Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt: Đơn giản hóa thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn

02/04/2020 | 10:16 AM

 | 

 

Trong suốt thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Điều này góp phần cải cách hành chính, bắt nhịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Bệnh viện Bạch Mai hiện đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường và thanh toán qua thẻ điện tử ATM cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu.

Còn tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã chủ động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng các bệnh nhân, tuy nhiên đặc thù bệnh nhân của bệnh viện đa số là người lớn tuổi, người tiếp xúc ít với công nghệ thanh toán. Hiện nay, bệnh viện đã triển khai dịch vụ thanh toán tích hợp giữa thẻ thanh toán viện phí với mã bệnh nhân tại bệnh viện. Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng mã này trong thanh toán tại bệnh viện, sẽ tiết kiệm được thời gian chờ tại các khâu thanh toán, bệnh nhân đi khám nhanh hơn. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ tiết kiệm được chi phí kiểm đếm, lưu chuyển tiền mặt.

ThS. Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám bình quân 2.000 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân nội trú khoảng trên 10.000 người. bệnh viện có 3 cơ sở khác nhau nên để triển khai tốt phải tích hợp với phần mềm quản lý của bệnh viện. Hiện nay bệnh viện đang từng bước thí điểm không sử dụng tiền mặt, phương thức chi trả qua quẹt thẻ, qua QR... tại cơ sở 9A-9B Phan Chu Trinh. Qua đó, nếu thành công tốt, bệnh viện sẽ mở rộng sang cơ sở 2 và cơ sở 3.

Qua triển khai cho thấy thanh toán điện tử không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội. Người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát); giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình "Bệnh viện thông minh". Người dân không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán... Và đặc biệt, đối với xã hội, sẽ hạn chế nhiều tiêu cực...

Người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện (Ảnh Thu Dịu)

Tuy nhiên, trên thực tế do lượng bệnh nhân đến thăm khám đông, nhất là từ các tuyến dưới chuyển lên, nhiều người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…vẫn chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh, nên trong quá trình triển khai vẫn còn những bất cập.

Khó khăn lớn nhất khi triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các bệnh viện là nhiều người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt.

Hiện tại, việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả các bệnh viện vẫn chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy mà tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Qúy Tường cho rằng, việc triển khai sẽ còn nhiều khó khăn sẽ phải từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa. Để triển khai được hiệu quả việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ y tế thì công tác tuyên truyền cần triển khai sâu rộng để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thanh toán qua thẻ. Thứ hai, bệnh nhân chủ động phối hợp với bệnh viện trong việc hạn chế dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các ngành nên phối hợp đồng bộ sử dụng một mã quản lý bệnh nhân xuyên suốt trong tất cả các bệnh viện để khi mà bệnh nhân đến một bệnh viện, bệnh nhân có thể sử dụng một mã thẻ đó mà không phải sử dụng nhiều thẻ dẫn đến bất cập trong sử dụng thẻ đối với từng bệnh viện.

Với hình thức thanh toán bằng chuyển khoản, phải công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế. Đặc biệt sẽ ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Đối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định.

Với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện của người dân.

Đến nay, đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện, giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt trong ngành y tế. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thủ trưởng các cơ sở giáo dục đào tạo về y dược đóng trên địa bàn đô thị phải bố trí nguồn nhân lực, sử dụng nhiều giải pháp thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo ông Tường, để triển khai được hiệu quả hơn nữa việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ y tế trong thời gian tới ngoài việc Bộ Y tếban hành quy định chuẩn thông tin thanh toán y tế, chuẩn kết nối ngân hàng thanh toán với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện. Các bệnh viện, cần hợp tác với ngân hàng, các trung gian thanh toán xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với đối tượng bệnh nhân của bệnh viện và phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của bệnh viện theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó cũng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, bác sỹ, nhân viên thu ngân để khuyến khích tất cả các cán bộ, nhân viên của bệnh viện hiểu và tư vấn cho bệnh nhân, khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội


Thăm dò ý kiến