Những thực trạng đáng báo độngtrẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

22/12/2015 | 05:07 AM

 | 

Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có các bé nhỏ người, trán dô, xương sườn nhô ra nhưng vẫn hoạt động nhanh nhẹn, nhiều cha mẹ nghĩ con bình thường. Tuy nhiên, thực chất trẻ đang bị thiếu vitamin D. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương, khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Trong khi đó, thực tế nguồn vitamin này đến từ khẩu phần ăn chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ thể, 80% còn lại lấy từ ánh nắng mặt trời.

Theo một nghiên cứu gần đây, tình trạng thiếu kết hợp nhiều vi chất ở trẻ trước tuổi đi học diễn ra khá phổ biến. Có đến hơn 62% trẻ thiếu selen, gần 87% thiếu kẽm và gần 52% trẻ thiếu mangan.

Kẽm là một vi chất rất quan trọng, tham gia vào thành phần trên 300 enzim, ảnh hưởng tốt đến sự phát triển cơ thể, làm tăng hấp thu, tăng tổng hợp protein, tăng cảm giác ngon miệng, tác động đến tăng trưởng. Việc thiếu kẽm gây suy giảm miễn dịch làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các tế bào miễn dịch.

trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

Kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á mới được công bố gần đây cũng cho thấy thực trạng tương tự. Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày. Điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống của ta chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ tăng cao ở giai đoạn 1-2 tuổi, trong khi đây là giai đoạn quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Theo tiến sĩ Bạch Mai, thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến tử vong, suy giảm trí tuệ… Chẳng hạn, thiếu vitamin A đe dọa đến sự sống còn, sự phát triển của trẻ nhỏ và có thể làm mù vĩnh viễn đôi mắt trẻ. Hiện nay, dù tình trạng thiếu vi chất này thể lâm sàng đã được loại trừ nhưng tỷ lệ thiếu thể tiền lâm sàng vẫn còn ảnh hưởng tới 29% trẻ dưới 5 tuổi.

Theo tính toán, thiếu vitamin A có thể làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ lên 23%. Thực tế, hằng năm cả nước vẫn có khoảng 1.500 trẻ tử vong do những nguyên nhân có liên quan đến thiếu vi chất này.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt ở nước ta khá cao, khoảng 34%. Thiếu máu làm tăng tỷ lệ chết sơ sinh lên 20%, làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ nhỏ và làm giảm 2,5% năng suất lao động khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chế độ chăm sóc không hợp lý dẫn đến thiếu máu, kẽm, do hấp thu canxi kém, mất quá nhiều canxi, nguồn thức ăn không đủ, kẽm trong khẩu phần ăn không đủ… Với phụ nữ có thai, nhu cầu về kẽm tăng cao trong thời kỳ mang thai, cho con bú nhưng không được bổ sung dẫn đến trẻ không đủ. Ngoài ra có thể do trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, nhẹ cân khi sinh, sinh non…

“Bổ sung vi chất sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, giảm bệnh tật, nguy cơ tử vong. Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giảm 20% số lần mắc tiêu chảy, 15% số lần mắc viêm phổi; và 6% tỷ lệ tử vong ở trẻ”, tiến sĩ Bạch Mai nhấn mạnh.

Bữa ăn của trẻ đa phần chưa đủ vi chất dinh dưỡng

Bữa ăn truyền thống của ta chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ tăng cao ở giai đoạn 1-2 tuổi, trong khi đây là giai đoạn quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ.

Phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết đều lấy từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, hiện nay, bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo sự đa dạng cũng như chưa có đủ vi chất, đặc biệt là sắt.

“Chúng tôi làm nghiên cứu tính toán khẩu phần ăn của trẻ thì thấy vẫn còn thiếu sắt, kẽm, các chất khoáng. Thiếu vi chất dinh dưỡng nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn nghèo. Không có một khẩu phần ăn nào đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cho tất cả mọi người, buộc phải thay đổi món ăn liên tục. Nhưng điều này không phải dễ dàng do hạn chế kinh tế gia đình, thiếu kiến thức… “, phó giáo sư Tuyên nói.

Theo tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều bà mẹ thắc mắc làm sao mà có thể phối hợp được 15-20 loại thức ăn một ngày, đầy đủ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin và chất khoáng, chất béo. Thực tế điều này không quá khó.

Một bữa cần đảm bảo 5 món: cơm, canh, món mặn, rau và tráng miệng.

Lấy ví dụ, ăn cơm đã tốt nhưng nếu mỗi bữa có thể kèm theo khoai, bắp ngô thì sẽ tốt hơn. Mỗi loại có ưu điểm riêng của nó, như ngô có màu vàng rất giàu caroten- guíp tăng sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ thêm chất xơ.

Với món rau, ăn rau đã rất tốt nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu phối hợp nhiều loại, làm rau luộc thập cẩm. Với món canh có thể nấu canh cua, gồm rau đay, mùng tơi, mướp… Với món mặn, chẳng hạn làm thịt kho thì có thể kho cùng củ cải, trứng. Hay món tráng miệng thì sáng ăn cam, chiều tối là một loại hoa quả khác.

Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ còn suy nghĩ không đúng về cách chế biến món ăn cho trẻ. Chẳng hạn, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, sáng dậy bà hoặc mẹ đi chợ cố gắng mua xương ống về ninh nồi cháo cho con ăn cả ngày. Như thế, họ đã yên tâm vì nghĩ ăn xương như vậy thì bổ xương, ăn tuỷ bổ tuỷ và nhiều dinh dưỡng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Thanh cho rằng, nếu cho trẻ ăn như vậy thì sẽ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng và cả các vi chất. Nhiều người nghĩ xương ninh như vậy thì các cháu đủ canxi nhưng ngược lại trẻ ăn nước ninh xương dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Lý do vì trong nước, lượng canxi phôi ra rất ít, nếu canxi có phôi ra thì việc hấp thu cũng không tốt vì đó là canxi vô cơ. Canxi mà trẻ dễ hấp thu nhất là loại hữu cơ, có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên như: tôm, cá tươi, trứng…

Hay như tuỷ ở trong xương ống, thành phần chủ yếu là chất béo, nhưng đây không phải chất béo cần thiết để trẻ hấp thu được vì là chất béo no. Nó chỉ khiến trẻ dễ đầy bụng, rối loạn tiêu hoá, khó hấp thu.

“Có bà mẹ rất yên tâm ninh hầm các thứ đắt tiền rất ngon, rồi ép lấy nước cho con ăn vì nghĩ bao nhiêu chất dinh dưỡng ra nước hết. Nhưng chúng ta cần hiểu là tất cả các thành phần dinh dưỡng, đạm, sắt, béo, vitamin A đều nằm trong phần cái. Nếu không nghiền, băm phần cái cho con ăn thì nước chỉ là hương liệu, chỉ một số ít thành phần dinh dưỡng tan ra thôi”, tiến sĩ Thanh nói.

Thậm chí theo tiến sĩ Thanh, ở một số địa phương, các bà mẹ còn không cho con ăn rau vì cho rằng ăn thì trẻ đi ngoài phân xanh như thế là không tốt.

Giáo sư Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ gặp ở trẻ suy dinh dưỡng mà ở cả trẻ dinh dưỡng tốt. thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến tử vong, suy giảm trí tuệ… Vì thế, cải thiện vi chất dinh dưỡng là một trong 6 mục tiêu quan trọng trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia trong thời gian tới.

trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng thuc trạng và bữa ăn đầy đủ 3

3 biện pháp phòng chống thiếu vi chất hiệu quả gồm: tăng cường cải thiện chế độ ăn, tăng cường vi chất vào thực phẩm như tăng cường sắt vào mắm, bổ sung vitamin A liều cao định kỳ một năm 2 lần cho nhóm nguy cơ cao.

“Sau này nước ta sẽ tiến hành dần việc tăng cường vi chất vào một số thực phẩm. Hiện nay, một số nước tăng cường vitamin A vào đường, dầu ăn, mì chính, tại nước ta đang xúc tiến từng bước tăng cường A vào dầu ăn”, giáo sư Hợp nói.

Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng gì?

Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Tuy nhiên chúng dễ bị thiếu hụt trong chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và thiếu iốt. Cụ thể:

Vitamin A: Ngoài vai trò bảo vệ mắt, vitamin A còn giúp trẻ tăng trưởng, tăng sức đề kháng với bệnh tật… Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa.

Sắt: Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất, phụ nữ mang thai, phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, đặc biệt là các em gái tuổi dậy thì, là những đối tượng thường bị đe dọa thiếu máu dinh dưỡng. Đối với trẻ em thiếu sắt làm chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…; Đối với phụ nữ có thai thiếu sắt làm chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con; Đối với thanh thiếu niên và người lao động làm giảm thể lực, giảm khả năng học tập, giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng, giảm năng suất và ngày công lao động.

Iốt: Thiếu iốt dễ dẫn đến thiếu hoóc-môn gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu iốt. Thiếu iốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu iốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, học hành kém, lưu ban, bỏ lớp, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…

Kẽm: Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh, đặc biệt là các enzym cần thiết cho sự tổng hợp protein, axit nucleic cũng như sự tổng hợp bài tiết của nhiều hoóc-môn tăng trưởng quan trọng khác. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.

trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng thuc trạng và bữa ăn đầy đủ 2

Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng chúng ta cần phải chú ý đến việc đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình, lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đủ nhu cầu năng lượng, ăn đủ rau và trái cây tươi, tăng cường ăn rau xanh đậm và củ quả vàng đậm, thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản chứa nhiều kẽm, thường xuyên dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn./.​


Thăm dò ý kiến