WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

15/03/2020 | 10:03 AM

 | 

 

 

Sau nhiều cân nhắc lỹ lưỡng, ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng sang nhiều nước trên thế giới.

 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là một đại dịch.)

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, dựa trên tình hình hiện nay, tổ chức này đánh giá COVID-19 là một đại dịch. Bên cạnh đó, WHO cũng tỏ rõ sự quan ngại trước sự lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động của COVID-19, cũng như việc “thiếu hành động” tại một số nước. Qua đó, ông Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng thế giới cần hành động cấp bách và tích cực để kiềm chế đại dịch này.

Theo số liệu thống kê mới nhất do WHO vừa công bố, hiện COVID-19 đã lan sang 114 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 118.000 trường hợp nhiễm bệnh và 4.291 ca tử vong. Đáng quan ngại hơn là số các ca lây nhiễm, ca tử vong và các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 còn có nguy cơ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

“Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một đại dịch do một chủng virus Corona gây ra. Và chúng ta cũng chưa bao giờ thấy một đại dịch có thể được kiểm soát đồng thời cùng một lúc” – ông Ghebreyesus nói, đồng thời tin tưởng rằng “tất cả các quốc gia vẫn có thể thay đổi tiến trình của đại dịch này”.

Theo quan điểm của ông Ghebreyesus thì việc miêu tả COVID-19 là một đại dịch không hề làm thay đổi cách đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus Corona chủng mới gây ra, cũng như không ảnh hưởng tới những thành động của WHO và những biện pháp mà các nước được khuyến cáo. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tất cả các nước trên thế giới cân bằng tốt giữa việc bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu gián đoạn kinh tế-xã hội và tôn trọng nhân quyền trong bối cảnh đại dịch bùng phát.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Ghebreyesus đã kêu gọi mỗi lĩnh vực, từng cá nhân cần tham gia vào cuộc chiến toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19. Theo ông Ghebreyesus thì thông điệp về vấn đề này đã được WHO phát đi rất rõ ràng và mạch lạc.

Ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần học hỏi thành công của nhau, cùng hành động và giúp bảo vệ lẫn nhau trước một mối đe dọa chung. Người đứng đầu WHO cho rằng, hiện việc cần làm là :“Tìm kiếm, cô lập, điều trị mỗi trường hợp nhiễm bệnh và theo dõi mọi mối liên hệ...Sẵn sàng các bệnh viện. Bảo vệ và đào tạo các nhân viên chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

Theo ông Ghebreyesus thì việc có tới 90% ca nhiễm bệnh đang tập trung ở 4 nước gồm: Trung Quốc, Italy, Iran và Hàn Quốc đã cho thấy, đại dịch COVID-19 có thể bị kiềm chế nếu như các nước hành động nhanh chóng.

 

Các nước đang làm gì để hạn chế tác động của COVID-19?

Song song với lời kêu gọi của WHO, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu áp dụng các biện pháp được tính toán là phù hợp để ứng phó với dịch bệnh.

Hiện chính phủ Iran đã bắt đầu thiết lập các trung tâm kiểm dịch và các cơ sở điều trị khi số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này đã chạm tới ngưỡng 9.000 người vào ngày 11/3.

Cùng ngày, chính phủ Anh đã cam kết triển khai một gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 39 tỷ USD. Trong khi đó, nước chịu tác động của COVID-19 đứng thứ 2 trên thế giới là Italy, ngày 11/3 cũng quyết định giải ngân 28,3 tỷ USD để ứng phó với tình hình khẩn cấp đang phải đối mặt.

Cũng trong ngày 11/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc tới việc trì hoãn thời hạn nộp thuế vào ngày 15/4 tới đối với các cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong những tháng tiếp theo vẫn được xem là “đang mờ nhạt” . Theo số liệu thống kê do trường đại học Johns Hopkins vừa công bố, tính đến ngày 11/3, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 1.001 ca nhiễm, với 28 ca tử vong vì COVID-19./.

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản


Thăm dò ý kiến