Vaccine 5 in 1 ComBE Five sẽ vẫn tiếp tục được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch
04/01/2019 | 15:00 PM
|
PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine 5 in 1 ComBE Five sẽ vẫn tiếp tục được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác khám sàng lọc và hướng dẫn phụ huynh theo dõi con sau tiêm tại nhà.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Vaccine 5 in 1 ComBE Five chuyển đổi thay thế vaccine Quinvaxem đang nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc cha mẹ, đặc biệt sau khi có thông tin về hai ca trẻ tử vong tại Nam Định. Bộ Y tế đã khẳng định hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vaccine, không liên quan đến thực hành tiêm chủng.
Theo TS Dương Thị Hồng, từ năm 2018, Vaccine ComBE Five được Bộ Y tế lựa chọn thay thế vaccine Quinvaxem. Đây là vaccine có thành phần tương tự Quinvaxem, được xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phòng năm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Quinvaxem. Trước khi được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccine cũng đã phải trải qua các bước kiểm tra đầy đủ, sát sao của Bộ Y tế.
“Vaccine ComBE Five được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và được sử dụng hơn bốn trăm triệu liều ở trên 43 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mỗi lô vaccine về VIệt Nam, trước khi đưa ra tiêm chủng đều được kiểm định về chất lượng cũng như tính an toàn bởi Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế. Khi có giấy xuất xưởng về tính an toàn, lô vaccine đó mới được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng”, bà Hồng cho hay.
Trước khi đưa vào phạm vi toàn quốc, vaccine ComBE Five được triển khai trên quy mô nhỏ tại bảy tỉnh theo đúng trình tự để rút kinh nghiệm. Các kết quả tại từng địa phương đều được báo cáo thống kê đầy đủ lên Bộ Y tế. Trong tháng 12-2018, vaccine được sử dụng tiêm cho hơn bảy nghìn trẻ.
Bà Hồng cho biết, bất kỳ loại vaccine nào khi tiêm cho trẻ cũng đều có thể gây ra một số phản ứng thông thường như trẻ sốt, sưng đau, lười ăn.. Đây là phản ứng thông thường sẽ hết sau 1,2 ngày tiêm. Nhưng nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thương như li bì, sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, khó thở, bú ít, nổi ban trên da thì cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, không chủ quan để trẻ ở nhà quá lâu và tự điều trị, đặc biệt những trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cần hết sức lưu tâm.
“Chúng tôi mong cùng cán bộ y tế, các bố mẹ hãy cùng chúng tôi theo dõi cháu bé đầy đủ, cẩn thận sau tiêm 1-2 ngày. Chúng tôi đều có hướng dẫn, tư vấn cho các bà mẹ theo dõi toàn trạng của bé về ăn, ngủ và cả những bất thường của cháu bé để xử lý kịp thời”, bà Hồng khuyến cáo.
PGS, TS Dương Thị Hồng cho biết, hiện Bộ Y tế vẫn đang chỉ đạo các tỉnh thành tiêm vaccine ComBE Five theo kế hoạch chuyển đổi từ Quinvaxem sang ComBE Five. “Khi đến buổi tiêm chủng thường xuyên, chúng tôi hướng dẫn cán bộ y tế tiêm an toàn cho bé, chỉ đạo sát sao công tác khám sàng lọc, tư vấn cho bậc phụ huynh, theo dõi trẻ đúng cách sau khi tiêm để bảo đảm cho trẻ được tiêm an toàn”, bà Hồng cho hay.
Vaccine vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, tránh được những biến chứng, gánh nặng bệnh tật cho trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để bảo đảm trẻ nhận được miễn dịch phòng chống bệnh./.
Tin liên quan
- Bước tiến mới trong điều trị bệnh thận mạn tại Việt Nam
- Bác sĩ Quảng Bình nảy sáng kiến tích trữ nước sạch để phục vụ bệnh nhân trong lũ lụt
- Bệnh viện đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ thí điểm xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao