Phục hồi chức năng.

07/10/2015 | 03:28 AM

 | 

 

Phục hồi chức năng là dùng các biện pháp y học, xã hội học…làm giảm tác động của giảm khả năng và tàn tật, tạo cho người khuyết tật có cơ hội để hội nhập, tái hội nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng tham gia các hoạt động trong gia đình và xã hội, có cuộc sống bình thường tối đa so với hoàn cảnh của họ.

 

Mục đích của phục hồi chức năng: giúp cho người tàn tật khả năng tự chăm sóc, giao tiếp, vận động, có nghề nghiệp và thu nhập; phục hồi tối đa giảm khả năng thể chất, tâm lý, nghề nghiệp, xã hội; ngăn ngừa các thương tật thứ cấp; tăng cường các khả năng còn lại để hạn chế hậu quả tàn tật; thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của xã hội, chấp nhận người tàn tật là thành viên bình đẳng của xã hội; cải thiện môi trường, rào cản để người tàn tật hội nhập xã hội như đường đi, công sở, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, du lịch, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi để người tàn tật được hội nhập, tái hội nhập xã hội để họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn như tự chăm sóc, tạo việc làm, vui chơi, giải trí.

 

Nguyên tắc của phục hồi chức năng: Đánh giá cao vai trò của người tàn tật, gia đình họ và cộng đồng. Phục hồi chức năng tối đa các khả năng bị giảm hoặc bị mất để giảm hậu quả của tàn tật đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Phục hồi chức năng dự phòng là nguyên tắc chiến lược trong phát triển ngành phục hồi chức năng.

 

Các hình thức phục hồi chức năng:

- Phục hồi chức năng tại viện, tại trung tâm: Người tàn tật từ các nơi xa đến các trung tâm, các viện để được điều trị phục hồi chức năng. Ưu điểm của hình thức này là có nhiều phương tiện, trang thiết bị, có nhiều cán bộ được đào tạo chuyên khoa sâu, có khả năng phục hồi được những trường hợp khó. Tuy nhiên cũng có hạn chế: Bệnh nhân phải đi xa, số lượng người tàn tật được phục hồi ít, giá thành cao, chỉ phục hồi được về mặt y học không đạt được mục tiêu hòa nhập xã hội.

 

- Phục hồi chức năng ngoài viện, ngoài trung tâm: Là hình thức phục hồi mà cán bộ chuyên khoa đưa phương tiện đến nơi người tàn tật để phục hồi. Hình thức này có ưu điểm là người tàn tật không phải đi xa, số lượng người tàn tật được phục hồi nhiều hơn, giá thành chấp nhận được, người tàn tật được phục hồi chức năng tại nơi họ sinh sống. Song có hạn chế là không đủ cán bộ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu cho người tàn tật, chi phí tốn kém, không có khả năng để triển khai các kỹ thuật lượng giá và phục hồi chức năng ở trình độ cao.

 

- Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng: Cán bộ y tế cơ sở, gia đình người tàn tật được chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng. Người tàn tật được phát hiện và phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Nguồn nhân lực tài chính dựa vào cộng đồng. Hình thức này có tính xã hội hóa cao, người tàn tật, gia đình người tàn tật, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều tham gia. Kinh phí chấp nhận được. Chất lượng phục hồi chức năng cao vì đáp ứng nhu cầu hội nhập xã hội của người tàn tật. Tuy nhiên có hạn chế là đối với các trường hợp khó thì không giải quyết được.

 

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là một thành tố của chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số lượng người tàn tật được phục hồi nhiều nhất, 85% người tàn tật được phục hồi chức năng tại cộng đồng. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng có ý nghĩa khoa học, kinh tế, nhân văn./.

                                      

Theo: http://www.soyte.hanoi.gov.vn/​


Thăm dò ý kiến