Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu
30/11/2020 | 10:28 AM
|
TS.Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2020 nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2020, do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam tổ chức ngày 26-11, tại Hà Nội.
Bảo đảm nguồn máu an toàn trong dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, công tác vận động, tổ chức hiến máu đã đứng trước những thử thách rất lớn, có những thời điểm đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Trước tình hình đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xác định cần đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: Đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế. Qua đó đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế, hàng ngàn tình nguyện viên phục vụ công tác tiếp nhận máu và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho hàng triệu người dân đến tham gia hiến máu trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền máu đã triển khai đồng bộ xét nghiệm sinh học phân tử (NAT), tăng khả năng kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu; chuẩn hóa quy trình điều chế nhiều chế phẩm máu; chú trọng đến truyền máu hòa hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền máu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn người hiến máu và chất lượng đơn vị máu…
Tại hội nghị, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác truyền máu tại hàng loạt quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về nguồn người hiến máu. Tuy nhiên, ngành Huyết học – Truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu và tổ chức tiếp nhận, cung cấp máu an toàn, góp phần vào thành công chung của cả nước trước đại dịch.
Nhiều ứng dụng tiên tiến được đưa vào điều trị
Theo TS Bạch Quốc Khánh, những năm qua, ngành Huyết học – Truyền máu Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến. Cụ thể, Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu; thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gen bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…; phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố… Về lĩnh vực di truyền – sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.
Toàn cảnh hội nghị
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tham gia trình bày được đầu tư cả về chất lượng và số lượng, có giá trị thực tiễn cao đối với công tác truyền máu và điều trị, chăm sóc người bệnh; qua đó giúp các cán bộ chuyên môn cập nhật kiến thức khoa học, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đưa chuyên khoa Huyết học – Truyền máu Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện và hội nhập với nền y học thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua gần 100 bài chuyên luận và báo cáo có chất lượng về các lĩnh vực: Huyết học lâm sàng, Huyết học cận lâm sàng, Truyền máu, Ghép tế bào gốc, Di truyền – Sinh học phân tử… cùng với các gian triển lãm và các hoạt động bên lề có ý nghĩa. Bên cạnh đó, hội nghị cũng dành thời lượng cho chuyên đề Báo cáo viên trẻ với 17 báo cáo do các cán bộ trẻ trình bày. Đây là hoạt động thực sự ý nghĩa được duy trì trong các kỳ Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc, nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ được học hỏi, thực hành nghiên cứu khoa học và phát huy năng lực, xây dựng đội ngũ kế cận cho chuyên ngành.
Theo báo QĐND
Tin liên quan
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt
- Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bão
- Đảm bảo công tác đảm bảo nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế ứng phó với bão lũ số 3
- Hướng dẫn xử lý nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường sau bão lũ
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Thanh Hóa xử lý môi trường sau mưa lũ