Phát hiện bệnh têtani ở trẻ em để xử trí phù hợp

18/12/2015 | 05:32 AM

 | 


Têtani là bệnh lý xảy ra ở một số trẻ em do tình trạng hưng phấn thần kinh-cơ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy trên lâm sàng cần phát hiện sớm bệnh của trẻ để có biện pháp xử trí kịp thời, tránh nhầm lẫn với các bệnh khác.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh lý

Nguyên nhân bệnh têtani gây ra ở một số trẻ em do lượng ion calci hóa giảm trong máu thường gặp trong các bệnh còi xương, trẻ được nuôi dưỡng bằng sửa bò và không được bú sửa mẹ. Đồng thời có thể do trẻ bị nhiễm kiềm máu, khi bị nôn nhiều, mất chất acid chlorhydric ở trong dịch vị; cũng có thể do trẻ uống các chất kiềm như natri bicarbonate. Ngoài ra sự tăng thông khí phổi của trẻ trong viêm não có thể dẫn đến trạng thái này. Triệu chứng bệnh lý têtani có thể xảy ra một cách tiềm tàng hay thể hiện bệnh rõ, vì vậy cần lưu ý vấn đề này để phát hiện. Thể bệnh tiềm tàng thường không có triệu chứng rõ rệt, phải khám để phát hiện dấu hiệu bệnh lý bằng cách gõ vào điểm giữa của đường nối từ mép miệng đến tai sẽ thấy trẻ bị co giật ở môi được xác định là có dấu hiệu Chvostek dương tính. Nếu đè ấn mạnh vào nơi mạch máu và dây thần kinh cánh tay đi qua bằng cách cột dây thắt garô hoặc quấn băng tay chặt sẽ thấy các ngón tay chụm lại như ngón tay của người nữ hộ sinh đỡ đẻ được gọi là dấu hiệu Trousseau... Thể bệnh biểu hiện rõ khi ngoài các dấu hiệu ghi nhận ở trên, trẻ bị co giật với sự co cơ ở chân tay, bàn tay và bàn chân ở tư thế đặc biệt như bàn tay cụp lại, ngón cái duỗi ra, bàn chân duỗi cong, các ngón chân gặp vào; có thể có co thắt thanh quản. Xét nghiệm máu thấy chất calci máu giảm, phosphore máu thường tăng. Đối với một số trẻ nhỏ, sự co thắt thanh môn có thể gây cho trẻ bị khó thở khi thở vào dẫn đến suy hô hấp và có khả năng tử vong. Tuy nhiên bệnh lý lâm sàng xảy ra không quá nặng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời; trên thực tế cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác cũng có các triệu chứng gần tương tự như bệnh uốn ván, ngộ độc chất mã tiền, bệnh bạch hầu và động kinh...

Xử trí điều trị

Khi phát hiện bệnh trẻ bị bệnh têtani, cần điều trị nguyên nhân, tình trạng giảm chất calci máu và chống co giật. Về nguyên nhân, nếu trẻ bị bệnh têtani do bệnh còi xương thì phải điều trị bệnh còi xương theo quy định. Nếu do tình trạng giảm chất calci máu, dùng gluconat calci 10% với liều 10ml tiêm tĩnh mạch; uống calci chlorure 2-3 g với 2-3 lần mỗi ngày. Có thể uống dung dịch amoni chlorure 10% với liều 0,5g/kg cân nặng mỗi ngày chia ra làm nhiều lần. Cho vitamin D2 liều cao với 600.000 đơn vị quốc tế UI để giúp ruột hấp thu chất calci tốt hơn. Nếu trẻ bị co giật, dùng chloral hydrat bơm vào đường hậu môn với liều lượng 0,20 - 0,30g ở trẻ dưới 6 tháng tuổi; liều lượng 0,30 - 0,60g ở trẻ trên 6 tháng tuổi; hoặc có thể cho uống dạng thuốc sirô chloral với liều lượng bằng nửa liều bơm vào hậu môn. Dùng thêm magnesium sulfat dung dịch 10% với liều lượng 1ml/kg cân nặng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh têtani ở trẻ em hiện nay ít gặp trên lâm sàng nhưng không phải là không có, vì vậy cha mẹ của những đứa trẻ có yếu tố nguy cơ như bị bệnh còi xương, không được bú sửa mẹ, nôn ói nhiều, dùng các thuốc có chất kiềm... cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh têtani để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh lý; đồng thời cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán xác định nhằm điều trị phù hợp. Lưu ý thể tiềm tàng thường không có triệu chứng rõ rệt, còn thể bệnh biểu hiện rõ xuất hiện chậm hơn khi tình trạng bệnh đã nặng; do đó trường hợp có nghi ngờ nên đưa trẻ đi khám bệnh sớm để có biện pháp xử trí.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh ​ 


Thăm dò ý kiến