Polyp tử cung gây nguy cơ sẩy thai, hiếm muộn
03/11/2015 | 05:08 AM



Không chỉ gây ra huyết bất thường, các Polyp ở tử cung còn chứa nhiều nguy cơ gây sẩy thai, hiếm muộn, thậm chí vô sinh.
Nhiều dạng ở nhiều lứa tuổi
Tại một bệnh viện phụ sản, ngồi đợi tới lượt khám, Mai L. (Long An) nắm chặt tay mẹ, lo lắng. Người mẹ cũng căng thẳng không kém. Mai L. 20 tuổi, chưa lập gia đình. Mấy tháng trước thấy có tình trạng ra máu âm đạo bất thường, Mai L. chia sẻ với mẹ, bà lại nghĩ có lẽ do kinh nguyệt chưa đều.
Gần đây, khi vệ sinh vùng kín, cô gái thấy có một khối màu đỏ thòi ra khỏi âm đạo. Hốt hoảng, cô và mẹ đã vội vàng đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, khối màu đỏ là polyp cổ tử cung (CTC). Với những khối polyp quá lớn, nếu không điều trị, ngoài gây ra huyết bất thường, nhiều khả năng còn làm tắc CTC, khiến CTC hẹp lại hoặc biến dạng. Mai L. được nhập viện để xử lý polyp bằng phương pháp nội soi.
Chị Mộng Th. (Bình Dương, 32 tuổi) bị sẩy thai trong lần mang thai đầu, khi 27 tuổi. Năm năm sau, chị vẫn chưa thể có thai trở lại. Gần đây, khi chị đi siêu âm đầu dò, phát hiện có polyp trong lòng TC, kích thước khá lớn (23mm x 13mm). Bác sĩ xác định đây là nguyên nhân khiến chị khó có thai. Chị xuất viện sau hai ngày nhập viện mổ nội soi lấy polyp.
Chị Hồng Ch. (Đăk Lăk, 45 tuổi) đã sinh hai con. Khi thấy chu kỳ không đều, thường bị rong kinh, suy nghĩ có lẽ do đang ở độ tuổi tiền mãn kinh nên chị chủ quan không đi khám. Sau gần nửa năm, tình trạng ra huyết càng nhiều và trầm trọng hơn.
Sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm, X-quang và nội soi, bác sĩ kết luận, polyp nội mạc TC đã tràn cả lòng TC. Do kích thước quá lớn, bác sĩ đã phải mổ ổ bụng, xẻ TC, mới lấy được polyp.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy polyp của bệnh nhân thuộc dạng lành tính. Tuy nhiên, trường hợp này được các bác sĩ chỉ định cần thực hiện đúng lịch tái khám vì vẫn không loại trừ được khả năng hóa ác về sau.
Chị Ngọc P. (TP.HCM) bị ung thư nội mạc TC do polyp hóa ác. Mãn kinh từ năm 52 tuổi, để duy trì tuổi xuân, theo lời chỉ dẫn của nhiều người, chị đã bổ sung nội tiết tố qua đường ăn uống bằng thực phẩm chức năng và một số loại thuốc.
Bước qua tuổi 61, thỉnh thoảng thấy ra huyết âm đạo bất thường, mỗi lúc một nhiều hơn, chị P. quyết định đi khám. Bác sĩ chỉ định nội soi TC và phát hiện lòng TC của bệnh nhân có một khối polyp lớn (kích thước 31mm x 25mm).
Mẫu nội soi sinh thiết được đưa đi giải phẫu bệnh cho kết quả ung thư nội mạc TC, may mắn vẫn còn ở giai đoạn sớm. Chị P. đã phải trải qua cuộc phẫu thuật nội soi trong hơn hai giờ để cắt bỏ toàn bộ TC. Sau đó, bệnh nhân được hóa trị, xạ trị để điều trị hỗ trợ, loại trừ nguy cơ ung thư di căn.
Các loại Polyp tử cung thường gặp
Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ, polyp nội mạc TC là sự quá phát lành tính của mô lót bên trong TC, tạo thành u nhô vào buồng TC; polyp có thể ở CTC. Polyp thường gắn vào lớp mô bên dưới bởi một cuống, phần trên phình ra; kích thước của polyp thay đổi từ vài mm đến vài cm, không ít trường hợp có rất nhiều polyp với kích thước lớn, tràn cả lòng TC, hoặc lấp kín cả CTC.
Polyp CTC thường xuất hiện sau tuổi 20 còn polyp nội mạc TC xuất hiện muộn hơn, thường sau tuổi 40 và có khả năng hóa ác ở phụ nữ trên 60 tuổi. Polyp CTC thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ, kể cả phụ nữ chưa lập gia đình.
Nếu còn nội tiết tố thì vẫn có nguy cơ bị polyp CTC. Polyp CTC có khả năng gây nguy hiểm khi bị hoại tử. Polyp hoại tử sẽ gây chảy máu, tiết dịch, gây mùi hôi. Nếu không xử lý kịp, tình trạng hoại tử có nguy cơ khiến toàn thân bị nhiễm trùng. Hơn nữa, khi to dần lên, polyp còn làm tắc CTC, khiến CTC hẹp lại hoặc biến dạng.
Không chỉ vậy, nếu đã mang thai mới phát hiện bị polyp, đặc biệt khi polyp gây ra huyết nhiều sẽ nguy hiểm cho thai nhi và sức khỏe người mẹ. Tùy từng trường hợp cụ thể, thai phụ có thể được chỉ định xoắn polyp (thủ thuật nhằm cắt bỏ và nong cuống polyp) để chấm dứt tình trạng ra huyết.
Tuy nhiên, thủ thuật này có nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Không ít trường hợp, việc xử lý polyp gây sẩy thai. Nếu có kích thước nhỏ và không gây ra máu nhiều thì hầu hết các polyp CTC sẽ không được can thiệp trong thai kỳ. Polyp không gây cản trở cho quá trình chuyển dạ nên người mẹ vẫn có thể sinh thường theo ngả âm đạo.
Tin liên quan
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh