Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên

25/11/2020 | 09:27 AM

 | 

Theo các chuyên gia, nhiều trường hợp vị thành niên khi biết mình mang thai thì bất chấp nguy cơ đi phá thai ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến những hệ luỵ lớn về sức khoẻ như: Nhiễm khuẩn đường sinh dục, gặp tai biến sản khoa thậm chí là vô sinh về sau…

 

Những con số đáng báo động

Thông tin tại Hội thảo Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, ước tính hàng năm toàn cầu có ít nhất 777.000 bé gái dưới 15 tuổi sinh con, chủ yếu tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Bên cạnh đó, hàng năm, có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nữ vị thành nhiên trong độ tuổi 15-19 tại các quốc gia đang phát triển và 3,9 triệu nữ vị thành niên ở các quốc gia này phá thai không an toàn.

Tại Việt Nam, theo Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục gần đây nhất của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Bộ Y tế cho thấy, chỉ có 17,4% người ở tuổi vị thành niên, thanh niên hiểu đúng về thời điểm người phụ nữ có thể mang thai và 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục….

Đáng nói, trong tổng số thanh thiếu niên tham gia điều tra, 15% cho biết có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hàng năm, Việt Nam vẫn còn khoảng 1.300 ca phá thai ở lứa tuổi 15-19.

 

Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), vị thành niên, thanh niên là lứa tuổi đặc thù, đây là nhóm lứa tuổi sau này sẽ quyết định tương lai phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay lớp trẻ dậy thì sớm nhưng kết hôn muộn, nhiều bạn trẻ nhận thức về quan hệ tình dục hay mang thai còn rất hạn chế.

Do đó, nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn và sinh con ở lứa tuổi vị thành niên. Có những trường hợp khi biết mình mang thai thì bất chấp nguy cơ đi phá thai ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu nên đã dẫn đến những hệ luỵ lớn về sức khoẻ như vô sinh, nhiễm khuẩn đường sinh dục...

Chính vì vậy, việc trang bị cho các bạn trẻ kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản kết hợp giáo dục kỹ năng sống là vấn đề cần thiết và cấp bách.

Phấn đấu giảm 2/3 vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn

Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại hiện nay, với sự "nở rộ" của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được "trẻ hóa" khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hơn lúc nào hết, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cần được quan tâm từ các cấp, các ngành tới mỗi người dân.

Trên cơ sở đó, để góp phần giải quyết những "lỗ hổng" về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở vị thành niên, thanh niên cũng như giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở lứa tuổi này, Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030 giảm 2/3 vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Cùng với đó, ngày 28/8/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên. Đây là định hướng của ngành Y tế trong việc phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh để giải quyết những thực trạng về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, để triển khai Kế hoạch trên, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành Đề án chăm sóc về sức khỏe tình dục/sức khoẻ sinh sản của vị thành niên và thanh niên giai đoạn 2020-2025.

Đề án sẽ tập trung giải quyết những ưu tiên như: Truyền thông vận động, thông tin giáo dục truyền thông tạo môi trường thuận lợi, cung cấp các dịch vụ sức khỏe thân thiện nhằm giải quyết các vấn đề trên. Đề án sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng và bố trí nguồn lực để giải quyết các vấn đề sức khoẻ tình dục, sức khỏe sinh sản ưu tiên của địa phương.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến