Trẻ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nếu tiêm chủng chậm lịch
20/08/2018 | 11:38 AM



Phụ huynh cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ để tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các biến chứng, theo các chuyên gia y tế.
Thông tin được Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học - Cục y tế dự phòng chia sẻ tại buổi Tư vấn trực tuyến về tiêm vắcxin và những điều cần lưu ý trên VnExpress lúc 9h30-11h30 ngày 11/10.
Phóng viên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế dự và đưa tin
Nhiều phụ huynh lo lắng tình trạng sức khỏe của con khi quên lịch tiêm chủng cho bé hoặc tiêm không đủ mũi theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Các bác sĩ tư vấn, cha mẹ cần đưa con tiêm chủng càng sớm càng tốt các mũi tiếp theo mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Những loại vắcxin cho trẻ dưới một tuổi được cung cấp miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã phường trên toàn quốc.

PGS.TS Dương Thị Hồng và TS. Nguyễn Xuân Tùng tại buổi giao lưu trực tuyến
Dưới đây là phần tư vấn của hai chuyên gia.
- Cho tôi hỏi về mũi cúm. Cúm là bệnh các bé hay mắc nhất là mùa này. Bác sĩ cũng tư vấn tôi tiêm. Tuy nhiên tôi vẫn chưa cho con tiêm lần nào vì tôi thấy rằng cúm là bệnh không mấy nguy hiểm, nếu mắc có thể tự khỏi. Trong khi đó tiêm vắcxin thì cũng có nhiều cái hại. Tôi đang cân nhắc giữa việc cái nào có hại hơn nên vẫn chưa quyết định tiêm cho cháu. Nhờ bác sĩ tư vấn thêm về việc này. (Nguyet Linh , 28 tuổi, Cầu Đất, Hải Phòng)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học - Cục y tế dự phòng:
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hàng năm tại Việt Nam có thể có hàng triệu ca mắc, rất nhiều trường hợp có biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm phế quản và thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt trẻ em và người già, người có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh cúm.
Một trong những biện pháp để phòng tránh cúm là hàng năm nên tiêm vắcxin phòng cúm. Vắcxin phòng cúm được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và là vắcxin an toàn. Do vậy, bạn nên đưa cháu đến cơ sở tiêm chủng để được tiêm vắcxin phòng cúm, đặc biệt là trong thời gian này để phòng dịch cúm trong mùa đông xuân sắp tới.
- Con trai tôi đã được tiêm mũi một vắcxin sởi đơn vào lúc cháu được 10 tháng rưỡi, theo lịch thì đến nay cháu 18 tháng rưỡi thì sẽ tiêm mũi 2 nhắc lại. Nhưng cháu lại được tiêm một mũi sởi – quai bị – rubella khi cháu 15 tháng rưỡi. Vậy nay đến thời điểm tiêm mũi sởi – rubella này cháu có cần tiêm lại hay không? Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi. (Phương Mai, 31 tuổi, Hạ Long)

TS. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý vắc xin và xét nghiệm - Cục Y tế dự phòng
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện sinh dịch tễ Trung ương:
Chào bạn!
Trẻ em dưới 2 tuổi cần được tiêm một mũi vắcxin sởi vào lúc từ 9 đến 11 tháng tuổi. Mũi vắc xin sởi rubella cần tiêm cho trẻ vào lúc 18 tháng. Bạn đã nhớ rất đúng lịch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Con bạn cũng đã được tiêm vắcxin sởi vào đúng lịch tiêm.
Cháu 15,5 tháng cũng đã được tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella, như vậy bé đã được chủ động phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Trong trường hợp này, 18 tháng cháu không phải tiêm nữa. Tuy nhiên để phòng bệnh lâu dài trong những năm tới nếu có các chiến dịch tiêm chủng bổ sung thì bạn vẫn nên cho cháu đi tiêm chủng.
- Con trai tôi 7 tuổi, đã tiêm 3 mũi viêm gan B. Nhưng trong một lần đi xét nghiệm máu, chỉ số cho thấy kháng thể bằng 0. Bác sĩ tư vấn là có nhiều người có tình trạng như vậy, tiêm nhưng không có kháng thể. Bác sĩ tư vấn nên tiêm nốt mũi còn lại để xem kháng thể có lên không. Cho tôi hỏi nếu chỉ tiêm thêm một mũi có đủ kháng thể để phòng bệnh không? Tôi nên làm gì? (Minh Anh, 35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng :
Như vậy thì con bạn chưa có kháng thể phòng chống bệnh viêm gan B. Nguyên nhân có thể do cơ địa của con trai bạn hoặc vắcxin chưa tạo đáp ứng miễn dịch hoặc do chất lượng xét nghiệm. Về nguyên tắc, nếu không có đáp ứng dịch thì phải tiêm lại đủ mũi. Tuy nhiên, trong trường hợp này con bạn cần đến cơ sở tiêm chủng để tiêm ngay mũi vắcxin phòng viêm gan B và sau 14 ngày xét nghiệm lại để xác định lại kháng thể viêm gan B và xem xét lịch tiêm chủng tiếp theo.
- Cháu nhỏ nhà tôi 10 tháng, bị phát ban hôm qua, kèm theo sốt. Tôi lo quá vì mấy hôm vừa rồi cho cháu về quê nên lỡ mũi tiêm sởi tháng trước. Từ lúc sinh ra cháu đã bị nhẹ cân, không biết cháu có bị sởi không? Mong bác sĩ tư vấn cho tôi cho con khám ở đâu và chăm sóc con thế nào. Cảm ơn bác sĩ! (Minh Long, 32 tuổi, Phú Thọ)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng:
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, với những triệu chứng: sốt, ho, chảy nước mũi. Con của chị có sốt kèm theo phát ban, cũng có thể là mắc sởi hoặc những bệnh truyền nhiễm khác. Chị cần cho cháu đi khám tại cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán chắc chắn có phải mắc sởi hay không.
Trong trường hợp cháu bị mắc sởi thì mẹ cũng cần chăm sóc trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng, nước trong trường hợp sốt, ho, bị tiêu chảy... Nếu bé có những dấu hiệu nhiễm trùng khác sẽ được các bác sĩ nhi khoa tư vấn và mẹ cần tuân thủ điều trị.
Nếu cháu không phải mắc sởi, sau khi hồi phục sức khỏe, cháu cần được tiêm phòng bệnh sởi sớm. Mẹ lưu ý tiêm cho trẻ mũi vắc xin sởi Rubella vào lúc 18 tháng để phòng sởi, Rubellla.
- Cháu ngoại nhà tôi được gần 2 tuổi. Mẹ cháu nói cháu đã tiêm một mũi vắcxin sởi theo lịch của Trạm Y tế phường tuy nhiên đợt vừa rồi cháu vẫn bị phát ban. Bác sĩ có thể giải thích giúp tại sao tiêm rồi vẫn bị bệnh?(Minh Hằng, 27 tuổi, Bắc Ninh)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng:
Trẻ nhỏ bị sốt kèm theo phát ban có thể là mắc sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Việc chẩn đoán chắc chắn cháu có mắc sởi hay không cần được xác định bằng xét nghiệm máu tại cơ sở y tế. Cháu đã được tiêm một mũi vắcxin sởi, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ vẫn có thể mắc sởi. Nhưng chắc chắn, các biểu hiện, triệu chứng của bệnh sẽ nhẹ nhàng hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hơn so với những bé chưa được tiêm chủng và mắc bệnh.
Để đảm bảo cho trẻ có miễn dịch để phỏng bệnh sởi, đồng thời phòng thêm bệnh sốt phát ban do Rubella, cháu cần được tiêm thêm một mũi vắc xin sởi - Rubella miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Có một dạo rộ lên luồng ý kiến sinh và nuôi con thuận theo tự nhiên, tức là tự sinh con tại nhà và trẻ em không cần phải tiêm vắcxin. Điều này liệu có đúng không về mặt khoa học và thực tế cuộc sống? (Nguyễn Thu Hằng, 23 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội)

- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Phát minh ra vắcxin là thành tựu nổi bật của nhân loại trong thế kỷ XX. Nhờ có vắcxin, hàng trăm triệu trẻ đã được phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng triệu trẻ đã được cứu sống khỏi các bệnh này. Nhờ có vắcxin mà giảm chi phí điều trị cũng như gánh nặng xã hội do dị tật mà các bệnh truyền nhiễm gây ra.
Việc tiêm chủng vắcxin cho trẻ em tạo miễn dịch để kháng lại các virus, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh gây bệnh cho người và đã tạo miễn dịch này trong một thời gian dài hoặc suốt đời. Như vậy, việc tiêm phòng vắcxin không chỉ để phòng trong một thời gian ngắn mà phòng trong một thời gian rất dài và tránh các bệnh truyền nhiễm. Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai trên 30 năm, từ khi triển khai chương trình này, các bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, loại trừ và thanh toán như uốn ván sơ sinh, bại liệt, một số bệnh truyền nhiễm đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đưa thêm một số vắcxin mới để tiêm cho trẻ em, như IPV, bOPV... để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Do vậy, việc thuận tự nhiên không cần tiêm vắcxin không đúng về mặt khoa học và thực tiễn.
- Cháu nhà tôi hiện được hơn 9 tháng tuổi. Mấy hôm nay thấy đài báo nói nhiều về sởi, tôi thấy lo. Lần trước đi tiêm chủng, bác sĩ dặn khoảng một tuổi cho con đi tiêm vắcxin sởi - quai bị - Rubella. Hôm qua mấy cô ở trạm y tế phường nhắc tổi đưa con đi tiêm mũi vắc xin sởi ở phường. Tôi có cần phải tiêm sởi cho con lúc này không hay đợi đến khi con 12 tháng tiêm mũi 3 loại vắcxin cho đảm bảo chất lượng? Nếu con tôi tiêm cả hai mũi thì có ảnh hưởng gì không? (Hồng Hạnh, 28 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng :
Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến nguy hiểm, trong đó có sởi. Trong những năm gần đây, trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi và dưới một tuổi mắc sởi có xu hướng gia tăng. Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên nếu các cháu không được tiêm vắcxin sởi đúng lịch sẽ có nhiều nguy cơ mắc sởi và có những biến chứng nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cháu cần được đi tiêm vắcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi để sớm được phòng bệnh sởi miễn phí tại các điểm tiêm chủng xã phường trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong trường hợp này, nếu mẹ chờ đến một tuổi mới tiêm vắcxin sởi - Rubella thì con bạn có nguy cơ cao mắc bệnh sởi trong mùa đông xuân sắp tới. Khi bé 18 tháng, mẹ có thể lựa chọn tiêm vắcxin phòng 3 bệnh: sởi, quai bị, Rubella cho bé.
- Dạ em chào bác sĩ ạ. Con em hiện đang 2 tuổi. Em đang dự định chích vắcxin thủy đậu cho bé nhưng trên mạng có nhiều phụ huynh nói chỉ cần con mắc bệnh một lần là sau này miễn dịch. Em rất lo vì đọc trên mạng, trên báo chí rằng thủy đậu ở trẻ nhỏ dễ dấn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Nhờ bác sĩ cho em lời khuyên có nên chích không ạ hay để cho con tự miễn dịch và em nên chích ở trung tâm nào ạ? Em hiện tại đang ở Sài Gòn. Em cám ơn bác sĩ ạ. (Hà Hồ, 27 tuổi, 92 XVNT, Bình Thạnh)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Bệnh thủy đậu là bệnh do virus gây ra. Do vậy không có thuốc đặc hiệu điều trị và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tiêm vắcxin là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, do vậy bạn nên đưa con đi tiêm chủng vắcxin này. Tại TP HCM có rất nhiều cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện cơ sở được phép tiêm chủng vắcxin, bạn hãy đến cơ sở bất kỳ để được tư vấn.
- Con cháu ngừng tiêm phòng từ lúc lên một tuổi. Hiện giờ cháu nên làm thế nào, có nên cho đi tiêm các mũi còn lại không ạ? (Chi, 31 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Tùy loại bệnh truyền nhiễm mà sử dụng vắcxin theo lịch. Theo lịch tiêm chủng mở rộng, đối với trẻ em dưới một tuổi thì cần tiêm đủ các vắcxin như sau:
- Trẻ sinh ra trong vòng 24h: cần tiêm vắcxin viêm gan B; trong vòng một tháng tiêm vắcxin phòng Lao; 2,3,4 tháng tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, HiP, viêm gan B.
- 9 tháng tuổi tiêm vắcxin phòng sởi, 12 tháng viêm vắcxin phòng viêm não Nhật Bản.
- Trẻ từ trên một tuổi đến 24 tháng tiêm vắcxin phòng sởi - Rubela; vắcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi thứ tư. Như vậy, căn cứ trên lịch tiêm chủng này, bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể về loại vắcxin cần tiêm cũng như lịch tiêm.
- Bé nhà tôi năm nay 2 tuổi. Trước đây cứ đi tiêm phòng về là bỏ bú. Như vậy là bé bị làm sao hả bác sĩ?(Hoàng huyền, 26 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng :
Sau khi tiêm vắcxin, trẻ có thể có những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đỏ tại chỗ tiêm, quấy khóc... Đó là những phản ứng của cơ thể để sinh ra miễn dịch bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Những phản ứng này thông thường tự khỏi trong 1-2 ngày.
Mẹ mô tả trước đây con cứ tiêm về là bỏ bú, có thể do bé quấy khóc, bú ít, không phải là bỏ bú hoàn toàn. Trường hợp này, không thấy mẹ mô tả bé có được cán bộ y tế chẩn đoán gì không và bé vẫn khỏe mạnh cho đến nay.
Sau khi tiêm, các bà mẹ cần chăm sóc và theo dõi bé nhiều hơn. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao trên 39 độ, khóc thét, tím tái, phát ban, khó thở, li bì, bỏ bú... thì cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm, khám và xác định có phải là phản ứng nặng sau khi tiêm chủng để được xử trí kịp thời.
- Con tôi năm nay 28 tháng, do cháu bị viêm phổi tái đi tái lại dùng nhiều kháng sinh nên một năm nay chưa đi tiêm phòng. Có nhiều mũi tiêm như 5 trong 1 đã bị quá thời gian hẹn. Có thể tư vấn giúp tôi bây giờ cho bé đi tiêm nên thế nào? Có tiêm lại các mũi còn thiếu không? (Quang Nguyễn, 32 tuổi, Vạn Phúc, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Đối với vắcxin 5 trong 1 đã quá thời gian hẹn, bạn hoàn toàn có thể tiêm được. Tuy nhiên, vắcxin này trong chương trình mở rộng chỉ miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong trường hợp con bạn 28 tháng thì đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm chủng dịch vụ. Đối với các vắcxin khác còn thiếu (vì bạn không nói rõ vắcxin nào) thì bạn cần đến cơ sở tiêm chủng đấy để nói rõ thiếu loại vắcxin gì để được tư vấn và tiêm bổ sung các loại vắcxin này.
- Chào bác sĩ, Con gái em lúc 7 tháng cho đi chích ngừa cúm nhưng trước đó bé bị nổi mẩn đỏ li ti nghi ngờ dị ứng trứng gà nên bác sĩ không cho chích cúm, bảo về tiếp tục theo dõi cho bé ăn trứng xem có thực sự bị dị ứng trứng hay không. Hiện tại em đã cho bé ăn trứng gà, trứng vịt nhưng không thấy nổi mẩn như trước, bé nay được 20 tháng tuổi rồi vẫn chưa chích cúm. Em muốn hỏi bác sĩ có phải hiện tại có vắcxin cúm không chứa thành phần trứng gà hay không? Hiện tại con em không thấy biểu hiện dị ứng trứng thì tiêm vắcxin ngừa cúm được hay không ? Cám ơn bác sĩ. (Trần Loan Anh, 34 tuổi, An Lạc, Bình Tân, TPHCM)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Theo thông tin của bạn cho thấy, hiện nay con bạn 20 tháng tuổi và không thấy biểu hiện dị ứng trứng thì hoàn toàn có thể tiêm vắcxin phòng cúm. Bạn nên đưa cháu đi tiêm chủng sớm tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện vì bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hàng năm tại Việt Nam có thể có hàng triệu ca mắc, nhiều trường hợp có biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm phế quản và thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt trẻ em và người già, người có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh cúm.
- Tôi thấy gần đây thời sự có đưa tin nhiều về dịch sởi, nhà tôi có một cháu chưa đến 9 tháng tuổi hiện ở nhà và một cháu được gần 3 tuổi đang đi học mẫu giáo. Tôi không nhớ rõ cháu lớn đã tiêm đủ mũi vắcxin sởi hay chưa. Tôi rất lo lắng không biết con tôi liệu có mắc bệnh sởi không. Mong bác sĩ tư vấn cho trường hợp nhà tôi. Cảm ơn bác sĩ. (Bích Nhu, 26 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng :
Cháu bé 3 tuổi đang đi học mẫu giáo do môi trường tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa, nếu cháu chưa có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh sởi thì bé rất dễ có nguy cơ mắc sởi và lây cho những cháu nhỏ khác trong lớp và em bé ở nhà.
Trong trường hợp này, để bảo vệ con của bạn không bị mắc sởi và bệnh sốt phát ban do Rubella, bạn cần cho cháu đi tiêm thêm một mũi nhắc lại vắc xin sởi -Rubella hoặc sởi - quai bị - Rubella.
Cháu thứ 2 của bạn chưa đến 9 tháng tuổi, trường hợp này, phụ huynh cần giữ vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho bé, tránh cho trẻ tiếp xúc ở những chỗ đông người. Bố mẹ cần cho bé đi tiêm chủng vắcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường. Phụ huynh không nên chờ đến khi con đủ 12 tháng tuổi mới tiêm vắcxin sởi - quai bị - Rubella. Như vậy trẻ rất dễ bị mắc bệnh sởi trong thời gian từ 9 tháng cho đến trước 12 tháng tuổi.
- Tôi xem trên mạng thấy có những mẹo như cho bé uống lá tía tô trước một hôm đi tiêm phòng thì không sốt có đúng không thưa bác sĩ? (Mỹ Hạnh, 31 tuổi, Bắc Ninh)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Trẻ trước khi tiêm chủng đã được sàng lọc để chống chỉ định hoặc hoãn tiêm. Sau khi tiêm chủng trẻ được theo dõi tại cơ sở tiêm chủng 30 phút và đã được hướng dẫn theo dõi tại nhà trong vòng 24h để phát hiện sớm các biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng để có cách xử lý phù hợp, kịp thời. Việc sử dụng các mẹo như uống lá tía tô một hôm trước khi tiêm phòng không thể phòng được sốt sau khi tiêm. Tuy nhiên, việc nâng cao thể trạng, sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm chủng là cần thiết.
- Chào Bác sĩ, Tôi đang làm ở công ty phần mềm ở TP HCM. Cách đây 2 tuần công ty có mời một nhóm bác sĩ đến khám bệnh cho toàn công ty. Trong lần khám đó thì tôi được bác sĩ khám là nên chích viêm gan siêu vi B. Tôi có 2 câu hỏi cần bác sĩ giải đáp là
1. Tôi sẽ tiêm vắxin viêm gan B ở bệnh viện nào tốt ở Sài Gòn và chi phí dự tính là bao nhiêu ?
2. Bố mẹ tôi năm nay đã 60 tuổi cũng chưa tiêm phòng viêm gan B thì bố mẹ tôi cũng có thể tiêm vắcxin viêm gan B bình thường đúng không ?
Cám ơn bác sĩ nhiều ạ! (Nguyễn Đình Khôi, 26 tuổi, 64 Phan Văn Hân, F.17, Q. Bình Thạnh)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Vắc xin phòng bệnh Viêm gan B để chủ động phòng bệnh viêm gan virus B và được sử dụng cho mọi đối tượng mà không có chống chỉ định. Do vậy bạn và bố mẹ bạn nên đi tiêm vắcxin phòng bệnh Viêm gan B. Tại TP HCM, bạn đến cơ sở tiêm chủng đảm bảo yêu cầu các điều kiện về tiêm chủng để được thông tin, tư vấn về giá và các loại vắcxin phòng bệnh theo nhu cầu.
- Cháu nhà tôi 2 tuổi đã tiêm sởi lúc 9 tháng và tiêm sởi - quai bị - Rubella lúc 13 tháng. Tôi thấy trạm y tế phường thông báo sẽ có đợt tiêm chiến dịch vắc xin sởi Rubella. Tôi có nên cho con đi tiêm không? (My Nguyễn, 30 tuổi, Thái Bình)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng:
Trẻ cần được tiêm 2 mũi vắcxin sởi trong tiêm chủng thường xuyên. Ngoài ra, việc tiêm vắcxin trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ giúp cho miễn dịch của từng cá thể được củng cố và duy trì miễn dịch chung trong cộng đồng.
Bạn nên đưa con đi tiêm chủng trong chiến dịch sắp tới. Chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ giúp phòng bệnh và biến chứng cho trẻ cũng như phòng ngừa để không xảy ra dịch sởi.
- Chào chương trình. Mình có một bé 10 tuổi và một bé 6 tuổi đều chưa tiêm phòng quai bị, bây giờ tiêm có vấn đề gì không? Cảm ơn chương trình. (Bùi Thị Nga, 36 tuổi, 345 lạc Long Quân, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Hoàn toàn được. Bạn có thể tiêm vắcxin bao gồm quai bị, sởi - quai bị - Rubela... Bạn đến cơ sở tiêm chủng có đủ điều kiện để được tư vấn về loại vắcxin theo nhu cầu.
- Tôi có 2 con gái, cháu lớn 18 tuổi, cháu nhỏ 9 tuổi. Tôi muốn hỏi cháu lớn có nên tiêm vắcxin phòng ung thư tử cung không. Cháu nhỏ đã rất lâu rồi quên không tiêm phòng gì. Giờ tuổi này nên tiêm nhắc lại những mũi gì ạ? Xin cảm ơn. (nguyen ngoc khanh, 42 tuổi, 28 Trần Hưng Đao)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Hiện nay, để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, trẻ trên 10 tuổi, đặc biệt là từ 10-25 tuổi tiêm phòng vắcxin ngừa ung thư tử cung là biện pháp đặc hiệu. Như vậy, chị có thể đưa cháu đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm. Đối với cháu 9 tuổi, do chị không nhớ cháu đã được tiêm vắcxin phòng các loại bệnh gì, do vậy, chị đến các cơ sở tiêm chủng xã phường để hỏi lại lịch tiêm khi cháu còn nhỏ, để được cán bộ y tế tư vấn, giải đáp.
- Trẻ dưới một tuổi cần tiêm phòng những gì thưa bác sĩ? (Viên Hoàng, 33 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng:
Các bé dưới một tuổi cần được tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến theo lịch cơ bản như sau:
- Trẻ sơ sinh tiêm vắcxin viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ sau sinh để kịp thời phòng lây truyền.
- Tiêm vắcxin BCG phòng lao trong tháng đầu.
- Trẻ 2,3,4 tháng tuổi tiêm 3 mũi vắcxin bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và uống 3 liều vắcxin bại liệt bOP.
- Trẻ 5 tháng tuổi tiêm một mũi vắcxin bại liệt IPV.
- Trẻ 9 tháng tuổi cần tiêm vắcxin sởi
Các vắcxin trên được cung cấp miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã phường trên toàn quốc. Điều quan trọng là các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đúng lịch. Nếu trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt các mũi tiếp theo mà không cần phải tiêm lại từ đầu.
Tiêm chủng chậm lịch sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các biến chứng.
- Trẻ từ 12m (dưới 24m) trong khoảng thời gian này có tiêm được viêm gan A không ạ, chính xác là mũi tiêm ý là phải tiêm lúc đủ 12m nhưng cháu bị lỡ thì trong khoảng đó có tiêm được không ạ? (Lê phương thuý, 21 tuổi, Quận 12)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Vắcxin phòng bệnh viêm gan A được sử dụng để chủ động phòng bệnh viêm gan virus A. Nếu con bạn lúc 12 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin này thì đưa cháu đến cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện để được tiêm càng sớm càng tốt.
- Xin chào bác sĩ, Con trai tôi năm nay 7 tuổi đã tiêm một mũi viêm não Nhật Bản B được 3 năm nhưng không tiêm nhắc lại mũi 2. Vậy bây giờ cháu muốn tiêm phòng não Nhật Bản thì phải tiến hành tiêm lại từ đầu đúng không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ. (Đoàn Cẩm Vân, 36 tuổi, Do hạ, Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Lịch tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản trong tiêm chủng mở rộng lúc trẻ được 12 tháng tiêm mũi một, sau một tuần thì tiêm mũi 2, sau một năm tiêm mũi 3. Tuy nhiên hiện nay có loại vắcxin phòng viêm não Nhật Bản chỉ cần tiêm một mũi trong tiêm chủng dịch vụ. Không biết thông tin của bạn đưa ra là tiêm loại vắcxin gì. Do vậy, bạn đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn cụ thể về loại vắc xin đã sử dụng và lịch tiêm cụ thể cho con bạn.
- Con tôi lúc 9 tháng có đi tiêm mũi sởi - quai bị - Rubella, các bác sĩ tiêm dịch vụ bảo nên tiêm luôn sởi 3 không nên tiêm sởi đơn và hẹn 15 tháng đến tiêm nhắc mũi này. Do cháu ốm nên giờ 20 tháng vẫn chưa tiêm nhắc. Bên y tế phường nhắc tiêm mũi sởi - Rubella, tôi phân vân nên cho cháu tiêm sởi 2 hay sởi 3 để đảm bảo cháu được bảo vệ cả bệnh quai bị? (phương thúy, 29 tuổi, cầu diễn- HN)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng:
Cháu cần được tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi khi 18 tháng tuổi. Bé có thể được tiêm miễn phí vắcxin sởi - Rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hoặc tiêm chủng vắcxin sởi - quai bị - Rubella trong tiêm chủng dịch vụ. Hai loại này đều có hiệu quả cao để phòng bệnh sởi và bệnh Rubella.
Với vắcxin 3 trong 1, bé có thể được phòng thêm bệnh quai bị. Dù tiêm vắcxin trong tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ, bạn cũng cần đưa con đi tiêm càng sớm càng tốt vì bé đã lỡ lịch tiêm mũi 2 vắcxin sởi./.
Tin liên quan
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh