Trầm cảm do bệnh đái tháo đường

05/12/2015 | 02:19 AM

 | 

Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm thần phổ biến nhất có liên quan với đái tháo đường.

Bệnh có thể xảy ra ở nhiều giai đoạn trong diễn tiến tự nhiên của đái tháo đường (ĐTĐ). Tuy nhiên, đa số người bệnh không được phát hiện và điều trị trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tỉ lệ trầm cảm trong ĐTĐ là gấp đôi so với dân số chung, với tỉ lệ gộp là 9% nếu chẩn đoán bằng phỏng vấn, và 26% nếu chẩn đoán bằng cách tự chấm điểm triệu chứng trầm cảm theo thang điểm.

Tác hại của trầm cảm trong ĐTĐ

Trầm cảm làm tăng 37% nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2.  Ngược lại, ĐTĐ làm tăng 3 lần nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, nhất là ở những người ĐTĐ đã xuất hiện biến chứng.

Nguy cơ tử vong tăng lên gấp 5 lần. Trầm cảm có liên quan với tử vong ngay cả khi bệnh nhân bị trầm cảm nhẹ hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân cao tuổi có bệnh ĐTĐ týp 2 và những người có biến chứng thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Khi bị trầm cảm, các gánh nặng liên quan đến ĐTĐ được xem là nghiêm trọng hơn, và sự hài lòng với việc điều trị ĐTĐ là thấp hơn. Bệnh nhân có trầm cảm và ĐTĐ thường ít hoạt động thể lực, tăng xu hướng hút thuốc lá, thói quen ăn uống ít có lợi cho sức khỏe và tuân thủ điều trị ĐTĐ kém.

Trầm cảm có liên quan đến cách đánh giá tiêu cực về các liệu pháp insulin ở người chưa từng sử dụng insulin, và điều này có thể gây trì hoãn việc điều trị ĐTĐ, chẳng hạn như chậm khởi đầu điều trị bằng insulin trong ĐTĐ týp 2. Trong một nhóm bệnh nhân được lựa chọn ở bệnh viện cho thấy tình trạng trầm cảm kéo dài hơn, tái phát nhiều hơn và mức độ nặng hơn ở người có bệnh ĐTĐ.

ĐTĐ là một bệnh tốn kém, và đồng mắc bệnh trầm cảm làm tăng thêm chi phí chăm sóc sức khỏe lên 4 lần.

Chẩn đoán trầm cảm ở người ĐTĐ

Việc chẩn đoán và điều trị sớm trầm cảm ở người ĐTĐ là rất quan trọng, tuy nhiên trên 50% trường hợp trầm cảm trong ĐTĐ là không được chẩn đoán. Ba lý do khiến bệnh khó phát hiện, đó là: Nếu bệnh ĐTĐ là kiểm soát kém cũng có các triệu chứng tương tư như trầm cảm: mệt mỏi, sụt hoặc tăng cân, thay đổi cảm giác ngon miệng, rối loạn giấc ngủ...; người bệnh không tự nhận ra các dấu hiệu trầm cảm, hoặc có biết cũng ít khi thông báo cho bác sĩ; thầy thuốc thiếu sự quan tâm hoặc do khả năng hạn chế.

Trên thực tế, chỉ có khoảng 1/3 số trường hợp trầm cảm ở người ĐTĐ được chẩn đoán. Vì vậy, khi người thân phát hiện người bệnh có các biểu hiện hoặc hành vi bất thường thì nên sớm thông báo cho thầy thuốc.

Các dạng bệnh tâm thần đồng mắc trong ĐTĐ

Các rối loạn tâm thần khác có thể cùng tồn tại với trầm cảm trong ĐTĐ. Tỉ lệ về các rối loạn lo âu và các vấn đề về ăn uống cũng gia tăng ở bệnh nhân ĐTĐ so với những người khỏe mạnh. Vì những rối loạn này có xu hướng đồng xảy ra với trầm cảm trong dân số chung, nên điều này cũng có thể xảy ra trong bệnh ĐTĐ.

Trầm cảm do bệnh đái tháo đường - ảnh 2

Các rối loạn tâm thần khác có thể cùng tồn tại với trầm cảm trong ĐTĐ (Ảnh minh họa: Internet)

Điều trị người trầm cảm và ĐTĐ

Việc đầu tiên là tìm ra các nguyên nhân thực thể gây ra trầm cảm và loại trừ chúng. Các chiến lược đồng chăm sóc sẽ giúp cải thiện sức khỏe người ĐTĐ và trầm cảm, giúp giảm gánh nặng của bệnh. Dùng thuốc chống trầm cảm, cùng với thay đổi lối sống như tập thể lực thường xuyên, chế độ ăn... sẽ giúp cải thiện tốt cho cả bệnh trầm cảm và ĐTĐ. Ngoài ra, người trầm cảm cần có sự quan tâm giúp đỡ của người thân trong gia đình và các chuyên gia tâm lý.

 

 

Phòng ngừa trầm cảm ở người ĐTĐ

Mỗi bệnh nhân có những hoàn cảnh riêng biệt và ứng xử với bệnh hoàn toàn khác nhau. Do đó, người bệnh ĐTĐ nên sớm chấp nhận rằng mình mắc bệnh ĐTĐ và cần điều chỉnh một số hành vi sống như: bỏ ngay thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan, duy trì luyện tập thể lực, tìm hiểu nhiều về bệnh ĐTĐ và việc điều trị bệnh. Tự chịu trách nhiệm chăm sóc cho chính mình. Đặt mục tiêu điều trị, nhưng nên hiểu rằng cần có thời gian đạt được mục tiêu đó để tránh tâm lý bi quan, chán nản, dễ dẫn đến không tuân thủ chế độ điều trị.

Chia sẻ cảm xúc với người thân trong gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh ĐTĐ và tạo điều kiện cho mình thực hiện chế độ ăn cũng như các chế độ điều trị và luyện tập một cách nghiêm túc.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ khi có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, đặc biệt là những tổn thương ở bàn chân để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống​


Thăm dò ý kiến