Tiêu chí để trở thành các sản phẩm, phương tiện tránh thai trong Đề án 818

28/10/2020 | 14:38 PM

 | 

Theo Giám đốc Đề án 818, nguyên tắc căn cơ, cốt lõi để xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 818 chính là tính pháp lý và quản lý tài chính công khai minh bạch.

 

Ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818

Tiếp đó, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng).

Cán bộ dân số tại Tuyên Quang giới thiệu sản phẩm Đề án 818 cho người dân. Ảnh: Thúy Nga

 

Đề án hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Đề án 818 (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, đối tượng khách hàng của Kênh phân phối xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản là những người dân có nhu cầu, có điều kiện kinh tế tự chi trả và đặc biệt là tự nguyện.

Theo Giám đốc Đề án 818, nguyên tắc căn cơ, cốt lõi để xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 818 đó chính là tính pháp lý và quản lý tài chính công khai minh bạch.

"Nói thì rất đơn giản nhưng trong khi thực hiện thì vô cùng khó khăn và vướng mắc. Bởi lẽ, xã hội hóa thực hiện theo các mục tiêu chung của xã hội nhưng lại huy động các nhà đầu tư vì thế các nhà đầu tư sẽ có tư duy quản lý của tư nhân. Vậy cần có các giải pháp hết sức cụ thể để giải bài toán về hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - khách hàng", BS Phạm Hồng Quân nói.

Đối với các sản phẩm, phương tiện tránh thai muốn được phân phối qua Đề án xã hội hóa, theo BS Phạm Hồng Quân, việc đầu tiên các sản phẩm, phương tiện tránh thai đó phải nằm trong danh mục đã được quy định tại Quyết định số 3726/QĐ-BYT ngày 23/8/2019 của Bộ trưởng Bô Y tế về việc phê duyệt danh mục phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030".

Bên cạnh đó, các sản phẩm, phương tiện tránh thai và các tổ chức tham gia cần phải đáp ứng các tiêu chí như: Là những sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm rõ ràng, hợp pháp; là những sản phẩm, hàng hóa hợp quy, hợp chuẩn, được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, đối với sản phẩm là thuốc thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia phân phối theo phân khúc thị trường xã hội hóa phải có "Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc" nếu là tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc có "Giấy chứng nhận thực hành tốt" nếu là tổ chức, cá nhân sản xuất.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia phân phối theo phân khúc thị trường xã hội hóa phải có tư cách hợp lệ, không trong quá trình đang giải thể, không bị kết luận lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

Các sản phẩm đang phân phối của Đề án 818 bao gồm:

Nhóm sản phẩm, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình: Viên uống tránh thai Anna; Bao cao su (BCS) Hello; BCS Hello Plus; BCS Young Lovers; Dụng cụ que thử thai QuickTana và QuickStrip; Thuốc tránh thai khẩn cấp BK-1; Vòng tránh thai PREGNA+ Tcu 380A.

Nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS: Viên bổ sung vi chất Prenatal cho phụ nữ mang thai; Dung dịch vệ sinh Vagis: Dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro; Gel bôi trơn Sensi Love; Bột Unical For Rice; Liquid Calci –D3 (Bổ sung Canxi); Thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe phòng chống ung thư Imuglucan; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Enzyme 125TM; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lacto Turmerin; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ Hoàng sâm; Viên đặt phụ khoa Gyno Gold.

Các sản phẩm trên được phân phối độc quyền trong hệ thống kênh phân phối xã hội hóa thuộc Đề án 818, trực tiếp cung cấp đến khách hàng là các cán bộ dân số - y tế cơ sở dưới sự quản lý và điều hành là Chi cục DS-KHHGĐ cấp tỉnh và Trung tâm y tế đa chức năng hoặc Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện.

Nguồn: Báo Gia đình xã hội


Thăm dò ý kiến