Quy trình điều hành chuẩn (SOP) và ứng dụng truyền thông nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm
04/10/2015 | 10:36 AM



Theo WHO, trong những thập kỷ gần đây tình hình bệnh dịch bệnh trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới xuất hiện như Ebola, cúm A(H7N9) cùng với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch đã được khống chế từ lâu nhưng nay tiếp tục diễn biến phức tạp như sởi, bại liệt... dẫn đến tình trạng hoang mang, sợ hãi thậm chí mất kiểm soát trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Vì vậy, WHO đã xác định rõ điều này và có những hướng dẫn cần thiết cho các quốc gia trên thế giới về truyền thông nguy cơ nhằm góp phần quản lý dịch bệnh hay tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Chiến dịch truyền thông ngăn chặn sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế
Khái niệm quy trình điều hành chuẩn và truyền thông nguy cơ
Quy trình điều hành chuẩn (SOP)
Quy trình điều hành chuẩn (Standard Operating Procedure_SOP) là một tập hợp các chỉ dẫn có hiệu lực thi hành dùng cho các hoạt động sản xuất hay cung cấp dịch vụ đã được tiêu chuẩn hoá với mục đích đảm bảo việc thực hiện các hoạt động nói trên với hiệu suất cao nhất, Quy trình vận hành chuẩn có thể trở thành chất xúc tác hiệu quả cho việc cải thiện hiệu suất và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hầu hết các hệ thống chất lượng đều được vận hành dựa trên quy trình vận hành chuẩn (SOPs). Theo đó, trong lĩnh vực y tế dự phòng “Quy trình chuẩn hoạt động truyền thông nguy cơ đối với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp” được xây dựng nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về các nhiệm vụ truyền thông cần thực hiện trong suốt quá trình có dịch bệnh như từ khi chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, trong khi và sau khi dịch bệnh diễn ra để thực hiện nhanh chóng và đáp ứng có hiệu quả việc kiểm soát thông tin, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Quy trình vận hành tiêu chuẩn(SOP) được ứng dụng trong lĩnh vực y tế nhiều nước trên thế giới
SOPs được xây dựng theo 5 nguyên tắc cơ bản của truyền thông nguy cơ như thông báo sớm; đảm bảo tính minh bạch; lắng nghe trong thời kỳ có dịch; lập kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn dịch; đảm bảo xây dựng lòng tin. Từ cơ sở này quy trình gồm các qui định trách nhiệm các thành viên của nhóm truyền thông ngành y tế; trách nhiệm phối hợp thông tin và truyền thông đối với các đối tác truyền thông với ngành y tế; qui định phối hợp chia sẻ thông tin và truyền thông giữa ngành y tế với các đối tác. Trong đó, qui định về “trách nhiệm phối hợp thông tin và truyền thông đối với các đối tác truyền thông với ngành y tế” là nội dung mới được đưa vào qui trình này. Quy trình cũng nêu rõ tiêu chí các thông tin dịch bệnh cần thu thập bao gồm thông tin về nguồn bệnh truyền nhiễm (người mắc bệnh, người mang mầm bệnh); thông tin về tác nhân gây bệnh; thông tin về ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ (côn trùng, động thực vật là ổ chứa bệnh, môi trường đất, nước, không khí, điều kiện địa lý, khí hậu, thời tiết, phong thục tập quán, điều kiện sống, hành vi nguy cơ, các sự kiện ảnh hưởng xấu đến sức khỏe...); thông tin đồn thổi liên quan đến nguyên nhân, cách điều trị, tình hình bệnh dịch có thể gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe...
Truyền thông nguy cơ Ebola tại Tây Phi góp phần tích cực đẩy lùi dịch bệnh
Truyền thông nguy cơ
Theo WHO, năm 2010 Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương (WPRO) đề ra Chiến lược châu Á Thái Bình Dương về các bệnh truyền nhiễm mới nổi (Asia Pacific Strategy for Emerging Diseasses_APSED 2010) bao gồm 8 nội dung cơ bản là giám sát, đánh giá nguy cơ và đáp ứng; xét nghiệm; bệnh lây từ động vật; dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn; truyền thông nguy cơ; sẵn sàng ứng phó vấn đề y tế khẩn cấp; sẵn sàng ứng phó của khu vực, cảnh báo và đáp ứng; theo dõi và đánh giá. Từ đó khái niệm Truyền thông nguy cơ được hình thành gồm 3 yếu tố cơ bản và 5 nguyên tắc truyền thông nguy cơ.
3 yếu tố cơ bản truyền thông nguy cơ
Truyền thông thay đổi hành vi: đưa ra những thông điệp truyền thông nhằm thay đổi hành vi. Hoạt động cụ thể là xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao sức khỏe để phòng, chống các bệnh mới nổi và các đe dọa khác đến sức khỏe cộng đồng, bao gồm nâng cao các hành vi bảo vệ sức khỏe, huy động xã hội tham gia khi xảy ra vấn đề y tế khẩn cấp. Truyền thông thay đổi hành vi theo cách tiếp cận dài hạn và nhất thiết phải gắn kết gần gũi với cộng đồng.
Truyền thông điều hành: thiết lập hệ thống, quy trình, trách nhiệm, kế hoạch, phân công, quy chuẩn để vận hành các hoạt động truyền thông. Chia sẻ kịp thời thông tin nội bộ giữa các nhà lãnh đạo, bao gồm các nhà lãnh đạo y tế, các thầy thuốc lâm sàng, các nhà làm xét nghiệm, các nhà hoạch định chính sách và các ban ngành, lĩnh vực liên quan. Truyền thông điều hành đảm bảo đáp ứng có sự phối hợp và cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình cho các nhà hoạt động chính sách, giúp họ có thể quyết định lựa chọn các bước tiếp theo và thay đổi chính sách. Truyền thông điều hành cũng quan tâm đến truyền thông giữa các nước, nhất là khi bệnh dịch hoặc vấn đề y tế khẩn cấp vượt biên giới.
Truyền thông tình huống y tế khẩn cấp: phổ biến nhanh thông tin và các thông điệp liên quan sức khỏe đến các nhóm đối tượng trong thời gian diễn ra các vấn đề y tế khẩn cấp. Mục tiêu là tạo dựng niềm tin cho cộng đồng, giúp người dân biết cách và có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ, giảm sự nhầm lẫn và tăng cường giám sát. Thông điệp đưa ra dựa trên kết quả của đánh giá nguy cơ, có cân nhắc đến mức độ thiếu thông tin và thông tin chưa rõ ràng. Thành tố này gồm cả công bố thông tin lần đầu và thông tin diễn biến về phát tán dịch thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
5 nguyên tắc truyền thông nguy cơ
1. Tạo được sự tin tưởng: dựa trên tuyên bố đầu tiên; tính minh bạch; lắng nghe; lập kế hoạch.
2. Thông báo sớm: nên công bố dịch khi nào? Có giúp cộng đồng có dịch tự bảo vệ họ được không? Có ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nào không? Có gây phân biệt đối xử với nhóm dân nào không? Có làm nhận định chính phủ yếu kém không? Có tạo ra tin đồn thất thiệt nào không? Nếu không công bố thì những lý do giấu thông tin về vụ dịch có hợp pháp không?
3. Tính minh bạch: cần minh bạch dù còn thiếu thông tin, tính minh bạch làm tăng cởi mở và trách nhiệm; được thể hiện qua thông truyền thông; giúp quyết định công bố thông tin đến đâu cho công chúng. Những tình huống không nên công bố: tình huống chưa biết; thiếu thông tin làm tăng hoảng sợ; để có khoảng trống thông tin trong giới truyền thông.
4. Lắng nghe, thu thập thông tin thường xuyên: cách làm cũ là đưa thông tin 1 chiều nhằm cảnh báo nguy cơ, cách làm mới nhằm hợp tác cùng giải quyết nguy cơ. Cách tiếp cận này nhằm hiểu được cộng đồng nghe được gì, nghĩ gì hoặc cảm nhận được gì là quan trọng.
5. Lập kế hoạch cụ thể chi tiết: gồm 6 giai đoạn: trước khẩn cấp; khi dịch bắt đầu; khi dịch lan nhanh; dịch trở thành vấn đề sức khỏe khẩn cấp, kéo dài; ngay sau dịch;giai đoạn hồi phục (Ở Việt Nam chia thành 3 giai đoạn: trước, trong và sau dịch).
![]() |
Ứng dụng SOPs truyền thông nguy cơ với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp ở Việt nam
Ngay từ đầu năm 2015, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Xây dựng quy trình chuẩn hoạt động truyền thông nguy cơ đối với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp” với sự tham gia của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, các Viện chuyên ngành, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe một số tỉnh trong điểm và đại diện WHO tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, truyền thông nguy cơ là hoạt động quan trọng của y tế dự phòng nhằm giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và khuyến khích người dân chủ động tham gia bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Trong Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương về các bệnh truyền nhiễm mới nổi (APSED 2010) đã nêu rõ các nước cần chú trọng truyền thông nguy cơ, đặc biệt là nâng cao năng lực truyền thông nguy cơ, sẵn sàng ứng phó về truyền thông khi có dịch bệnh hoặc tình trạng y tế công cộng khẩn cấp xảy ra. Việc xây dựng SOPs hoạt động truyền thông đối với dịch bệnh hoặc tình trạng y tế công cộng khẩn cấp và áp dụng quy trình đó là nhiệm vụ mà WPRO đặt ra cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đang diễn biến phức tạp, Cục Y tế dự phòng đã xây dựng dự thảo Quy trình chuẩn hoạt động truyền thông nguy cơ trong tình trạng dịch bệnh truyền nhiễm để thảo luận, góp ý thống nhất cách thức cụ thể của SOP nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về các nhiệm vụ truyền thông cần thực hiện trong suốt quá trình có dịch bệnh từ khi chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, trong khi và sau khi dịch bệnh diễn ra để nhanh chóng đáp ứng có hiệu quả việc kiểm soát thông tin, góp phần kiểm soát dịch bệnh. SOP sẽ thiết lập mạng lưới trong ngành y tế và ngoài ngành y tế về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, phản hồi thông tin cảnh báo sớm dịch bệnh phục vụ kiểm soát tốt thông tin dịch bệnh trước, trong và sau khi có dịch. SOP cũng quy định rõ nhiệm vụ, cách thức thực hiện và trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu theo dõi và phản hồi thông tin đối với từng nhân viên trong mạng lưới thực hiện quy trình ở tất cả các tuyến. Đồng thời, quy định trình tự và nhiệm vụ, trách nhiệm xây dựng thông điệp, hoàn thiện, phê chuẩn và truyền đạt thông điệp trong tình huống có dịch bệnh; cách thực hiện tập huấn để tăng cường tính sẵn sàng ứng phó về truyền thông... SOP được xây dựng theo 3 yếu tố và 5 nguyên tắc cơ bản của truyền thông nguy cơ gồm thông báo sớm, đảm bảo tính minh bạch, lắng nghe trong thời kỳ có dịch, lập kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn dịch và đảm bảo xây dựng lòng tin. Đối với các cơ quan thông tin đại chúng, hoạt động phối hợp truyền thông nguy cơ sẽ được thực hiện hàng ngày thông qua thư điện tử khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát; họp báo, gửi thông cáo báo chí khi dịch bệnh bắt đầu; hàng ngày gửi thông tin qua thư điện từ, hàng tuần tham dự giao ban, họp báo khi dịch bệnh ở giai đoạn lan rộng gây ảnh hưởng lớn; gửi thông tin qua thư điện tử, họp báo công bố hết dịch khi dịch bệnh suy giảm...
Từ ngày 30/6 đến 2/7/2015, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với WHO tại Việt Nam tổ chức hội thảo tại 3 khu vực trong cả nước để triển khai SOP về truyền thông nguy cơ nhằm thống nhất cách thức hoạt động truyền thông nguy cơ trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Trong bối cảnh cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, truyền thông nguy cơ được áp dụng khi có những vấn đề y tế công cộng như thiên tai, bão lụt, động đất, lở đất, sóng thần,…; các dịch bệnh bùng phát như dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), sốt xuất huyết, tả, tay chân miệng và một số bệnh mới lưu hành như Ebola, MERS-CoV. Việt Nam sẽ phải truyền thông cho người dân, cộng đồng như thế nào cho hiệu quả và làm giảm thiểu tối đa những tác hại, hậu quả của những nguy cơ này; khi xảy ra các vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng, nếu chậm trễ, không biết cách đưa thông tin, không biết cách truyền thông cho cộng đồng thì hậu quả sẽ khó lường. Mặc dù nước ta được quốc tế đánh giá cao trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm và các dịch bệnh lưu hành nhưng Bộ Y tế vẫn có những kế hoạch, kịch bản chi tiết để phòng chống các nhóm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm lây sang người, Ebola, MERS-CoV… do đó truyền thông nguy cơ cần phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là việc thông tin sớm, minh bạch thông tin, biết lắng nghe dư luận, cộng đồng… để xây dựng được niềm tin của công chúng với cơ quan quản lý y tế giúp người dân hành động theo các khuyến cáo một cách có trách nhiệm, không hoang mang, bị động trong các tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra.
Tin liên quan
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh