Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá
07/04/2009 | 05:00 AM
Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Hoàng Ngọc Quyền chia sẻ, Đề án 1816 là một chủ trương hết sức có ý nghĩa, được xã hội quan tâm và ủng hộ, một trong những bước đột phá của ngành y tế giúp cho các tuyến nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ tại chỗ.
Thực hiện Đề án 1816 tại Hà Giang:
Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá
Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Hoàng Ngọc Quyền chia sẻ, Đề án 1816 là một chủ trương hết sức có ý nghĩa, được xã hội quan tâm và ủng hộ, một trong những bước đột phá của ngành y tế giúp cho các tuyến nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ tại chỗ.
Các đơn vị y tế trong tỉnh Hà Giang đều có nhu cầu cần hỗ trợ, Sở Y tế Hà Giang đã tổ chức tốt công tác phối hợp với các bệnh viện Trung ương và tham mưu trình UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định phê duyệt Đề án "Luân phiên cán bộ y tế từ tuyến tỉnh về hỗ trợ y tế tuyến huyện giai đoạn 2008-2010" của tỉnh và thành lập Ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh.
Khám chữa bệnh cho bà con ở Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: CTV |
Đối với tuyến Trung ương về hỗ trợ tuyến tỉnh, trong quý IV năm 2008, Hà Giang đã có 16 cán bộ ở Trung ương về hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh 11 cán bộ. Các bác sĩ ở Trung ương đã trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, điều trị chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật như: chọc dịch não tủy, đặt sonde dạ dày, bàng quang, mổ dạ dày cấp cứu, thở máy, đặt catheter TM, chạy thận cấp cứu, kỹ thuật mổ thoát vị bẹn, mổ làm hậu môn nhân tạo, mổ kết hợp xương, mổ thoát vị đốt sống L4-5... tại Khoa hồi sức cấp cứu, Khoa ngoại, Khoa truyền nhiễm của BVĐK tỉnh. Các bác sĩ đã tham gia khám, chữa bệnh, điều trị chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi như: chọc dịch màng phổi, dẫn lưu khí, chẩn đoán, điều trị các bệnh lao, chẩn đoán các bệnh phổi ngoài lao, hướng dẫn đọc phim Xquang, CT scanner, bình bệnh án... Đồng thời, cử cán bộ xét nghiệm vi sinh tăng cường cho Khoa xét nghiệm khảo sát toàn diện, xây dựng chiến lược phát triển xét nghiệm vi sinh.
Sở Y tế đã cử 28 cán bộ y tế đang công tác tại các đơn vị tuyến tỉnh trực thuộc Sở về luân phiên hỗ trợ các đơn vị y tế tuyến huyện, kể từ ngày 1/10/2008. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn 11 huyện, thị xây dựng và tham mưu trình UBND huyện ra quyết định phê duyệt đề án, thành lập Ban chỉ đạo "Luân phiên cán bộ y tế từ tuyến huyện về hỗ trợ y tế tuyến xã giai đoạn 2008-2010". 86 cán bộ tuyến huyện được cử luân phiên xuống tuyến xã. Hướng dẫn cho cán bộ trạm y tế xã biết cách khám, điều trị, làm bệnh án xã, kê đơn thuốc và ghi sổ A1. Thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia và tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phòng chống dịch tại cơ sở, chủ động phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh một cách kịp thời. 3 tháng qua, số cán bộ luân phiên đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Một nhiệm vụ đạt hiệu quả nhất đó là đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân; tham gia khám, chữa bệnh, cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân kịp thời, giảm mức độ bệnh hoặc tránh được những tử vong đáng tiếc xảy ra, giảm số bệnh nhân chuyển tuyến và chi phí khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, các cán bộ được cử luân phiên còn làm thay đổi nhận thức và nề nếp làm việc của cán bộ y tế, nhất là tuyến xã. Năng lực quản lý điều hành của cán bộ và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên...
Đến Bệnh viện tỉnh Hà Giang, Giám đốc BVĐK tỉnh Trần Đức Quý, cho biết: “Đề án 1816 đã thực sự phát huy hiệu quả và bản thân BVĐK Hà Giang, nhân dân các dân tộc của tỉnh đã được hưởng lợi từ việc luân chuyển cán bộ”. Từ 1/4/2009, Bệnh viện tỉnh Hà Giang đã làm lễ xuất quân cho các bác sĩ của tuyến tỉnh về huyện công tác. BS. Quý cho biết thêm: Bệnh viện đã chọn các huyện còn yếu để tập trung làm tốt trong năm 2009 này. Nhờ đó nhiều ca phẫu thuật khó như: mổ cắt túi mật, cố định xương đòn, áp - xe ruột thừa, tắc ruột do dây chằng, phẫu thuật gãy 2 xương cẳng tay, u xơ tử cung... bệnh viện tuyến huyện của Hà Giang đã thực hiện được, giảm được nhiều bệnh nhân chuyển tuyến...
Trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn của miền núi đá Hà Giang, có thể nhận thấy rằng, Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi vào cuộc sống và lan tỏa rộng rãi. Đồng nghiệp của chúng tôi, không quá khi nói rằng, Đề án 1816 đã “nở hoa” giữa vùng núi đá!
Sẽ có đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ đánh giá về đề án 1816 Theo thông tin tại cuộc họp giao ban thường kỳ Đề án 1816 diễn ra sáng ngày 3/4, từ ngày 15/3, Viện Chiến lược Chính sách y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ đã họp xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ nhằm đánh giá quá trình 9 tháng triển khai thực hiện đề án 1816 tại các tuyến, xác định kết quả bước đầu (số cán bộ được cử đi luân phiên, các kỹ thuật đã chuyển giao, tỷ lệ chuyển tuyến...), phân tích những khó khăn và đề xuất một số giải pháp để đảm bảo thực hiện đề án bền vững trong thời gian tới. Đề tài sẽ được tiến hành tại 6 BV tuyến TW, 3 BV lớn của Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành ở vùng sâu, vùng xa... Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu 3 đơn vị này và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thực hiện đề tài này. Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 10/4, các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch cử cán bộ y tế luân phiên trong quý 2 phải nộp kế hoạch về Bộ Y tế. TB |
Kim Thanh
Tin liên quan
- Tăng trách nhiệm và lòng tin
- Đề án 1816 trong chương trình khám, phòng chống bệnh da liễu
- Đề án 1816 là một chủ trương lớn, phải thực hiện lâu dài
- Đưa cái “có” đến nơi “cần”
- Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế: Tiếp sức cùng tuyến dưới
- Bệnh viện tỉnh hỗ trợ tuyến dưới: Tạo bước chuyển rõ nét