quản lý đã quá nhân nhượng với tình trạng bạo lực học đường, do đó vấn đề mới ngày càng nghiêm trọng?

- Thực ra đây là vấn đề không sai nhưng chưa đủ. Chúng ta đang mắc lỗi trong tư duy, muốn nhiều quá, tự suy diễn không có căn cứ, cũng như mâu thuẫn chính mình.

Một mặt, chúng ta muốn thầy cô nhẹ nhàng, êm ái và không trách phạt trẻ em. Rất đúng! Nhưng cũng chính chúng ta muốn phải kỷ luật nghiêm khắc với các em có hành vi sai. Điều này cũng không sai. Nhưng liệu có nhân văn như mong mỏi của nhiều người?

Nhiều người hàng ngày vẫn làm "anh hùng bàn phím", chê trách, dè bỉu người có hành vi bạo lực. Nhưng khi các nhà giáo rèn học sinh một cách nghiêm khắc, chính chúng ta lại lại bày tỏ sự giận dữ. Sự thái quá này đang tồn tại và làm cho nhiều mâu thuẫn xuất hiện bởi chính tư duy của chúng ta đã rối.

Nếu thẳng thẳng thắn và nghiêm khắc đối với những hành vi có dấu hiệu xúc phạm người khác, chúng ta nên dùng pháp luật để giải quyết. Thế nhưng, người lớn vẫn xem các em là vị thành niên, sai sót là nhất thời. Thậm chí, lỗi được quy cho ai đó - người lớn, thầy cô, cha mẹ - mà quên rằng chính các em phải chịu trách nhiệm nhất định về hành vi của mình.

Có lẽ, những vấn đề cần xem xét không phải chỉ là Luật Giáo dục, Quyền Trẻ em, vấn đề pháp luật liên quan trẻ, mà cả thái độ, sự công tâm của mỗi người khi nhìn về vấn đề này.

- Theo ông, giải pháp căn cơ trong lúc này để từng bước giải quyết tình trạng bạo lực học đường là gì?

- Các giải pháp đồng bộ sẽ hữu hiệu hơn những gì căn cơ trong bối cảnh này. Dĩ nhiên, gia đình, xã hội, nhà trường phải có trách nhiệm. Từ góc độ nhà nghiên cứu, người làm tư vấn, chúng tôi nghĩ nhà trường cần thay đổi đầu tiên. Vì thế, các giải pháp nhà trường sẽ được ưu tiên.

Các trường nên áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với tình huống bạo lực học đường; tiến hành tư vấn tâm lý có chú trọng đến nội dung về bạo lực học đường; tổ chức câu lạc bộ, buổi học ngoại khóa về kỹ năng sống có chú trọng nội dung bạo lực học đường; cung cấp kiến thức về bạo lực học đường và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh thông qua hệ thống chuyên đề.

Trường cũng nên xây dựng bầu không khí thân thiện, góp phần hạn chế bạo lực học đường; giám sát và quản lý học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm hiểu và hạn chế tình trạng bạo lực học đường; can thiệp kịp thời, đúng lúc và hiệu quả thiết thực khi có hiện tượng bạo lực học đường xảy ra.

Xin nhấn mạnh rằng chúng ta đang tích cực thay đổi chương trình giáo dục, các thông tư về phát triển công tác tham vấn học đường đã ra đời và đang áp dụng. Việc bồi dưỡng giáo viên làm tham vấn kiêm nhiệm đang thực hiện trên cả nước, chương trình đào tạo cử nhân tâm lý học trường học đang được thử nghiệm.

Dân số tăng nhanh: Bài toán làm "đau đầu" các nhà quản lý

Bên cạnh áp lực về ùn tắc giao thông thì việc gia tăng dân số sẽ tạo thêm những áp lực về y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và đặc biệt là nhà ở.

Mất cân đối giữa mức gia tăng dân số và quy hoạch đất ở, nhà ở

Dân số hiện tại của Việt Nam ước tính trên 97 triệu người, đông dân thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Với tổng diện tích đất là 310.060 km2, mật độ dân số của Việt Nam là 313 người/km2 cao nhất trong các nước trong khu vực.

Theo UBND TPHCM, trong 10 năm gần đây, dân số của TPHCM tăng bình quân khoảng 170.000 người, gần bằng dân số của một quận có quy mô nhỏ của thành phố. Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, dân số của TP HCM đến thời điểm ngày 23/1/2019 là 8.859.688 người, tăng 64.823 người so với thời điểm 30/6/2018. Số liệu này chưa tính lực lượng bộ đội và công an ở tại hộ. Như vậy trong thời kỳ 10 năm, từ năm 2009 -2019, tốc độ tăng dân số bình quân của TPHCM là 2,15%/năm. Bình quân một năm thành phố tăng khoảng 170.000 người, gần bằng dân số của một quận có quy mô nhỏ ở thành phố.

Tính đến cuối năm 2018, Hà Nội có khoảng 7,8 triệu người, trong đó, có gần 1,5 triệu người tạm trú. Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Nếu không tính người dân các địa phương lân cận về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai, thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng trên 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất. So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100 - 200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao.

Những hệ lụy của gia tăng dân số đang tạo nên những áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và đặc biệt là nhà ở. Khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở. Trong đó, 10.000 cán bộ, công chức; 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo; 17.000 lao động khu công nghiệp… đang mong có nhà ở.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng nhiều, đặc biệt ở TP Hà Nội, nhưng nguồn cung đáp ứng không đủ và vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tại các thành phố có lực lượng lao động trẻ đông, dân nhập cư lớn như Hà Nội, nhu cầu nhà ở rất cao. Đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở khoảng 1,2 triệu người; dự kiến đến năm 2020, sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.

Giãn dân và phát triển mạnh nhà ở xã hội

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở, nhiều người dân ở cả hai thành phố Hà Nội và TPHCM phải thuê nhà hoặc “nhảy dù” chiếm dụng đất trống làm nhà ở.

Giá nhà tăng cũng một phần do nhập cư quá đông, từ đó số lượng nhà thuê không đủ đáp ứng. Trong đó, ở TPHCM tại các quận 9, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn… chỉ trong 10 năm trở lại đây gia tăng dân số một cách chóng mặt.

Ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Nơi nào có người dân nhập cư đông là nơi đó nở rộ nhà không phép do người dân làm liều. Hầu như năm nào các huyện vùng ven thành phố cũng xảy ra hàng trăm trường hợp xây dựng không phép.

Để giải quyết phần nào nhu cầu về nhà ở, TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nếu dựa trên phép tính nói trên thì hiện TPHCM thiếu hụt hàng chục ngàn căn nhà. Hiện ở quận Bình Tân, nơi có số dân nhập cư cao hiện đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội và trình UBND thành phố phê duyệt 8 đồ án quy hoạch trên địa bàn để sớm gỡ khó khăn. Quận này cũng đã chuẩn bị quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, đồng thời phát triển, cải tạo loại hình nhà ở cho công nhân thuê, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú ở khu công nghiệp Tân Bình mở rộng.

Còn Hà Nội đang có nhiều phương án để giãn dân trong khu vực nội thành. Theo đó, Hà Nội thực hiện Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 5 khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Tuy nhiên, 5 khu đô thị này hiện mới chỉ trong giai đoạn lập quy hoạch. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm khu đô thị vệ tinh Đông Anh theo hướng xây chung cư. Việc triển khai thêm khu đô thị này cũng nhằm giãn dân, giảm tải áp lực nhà ở, giao thông cho khu vực nội đô.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở nhiều nước công nghiệp phát triển đều có chính sách và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, người nhập cư. Phổ biến nhất là hình thức thuê nhà ở xã hội, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (thuê dài hạn từ 20-30 năm). Hàn Quốc có 5 loại hình "căn hộ công" cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỉ lệ đặt tiền thế chân, thời gian thuê khác nhau: 50, 30, 20 năm hay từ 5-10 năm. Theo ông Châu, việc đầu tư xây dựng chuỗi đô thị như vậy sẽ có giá trị lâu dài và giải quyết bài toán nhà ở.

Bản tin dân số - Đồng loạt ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Ngày 1/4 vừa qua, Toàn bộ điều tra viên trên toàn quốc đã chính thức ra quân thu thập thông tin và làm nhiệm vụ. Với quy mô, tầm ảnh hưởng được coi là lớn nhất từ trước đến nay và kết quả cuộc điều tra lần này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số giai đoạn tiếp theo

Đồng loạt ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Ngày 1/4 vừa qua, Toàn bộ điều tra viên trên toàn quốc đã chính thức ra quân thu thập thông tin và làm nhiệm vụ. Với quy mô, tầm ảnh hưởng được coi là lớn nhất từ trước đến nay và kết quả cuộc điều tra lần này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số giai đoạn tiếp theo.

Cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược cho giai đoạn 2021-2030, xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của đất nước. Các kết quả điều tra góp phần tạo cơ sở giám sát hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc, phối hợp nhanh chóng, kịp thời của các cấp, các ngành để đạt được hiệu quả cao nhất về các thông tin dân số, chất lượng dân số và nhà ở.

Hơn 400 cán bộ dân số tại Nghệ An được cung cấp thông tin kiến thức về công tác dân số trong tình hình mới

Nhằm nâng cao kiến thức về chất lượng dân số và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục về Dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho cán bộ và nhân dân. Ngày 4/4, tại Nghệ An Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Diễn Châu tổ chức chương trình “Truyền thông tư vấn tại cộng đồng về Dân số, chăm sóc SKSS” năm 2019 Tại buổi truyền thông, hơn 400 cán bộ dân số đã được cung cấp thêm những thông tin, kiến thức về Công tác Dân số và Phát triển trong tình hình mới; Kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc đã được truyền tải phong phú, thu hút, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi về dân số trong tình hình mới.

Tái tạo nguồn năng lượng mới cho công tác dân số ở Hà Tĩnh

Theo tinh thần Nghị quyết 78 tỉnh Hà Tĩnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2014 - 2020, những khó khăn trong cơ cấu tổ chức bộ máy, con người làm công tác dân số, đặc biệt là ở cấp cơ sở qua quá trình giải thể, tách, nhập đã được giải quyết.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện khá hoàn chỉnh ở cả cấp huyện và xã. Từ đó mỗi thành viên đều phát huy vai trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Đội ngũ cộng tác viên dân số cũng được kiện toàn và kiêm nhiệm các chức danh dân số, gia đình và y tế thôn bản.

Song hành với việc tham mưu, ban hành những chính sách... Nghị quyết 78 của tỉnh đã giải quyết cơ bản vấn đề kinh phí. Nguồn kinh phí đã tạo thuận lợi cho công tác dân số tại Tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai các chương trình, hoạt động để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt là có được sự chủ động trong triển khai và phủ sóng chiến dịch CSSKSS - KHHGĐ. Đó cũng là yếu tố để những năm qua, công tác dân số ở Hà Tĩnh ngày càng chuyển biến.

 

 

15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như: Hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Điều này đem đến những gánh nặng về mặt xã hội.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm Trưởng phòng M3 (các rối loạn liên quan đến stress) Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, stress là một dạng sang chấn tâm lý.

Nguyên nhân dẫn đến stress có thể do sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân…

Theo bác sĩ Tâm có 2 dạng stress thường gặp ở người bệnh

Stress bệnh lý cấp tính: Các tình huống stress không thể lường trước được hoặc những tình huống quá dữ dội đối với người bệnh. Người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ hay vài ngày gây ra các stress bệnh lý cấp tính.

Stress bệnh lý kéo dài: Thường gặp trong các tình huống stress quen thuộc lặp đi lặp lại đối với người bệnh. Sự xung đột, sự bất mãn hoặc những phiền nhiễu xảy ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày.

"Stress có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng cũng có thể chỉ là yếu tố thúc đẩy một bệnh sẵn có phát sinh. Những người chịu stress càng khó tìm được lối thoát càng dễ bị bệnh" bác sĩ Tâm cho biết.

Các rối loạn lo âu liên quan đến stress ngày càng gia tăng, thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam.

Ở nước ta, Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress.

Lo âu mang đến nhiều gánh nặng xã hội, kinh tế, có khoảng 350 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu. Chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.

Hiện nay, có 30-50% số bệnh nhân không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa.

Theo TS Dương Minh Tâm đa phần người bệnh không biết mình bị bệnh gì. Khi bắt gặp một số triệu chứng lo âu hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, vã mồ hôi run tay run chân, khô miệng, cảm giác khó thở, hụt hơi, đau hoặc khó chịu ở vùng ngực hoặc khó chịu ở vùng bụng, nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn khan,… bệnh nhân hay nhầm rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, …"

Đa số bệnh nhân đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán là lo âu, mọi người thường có tâm lý tránh nén các cơ sở khám thần kinh" Bác sĩ Tâm cho hay.

Thông tin thêm một số trường hợp mắc chứng rối loạn do stress TS Dương Minh Tâm cho biết Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ 38 tuổi.

Sau một thời gian biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, bệnh nhân có cảm giác đau đầu mất ngủ. Mỗi khi gặp căng thẳng thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược.

Trước khi nhập viện bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệp. Đã được điều trị ở (Khoa tim mạch, thần kinh ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, TW) nhưng các biểu hiện trên không thuyên giảm.

Gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị và được chuẩn đoán rối loạn dạng cơ thể do stress.

Theo TS Dương Minh Tâm đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân không nhận biết, hoặc nhận biết sai về tình trạng của mình, dẫn đến mất khá nhiều chi phí trước khi tìm đến viện.

Một số bệnh nhân lo âu có thể phục hồi hoàn toàn sau điều trị, tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ có thể điều trị để làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các bệnh nhân mắc rối loạn lo âu nên đến khám sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần, các chuyên gia tâm lý.

Để điều trị lo âu ngoài sử dụng thuốc cần kết hợp nhiều phương pháp, điều chỉnh lối sống, liệu pháp thư giãn và liệu pháp nhận thức hành vi.

"Bí quyết vàng" từ địa phương luôn dẫn đầu trong công tác dân số

Lương Ninh là một trong những địa phương luôn dẫn đầu trong công tác dân số của huyện Quảng Ninh thời gian qua.

 Nhiều năm liền, tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương luôn ở mức thấp, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện…

Ban DS-KHHGĐ thường xuyên phối hợp với trạm Y tế xã để tư vấn, tuyên truyền về CSSK/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: T.G

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Xã Lương Ninh có 3 thôn với 1.224 hộ/4.571 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước đây, do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân hạn chế, quan niệm “sinh con trai để nối dõi” còn khá nặng nề nên số người sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn cao.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ phát triển dân số của xã luôn duy trì ở mức dưới 0,7%; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt gần 90%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống còn 7,5%, xã đã đạt được mức sinh thay thế... Đây là kết quả đáng ghi nhận sau những nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số nơi đây.

Để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác dân số, thời gian qua, Ban DS-KHHGĐ xã đã chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, mở hội nghị nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, phối hợp tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp của các Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân, Đoàn Thanh niên…

Năm 2018, xã đã tổ chức 24 lượt tuyên truyền hưởng ứng cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên loa phát thanh, thu hút 3.850 lượt nghe; 3 hội nghị tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính, công tác DS trong tình hình mới tại 3 thôn, thu hút gần 200 người tham gia; tổ chức tuyên truyền lồng ghép với Hội Phụ nữ nhân các ngày lễ kỷ niệm thu hút hơn 780 lượt hội viên tham gia…

Tuyên truyền tới các đối tượng là người lớn tuổi trong gia đình

Năm 2018, Ban DS-KHHGĐ đã phối hợp với trạm y tế xã triển khai 4 đợt truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSK/KHHGĐ, thu hút 350 lượt người tham gia khám phụ khoa và 58 người điều trị bệnh. Đặc biệt, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang dần được người dân chú trọng, năm 2018, có 46 bà mẹ mang thai đã được khám sàng lọc trước sinh, 9 trẻ sinh ra được lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc. Mặc dù số lượng trẻ được sàng lọc sơ sinh chưa cao nhưng Lương Ninh là một trong những địa phương có ý thức trong việc tầm soát bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các thôn hàng tháng sinh hoạt đều đặn. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ, chị em được nói chuyện, trao đổi kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi... Không chỉ tuyên truyền cho đối tượng nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cán bộ dân số còn mở rộng tới các đối tượng là người lớn tuổi trong gia đình. Chính các cụ ông, cụ bà sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực, động viên con cháu thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

Nhờ làm tốt công tác dân số mà thôn Phú Cát, 11 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3, chất lượng dân số nơi đây được tăng lên đáng kể. Đây là địa phương có Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 sinh hoạt thường xuyên và khá hiệu quả, nhiều hộ gia đình sinh con một bề nhưng họ vẫn dừng lại số con hiện có sau khi được vận động tham gia câu lạc bộ.

Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Tuẩn, cán bộ dân số xã Lương Ninh, công tác dân số trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng còn chậm, trường hợp đảng viên vi phạm chính sách dân số vẫn còn làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ dân số, mức chênh lệch giới tính còn cao…Trong thời gian tới, xã Lương Ninh sẽ tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, giúp người dân hiểu rõ hơn công tác dân số trong tình hình mới ở Quảng Bình.

Công bố mới: Tuổi thọ trung bình của người dân tăng, nữ sống thọ hơn nam

Số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, nữ giới có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố trong báo cáo thống kê y tế toàn cầu cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới đã tăng thêm 5,5 năm trong giai đoạn 2000 – 2016 và nữ giới sống thọ hơn nam giới.Theo báo cáo thống kê y tế toàn cầu, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ 66,5 tuổi năm 2000 lên 72 tuổi năm 2016.

Số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, nữ giới có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới. Khi được sinh ra, số bé trai dường như được dự báo sẽ nhiều hơn số bé gái trong năm nay, với khoảng 73 triệu bé trai và 68 triệu bé gái. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn ở các bé trai và nam giới trưởng thành, do vậy tỷ lệ sẽ thay đổi khi dân số già đi.

Trên quy mô toàn cầu, các bé gái sinh ra trong năm 2016 được dự báo sẽ sống đến 74,2 tuổi, trong khi các bé trai được dự báo sẽ sống đến 69,8 tuổi.

WHO cũng chỉ ra một thực tế, trong khi hầu hết những người qua đời ở các nước giàu là vì tuổi già, thì có tới gần 1/3 số trường hợp tử vong ở các nước nghèo là trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo, trong 16 năm đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở khu vực châu Phi cận Sahara – nơi đạt được tiến bộ trong việc chống lại bệnh sốt rét, bệnh sởi và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Các cụ già ở làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) tham gia hội vật cầu cổ truyền tại sân đình vào ngày mùng 4, 5 và 6 tháng Giêng hàng năm. Ảnh: Minh NguyễnTuổi thọ trung bình cũng tăng nhờ những tiến bộ trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS – căn bệnh hoành hành ở châu Phi vào những năm 1990.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của các nước nghèo, WHO cho biết vẫn còn khoảng cách đáng kể về tuổi thọ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Theo số liệu thống kê, người dân ở các nước có thu nhập thấp có tuổi thọ ít hơn 18 năm so với người dân ở các nước có thu nhập cao.

Chẳng hạn tại Lesotho, người dân nước này có tuổi thọ trung bình là 52 tuổi, ở Cộng hòa Trung Phi là 53 tuổi trong khi ở Thụy Sỹ là hơn 83 tuổi và ở Nhật Bản là hơn 84 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam năm 2018 ở mức 73,5 (nam là 70,9 tuổi và nữ là 76,2 tuổi). Nếu như vào năm 1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 40, thế giới là 48 thì đến năm 2015 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã là 73,2 trong khi thế giới là 69.

 Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều so với nước khác. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 tỉ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ chiếm 23%. Nếu năm 2009 cứ 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi thì đến năm 2034 là hơn 3 người.

 

 

 

Già hóa dân số nhanh chóng: Không hoàn toàn là gánh nặng

Cũng theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số.

Đầu năm 2019, đại diện Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết năm 2018 dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017, nâng tổng số dân lên 94,67 triệu người. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới.

Với mức gia tăng 1 triệu dân năm 2018, tính trung bình mỗi ngày dân số nước ta tăng khoảng 2.700 người mỗi ngày.

Trong đó, Hà Nội là địa phương có số trẻ sinh ra lớn nhất nước với khoảng 200.000 người trong năm 2018. Với mức sinh này, mỗi năm Hà Nội "sản xuất" ra số trẻ tương đương số dân một huyện lớn.

Hiện nay, dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành nhưng tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Đây cũng là có quy mô dân số lớn thứ 2 cả nước (sau TP HCM) với dân số chiếm 8% cả nước/

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, hiện nay mức sinh thay thế tiếp tục duy trì trên phạm vi cả nước, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các địa phương.

Theo đó, ở các vùng khó khăn, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 2 - 3 con. Trái lại, ở nơi đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh xuống thấp dưới 1,8 con. Đáng chú ý, có tới 16 tỉnh có mức sinh thấp dưới 1,8 con và 4 tỉnh có mức sinh dưới 1,6 con.

Ông Tú cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên Bộ Y tế triển khai nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu là tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được như: Mức giảm sinh bình quân; tăng tuổi thọ trung bình lên 73,6 tuổi và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức 114 bé trai/100 bé gái...

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, trong khi còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. "Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi. Thậm chí ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỷ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ chiếm 165 tỷ USD/năm”, bà Quỳnh thông tin. Cũng theo bà Quỳnh, người cao tuổi còn là lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Bà Quỳnh cũng cho rằng những thách thức của già hóa dân số là những điều mà Việt Nam không thể bỏ qua. Do đó, thích với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện, theo vòng đời để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già.

"Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải ý thức về xu hướng già hóa và đảm bảo người cao tuổi tiếp tục đóng vai trò tích cực trong cộng đồng để tránh bị cô lập. Bởi vì, cô lập có tác động tiêu cực đến sức khỏe và giải quyết nó thực sự quan trọng", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Cũng cho rằng, người cao tuổi vẫn là một lực lượng lao động lớn, Ths. Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho rằng, để tận dụng được nguồn nhân lực này cần phải tạo thuận lợi trong việc tiếp cận của người cao tuổi với vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, cũng như có cơ chế phối hợp công tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức./.

5 nghịch lý sức khỏe của người Việt đi ngược hoàn toàn so với thế giới

Chiều cao tăng chậm, gia tăng bệnh lây nhiễm, tuổi thọ cao nhưng số năm bệnh tật nhiều,...là những nghịch lý sức khỏe của người Việt đi ngược hoàn toàn so với thế giới.

Tuổi thọ cao nhưng số năm bệnh tật nhiều

Trong chương trình Sức khỏe Việt Nam TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã đưa ra 5 vấn đề bất cập về sức khỏe của người Việt.

Theo đó, ông Bắc cho biết người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2.

"Nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Trung bình mỗi người Việt có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh", ông Bắc nói.

26 năm chiều cao tăng chỉ 3cm

Theo ông Bắc, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em. Nhưng tầm vóc, thể lực của người dân vẫn không thay đổi nhiều.

Sau 26 năm, từ năm 1993 đến nay chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm, với 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. So với các nước trong khu vực chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á rất thấp.

Bệnh không lây nhiễm tăng

Người Việt đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn).

Gánh nặng của các bệnh này đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

"Hiện nay, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 ca mắc mới ung thư", ông Bắc cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 cả nước có khoảng 520.000 ca tử vong các loại trong đó 73% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Tỷ lệ tử vong chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%).

Ít vận động thể lực

Ông Bắc cho hay, các bệnh không lây nhiễm tăng ở người Việt là do tăng các thói quen xấu như, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực. Gây ra tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu.

Theo số liệu điều tra năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn chiếm 45,3%. Trong khi đó, vẫn có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại.

"Trong ăn uống, hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây. Người Việt đang ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị. Khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực", ông Bắc nói.

Dân số Việt Nam già nhanh nhất thế giới

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự kiến, tới năm 2038 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên của Việt Nam đạt 20,1%.

Từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 10,2% tổng dân.

Năm 2015, trong số các nước Đông Nam Á, người Việt Nam có tuổi kỳ vọng sống sau 60 tuổi khá cao. Nhưng cũng có số năm sống bệnh tật cao.

Nữ giới sau 60 tuổi có kỳ vọng sống là 25 năm nhưng lại có số năm sống với bệnh tật tới 7 năm. Nam giới sau 60 tuổi có kỳ vọng sống là 19 năm và cũng có số năm sống bệnh tật tới trên 5 năm.

 

 

Bất cập trong thực hiện tổng điều tra dân số trực tuyến

Theo số liệu đăng ký, Đà Nẵng là một trong ba địa phương có tỷ lệ đăng ký trực tuyến khai tổng điều tra dân số cao nhất cả nước.

Từ 1/4, cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn.

Theo số liệu đăng ký, Đà Nẵng là một trong ba địa phương có tỷ lệ đăng ký trực tuyến khai tổng điều tra dân số cao nhất cả nước.

Mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tra dân số, nhưng sau 1 tuần triển khai địa phương này gặp những bất cập nhất định.

Là một trong số 50 hộ dân của phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu đăng ký kê khai thông tin về dân số và nhà ở theo hình thức trực tuyến webform tại trang thông tin điện tử của Tổng cục thống kê. Thế nhưng, sau 7 ngày triển khai, ông Đỗ Tuấn Phong vẫn chưa thực hiện kê khai được những nội dung về nhân khẩu và nhà ở của hộ gia đình theo quy định.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương cho biết, từ sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở đầu tiên năm 1979, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999 và 2009 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở trên phạm vi toàn quốc.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn

Tổng điều tra (TĐT) năm nay thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế dần cắt giảm, trong khi nhu cầu thông tin về dân số ngày càng cao. So với năm 2009, TĐT 2019 đã cải tiến cả phương pháp và hình thức thu thập thông tin.

Trước hết về phương pháp thu thập thông tin, nếu như TĐT 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin), TĐT 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến).

Về hình thức thu thập thông tin, ngoài việc sử dụng hình thức phiếu giấy in sẵn như năm 2009, TĐT 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: Điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).

 Do thay đổi về phương pháp và hình thức thu thập thông tin, nhiều công đoạn khác của TĐT cũng đã được thay đổi theo hướng ứng dụng CNTT bao gồm: Lưu trữ và sử dụng sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách thôn/tổ dân phố và địa bàn điều tra, lập và cập nhật Bảng kê hộ, chọn mẫu hộ, nhắn tin và gửi thư điện tử (email) đến các hộ đăng ký thực hiện Webform, kiểm tra và duyệt số liệu trực tuyến.

 Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả TĐT, giảm kinh phí điều tra trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.

TĐT là nguồn thông tin tin cậy giúp Chính phủ điều hành phát triển đất nước

TĐT là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được luật định, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.

Hiện nay thông tin về dân số từ TĐT chỉ được cung cấp 10 năm một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có nhiều nguồn dữ liệu sẵn có liên quan đến dân số như dữ liệu từ hệ thống thống kê hộ tịch của Bộ Tư pháp, hệ thống thống kê hành chính của ngành công an, y tế. Tuy nhiên, dữ liệu từ các nguồn này hầu như chưa đáp ứng yêu cầu về tổng hợp dữ liệu dân số do một số lý do như: Thông tin thu thập không đủ chi tiết; mỗi hệ thống thông tin sử dụng các quy ước và khái niệm về dân số khác nhau; cơ chế chia sẻ thông tin giữa hầu hết các cơ quan, bộ ngành có liên qua với Tổng cục Thống kê chưa được thiết lập một cách hiệu quả.

Do đó, nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin, TĐT 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số, từ đó đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới khong thực hiện TĐT 2019.

 

 

Tổng điều tra dân số và nhà ở của Việt Nam qua các thời kỳ

Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn ODA giảm nhiều, nhưng UNFPA vẫn ưu tiên dành nguồn ngân sách hỗ trợ.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra trong bối cảnh nguồn tài trợ ODA của Việt Nam giảm nhiều, nhưng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) vẫn ưu tiên dành nguồn ngân sách cho việc này nhằm nâng cao chất lượng số liệu thu thập cũng như tập trung vào phân tích và công bố kết quả.

Từ đó, đảm bảo số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được sử dụng rộng rãi cho tư vấn và xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA.

- Thưa ông, được biết UNFPA luôn đồng hành với ngành thống kê trong các kỳ tổng điều tra dân số và nhà ở. Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của UNFPA?

Ông Lê Bạch Dương: UNFPA là cơ quan đứng đầu hỗ trợ kỹ thuật cho các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở của nhiều nước trên thế giới. Có thể khẳng định, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở của mỗi quốc gia không chỉ có ý nghĩa với quốc gia đó mà còn với các hoạt động của UNFPA.

Hiện nay, UNFPA đang hỗ trợ các nước tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở vòng 2020 (tiến hành trong những năm 2020). Những ưu tiên này được đặt trong chiến lược toàn cầu của UNFPA giai đoạn 2018-2021. Ở Việt Nam, hỗ trợ cho tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được đưa vào văn kiện chương trình quốc gia của UNFPA giai đoạn 2017-2021.

Cụ thể, hỗ trợ của UNFPA tập trung vào nâng cao chất lượng của thông tin thu thập được nhằm cung cấp những bằng chứng cho vận động và xây dựng chính sách. Đồng thời, nâng cao năng lực trong việc cung cấp, phổ biến và sử dụng nguồn số liệu tin cậy và chính xác về dân số.

Từ đó, phục vụ tư vấn xây dựng chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là ưu tiên hàng đầu của UNFPA và các đối tác phát triển khác.

- Ông có thể cho biết những nhận định, đánh giá của UNFPA về cách thức tổ chức, kết quả tổng điều tra dân số trong các kỳ tổng điều tra trước đây?

Ông Lê Bạch Dương: UNFPA đã đồng hành với Việt Nam trong cả 4 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây, bắt đầu từ năm 1979 và đã chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của Tổng cục Thống kê trong tiến hành tổng điều tra dân số.

Các cuộc tổng điều tra dân số trước đây đã tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và khuyến nghị của Liên hợp quốc về tổng điều tra dân số; theo kịp sự phát triển của quốc tế, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu.

Các cuộc tổng điều tra dân số trước đây của Việt Nam tiến hành thu thập và ghi thông tin trên phiếu giấy. Vì thế, thời gian để công bố kết quả thường chậm do phải kiểm tra, nhập và xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Đến tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh để nhận dữ liệu của các phiếu hỏi, do đó đã rút ngắn được thời gian công bố kết quả.

UNFPA rất tự hào vì đã có những đóng góp to lớn cả về tài chính và kỹ thuật cho tổng điều tra dân số của Việt Nam trong suốt 4 thập kỷ qua. Điều này góp phần nâng cao năng lực cán bộ Tổng cục Thống kê trong thiết kế, tổ chức, quản lý điều hành, phân tích và công bố số liệu, mang lại thành công của các cuộc tổng điều tra dân số.

Các chuyên gia quốc tế cũng đã đánh giá cao chất lượng số liệu tổng điều tra dân số của Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể nói, ngành thống kê Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm sau khi tiến hành các cuộc tổng điều tra dân số và kinh nghiệm đó đã được chia sẻ với nhiều nước trong khu vực và quốc tế.

- Ông cho biết quan điểm của UNFPA trước điểm mới là đưa CAPI (phỏng vấn trực tiếp với sự trợ giúp của máy vi tính) và Webform (bộ công cụ cho phép thực thi các ứng dụng mà các trang web đang sử dụng) vào tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019?

Ông Lê Bạch Dương: Ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của tổng điều tra dân số và nhà ở là một xu thế toàn cầu và hiện nay nhiều nước đang áp dụng nhằm nâng cao chất lượng số liệu thu thập, rút ngắn thời gian xử lý số liệu và sớm công bố kết quả.

Kinh nghiệm của các nước đã áp dụng CAPI để ghi thông tin cho thấy, họ đều có nguồn lực dồi dào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như tập trung nhiều nguồn lực cho việc thiết kế, đào tạo và vận hành, giám sát trong quá trình thu thập số liệu.

Tại Việt Nam, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thực hiện trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả nước. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin trong tổng điều tra dân số và nhà ở lần này là hoàn toàn đúng đắn và chúng tôi ủng hộ cách làm này của Tổng cục Thống kê.

Hơn nữa, Tổng cục Thống kê đã có thử nghiệm CAPI trong một số cuộc điều tra khác và cũng đã tiến hành điều tra thử nghiệm tổng điều tra, nên cũng là một thuận lợi cho Tổng cục Thống kê khi áp dụng vào tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Tuy nhiên, lần đầu tiên ứng dụng CAPI dựa vào máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh của điều tra viên và Webform trong thu thập số liệu ở quy mô rất lớn như tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng là một thách thức không nhỏ cho Tổng cục Thống kê.

UNFPA đã hỗ trợ Tổng cục Thống kê tham quan học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra dân số cũng như chia sẻ với Tổng cục Thống kê kinh nghiệm của một số nước ứng dụng CAPI trong tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Chúng tôi tin rằng, qua tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng như các tài liệu của Liên hợp quốc, Tổng cục Thống kê đã có những quyết định phù hợp trong thiết kế và ứng dụng CAPI trong tổng điều tra ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư của Chính phủ Việt Nam, những đột phá trong ứng dụng công nghệ, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ thu được kết quả tốt.

- Thưa ông, trong tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, UNFPA đã phối hợp như thế nào và kỳ vọng gì vào cuộc điều tra?

Ông Lê Bạch Dương: UNFPA là tổ chức có kinh nghiệm đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho tổng điều tra tại nhiều nước trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Tương tự như các tổng điều tra dân số trước đây, UNFPA tại Việt Nam cũng đã sớm có những trao đổi, tư vấn với Tổng cục Thống kê trước khi xây dựng kế hoạch cũng như trong tất cả các giai đoạn của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Từ đó, đảm bảo hỗ trợ của UNFPA đáp ứng được mong đợi của Chính phủ Việt Nam về tổng điều tra dân số dân số và nhà ở, cũng như tổng điều tra được tiến hành theo chuẩn quốc tế.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn tài trợ ODA giảm nhiều, nhưng UNFPA vẫn ưu tiên dành nguồn ngân sách hỗ trợ tổng điều tra dân số. Những hỗ trợ của UNFPA cho tổng điều tra dân số và nhà ở lần này được thực hiện thông qua dự án hỗ trợ của UNFPA cho Tổng cục Thống kê giai đoạn 2017-2021.

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi hy vọng kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ sớm được công bố, sẽ đưa ra được bức tranh dân số và nhà ở và những biến đổi nhân khẩu học quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua.

Quan trọng hơn là kết quả của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được sử dụng rộng rãi, có hiệu quả trong việc đánh giá, xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã-hội của các cấp, các địa phương, các chính sách liên quan đến các vấn đề dân số nổi bật của Việt Nam, cũng như các chính sách, kế hoạch phát triển ngành nhằm đáp ứng với những biến đổi dân số và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Không chỉ đưa ra các kết quả mà các dữ liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cần được sử dụng và kết nối với dữ liệu của các cuộc điều tra quốc gia khác, các số liệu hành chính để tính toán các chỉ số quan trọng của Việt Nam, như nghèo đói, giáo dục, sức khỏe sinh sản.... ở các cấp cũng như của các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt các nhóm bị thiệt thòi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kì vọng để tiến tới không thực hiện tổng điều tra năm 2029

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số. Từ đó, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện tổng điều tra năm 2029…

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (tổng điều tra) bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4 và đến hết ngày 25/4/2019. 

Ông Nguyễn Bích Lâm -Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương dãn thông điệp của Liên Hợp quốc và nhấn mạnh: “Tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cũng là một người được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã đi đến các vùng, miền trong cả nước để thực tế giám sát, chỉ đạo việc điều tra, phỏng vấn của các hộ tại các địa phương. Điển hình, tại địa bàn thành phố Cần Thơ đã huy động 1.016 điều tra viên và 96 tổ trưởng tham gia thu thập tin tại địa bàn. Tại Kiên Giang, tỉnh đã huy động trên 2.000 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên các cấp.

Sau 10 ngày tiến hành tổng điều tra, lực lượng thống kê trong cả nước đã phỏng vấn 62,93% số hộ gia đình trên tổng số hộ; đã hoàn thành điều tra 20,5% số địa bàn.

Tuy nhiên, quá trình điều tra dân số cũng nảy sinh một số bất cập trong quá trình thu thập thông tin, như: Một số điều tra viên còn gặp lúng túng, nhất là khi gặp những hộ phức tạp, nhiều nhân khẩu; thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đôi khi bị treo máy; vẫn còn hiện tượng lỗi khi thực hiện điều tra bằng CAPI, chủ yếu do lỗi phần mềm; đôi khi mạng bị nghẽn, chậm khi đồng bộ dữ liệu hay dân cư sống rải rác, xa nhau hoặc ở các khu công nghiệp, dân có nhiều thay đổi về địa điểm, công việc ...

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cuộc tổng điều tra là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước…

Tỏng cục trưởn nhấn mạnh, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số. Từ đó, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện tổng điều tra năm 2029…

Do đó, ông Nguyễn Bích Lâm đã yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp các tỉnh cần triển khai đúng tiến độ, đồng thời, cần quán triệt các điều tra viên làm đúng quy trình CAPI, không sử dụng dữ liệu hành chính trong điều tra. Các giám sát viên các tỉnh, huyện cần tăng cường xuống địa bàn giám sát điều tra đúng phương án; đặc biệt, Ban chỉ đạo các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền…

Hầu hết Ban chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã đều đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương cần sớm phê duyệt dự toán và bổ sung kinh phí còn thiếu cho tỉnh để chi những khoản, mục khi kết thúc điều tra.

Bắc Giang: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông chuyên biệt về chăm sóc SKSS

Ngay trong năm đầu tiên triển khai mô hình, Bắc Giang đã từng bước phấn đấu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.

Thành lập các CLB Dân số tại các doanh nghiệp

Bắc Giang triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020” tập trung vào 3 mô hình truyền thông chuyên biệt: Mô hình truyền thông cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên lao động tại các khu/cụm công nghiệp; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình truyền thông về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho VTN/TN trong trường học.

Trong năm 2018, thực hiện mô hình truyền thông cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên lao động tại các khu/cụm công nghiệp, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang triển khai các hoạt động chính gồm: Tuyên truyền tháng công nhân bằng hàng chục băng rôn, khẩu hiệu vượt đường tại các khu/cụm công nghiệp… Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động và Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên và TP Bắc Giang tổ chức 12 cuộc truyền thông, cung cấp thông tin về dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ cho hơn 1.000 công nhân là thanh niên lao động. Đồng thời thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) DS-SKSS tại 5 doanh nghiệp đóng trên địa bàn của 5 địa phương trên.

CLB DS-SKSS được thành lập tại các doanh nghiệp đã thu hút sự tham gia của 150 thành viên là cán bộ công đoàn, cán bộ y tế, đoàn thanh niên và các tổ trưởng công đoàn. Hoạt động của các CLB nhằm tập hợp nhóm đối tượng là đoàn viên công đoàn, công nhân lao động vào sinh hoạt với nội dung về DS/SKSS/KHHGĐ và các vấn đề có liên quan, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, đảm bảo lợi ích của các thành viên, cộng đồng và xã hội. CLB có nhiệm vụ tập hợp các đối tượng đến sinh hoạt định kỳ để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các nội dung về DS/SKSS/KHHGĐ và các vấn đề có liên quan. Giới thiệu, hướng dẫn sử dụng và cung cấp các dụng cụ, phương tiện tránh thai cho người lao động, đặc biệt là thanh niên. Thu thập và giải đáp các vấn đề về DS/SKSS/KHHGĐ cho hội viên. Thông qua hoạt động của CLB giúp hội viên và công nhân lao động trong doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về DS/SKSS/KHHGĐ, đồng thời có được các kỹ năng sống cần thiết để thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc SKSS cho mình.

Ngay sau lễ ra mắt, các CLB được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trao các sản phẩm truyền thông để hoàn thiện các phòng tư vấn SKSS/KHHGĐ trong doanh nghiệp gồm tủ truyền thông phương tiện tránh thai, pano, poster, tờ rơi, sách lật phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, tư vấn về DS/SKSS/KHHGĐ.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động CLB, nâng cao năng lực cho Ban Chủ nhiệm CLB và hội viên để họ trở thành tuyên truyền viên và giáo dục viên đồng đẳng trong lĩnh vực DS/SKSS/KHHGĐ cho nhóm đối tượng là công nhân lao động trong doanh nghiệp.

Đẩy mạnh mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân

Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động. Giai đoạn 2010 - 2016, mô hình được triển khai tại 60/230 xã, phường, thị trấn. Năm 2018, mô hình được mở rộng thêm ở 40 xã. Tại các địa bàn triển khai mô hình, Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố thực hiện các hoạt động: Kiện toàn, duy trì hoạt động và thành lập mới các CLB DS-SKSS trong trường THCS; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho hàng nghìn lượt thành viên, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.300 VTN/TN là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; truyền thông cung cấp thông tin về DS/SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên cho 6.600 cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên. Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức 50 cuộc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho thành viên các CLB DS-SKSS tại khu/cụm công nghiệp, nhà trọ công nhân và thành viên các CLB DS-SKSS tại 8 trường THPT thuộc 2 huyện Hiệp Hòa và Việt Yên.

Mô hình truyền thông về dân số, chăm sóc SKSS cho VTN/TN trong trường học (còn gọi là mô hình sinh hoạt ngoại khóa về kiến thức dân số - sức khỏe VTN/TN) năm 2018 được triển khai với những hoạt động trọng điểm: Thành lập 36 CLB DS-SKSS trong 12 trường THPT thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Tân Yên với sự tham gia của gần 1.500 em học sinh và các thày cô giáo phụ trách mô hình. Bước vào năm học 2018 - 2019, 200 thành viên Ban Chủ nhiệm được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động CLB; các nhà trường được tiếp nhận các sản phẩm truyền thông cho Góc thân thiện là hệ thống pano đồng bộ, poster, tờ rơi, sách lật, sách tư vấn tiền hôn nhân, sách nhỏ VTN/TN - những điều cần biết, loa cầm tay phục vụ hoạt động tuyên truyền, tư vấn về kiến thức dân số - sức khỏe VTN/TN. Đồng hành cùng con bước qua tuổi vị thành niên tươi đẹp, Hội cha mẹ học sinh của các trường cũng được tham gia vào các cuộc truyền thông cung cấp thông tin về dân số - sức khỏe VTN/TN và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe VTN/TN do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tại trường. Hàng nghìn em học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa lý thú và bổ ích qua các Hội thi giao lưu tìm hiểu kiến thức dân số - sức khỏe VTN/TN do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, các cụm trường tổ chức.

Bác sĩ, đội ngũ cán bộ dân số - y tế giật mình về những con số đáng báo động.

Nhiều học sinh nữ lớp 2 đã bị nghi ngờ dậy thì sớm. Tương tự như sàng lọc dậy thì sớm, những con số về việc trẻ nam gặp các bất thường về bộ phận sinh dục cũng khiến nhiều người phải giật mình.

Trong chương trình sàng lọc dậy thì sớm; tầm soát các bất thường bộ phận sinh dục nam đang được thực hiện tại các trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), các bác sĩ, đội ngũ cán bộ dân số - y tế cùng các giáo viên ở trường đã phải giật mình về những con số đáng báo động.

Mới lớp 2 - 3, ngực đã phát triển gần giống thiếu nữ

Dù chỉ học lớp 3 nhưng N.A (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có vòng 1 “nở nang” hơn so với các bạn đồng trang lứa. Ở lứa tuổi thiếu nhi nhưng em đã phải mặc áo ngực, loại dành cho thiếu nữ.

Mới đây, trong chương trình sàng lọc dậy thì sớm do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các trường mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn thực hiện, N.A được nghi ngờ có những dấu hiệu của dậy thì sớm. Theo BS Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đa chức năng quận Hoàn Kiếm, N.A chỉ là một trong rất nhiều em nhỏ bị nghi ngờ dậy thì sớm trong đợt sàng lọc này.

Theo đó, dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Ở bé gái, các dấu hiệu thường thấy là: Ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Còn ở bé trai, nếu tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi thì có thể coi là dậy thì sớm.

BS Kim Hoa cho biết, thực tế trong những năm gần đây, tỷ lệ số trẻ được phát hiện dậy thì sớm đang gia tăng ở cả bé trai lẫn bé gái đã khiến nhiều gia đình lo lắng. Do đó, năm 2019, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn đưa sàng lọc dậy thì sớm vào triển khai tại 42 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ tư thục và 14 trường tiểu học trên địa bàn quận.

Tính đến ngày 12/4, chương trình đã thực hiện sàng lọc dậy thì sớm cho trẻ em hơn 10 trường mẫu giáo, mầm non và 6/14 trường tiểu học. Kết quả sơ bộ cho thấy, số trẻ em nghi ngờ dậy thì sớm, nhất là các bé gái ở mức cao. Có những lớp, tỷ lệ trẻ nghi ngờ dậy thì sớm chiếm đến 20-30%. “Có đứa trẻ chỉ mới học lớp 2 - 3 nhưng ngực đã phát triển đến độ 3, tức là đã gần giống một thiếu nữ”, BS Kim Hoa cho biết.

Cũng theo BS Kim Hoa, bên cạnh các em nữ, số trẻ em nam bị nghi ngờ dậy thì sớm cũng không phải là ít. Gần đây nhất, một bé trai mới 6 tuổi nhưng đã có rất nhiều những dấu hiệu như: Mọc ria mép, lông mu và bộ phận sinh dục đã phát triển gần giống của nam giới trưởng thành. Trường hợp này có khả năng rất cao là dậy thì sớm. “Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời (tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm), trẻ vẫn có cơ hội phát triển hoàn toàn bình thường”, BS Kim Hoa nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, dậy thì sớm để lại rất nhiều những hệ lụy cho cả bé trai và bé gái. Trước tiên là sự kìm hãm về chiều cao, các em sẽ có nguy cơ bị lùn hơn các bạn khác. Bên cạnh đó, dậy thì sớm sẽ khiến các bạn nhỏ phải chịu những áp lực về tâm lý khi thấy mình khác biệt với bạn bè. Các em sẽ bị mặc cảm, xấu hổ, thậm chí trầm cảm về ngoại hình “không giống ai” của mình.

Không những thế, điều nghiêm trọng hơn, trẻ dậy thì sớm sẽ gia tăng nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Mặt khác, khi dậy thì, nội tiết tố trong cơ thể trẻ cũng thay đổi, kích thích nhu cầu và ham muốn tình dục. Việc phải thành “người lớn” quá sớm sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống tình dục và chất lượng sinh sản về sau.

Con gặp bất thường bộ phận sinh dục nhưng bố mẹ không biết

Ngoài việc được sàng lọc dậy thì sớm, trẻ mầm non và tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn được sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục nam. Theo BS Kim Hoa, hoạt động này được thực hiện từ năm 2016 ở các bé trai ở độ tuổi từ 3-5 tuổi. Năm nay, quận Hoàn Kiếm mở rộng thực hiện sàng lọc đối với các em học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3. Những bất thường bộ phận sinh dục thường gặp của bé trai gồm các vấn đề liên quan đến bao quy đầu (dính, hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu), tinh hoàn (tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh hoàn, tinh hoàn di động...) thoát vị bẹn, lún dương vật, lệch lỗ tiểu, vách ngăn niệu đạo...

Tương tự như sàng lọc dậy thì sớm, những con số về việc trẻ nam gặp các bất thường về bộ phận sinh dục cũng khiến nhiều người phải giật mình. Ví dụ, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Hoàn Kiếm), qua đợt khám sàng lọc vừa diễn ra ngày 11/4, các bác sĩ đã phát hiện 29 bé trai bị hẹp bao quy đầu; 7 bé bị dính bao quy đầu; 2 trường hợp bị lún dương vật; một trường hợp bị thoát vị bẹn; một bé trai bị tràn dịch màng tinh hoàn.

Trước đó, năm 2018, trong tổng số 3.189 bé trai từ 3 - 5 tuổi được khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục thì có tới 45,2% (1.441 trẻ) trẻ có vấn đề về bao quy đầu, tinh hoàn, lệch lỗ tiểu... Trong số 1.441 trẻ có kết quả bất thường, có 331 trẻ có kết quả dính bao quy đầu (những trường hợp này chỉ cần sự hỗ trợ từ phía gia đình trong việc vệ sinh hàng ngày, không cần tới các can thiệp chuyên khoa), 1.110 trẻ có kết quả nghi ngờ được tư vấn đưa trẻ đi khám chuyên khoa, quyết định các biện pháp hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ và thực hiện thủ thuật theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ trực tiếp tham gia khám sàng lọc cho trẻ, trong số rất nhiều những trường hợp trẻ được phát hiện bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, thậm chí có những trẻ đã ở mức độ nặng (cặn bẩn đã chuyển sang vàng, đóng hòn, đóng cục, dịch như bã đậu) hay gặp bất thường về “cậu nhỏ” nhưng khi thông báo với bố mẹ các em, họ lại không hề biết tình trạng của con mình. Hay cũng có trường hợp biết con cần phải can thiệp nhưng lại thờ ơ việc đưa con đi khám chuyên sâu.

Các bác sĩ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ gặp bất thường bộ phận sinh dục như thói quen đóng bỉm cho con quá lâu; cho con mặc quần sịp quá sớm; không biết cách vệ sinh bộ phận sinh dục cho con hoặc chưa có kiến thức nhận biết những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục để kịp thời đưa con đi can thiệp sớm. Việc can thiệp những bất thường của bộ phận sinh dục cho bé trai không phải là kỹ thuật khó. Quan trọng là thời điểm can thiệp phẫu thuật nên được tiến hành khi trẻ càng nhỏ càng tốt để tránh bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng đến sau này.

Đánh giá về chương trình khám sàng lọc dậy thì sớm và phát hiện bất thường bộ phận sinh dục nam, bà Trần Thị Thu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Đây là hoạt động rất ý nghĩa, hữu ích đối với chính các em học sinh cũng như với gia đình các cháu. Bởi lẽ, bình thường, nếu muốn đưa con đi khám, bố hoặc mẹ sẽ phải xin nghỉ làm, các con phải xin nghỉ học và gia đình cũng sẽ tốn một khoản chi phí cho việc làm các xét nghiệm.

Trong khi đó, khi đưa chương trình này vào thực hiện ở học đường, các em học sinh sẽ được các bác sĩ trực tiếp đến tại trường khám, không ảnh hưởng đến việc học hành của các con cũng như sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho bố mẹ. Và điều quan trọng hơn cả, nếu trẻ được phát hiện có những bất thường gì, các bác sĩ sẽ thông báo với nhà trường và bố mẹ các cháu để kịp thời can thiệp sớm, tránh hệ lụy về sau.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng Tổng điều tra dân số và nhà ở

Ngay sau khi Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu thu thập thông tin từ ngày 1-4, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực triển khai, bám sát tiến độ đề ra.

Các điều tra viên đến từng địa bàn được phân công, ghi nhận đầy đủ thông tin, số liệu cần thiết, không bỏ sót, lọt, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Lạng Sơn là tỉnh có đường biên giới dài, điều này đặt ra không ít thách thức cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) của tỉnh trong việc hoàn thành TĐT dân số và nhà ở. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thật, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo TĐT BĐBP tỉnh, trong quá trình thực hiện TĐT, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP cũng như Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng. "Các đồng chí điều tra viên trực tiếp điều tra ở đơn vị mình, báo cáo tiến độ với tổ trưởng điều tra để giám sát, chỉ đạo. Trong quá trình điều tra, Ban chỉ đạo TĐT BĐBP tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu trực tiếp với các đơn vị. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh còn tham gia ban chỉ đạo TĐT của các huyện, xã biên giới để giúp địa phương thực hiện TĐT", Đại tá Nguyễn Văn Thật chia sẻ.

Không chỉ ở Lạng Sơn, các đơn vị BĐBP trên cả nước đều phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện TĐT. Với đặc thù có nhiều đầu mối, các đồn biên phòng đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa hình phức tạp, chia cắt nhưng Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo sát sao, kịp thời. Thượng tá Chử Hồng Phong, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tư lệnh BĐBP-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP cho biết: "Các đơn vị đều tiến hành làm điểm để rút kinh nghiệm trước khi điều tra chính thức. Nhờ chủ động thực hiện ngay TĐT nên các đơn vị BĐBP đều phấn đấu vượt tiến độ hoàn thành thu thập thông tin trước thời điểm quy định là ngày 25-4. Qua nghiệm thu sơ bộ, các thông tin cơ bản đáp ứng được yêu cầu".

Tại Trường Quân sự Quân khu 5, để đáp ứng yêu cầu theo phương pháp điều tra là phỏng vấn trực tiếp, các điều tra viên đến từng đơn vị điều tra, gặp từng người trong danh sách đối tượng điều tra, ghi nhận thông tin, điền vào phiếu, tuân thủ quy định về nghiệp vụ và quy trình. Sau khi hoàn thành phỏng vấn, các điều tra viên kiểm tra lại phiếu, xem xét từng câu trả lời, đặc biệt chú ý đến các bước chuyển, rà soát để không bỏ sót cũng như không ghi thừa câu hỏi, phát hiện kịp thời các sai sót để sửa chữa.

Từ kinh nghiệm thực tế, Thượng tá Phạm Hồng Quân, Phó trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân khu 5, Ủy viên Ban chỉ đạo TĐT Quân khu 5 cho rằng, công tác kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng đối với chất lượng thông tin. Cuối từng ngày, điều tra viên kiểm tra lại tất cả phiếu đã thực hiện trong ngày để bảo đảm đầy đủ, chính xác, hợp lý, lập kế hoạch xác minh lại thông tin chưa chính xác, hoàn thiện phiếu chưa hoàn thành hoặc còn bị lỗi.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, Trưởng ban chỉ đạo TĐT Quân khu 5, các cơ quan, đơn vị trong quân khu đã làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai toàn diện các nội dung theo đúng hướng dẫn quy định. Các đơn vị đã tổ chức lễ ra quân ở các ban chỉ đạo cơ sở trong toàn quân khu. Theo tiến độ, đến hết ngày 17-4, các ban chỉ đạo cấp cơ sở sẽ hoàn tất nội dung điều tra với các đối tượng điều tra. Trong thời gian tới, Quân khu 5 sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thu phiếu điều tra, thành lập tổ tiếp nhận nghiệm thu và bàn giao phiếu điều tra theo quy định.

Qua khảo sát, đánh giá thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân, Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở Bộ Quốc phòng đánh giá, tiến độ, chất lượng TĐT cơ bản đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề vướng mắc đã được ban chỉ đạo các cấp dự báo trước, chủ động cập nhật, bám sát tình hình, giúp quá trình thực hiện TĐT diễn ra thuận lợi.

Theo báo Quân đội Nhân dân

Bảo đảm tiến độ, chất lượng Tổng điều tra dân số và nhà ở

Ngay sau khi Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu thu thập thông tin từ ngày 1-4, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực triển khai, bám sát tiến độ đề ra.

Các điều tra viên đến từng địa bàn được phân công, ghi nhận đầy đủ thông tin, số liệu cần thiết, không bỏ sót, lọt, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Lạng Sơn là tỉnh có đường biên giới dài, điều này đặt ra không ít thách thức cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) của tỉnh trong việc hoàn thành TĐT dân số và nhà ở. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thật, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo TĐT BĐBP tỉnh, trong quá trình thực hiện TĐT, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP cũng như Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng. "Các đồng chí điều tra viên trực tiếp điều tra ở đơn vị mình, báo cáo tiến độ với tổ trưởng điều tra để giám sát, chỉ đạo. Trong quá trình điều tra, Ban chỉ đạo TĐT BĐBP tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu trực tiếp với các đơn vị. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh còn tham gia ban chỉ đạo TĐT của các huyện, xã biên giới để giúp địa phương thực hiện TĐT", Đại tá Nguyễn Văn Thật chia sẻ.

Không chỉ ở Lạng Sơn, các đơn vị BĐBP trên cả nước đều phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện TĐT. Với đặc thù có nhiều đầu mối, các đồn biên phòng đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa hình phức tạp, chia cắt nhưng Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo sát sao, kịp thời. Thượng tá Chử Hồng Phong, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tư lệnh BĐBP-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TĐT Bộ tư lệnh BĐBP cho biết: "Các đơn vị đều tiến hành làm điểm để rút kinh nghiệm trước khi điều tra chính thức. Nhờ chủ động thực hiện ngay TĐT nên các đơn vị BĐBP đều phấn đấu vượt tiến độ hoàn thành thu thập thông tin trước thời điểm quy định là ngày 25-4. Qua nghiệm thu sơ bộ, các thông tin cơ bản đáp ứng được yêu cầu".

Tại Trường Quân sự Quân khu 5, để đáp ứng yêu cầu theo phương pháp điều tra là phỏng vấn trực tiếp, các điều tra viên đến từng đơn vị điều tra, gặp từng người trong danh sách đối tượng điều tra, ghi nhận thông tin, điền vào phiếu, tuân thủ quy định về nghiệp vụ và quy trình. Sau khi hoàn thành phỏng vấn, các điều tra viên kiểm tra lại phiếu, xem xét từng câu trả lời, đặc biệt chú ý đến các bước chuyển, rà soát để không bỏ sót cũng như không ghi thừa câu hỏi, phát hiện kịp thời các sai sót để sửa chữa.

Từ kinh nghiệm thực tế, Thượng tá Phạm Hồng Quân, Phó trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân khu 5, Ủy viên Ban chỉ đạo TĐT Quân khu 5 cho rằng, công tác kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng đối với chất lượng thông tin. Cuối từng ngày, điều tra viên kiểm tra lại tất cả phiếu đã thực hiện trong ngày để bảo đảm đầy đủ, chính xác, hợp lý, lập kế hoạch xác minh lại thông tin chưa chính xác, hoàn thiện phiếu chưa hoàn thành hoặc còn bị lỗi.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, Trưởng ban chỉ đạo TĐT Quân khu 5, các cơ quan, đơn vị trong quân khu đã làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai toàn diện các nội dung theo đúng hướng dẫn quy định. Các đơn vị đã tổ chức lễ ra quân ở các ban chỉ đạo cơ sở trong toàn quân khu. Theo tiến độ, đến hết ngày 17-4, các ban chỉ đạo cấp cơ sở sẽ hoàn tất nội dung điều tra với các đối tượng điều tra. Trong thời gian tới, Quân khu 5 sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thu phiếu điều tra, thành lập tổ tiếp nhận nghiệm thu và bàn giao phiếu điều tra theo quy định.

Qua khảo sát, đánh giá thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân, Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở Bộ Quốc phòng đánh giá, tiến độ, chất lượng TĐT cơ bản đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề vướng mắc đã được ban chỉ đạo các cấp dự báo trước, chủ động cập nhật, bám sát tình hình, giúp quá trình thực hiện TĐT diễn ra thuận lợi.

Theo báo Quân đội Nhân dân

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại huyện Kỳ Sơn còn gặp một số khó khăn

Tính đến hết ngày 7/4, tiến độ cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đạt 46% với 3.839 hộ đã được điều tra.

Thực hiện cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, huyện Kỳ Sơn tổ chức vẽ được 10 sơ đồ nền các xã, thị trấn. Toàn huyện có 72 địa bàn điều tra với 8.249 hộ, 33.400 nhân khẩu (trong đó có 1 đơn vị đặc thù là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh).  Tính đến hết ngày 7/4, tiến độ cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đạt 46% với 3.839 hộ đã được điều tra.

Để đảm bảo quá trình điều tra diễn ra đúng tiến độ,BCĐ Tổng điều tra dân số, nhà ở huyện Kỳ Sơn đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng điều tra. Trước tiên, BCĐ đã tổ chức mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về vẽ sơ đồ nền xã, thị trấn và chia địa bàn điều tra. Tổ chức 3 lớp tập huấn cho các điều tra viên. Bên cạnh đó, BCĐ các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của người dân khi tham gia Tổng điều tra tại các cuộc họp chi bộ, họp xóm, qua loa phát thanh, pa nô, áp phích… Nhờ đó, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại huyện Kỳ Sơn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Người dân vui vẻ khi nhận được lịch hẹn gặp của các điều tra viên. Nhân dân huyện Kỳ Sơn tạm gác mọi công việc để cung cấp thông tin cho điều tra viên. Ngoài ra, người dân còn sẵn sàng cung cấp cả số điện thoại để tiện cho điều tra viên liên hệ khi cần.

Đồng chí Nguyễn Đình Lịch, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện, Phó Trưởng BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở huyện Kỳ Sơn cho biết: Thực hiện cuộcTổng điều tra dân số, nhà ở, các địa phương trên địa bàn huyện đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Toàn huyện có 36 điều tra viên và 10 tổ trưởng. Tất cả đều tích cực tham gia cuộc Tổng điều tra. Điều tra viên thành thạo trong các thao tác sử dụng phần mền CAPI. Thái độ thực hiện phỏng vấn của điều tra viên thân thiện. Các điều tra viên thường xuyênchia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình điều tra. Điều tra viên không ngại khó, ngại khổ, tận dụng mọi thời gian khi người dân có ở nhà để tiến hành điều tra, điển hình như xã Mông Hóa, xã Dân Hòa phải thực hiện điều tra vào buổi tối.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình điều tra,cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại huyện Kỳ Sơn còn gặp một số khó khăn như:đường truyền mạng kém, thường xuyên bị nghẽn mạng. Tại địa bàn điều tra, đặc biệt Trung tâm Công tác xã hội có nhiều trường hợp người già không còn nhớ chính xác những thông tin của cá nhân. Để cập nhập thông tin của các đối tượng này, điều tra viên phải phối hợp với Ban quản lý Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở xã Hợp Thịnh cho biết: Xã Hợp Thịnh tiến hành điều tra 1.036 hộ với 4.086 nhân khẩu với9 địa bàn. Hiện tại, tiến độ Tổng điều tra dân số và nhà ở tại xã Hợp Thịnh đảm bảo đúng tiến độ. BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp huyện cùng giám sát viên thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phần mềm CAPI. Cùng với đó, 4 điều tra viên và 1 tổ trưởng đã được hướng dẫn rất kỹ các bước kê khai biểu mẫu, lập bảng kê hộ, bảng kê nhân khẩu đặc thù; giới thiệu, hướng dẫn và thực hành sử dụng trang thông tin điều hành tác nghiệp tổng điều tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, nên các thông tin về dân số, tình trạng di cư, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng khuyết tật, tình trạng hôn nhân, mức sinh - tử sẽ được thực hiện chính xác.

BCĐ Tổng điều tra dân số, nhà ở huyện Kỳ Sơn phấn đấu hoàn thành cuộc tổng điều tra vào ngày 20/4. Thông tin điều tra của các hộ sẽ được BCĐ và điều tra viên đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối.

Chuyên gia dân số nói gì về việc Hà Nội dự định hỗ trợ người cao tuổi có con một bề là gái?

Theo các chuyên gia, nếu làm được việc này, kịp thời quan tâm và có chính sách hỗ trợ những người cao tuổi (NCT) sinh con một bề là gái không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội... khi họ có nhu cầu là việc làm quá tốt.

Mới đây, trên mạng xã hội đang xôn xao về một văn bản của UBND phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) gửi đến các tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn về việc báo cáo, rà soát nhu cầu NCT sinh con một bề là gái không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để có chính sách hỗ trợ.

Theo đó, nội dung nêu rõ: “Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội tại văn bản số 666 ngày 12/3/2019 về việc báo cáo, rà soát nhu cầu NCT sinh con một bề là gái không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để xây dựng chính sách hỗ trợ.

UBND phường đề nghị các ông bà tổ trưởng tổ dân phố rà soát, báo cáo chính xác số NCT sinh con một bề là gái và nhu cầu cần trợ giúp gửi về UBND phường trước ngày 10/4/2019 để tổng hợp, báo cáo UBND quận Ba Đình”.

Trước thông tin trên, trả lời báo chí, bà Ngô Thị Minh Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (người trực tiếp ký văn bản này) xác nhận, trên địa bàn phường đã tiến hành việc rà soát những NCT sinh con một bề là gái chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Con số cụ thể đang được tổng hợp lại.

Trong khi đó, đại diện phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, việc này mới đang ở khâu rà soát số lượng, thăm dò lấy ý kiến của người dân xác định nhu cầu đời sống của đối tượng gặp khó khăn như thế nào để nghiên cứu xây dựng chính sách rồi đề xuất lên UBND thành phố chứ chưa có chính sách cụ thể.

Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, trong Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016, có đề cập đến việc xây dựng các mô hình tôn vinh và hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái.

Tuy nhiên, việc xây dựng như thế nào, hỗ trợ ra sao hiện vẫn chưa được thống nhất (vẫn còn một số quan điểm trái ngược nhau) thành chính sách nhất quán nên chỉ dừng lại ở việc thực hiện mô hình ở một số địa phương trên cả nước.

Riêng tại Hà Nội, theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, ngay từ năm 2005 Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Theo đó, 30/30 quận, huyện, thị xã đã có triển khai mô hình này.

Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố, Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm mô hình chăm sóc NCT sinh con một bề là gái. Mô hình này nhằm nâng cao vị thế của NCT có con một bề là gái, đồng thời nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho NCT.

Ngoài ra, việc thực hiện tốt mô hình cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực cho NCT khỏi quan niệm truyền thống phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già, nhất là NCT sinh con một bề là gái, không có lương hưu và trợ cấp xã hội.

Đánh giá về chủ trương hỗ trợ cho NCT sinh con một bề là gái chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào, bà Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đa chức năng quận Ba Đình cho biết, nếu làm được việc này, kịp thời quan tâm và có chính sách hỗ trợ những NCT khi những NCT có nhu cầu thì quá tốt.

“Đây vừa là việc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thể hiện sự quan tâm đến những người thực hiện tốt chính sách dân số, mặt khác, khuyến khích, động viên họ vận động con cháu sinh con tự nhiên, không phân biệt trai gái để đảm bảo sự cân bằng giới tính khi sinh”, bà Hiếu cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hiếu, thời gian qua, trên địa bàn quận Ba Đình đã thành lập câu lạc bộ Chăm sóc và phát huy vai trò của NCT tại cộng đồng – vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số. Câu lạc bộ là sự phối hợp giữa ngành dân số và Hội NCT trên địa bàn. Qua quá trình hoạt động đã đem lại rất nhiều hiệu quả tích cực đáng ghi nhận.

Tổ chức WHO nhắc nhở và khuyến cáo tới người dân 5 sự thật về tiêm chủng

Đại diện tổ chức WHO đã nhắc nhở và khuyến cáo tới người dân 5 sự thật về tiêm chủng gồm: vắc xin an toàn và hiệu quả; vắc xin phòng bệnh chết người; vắc xin cung cấp khả năng miễn dịch tốt hơn so với nhiễm trùng tự nhiên;...

Ngày 19/4/2019, tại Hà Tĩnh, Dự án Tiêm chủng mở rộng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng mở rộng 2019 do Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường vai trò và hiệu quả của tiêm chủng mở rộng, thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và an toàn tiêm chủng để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; vận động chính sách, huy động nguồn tài chính bền vững cho công tác tiêm chủng, xã hội hóa trong triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo công bằng trong tiêm chủng và tăng tỷ lệ tiêm chủng tại các vùng lõm đạt tỷ lệ 95% trên quy mô xã.

Phát động tuần lễ tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền các cấp đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng, phòng chống dịch của địa phương. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, các bệnh viện tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng...

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét các chiến lược sử dụng vắc xin, đưa thêm các vắc xin mới, sử dụng các vắc xin an toàn trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để có thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ em.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã có các vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan b, viêm phổi, màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản.

Quốc tế đánh giá cao chương trình tiêm chủng của Việt Nam

Ông Nihal Signh - chuyên gia của tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúc mừng Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em, đưa vắc xin IPV vào sử dụng năm 2018, tăng cường giám sát và xử lý phản ứng sau tiêm và nỗ lực đảm bảo tài chính bền vững cho Chương trình tiêm chủng và nguồn cung vắc xin.

Chương trình TCMR Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực viện trợ, Dự án TCMR tiếp tục huy động được nguồn lực đầu tư lớn của các tổ chức quốc tế như GAVI, WHO, UNICEF, ... cho công tác TCMR Việt Nam.

“Được tiêm chủng là quyền của tất cả trẻ em. Hàng năm, khoảng 27 triệu trẻ em, tương đương 97% trẻ em ở khu vực Tây Thái Bình Dương được tiêm các mũi vắc xin cơ bản”, ông Nihal Signh cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia của tổ chức WHO cũng chia sẻ, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin là không đồng đều giữa các quốc gia cũng như trong phạm vi một quốc gia. Riêng tại Việt Nam, năm 2018, gần 87.000 trẻ em dưới một tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ và đa phần những trẻ này thuộc các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở nông thôn và miền núi hoặc từ các gia đình nghèo, di cư sống ở thành thị.

Chính điều này tạo ra nguy cơ lây truyền cao cho các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Và khoảng trống tiêm chủng trong bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ là rủi ro cho tất cả các cộng đồng khác.

Một điển hình từ năm ngoái, sau gần hai thập kỷ, Papua New Guinea tuyên bố đã thanh toán bệnh bại liệt thì một vụ dịch bùng phát đã khiến 26 trẻ em mắc bệnh bại liệt. Từ năm 2018, số ca mắc sởi đã tăng đột biến trên toàn cầu. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, 11 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã báo cáo số ca mắc sởi ngày càng tăng, trong đó Philippines đang trải qua một đợt dịch sởi bùng phát lớn.

Trì hoãn tiêm vắc xin đe dọa sức khỏe người dân

Một vấn đề cấp bách khác là sự trì hoãn tiêm vắc xin. Tổ chức WHO xác định sự trì hoãn tiêm vắc xin là một trong những mối đe dọa đối với y tế toàn cầu trong năm 2019.

Ở một số quốc gia thu nhập cao và trung bình, cha mẹ đang trì hoãn hoặc từ chối tiêm vắc xin cho con vì họ do dự hoặc hoài nghi về sự an toàn và tầm quan trọng của vắc xin. Điều này đã tạo ra một khoảng trống miễn dịch và khiến tất cả trẻ em khác có nguy cơ bị mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Sự lan truyền của những thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin trên một số phương tiện truyền thông là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của trào lưu này và cần phải được xử lý khẩn cấp.

Chính vì vậy, trong buổi Lễ mít tinh, đại diện tổ chức WHO đã nhắc nhở và khuyến cáo tới người dân 5 sự thật về tiêm chủng gồm: vắc xin an toàn và hiệu quả; vắc xin phòng bệnh chết người; vắc xin cung cấp khả năng miễn dịch tốt hơn so với nhiễm trùng tự nhiên; các loại vắc xin phối hợp đều an toàn và hiệu quả; nếu chúng ta ngừng tiêm vắc xin, bệnh tật sẽ quay trở lại.

Hòa Bình: Quyết tâm hoàn thành Tổng điều tra dân số, nhà ở vào ngày 22/4

Với phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau”, BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp sẵn sàng hỗ trợ các xã, thị trấn gặp khó khăn trong quá trình điều tra để đẩy nhanh tiến độ điều tra.

Theo số liệu thống kê của BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Tính đến hết ngày 16/4, toàn tỉnh đã hoàn thành phỏng vấn 192.909/22.1853 hộ, đạt 86,95%. Địa bàn đạt cao nhất là huyện Lạc Thủy đạt 98,54% (16.990/17.241 hộ), thấp nhất là huyện Tân Lạc đạt 75,63% (16.535/21.862 hộ).

Một số xã, thị trấn đã hoàn thành cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở như: Xã Sơn Thủy (Kim Bôi), Đông Bắc (Kim Bôi), Quý Hòa (Lạc Sơn), Phúc Tuy (Lạc Sơn), Ngọc Sơn (Lạc Sơn), Hưng Thi (Lạc Thủy), Lạc Long (Lạc Thủy)…

Đồng chí Bùi Văn Mức, Cục Trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết: Để công tác tổng điều tra đạt kết quả cao, đúng quy trình, nghiệp vụ, BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp tỉnh đã chuẩn bị chu đáo từ việc tập huấn cho điều tra viên, vẽ sơ đồ nền; trang bị đầy đủ thiết bị điều tra đảm bảo đúng yêu cầu. 100% các địa bàn điều tra bằng CAPI (phiếu điện tử trên thiết bị di động). Bên cạnh đó, cuộc Tổng điều tra còn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành trong quá trình chuẩn bị và tiến hành điều tra. Người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra viên trong quá trình thu thập thông tin. Ngoài ra, đội ngũ điều tra viên tích cực, không ngại khó tiến hành điều tra vào buổi tối và các ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương luôn bám sát, giải đáp kịp thời những thắc mắc trên trang điện tử Tổng điều tra dân số và nhà ở. Tổ chức truyền hình trực tuyến giữa BCĐ Trung ương với BCĐ các tỉnh để các tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình điều tra. BCĐ Trung ương đã thông báo và yêu cầu BCĐ các tỉnh, thành phố một số lưu ý về nghiệp vụ điều tra như: Quy trình điều tra, yêu cầu điều tra viên phải thực hiện phỏng vấn theo đúng quy định, hỏi đúng câu hỏi. Khai thác kỹ thông tin về trình độ giáo dục, đào tạo và lao động việc làm. Điều tra viên hỏi kỹ để thu thập đúng thông tin về trình độ giáo dục, đào tạo cao nhất chứ không phải trình độ phổ thông cao nhất. Đây là một trong những thông tin rất quan trọng để đánh giá chất lượng dân số. Về thông tin nhà ở, điều tra viên cần phải hỏi và kết hợp quan sát để xác định đúng tình hình nhà ở và điều kiện sinh hoạt hộ dân cư.

Bên cạnh những thuận lợi thì cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở trên địa bàn tỉnh gặp phải một số khó khăn như: Toàn tỉnh có 1.197 điều tra viên và tổ trưởng với trình độ khác nhau cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc điều tra. Chương trình điều tra CAPI chưa hoàn thiện gây nhiều khó khăn cho điều tra viên. Hệ thống máy chủ thường phát sinh sự cố. Một số địa phương vùng sâu, xa đường truyền internet kém. Địa bàn rộng, một số xóm khó khăn trong việc đi lại của điều tra viên.

Với phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau”, BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp sẵn sàng hỗ trợ các xã, thị trấn gặp khó khăn trong quá trình điều tra để đẩy nhanh tiến độ điều tra. BCĐ cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch và chất lượng của cuộc điều tra. BCĐ cấp tỉnh sẵn sàng bố trí, điều động thêm điều tra viên về các địa bàn khó khăn, vùng sâu, xa để hỗ trợ các địa phương hoàn thành kế hoạch. Tỉnh ta quyết tâm hoàn thành cuộc Tổng điều tra dân số, nhà ở vào ngày 22/4.

Người cộng tác viên 25 năm hết mình với công tác dân số

Tham gia công tác dân số từ năm 1993, điều kiện phương tiện đi lại, đường sá rất khó khăn nên những ngày đầu làm công tác dân số với bà Nguyệt vô cùng vất vả.

Biết bao lần bị “nặng nhẹ”, thậm chí bị xua đuổi khi đến nhà người dân vận động KHHGĐ nhưng bà Võ Thị Ánh Nguyệt (SN 1959, cộng tác viên dân số ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vẫn kiên trì gắn bó với công tác này trên 25 năm. Với sự kiên trì và nhiệt tình của bà Nguyệt, công tác dân số trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả, nhiều gia đình nhờ đó mà có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc.

Nhiều người đã tự nguyện dừng lại ở 2 con

Tham gia công tác dân số từ năm 1993, điều kiện phương tiện đi lại, đường sá rất khó khăn nên những ngày đầu làm công tác dân số với bà Nguyệt vô cùng vất vả.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Mỗi khi đến nhà người dân vận động KHHGĐ, tôi phải đi bộ và thường vào buổi chiều tối, lúc đó các thành viên trong gia đình mới có mặt ở nhà. Nhiều hôm, phải đến chạng vạng tôi mới về đến nhà. Vất vả vậy chứ nhiều trường hợp đến nhà không những họ không tiếp mà còn có những lời khó nghe”.

Trước những khó khăn đó, là người có trách nhiệm với công việc lại thêm tinh thần kiên nhẫn không ngại khó, bà Nguyệt đã sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”. Bà gặp người thân của họ để tiếp cận chuyện trò, phân tích lợi ích của việc sinh ít con và những khó khăn khi đông con, rồi cô nêu gương những gia đình chỉ có con một bề nhưng vẫn sống rất hạnh phúc, kinh tế khá giả, con cái học giỏi, chăm ngoan. Sau những buổi vận động của bà Nguyệt, lúc đầu một rồi 2, 3… trường hợp đã đồng ý KHHGĐ.

Chị Lê Thị Thúy Liễu, cán bộ chuyên trách dân số xã Vĩnh Thới cho biết: “Trước đây, ở ấp Hòa Định, tư tưởng phong kiến trong người dân rất nặng, nhiều gia đình muốn sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường và tư tưởng sinh con đông cho vui nhà vui cửa nên đa phần các cặp vợ chồng sinh 4 - 5 con là chuyện thường.

Nhưng từ khi bà Nguyệt đảm nhận công tác dân số ở đây, đã giúp nhiều bà con thay đổi tư tưởng. Nhiều người đã tự nguyện dừng lại ở 2 con để chăm lo cho gia đình được tốt hơn. Những năm gần đây, trên địa bàn ấp chỉ có 1 - 2 trường hợp sinh con thứ ba, nên đời sống chị em ở đây được cải thiện hơn trước rất nhiều”.

Cơ duyên lớn trong đời với quê hương

Kết quả trên là cả một quá trình kiên trì của bà Võ Thị Ánh Nguyệt. Thời gian đầu làm công tác dân số, công việc vất vả nhưng tiền hỗ trợ không được bao nhiêu, gia đình, người thân bảo cô “vác tù và hàng tổng”. Thậm chí có người bảo cô thích xen vào việc gia đình người khác.

Bà Nguyệt kể: “Năm 2008, có một gia đình rất khó khăn mà có 6 người con, vận động không biết bao nhiêu lần, người chồng thì đồng ý triệt sản, còn vợ thì không, thế là anh chồng nhờ tôi dẫn đi triệt sản. Khi biết chuyện, chị vợ đến nhà tôi nói nặng lời, đòi thưa kiện tôi. Rồi chị vợ bị bệnh u nang buồng trứng, tôi nhiệt tình dẫn đi khám rồi điều trị bệnh. Bác sĩ giải thích cho chị ấy hiểu là sinh nhiều con ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ dẫn đến nhiều bệnh cho phụ nữ... Hiểu được, sau khi bình phục, chị ấy cũng không còn phản ứng với chuyện anh chồng đã đi triệt sản và từ đó tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình”.

Gian nan vậy, nhưng khi được hỏi, đã bao giờ cô có ý định từ bỏ công việc, bà Nguyệt quả quyết: “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ công việc này. Làm việc này tôi học được nhiều điều lắm, mà nhất là tôi đã học được chữ “nhẫn, thân thiện và mềm mỏng”. Làm công việc này nếu không kiên nhẫn, mềm mỏng thì sẽ thất bại. Người cộng tác viên dân số phải thường xuyên đến các gia đình để gắn kết tình thân, sẵn sàng hỗ trợ nếu họ cần. Đó cũng chính là cách để làm dân vận trong lĩnh vực DS-KHHGĐ. Với tôi, được làm công tác dân số là một cơ duyên lớn trong đời, được góp phần công sức nhỏ của mình cho quê hương”.

Bảo Thắng, Lào Cai: Cung cấp dịch vụ KHHGĐ, không quên truyền thông nâng cao chất lượng dân số

Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tổ chức tuyên truyền, khám và tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại 5/15 xã trong chiến dịch đợt 1.

Triển khai chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới năm 2019, Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tổ chức tuyên truyền, khám và tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại 5/15 xã trong chiến dịch đợt 1. Thời gian thực hiện từ ngày 4/4-30/4; mỗi xã tổ chức từ 3-4 ngày (trong đó có 4 xã vùng III và 1 xã biên giới).

Trước ngày tổ chức chiến dịch, thành viên Ban Chỉ đạo các xã đã truyền thông tại cộng đồng, tư vấn nhóm, vận động tại hộ, lập danh sách các chị em đăng ký tham gia chiến dịch.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, Chiến dịch tính đến ngày 19/4 đã có 904 người tham gia khám phụ khoa, 440 người phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản được điều trị.

Tại điểm tổ chức chiến dịch, viên chức dân số tuyên tuyền tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi, viết bài truyền thông phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền... Các nội dung hữu ích về các biện pháp tránh thai, sàng lọc trước sinh - sàng lọc sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... đã được chuyển tới nhiều chị em.

Chị em đến tham gia chiến dịch đều được tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, qua đó các chị em hiểu rõ hơn, yên tâm hơn khi lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp. Sau khi tiếp thu các kiến thức cơ bản của cán bộ y tế truyền đạt, các chị em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại cơ sở, giới thiệu cho người thân, bà con thôn bản lân cận biết về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, sinh đẻ có kế hoạch, giãn khoảng cách sinh từ 3-5 năm để có thời gian chăm sóc sức của khỏe bản thân và nuôi dạy con cho tốt.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, chiến dịch tính đến ngày 19/4 đã có 904 người tham gia khám phụ khoa, 440 người phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản được điều trị. Trong đó có 1 người thực hiện triệt sản, 3 người cấy thuốc tránh thai, 161 người tiêm thuốc thánh thai, 69 người đặt dụng cụ tử cung, 131 người mới sử dụng biện pháp tránh thai dùng bao cao su và 263 người uống thuốc tránh thai.

Tổng các biện pháp tránh thai lâm sàng 234/358 đạt 65,36% kế hoạch. Kết quả này góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ năm 2019 của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, từng bước nâng cao sức khỏe, sức khỏe sinh sản cho người dân./.

6 vấn đề trọng tâm trong góp ý định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, dịch vụ hỗ trợ sinh sản cần có giải pháp gì?" Đây là một trong 6 vấn đề trọng tâm được đặt ra.

hát biểu tại Hội thảo Định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ngày 25/4 tại Nha Trang, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú chia sẻ những thành tựu công tác này trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những thách thức của dân số Việt Nam.

Thành tựu và thách thức

Theo đó, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trên 12 năm. Nghĩa là mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có trung bình 2 - 2,1 con. Hơn 2/3 số cặp vợ chồng ở nước ta chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

"Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã trở thành chuẩn mực, thấm sâu trong toàn xã hội" - ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Đến hết năm 2018, dân số Việt Nam là khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số giảm được khoảng 20 triệu người nhờ các chính sách DS-KHHGĐ phù hợp.

Bên cạnh đó, các dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao và gần dân hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Dân số nước ta cũng chỉ rõ những thách thức công tác này.

Theo ông Tú, mức sinh ở Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Khu vực kinh tế xã hội có nhiều khó khăn thì mức sinh cao, có nơi rất cao (như Lai Châu 3,11 con năm 2014). Nhưng ở vùng đô thị, vùng phát triển thì con số này xuống thấp, có nơi thấp xa hơn mức sinh thay thế.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đến mất cân bằng giới tính khi sinh khi chỉ số này tăng nhanh, được đánh giá là nghiêm trọng. Năm 2018 là năm chỉ số này cao nhất 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng ba điểm phần trăm so với năm 2017.

Dân số Việt Nam hiện khoảng 95 triệu người.Dân số Việt Nam hiện khoảng 95 triệu người.

Ông Nguyễn Doãn Tú thẳng thắn: "Chúng ta thiếu chủ động trong nghiên cứu, đề ra giải pháp, ban hành cơ chế chính sách đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, thích ứng với tốc độ già hoá dân số nhanh."

Bên cạnh đó là những thách thức trong chất lượng dân số, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phân bố dân số, quản lý dân cư... còn những bất cập, hạn chế, nhất là vấn đề về tổ chức bộ máy, nguồn lực đầu tư từ Trung ương tới cơ sở.

"Việt Nam có quy mô dân số lớn, đứng thứ 14 trên thế giới, mật độ dân số cao. Chúng ta cũng là một trong 7 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng không nhiều..." - ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Bản tin dân số - Hoạt động nổi bật về Công tác Dân số - KHHGĐ tháng 4-2019

Hà Nội tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ; Hơn 500 cán bộ dân số tại Hà Nam được truyền thông về chăm sóc sức khỏe chủ động cho gia đình và bản thân; Lai Châu tích cực truyền thông về công tác dân số cho cán bộ tại địa phương

Hà Nội tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân sinh sống tại Hà Nội về công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tạo động lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về DS- KHHGĐ năm 2019. Nhiều hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ về DS- KHHGD.  

Từ đầu năm 2019 đến nay, Tại Quận Thanh Xuân, Chiến dịch đã được triển khai đồng bộ tại 11/11 phường. Trong đó, có 8 phường trọng điểm được thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ ngay tại trạm y tế phường. Các điểm truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ người dân được cung cấp các dịch vụ như: Tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; khám phụ khoa, kiểm tra vòng; xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ tử cung để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung; xét nghiệm đường máu và mỡ máu miến phí và cung cấp các xét nghiệm máu tự nguyện theo nhu cầu của người dân. Những hoạt động sôi nổi của chiến dịch đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Hơn 500 cán bộ dân số tại Hà Nam được truyền thông về chăm sóc sức khỏe chủ động cho gia đình và bản thân

Nhằm nâng cao lượng dân số và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục về sức khỏe cho cán bộ và nhân dân. Ngày 16/4, tại Hà Nam, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Hà Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Duy Tiên tổ chức hội nghị triển khai Chương trình sức khoẻ Việt Nam năm 2019.Tại hội nghị, đồng chí Tạ Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã trực tiếp truyền thông, trao đổi thông tin với hơn 500 cán bộ dân số về Chương trình sức khoẻ Việt Nam, nội dung chăm sóc sức khoẻ chủ động cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp  phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong những giai đoạn tiếp theo.

Lai Châu tích cực truyền thông về công tác dân số cho cán bộ tại địa phương

Thực hiện Kế hoạch công tác dân số năm 2019 tỉnh Lai châu, từ ngày 11 - 17/4/2019, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Mường Tè phối hợp với UBND các xã tổ chức Hội nghị chuyên đề về giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, can thiệp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tại Hội nghị, đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã cung cấp những thông tin, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số trong tình hình mới, những quy định xử lý vi phạm về chính sách dân số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ dân số và đưa ra giải pháp để triển khai đạt hiệu quả trên địa bàn huyện. 

Chuyện một cán bộ dân số vùng cao yêu nghề

Đó là chị Cao Thị La, cán bộ chuyên trách dân số xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Gần 20 năm qua, chị đã âm thầm giúp đỡ nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã giảm sinh, nâng cao chất lượng sống, xây dựng mô hình gia đình 2 con phát triển ổn định.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Liên Sang là một xã miền núi nằm phía tây của huyện Khánh Vĩnh, cách trung tâm huyện 14 km, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào núi rừng, nương rẫy, trình độ dân trí thấp. Toàn xã có 1.932 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 2/3, chủ yếu là người Raglai, H’rê, Tày, Cơ Ho, Ê Đê. Đa số bà con có cuộc sống khó khăn, trẻ em không được đến trường.

Chị La cho biết, địa bàn nhiều dân tộc khác nhau nên phong tục tập quán cũng khác nhau, vì vậy công tác vận động thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu chịu khó giải thích cho bà con hiểu, một người làm được thì cả xóm sẽ làm theo. Hiểu được vậy, ban đầu chị La vận động chị em trong gia đình thực hiện trước để làm gương. Sau đó chị mới gặp gỡ bà con hàng xóm vận động làm theo. Do đặc thù vùng núi, hầu hết bà con đều lên nương rẫy từ rất sớm nên chị phải đi đến nhà bà con tuyên truyền vào ban đêm. Các buổi sinh hoạt nhóm chị cũng tổ chức vào buổi tối, sinh hoạt đến tận khuya mới về. Để đạt hiệu quả, chị còn lập danh sách phân luồng đối tượng để truyền thông cho phù hợp. Các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con chị truyền thông các biện pháp tránh thai hiện đại. Gia đình có con vị thành niên, thanh niên chị đề cập đến Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sàng lọc trước sinh sơ sinh cho bà mẹ mang thai...

Để trau dồi kiến thức tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu và thực hiện tốt hơn, chị La thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức, tìm tòi đọc sách báo để tìm ra cách nói chuyện phù hợp, thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con hiểu ra và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn. Đến nay, chị La đã tham gia ngành được 16 năm nhưng chưa lúc nào chị cảm thấy nản chí. Trong những lần đi vận động, có hộ gia đình nào không đồng ý thực hiện, chị tiếp tục phối hợp với già làng, trưởng thôn, chính quyền địa phương đến nhà vận động, thuyết phục và theo dõi cho đến khi thực hiện. “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên hòa đồng, thấu hiểu suy nghĩ và biết cách nói cho bà con hiểu. Cuộc sống của bà con quanh năm cơm không đủ no, những đứa trẻ con nheo nhóc, còi cọc bên nhà tranh vách đất. Những hình ảnh đó đã thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó với công việc. Hơn nữa tôi còn làm công tác phụ nữ xã nên thường xuyên gặp gỡ, giúp người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hộ nào thực hiện tốt chính sách dân số thì được ưu tiên. Nhờ vậy công việc vận động ngày càng hiệu quả hơn”, chị La nói.

Tâm huyết với nghề, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm

Chị Cao Thị Ni La, 33 tuổi, ở thôn Chà Liên kể, khi chị sinh cháu thứ 2 xong, lo lắng chưa biết kế hoạch hóa gia đình như thế nào thì được chị La đến nhà hướng dẫn tận tình và tư vấn cho chị uống thuốc tránh thai. “Năm nay con thứ 2 của tôi đã 10 tuổi, còn tôi sức khỏe ổn định. Con cái tôi được đến trường, ăn học đầy đủ”, chị Ni La nói. Chị Cao Thị Linh, cộng tác viên thôn Chà Liên cũng cho biết, gia đình chị La luôn gương mẫu, 2 con học giỏi lễ phép, chồng chị luôn ủng hộ vợ tham gia công tác xã hội. Chị La rất tâm huyết với nghề, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho đội ngũ cộng tác viên và luôn động viên tinh thần cho chị em lúc khó khăn. Nhiều trường hợp người dân khó tiếp cận, chị đồng hành cùng giải quyết. Vì vậy, chị được bà con luôn tin yêu và quý mến.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Dân số - Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đánh giá, chị La là một cán bộ dân số năng nổ, nhiệt tình, có kinh nghiệm, gắn bó dài lâu với ngành Dân số, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, các cặp vợ chồng trẻ trên địa bàn xã đã chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình và tự giác đến Trạm Y tế khám sức khỏe, nam giới cũng biết chia sẻ cùng vợ trong kế hoạch hóa gia đình. Năm 2018, nhiều chỉ tiêu ngành giao, xã thực hiện đạt cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 16,66%; tỷ suất sinh giảm còn 18,81‰, thấp hơn mức trung bình chung của huyện 1,08‰; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên 76,12%.

Chị La xứng đáng là một tấm gương sáng trong công tác dân số, từng được Sở Y tế tặng Giấy khen và chính quyền địa phương nhiều lần khen thưởng.

 

6 vấn đề trọng tâm

Tại Hội thảo, một số chuyên đề trọng tâm về mục tiêu và giải pháp do thành viên tổ xây dựng Chiến lược trình bày để các đại biểu góp ý, thảo luận. Có 6 vấn đề lớn được đặt ra, đó là:

Để thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế đến năm 2030, Việt Nam cần những giải pháp nào, khi chúng ta đã duy trì được 12 năm, thế giới nhiều nước chưa làm được, nhưng cũng nhiều địa phương trong nước mức sinh giảm xuống rất thấp?

Hai là, để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, dịch vụ hỗ trợ sinh sản cần có giải pháp gì?

Ba là, để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, thích ứng với già hoá dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thì cần đẩy mạnh giải pháp nào, hoạt động gì?

Bốn là, để mọi người dân có thể tiếp cận phổ cập dịch vụ tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; Hạn chế tảo hôn, kết hôn cận huyết thì cần giải pháp gì?

Năm là, trọng tâm để đổi mới công tác truyền thông dân số là gì?

Sáu là, để thông tin số liệu dân số được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần giải pháp nào?

Bản tin dân số- Hoạt động nổi bật về công tác DS- KHHGĐ tháng 5 của tỉnh Nam Định - Phú Yên

Nam Định tổ chức giám sát, hỗ trợ triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ csskss/khhgđ, đợt 1 năm 2019. Phú Yên đưa các hoạt động cung cấp dịch vụ có chất lượng về CSSKSS/KHHGĐ đến gần với người dân

 Nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực Dân số-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ngày 26/4 vừa qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nam Định triển khai hoạt động giám sát, hỗ trợ tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đợt I, năm 2019 tại xã Giao Hương, huyện Giao Thuỷ.

Tại hội nghị, Ban Dân số xã Giao Thủy báo cáo nhanh công tác hậu cần, tuyên truyền, chuẩn bị mọi điều kiện triển khai chiến dịch đạt kết quả cao. Phát biểu chỉ đạo về công tác tổ chức, triển khai chiến dịch, đồng chí Vũ Xuân Bình – Chi cục trưởng đánh giá cao công tác chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung tâm Y tế huyện, sự vào cuộc và hỗ trợ kinh phí của lãnh đạo, chính quyền địa phương, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, truyền thông của các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các cộng tác viên dân số xã. Cũng tại Hội nghị, đồng chí Chi cục trưởng đã trao tặng Ban Dân số xã bộ dụng cụ y tế để khám phụ khoa, tháo và đặt dụng cụ tử cung.

 Ngay sau hội nghị triển khai chiến dịch, đã có gần 100 phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đến Trạm Y tế nghe tư vấn, khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm và lựa chọn, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp, trong đó có 41 ca đặt dụng cụ tử cung.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân nói chung và của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại tỉnh Phú Yên nói riêng về công tác CSSKSS/KHHGĐ. Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ và người tại địa bàn.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, chiến dịch sẽ được triển khai ở 65 xã trong toàn tỉnh. Các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu... để tổ chức triển khai chiến dịch đạt kết quả cao nhất. Trong đó ưu tiên người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Chiến dịch được chia theo các phương án với các nội dung truyền thông tập trung vận động các cặp vợ chồng chưa có con hoặc có một con nên sinh hai con nhằm ổn định quy mô, cơ cấu dân số; đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, người cao tuổi, kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh, CSSKSS; triển khai các biện pháp tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng... Đối tượng được hỗ trợ miễn phí là những người đang thực hiện KHHGĐ và sàng lọc sơ sinh.

Với sự nỗ lực, cố gắng và chung sức đồng lòng của ngành Dân số, Y tế và các đơn vị phối hợp liên quan của toàn tỉnh, chiến dịch này hứa hẹn sẽ đóng góp 1 phần không nhỏ để nâng cao bảo vệ sức khỏe, chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Hà Nội: Đẩy mạnh thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình

Quý I/2019, Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

 Tính đến hết tháng 3/2019, có 30/30 quận, huyện, thị xã có kế hoạch và đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, quý I/2019, toàn Thành phố có số sinh là 23.960 trẻ, tăng 1.146 trẻ so với cùng kỳ năm 2018, 24/30 đơn vị có số sinh tăng (trong đó, số đơn vị tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 như huyện Mỹ Đức, quận Hoàng Mai, huyện Ứng Hòa, quận Cầu Giấy, huyện Thạch Thất…).

Số trẻ là con thứ ba trở lên là 1.889 trẻ, tăng 142 trẻ so với cùng kỳ năm 2018 (Một số đơn vị tăng sinh con thứ ba trở lên cao so với cùng kỳ như các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn…). Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2018 là 113trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 70,19%, sàng lọc sơ sinh đạt 82,02%.

Trong chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, có 548/584 xã phường thực hiện, trong đó có 403/584 lồng ghép cung cấp dịch vụ kỹ thuật về dân số.

Bên cạnh đó, 18 huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tọa đàm tìm giải pháp hoàn thành chỉ tiêu công tác dân số. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội chỉ đạo điểm tại 6 huyện có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao và tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh thấp như huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hoài Đức... đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tốt công tác dân số.

Đồng thời, toàn thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số như xây dựng kế hoạch của Ban chỉ đạo công tác dân số về hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2019; thực hiện kế hoạch triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kế hoạch phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030.

Trong quý I, Ban chỉ đạo công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình Thành phố cũng đã thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số năm 2019, tình hình giao chỉ tiêu và dự toán ngân sách chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2019, công tác tổ chức cán bộ tại 6 quận/huyện gồm: Đan Phượng, Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình những tháng tiếp theo, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các quận, huyện, thị xã có số sinh và số sinh con thứ ba trở lên tăng cần tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt các chỉ tiêu thành phố giao.

Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số về thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”; triển khai các hoạt động phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội năm 2019; triển khai các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...

Đối với các quận, huyện có tỷ số giới tính khi sinh cao như quận Bắc Từ Liêm, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Hoài Đức, huyện Quốc Oai… PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị cần tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở dịch vụ có ứng dụng kỹ thuật sàng lọc giới tính thai nhi.

Để ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ cơ sở thực hiện công tác dân số, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với Thành phố thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ cộng tác viên và cán bộ chuyên trách của đơn vị trong thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Đặc biệt, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đinh. Trong đó, tập trung hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số đến người cao tuổi, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng là các học sinh tại các cơ sở giáo dục… để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hưởng ứng thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới.

Hội thảo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Ngày 25/4/2019 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, được sự hỗ trợ của Liên minh châu âu, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Định hướng chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030

Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và triển khai toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian qua, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song công tác dân số trong thời gian tới phải đối mặt với nhiều vấn đề mới cần nỗ lực giải quyết.

Ngày 25/4/2019 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, được sự hỗ trợ của Liên minh châu âu, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Định hướng chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Hội thảo được chủ trì bởi đồng chí Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Bộ Y tế, các bộ ngành có liên quan; thường trực, thư ký tổ xây dựng các Đề án thực hiện Nghị quyết 137 cùng các đại biểu đại diện cho Sở y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình của các tỉnh, thành trên cả nước.

Phát biểu định hướng hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận, góp ý toàn diện cho Dự thảo Chiến lược, tập trung vào góp ý đề xuất những giải pháp để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đã đề ra.

Tại hội thảo, các thành viên của tổ chiến lược đã giới thiệu một số chuyên đề của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, góp ý nội dung chiến lược dân số.

Hiện nay, ngành dân số Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các đối tượng; tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước. Thời kỳ dân số vàng đan xen với già hoá dân số tốc độ nhanh. Đặc biệt, nâng cao chất lượng dân số còn hạn chế.

Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, trong đó các mục tiêu về dân số gắn bó mật thiết với phát triển và phát triển bền vững. Bởi vậy, xây dựng và thực hiện có hiệu quả một Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp là một vấn đề cấp thiết.

Chúng ta, cán bộ làm công tác dân số cùng hướng đến vì một đất nước Việt Nam có quy mô dân số ổn định, cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng dân số ngày càng cao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Toàn văn dự thảo đã được đăng tải trên website gopfp.gov.vn và cpcs.vn để xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ làm công tác dân số các cấp.

Hội thảo công bố tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong trường học

Sau khoảng 1 năm triển khai biên soạn và góp ý. Đến nay cuốn tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đã chính thức được hoàn thành.

Thực hiện nhiện vụ lồng ghép giáo dục giới, bình đẳng giới và MCBGTKS với nội dung và hình thức phù hợp với các cấp học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành cho giới trẻ hiện nay. Năm 2018, Tổng cục DS-KHHGĐ nhận được sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học.

 Sau khoảng 1 năm triển khai biên soạn và góp ý. Đến nay cuốn tài liệu này đã chính thức được hoàn thành. Trong 2 ngày 24, 25/4 tại Hải Phòng, Tổng cục dân số- KHHGĐ tổ chức hội thảo công khai nội dung và hướng dẫn sử dụng tài liệu lồng ghép kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới cho đông đảo các đại biểu đến từ chi cục dân số -KHHGĐ các tỉnh, thầy cô và các em học sinh trung học trên địa bàn.

Theo cuốn tài liệu, mục đích của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trường trung học cơ sở là giúp các e học sinh củng cố thói quen tích cực, nền nếp trong học tập và sinh hoạt, hành vi trong giao tiếp ứng xử có văn hóa và tập trung hơn vào phát triển trách nhiệm cá nhân, cộng đồng; còn ở trường THPT là giúp các em học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp THCS. Kết thúc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại.

Việc tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học có thể thực hiện bằng nhiều phương thức, con đường khác nhau. Sau các buổi trải nghiệm, học sinh sẽ có nhận thức đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi về MCBGTKS và một số vấn đề về giới, bình đửng giới. Nhiều hơn nữa là việc các em sẽ có thái độ, hành vi ứng xử tôn trọng với các bạn khác giới, người khác giới ở trường, gia đình và cộng đồng.

Sau thời gian thảo luận và tổ chức hoạt động trải nhiệm hướng nghiệp lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, Bình đẳng giới. Cán bộ Tổng cục Dân số cùng chi cục dân số- khhgđ các tỉnh tổ chức đi thực tế tại trường THCS Đồ Sơn, Hải Phòng Đây là 1 trong những hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS trong trường học.

Thanh Hóa: Huyện Hà Trung nâng cao chất lượng dân số

Để nâng cao chất lượng dân số, hằng năm, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Hà Trung đã ban hành các kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dân số;

Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc thực hiện công tác DS – KHHGĐ, nhân rộng các mô hình đề án về nâng cao chất lượng dân số như: 

Đề án “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; triển khai hiệu quả tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và khuyến khích thu phí dịch vụ KHHGĐ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản.

Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào triển khai chính sách, xây dựng và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ. Đến nay 100% số trạm y tế xã, thị trấn thực hiện được dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng các biện pháp tránh thai.

Tiêu biểu như xã Hà Tân, để thực hiện tốt các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số, ban dân số xã xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Ngoài ra, xã đã triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; các mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Hiện nay, xã đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số nhiệt tình, năng động, có tinh thần trách nhiệm cao.

Đồng thời, xã đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của công tác DS - KHHGĐ. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên tổ chức các hội nghị, tọa đàm về thực trạng và giải pháp giảm mức sinh và tỷ lệ người sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh, sức khỏe vị thành niên và thanh niên...

Đến nay quy mô gia đình từ 1-2 con được đông đảo các cặp vợ chồng trẻ trong xã đồng thuận, đặc biệt việc áp dụng các biện pháp tránh thai luôn duy trì trên 90%; 100% các cặp đôi thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân; tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm khoảng 4%...

Không chỉ riêng xã Hà Tân, mà các xã Hà Bình, Hà Lâm, Hà Đông... công tác dân số đều được các địa phương trên địa bàn huyện triển khai hiệu quả. Có được kết quả đó là nhờ, huyện đã xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức và hành động của người dân và đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ tại các xã, thị trấn.

Các đối tượng được cán bộ y tế, dân số trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình; nâng cao nhận thức của chị em trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện tốt KHHGĐ. Đồng thời kiểm tra, rà soát, vận động số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con nhưng chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại hưởng ứng, thực hiện.

Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Hà Trung cho biết, trung bình mỗi năm huyện đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, vận động, các buổi sinh hoạt, nói chuyện sinh đẻ kế hoạch, tư vấn, thuyết phục người dân thực hiện tốt các nội dung trong công tác DS - KHHGĐ cho các đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, cấp phát tờ rơi đến các đối tượng, treo khẩu hiệu, panô, băng zôn tuyên truyền... đã từng bước nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ theo hướng không phân biệt giới tính, không coi trọng con trai hơn con gái; trẻ vị thành niên và thanh niên nhận thức sâu sắc về Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; các quy định của pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ giới tính khi sinh toàn huyện là 115 nam/100 nữ; dân số tự nhiên tăng 0,75%; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 12,9%.

Chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Thái Nguyên

Số lượng người già ở tỉnh Thái Nguyên nói chung và ở thị xã Phổ Yên nói riêng đang ngày một gia tăng khiến địa phương phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho NCT.

Thái Nguyên là một trong những tỉnh đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tổng số người cao tuổi là 129.787 người, chiếm 10,4% dân số toàn tỉnh. Già hóa dân số tăng nhanh là cách phản ánh về những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.

Những thách thức từ tác động già hóa dân số

Tình trạng già hoá dân số đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhiều vấn đề kinh tế – xã hội cần phải giải quyết. Số lượng người già ở tỉnh Thái Nguyên nói chung và ở thị xã Phổ Yên nói riêng đang ngày một gia tăng khiến địa phương phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho NCT.

Với thực trạng số NCT tăng nhanh, phân bố không đồng đều, tập trung tại khu vực nông thôn (chiếm gần 70%); số người được hưởng chế độ lương hưu còn thấp. Số NCT tăng buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm nên NCT gặp không ít bệnh tật, đặc biệt là bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, tim mạch, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hoặc phải điều trị suốt đời.

Tỷ lệ NCT của thị xã Phổ Yên cũng chiếm trên 10% dân số để thích ứng với một xã hội đang già hóa dân số, việc quản lý chăm sóc người cao tuổi thời gian qua được thị xã Phổ Yên quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để họ tiếp cận và thụ hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe.

Xã Trung Thành (thị xã Phổ Yên) là một trong những xã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT. BS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Trung Thành (thị xã Phổ Yên) cho biết: Chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và người cao tuổi nói riêng là nhiệm vụ của ngành Y tế. Trung bình mỗi năm 1-2 lần, Trạm tổ chức khám sức khỏe và tư vấn cho các cụ cao tuổi. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã khám cho 468 lượt NCT.

Cần nhân rộng triển khai thực hiện Đề án

Theo ông Trần Quang Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành: Thời gian qua, xã Trung Thành đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở, nhất là Hội NCT tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về chăm sóc NCT. Các cụ tuổi cao nhưng các cụ rất tích cực vận động con cháu tham gia các phong trào địa phương như phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cùng với Trung Thành, Thuận Thành cũng là một trong những xã của thị xã Phổ Yên thực hiện tốt công tác chăm sóc NCT. Xã hiện có 924 hội viên NCT. Chăm sóc sức khỏe NCT là một trong những tiêu chí của Hội. BS Nguyễn Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thuận Thành cho hay: Thời gian qua, Trạm thường xuyên thực hiện đúng quy định về chăm sóc quan tâm tới sức khỏe NCT xã Thuận Thành. Được sự quan tâm của cấp ủy địa phương, sự chỉ đạo của ngành, Trạm cũng tổ chức khám định kỳ và thường xuyên cho NCT. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của Trạm đã xuống cấp, BS Lan Hương mong muốn ngành Y tế trang bị máy điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, để Trạm có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã và các cụ cao tuổi được tốt hơn.

Bà Hà Thị Hải Lý, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Phổ Yên chia sẻ: Hiện thị xã có 3 xã đang triển khai thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng là Tân Phú, Đông Cao, Hồng Tiến. Trung tâm đã tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các tổ chức hội: Phụ nữ, NCT, trong những buổi họp xóm nói chuyện chuyên đề về công tác DS – KHHGĐ, tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng; những bệnh thường gặp ở NCT được các địa phương rất ủng hộ.

Bà Hải Lý nói: “Để công tác chăm sóc sức khỏe NCT được tốt hơn, trong thời gian tới chúng tôi mong nhân rộng triển khai thực hiện Đề án này trên toàn toàn tỉnh nói chung và thị xã Phổ Yên, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thăm dò ý kiến