Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
19/11/2015 | 06:38 AM



“Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm tải bệnh viện, trong đó, mấu chốt là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bệnh án điện tử và giải pháp y tế từ xa” - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế lần thứ 6 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5/2012.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại một số bệnh viện lớn, đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế lần thứ 6, nhiều báo cáo tham luận tập trung đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và kế hoạch tổng thể triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ ngành Y tế giai đoạn 2011-2015.
Trên cả nước, hiện có khoảng 20% số bệnh viện ứng dụng thành công phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy là những cơ sở khám chữa bệnh áp dụng công nghệ thông tin đã đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tải bệnh viện. Nếu nhân rộng mô hình bệnh án điện tử trong toàn hệ thống cơ sở điều trị trên phạm vi toàn quốc sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho cộng đồng cũng như ngành Y tế.
Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết, trung bình mỗi ngày Bệnh viện có khoảng 4.000 người đến khám bệnh. Vì vậy, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh là cần thiết và thực tế công nghệ thông tin đã nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý. “Chính công nghệ thông tin đã góp phần giúp cho Bệnh viện Chợ Rẫy ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ví dụ như nhờ công nghệ thông tin nên ngay từ đầu giờ sáng Bệnh viện đã biết được khoa nào quá tải nhiều và sẽ có lực lượng cùng với y vụ để giải tỏa qua các khu vực vệ tinh trong quản lý lĩnh vực dược, hay chính công nghệ thông tin đã giúp Bệnh viện nắm được loại thuốc nào được dùng nhiều, loại thuốc nào được dùng ít hơn để điều chỉnh cho phù hợp…” - bà Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết. Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai là nơi đã áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, theo dõi điều trị bệnh từ năm 2009.
Hiệu quả đầu tiên có thể thấy rõ là việc sử dụng bệnh án điện tử trong quản lý và điều trị bệnh, nhất là với những bệnh nhân phải tái khám nhiều lần. Mỗi bệnh nhân được cấp một thẻ có mã số riêng, có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của Khoa để xem lại bệnh án của mình tại nhà. Khi tái khám, chỉ cần có mã số là bác sỹ có thể biết tiền sử bệnh của bệnh nhân, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân do không phải làm lại những thủ tục như lần đầu. Hàng ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Vì thế, bệnh án điện tử là biện pháp hữu hiệu góp phần giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh án điện tử có ưu điểm giúp bác sỹ tìm thông tin nhanh chóng, chính xác, biết tiền sử và diễn biến bệnh, hỗ trợ tìm kiếm các tương tác thuốc.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học -Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, công nghệ thông tin đang góp phần không nhỏ trong việc chống quá tải tại các bệnh viện. Tuy nhiên, ông Phương cũng chỉ ra một số bất cập về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế như việc đầu tư cho công nghệ thông tincòn manh mún, dàn trải, thiếu dự án độc lập, thiếu thiết kế tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin, các chuẩn dữ liệu công nghệ thông tin chưa được áp dụng hoàn chỉnh, chưa có phần mềm dùng chung cho toàn ngành, nguồn nhân thực thì còn yếu, thiếu…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Trong Đề án giảm tải bệnh viện có bệnh viện vệ tinh mà bệnh viện vệ tinh phải gắn với chuyển giao công nghệ. Khi chúng ta có hệ thống bệnh viện vệ tinh tốt thì người dân không phải đi lại nhiều và giảm thời gian chờ đợi. Như vậy, mấu chốt của công nghệ thông tin trong ngành Y tế là bệnh án điện tử và khám chữa bệnh từ xa”.
Về kế hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành Y tế, giai đoạn 2011 - 2015, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tích hợp; đảm bảo trang bị và duy trì hoạt động bền vững của các hệ thông tin y tế phục vụ công tác quản lý, điều hành; phấn đấu đến năm 2015, có các phần mềm hỗ trợ tất cả các hoạt động quản lý, điều hành tại cơ quan Bộ Y tế.
Ngành Y tế là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, công việc luôn chịu áp lực cao, đòi hỏi phải khẩn trương, minh bạch. Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, góp phần giảm tải bệnh viện, nhấtlà bệnh viện tuyến Trung ương.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024