Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

16/10/2018 | 00:12 AM

 | 

Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Quan trọng nhất là Việt Nam cần nỗ lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống lao.



Gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam còn cao

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao, bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công-tư phòng, chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám, chữa lao... Đặc biệt, chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số giai đoạn 2015-2020. Cùng đó, hệ thống phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng, chống lao hoạt động rất hiệu quả và đủ khả năng áp dụng tất cả thành tựu công nghệ mới trong điều trị bệnh lao.

BAi 35 CTMTYTDS anh 1.jpg
Bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, cho biết: “Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống lao của Việt Nam xác định đến năm 2020 giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; giảm chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao”.

Nhận định về tình hình phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam, bà Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu cho biết: “Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao còn cao. Tuy nhiên, Việt Nam có hệ thống phòng, chống lao rất tốt từ Trung ương tới tuyến cơ sở. Điều đó thể hiện cam kết cao từ cấp lãnh đạo cũng như Chương trình phòng, chống lao của Việt Nam. Lao là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng số một trong số các bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Do đó, chúng tôi muốn hỗ trợ để Việt Nam cải thiện hơn nữa hoạt động trong công tác phòng, chống lao thông qua hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật”.

Cần quan tâm tới bệnh nhân lao nghèo

Theo bà Tereza Kasaeva: Chương trình phòng, chống lao của Việt Nam có hệ thống tổ chức tốt và bà có niềm tin mạnh mẽ sẽ triển khai thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải lưu ý có sự hỗ trợ về mặt xã hội cho bệnh nhân lao. Đặc biệt, không để họ rơi vào khó khăn về mặt tài chính. “Muốn thực hiện thành công chấm dứt đại dịch lao thì chúng ta không được bằng lòng với những cái chúng ta có. Chúng ta phải nỗ lực hơn và phải hướng tới cách tiếp cận mới, để làm sao có sự tham gia một cách sâu rộng hơn, toàn diện hơn của các đơn vị có liên quan. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ nhóm bệnh nhân nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương”, bà Tereza Kasaeva nhận định. Bà cũng mong muốn Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung, gồm: Tăng cường hơn nữa hoạt động sàng lọc, phòng, chống lao với mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm bằng các dịch vụ chẩn đoán có chất lượng cao cho mọi đối tượng bệnh nhân lao. 

Theo bà Tereza Kasaeva, để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao để họ biết bệnh lao là gì, từ đó có ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Thực tế, 1/3 dân số thế giới nói chung hiện nay có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không phải trường hợp nào cũng phát triển thành bệnh lao. Vì thế, người dân cần biết các kiến thức để bảo vệ bản thân và cộng đồng, không cho vi khuẩn lao phát triển thành bệnh. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính quyền các cấp ở Việt Nam cần bảo đảm nguồn tài chính bền vững lâu dài, sự hợp tác đa ngành trong công tác phòng, chống lao. Bà Tereza Kasaeva tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030./.


Thăm dò ý kiến