Đái tháo đường ở người cao tuổi và những lưu ý không thể bỏ qua
10/09/2019 | 15:38 PM
|
Đái tháo đường là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người cao tuổi và các biến chứng của đái tháo đường, nhất là các biến chứng tim mạch, là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở những người này.
Đái tháo đường là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người cao tuổi và các biến chứng của đái tháo đường, nhất là các biến chứng tim mạch, là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở những người này.
Người cao tuổi cần đi khám và tư vấn về kiểm soát bệnh đái tháo đường thường xuyên. Ảnh: T.L
Gia tăng tỷ lệ mắc
Theo các bác sĩ chuyên khoa, các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường ở những người cao tuổi là những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh ít hoạt động và do họ thường béo phì hoặc thừa cân.
Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện có 3,53 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường như tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... Với mức tiêu tốn gần 800 triệu USD/năm cho điều trị căn bệnh này, đây là gánh nặng vô cùng to lớn cho gia đình và xã hội.
GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, bệnh đái tháo đường xuất hiện do rối loạn chuyển hóa đường trong máu, phổ biến nhất là type 1 và type 2 (chiếm khoảng 90%). Hiện có tới 63% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và 70% số bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 chưa đạt mục tiêu điều trị. GS.TS Thái Hồng Quang lo ngại, cũng như các nước đang phát triển khác, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên khi đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường rất lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng như mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi. Chưa kể các bệnh lý tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim đe dọa thường trực tính mạng bệnh nhân.
Đa số các bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi là đái tháo đường tuýp 2 (tới trên 95%). Việc chẩn đoán được các bệnh nhân này là tương đối khó khăn do các triệu chứng của bệnh thường không có hoặc không điển hình. Một nguyên nhân khó chẩn đoán đái tháo đường nữa là người cao tuổi thường bị giảm sút trí nhớ, hoặc bệnh trầm cảm, bệnh Alzheimer…
Đẩy lùi nguy cơ biến chứng và tử vong
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trí – Bộ môn Lão khoa, Đại học Y Dược TP HCM, Chủ tịch Hội Lão khoa TP HCM, các biến chứng bệnh tiểu đường làm cho người già bị tàn phế cũng là một mối đe dọa thường xuyên, chẳng hạn biến chứng võng mạc, xuất huyết đáy mắt, đục thủy tinh thể là nguyên nhân làm cho người già bị mù lòa, còn biến chứng thần kinh ngoại vi và mạch máu não của bệnh tiểu đường thì thường làm hoại thư, khi mức độ trở nên nghiêm trọng thì phải cắt cụt chân, gây tàn phế suốt đời hoặc dẫn đến tử vong.
Vì thế, theo PGS Nguyễn Văn Trí, ngoài việc phòng ngừa thì đối với việc điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc: Tránh nguy cơ hạ đường huyết; Tránh nguy cơ tăng đường huyết; Chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối; Chăm sóc các biến chứng đái tháo đường; Kiểm soát huyết áp, Lipid máu đạt mục tiêu; Tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng.
Theo đó, ở người cao tuổi, mục tiêu chung trong điều trị đái tháo đường tương tự như ở người trung niên, cần kiểm soát cả tăng đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc. Ngoài ra cần chú ý điều trị các bệnh lý kèm theo.
Bệnh nhân cao tuổi bị tăng đường huyết dẫn tới tình trạng mất nước, giảm thị lực và rối loạn tri giác, do đó làm cho bệnh nhân suy yếu và tăng nguy cơ ngã. Ngoài ra hạ đường huyết do thuốc có thể gây hậu quả xấu như ngã gây chấn thương hoặc làm các bệnh lý đi kèm nặng hơn. Do đó, PGS Trí nhấn mạnh, mục tiêu kiểm soát đường huyết cần tùy theo tình trạng sức khỏe chung, thời gian sống còn dự kiến.
Người già khi hạ đường huyết thường ít các biểu hiện giao cảm như vã mồ hôi hay run, mà hay có biểu hiện giảm glucose ở thần kinh trung ương như yếu, chóng mặt, lú lẫn. Do đó có thể nhầm với tổn thương khác như cơn thoáng thiếu máu não. Hạ đường huyết làm tăng biến cố tim mạch, tăng khả năng sa sút trí tuệ, khả năng ngã dẫn tới gẫy xương. Do đó chú ý chọn lựa thuốc giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết. Cẩn thận khi dùng sulfonylurea, glinide và insulin.
PGS Nguyễn Văn Trí cũng khuyến cáo, tiết chế và vận động cũng rất có lợi trong kiểm soát đái tháo đường ở người già. Tuy nhiên cũng cần chú ý bệnh nhân lớn tuổi có thể có nguy cơ thiếu dinh dưỡng làm giảm cân quá nhiều dẫn tới tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong./.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Related news
- Bác sĩ Quảng Bình nảy sáng kiến tích trữ nước sạch để phục vụ bệnh nhân trong lũ lụt
- Bệnh viện đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ thí điểm xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão