Phấn đấu tăng lượng người hiến máu thường xuyên, đảm bảo an toàn máu điều trị
26/11/2020 | 09:34 AM
|
Điều này giúp hạn chế được tình trạng phải chờ đến khi phát động một phong trào hiến máu thì lượng máu thu về nhiều, hết sự kiện kêu gọi thì sẽ ít đi.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, đặc biệt trong thời điểm tháng 3-4/2020, công tác vận động, tổ chức hiến máu đứng trước những thử thách lớn, có những thời điểm đe doạ nghiêm trọng đến việc đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị. TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chia sẻ như vậy bên lề Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc 2020, sáng 26/11.
Tuy nhiên, trong khó khăn, ý thức về hiến máu của người dân Việt Nam đặc biệt tốt, khắc phục tình trạng thiếu máu trong tháng 3. Đầu tháng 4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư kêu gọi toàn dân tham gia hiến máu. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng gửi Thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ CAND hăng hái tình nguyện hiến máu cứu người.
"Từ những lời kêu gọi này, chúng tôi tiếp nhận khoảng 50.000 đơn vị máu từ lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an. Cùng với sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân đã giúp giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu máu trong điều trị" - TS Khánh cho hay.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: T.T
Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng cho biết, khi các hoạt động hiến máu trở lại bình thường, thống kê cho thấy lượng người hiến máu, trong đó có đối tượng là viên chức, cán bộ hiến máu tăng tới 60-70%. Điều này rất có ý nghĩa bởi lúc bấy giờ, học sinh, sinh viên - những đối tượng hiến máu - phải nghỉ học. Trong đó, tỷ lệ người hiến máu thường xuyên rất cao, tỷ lệ người hiến thể tích lớn rất nhiều.
"Điều này giúp chúng tôi có nguồn máu đầy đủ, có chất lượng, đảm bảo an toàn cho điều trị" - TS Khánh nói.
Thông tin tại sự kiện khoa học về huyết học - truyền máu lớn nhất trong năm này, các báo cáo cho thấy năm 2020 hoạt động truyền máu đã triển khai đồng bộ xét nghiệm sinh học phân tử, tăng khả năng kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu; chuẩn hoá quy trình điều chế nhiều chế phẩm máu; chú trọng đến truyền máu hoà hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền máu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn người hiến máu và chất lượng đơn vị máu.
Theo kế hoạch được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021 (trước Tết Nguyên đán - thời điểm thường xuyên được dự báo có nguy cơ thiếu máu điều trị), TS Khánh cho hay, mỗi ngày, Trung tâm Máu Quốc gia tiếp nhận khoảng 1.000- 1.500 đơn vị và một lượng tương tự cũng được phát đi cho các bệnh viện.
Tham khảo, học tập các quy trình tại Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng
Để đảm bảo an toàn nguồn máu cho thời điểm trước - trong và sau Tết Nguyên đán, Viện đã có kế hoạch làm việc với công đoàn Y tế Việt Nam, các bệnh viện, một số cơ quan đoàn thể để có kế hoạch hiến máu do lực lượng chủ chốt tham gia hiến máu lúc đó là cán bộ, viên chức...
Điều khiến Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lo lắng nhất trong việc hiến máu ở Việt Nam hiện nay là tỷ lệ người hiến máu thường xuyên không cao. Con số này hiện mới khoảng 50-60%, trong khi ở các nước xung quanh (như Thái Lan), tỷ lệ là 80-85%.
Đánh giá tỷ lệ người hiến máu thường xuyên rất quan trọng, ông Khánh lấy ví dụ tại Hà Nội, mỗi năm có 200.000 người tham gia hiến máu thường xuyên, mỗi năm họ chỉ hiến một lần thì kho máu đã có 200.000 đơn vị máu.
"Năm 2020, chúng tôi tiếp nhận 320.000 đơn vị máu, nếu có thêm nguồn hiến máu từ người hiến thường xuyên thì sẽ đảm bảo lượng máu cần thiết" - TS Khánh nói đồng thời khẳng định chất lượng máu từ nguồn người hiến này rất cao do họ tự sàng lọc cũng như có kế hoạch cụ thể, hợp lý, đều đặn.
Điều này giúp hạn chế được tình trạng phải chờ đến khi phát động một phong trào hiến máu thì lượng máu thu về nhiều, hết sự kiện kêu gọi thì sẽ ít đi.
"Năm 2021, chúng tôi phấn đấu sẽ tăng được lượng người hiến máu thường xuyên. Làm được điều này, các vấn đề khác của hiến máu tình nguyện sẽ được giải quyết triệt để. Tất nhiên, chúng ta vẫn kết hợp với các chương trình hiến máu tình nguyện trên cả nước. Điều này sẽ giúp Việt Nam không căng thẳng về vấn đề đảm bảo an toàn máu" - TS Khánh nói.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Tin liên quan
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ