Những dấu hiệu sớm nhận biết bệnh giang mai

22/09/2015 | 02:38 AM

 | 

Giang mai là một bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục. Đây cũng là căn bệnh xã hội khá phổ biến hiện nay nhưng hầu như mọi người có hiểu biết rất ít về nó.

Bệnh giang mai cùng với bệnh lậu và HIV là 3 bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục để lại nhiều hệ lụy cho người mắc bệnh và xã hội. Không chỉ có ở phụ nữ mà rất nhiều nam giới cũng mắc phải căn bệnh giang mai này.

Để tránh mắc bệnh giang mai, bạn nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nó. Cần thiết hơn, đó là bạn nên có một đời sống tình dục an toàn và lành mạnh.

Dưới đây là những triệu chứng để bạn có thể nhận biết sớm những dấu hiệu và cách phòng tránh căn bệnh giang mai.

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh giang mai có một thời gian ủ bệnh từ 9 đến 90 ngày (trung bình là khoảng 3 tuần) trước khi những dấu hiệu đầu tiên và triệu chứng của bệnh xuất hiện.

Từng giai đoạn của bệnh giang mai có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

Bệnh cũng có những biểu hiện khác nhau tùy theo cơ địa của từng người. Một số người không có dấu hiệu nhiễm trùng, có người có những dấu hiệu nhưng rất nhẹ. Vì thế, nếu thấy bất kỳ biểu hiện nào xuất hiện, bạn cần đi khám ngay.

- Giai đoạn đầu tiên: Giai đoạn đầu kéo dài từ 1 - 5 tuần. Đây là giai đoạn bệnh giang mai dễ lây nhất. bệnh mới biểu hiện ra ngoài bằng các vết loét trên da, thường là tại bộ phận sinh dục như ở dương vật, quy đầu (ở nam giới), môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung (ở nữ giới).

Đặc điểm vết loét: nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng.

Ở giai đoạn này thường xuất hiện những vết loét ở bộ phận sinh dục, không đỏ, không đau. Các vết loét biến mất sau 3-6 tuần.

- Giai đoạn 2: Kéo dài từ 4 - 6 tuần. Biểu hiện lúc này là các nốt ban màu hồng hoặc tím, nổi ban ở bẹn.

Nếu bệnh giang mai không được điều trị sớm, nó sẽ lây lan vào máu. Khi đã vào máu, bệnh có biểu hiện phổ biến nhất là phát ban ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.

- Giai đoạn thứ 3: Các tổn thương biến thành các vết sần, sẹo trên da. Ngoài ra, bệnh phát triển ăn sâu vào các tổ chức da thịt và các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch …, gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm giang mai như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch và củ giang mai… gây viêm màng não, tổn thương não khu trú, tổn thương thoái hóa ở não, nặng nề hơn nữa có thể dẫn đến tử vong.

2. Cách chữa trị bệnh giang mai

Nếu bệnh giang mai được phát hiện sớm và chữa trị đúng thì có thể điều trị khỏi hẳn.

Giai đoạn đầu: Tiêm bắp một liều duy nhất penicillin G để điều trị bệnh giang mai không biến chứng.

Nếu không có penicillin G có thể sử dụng Doxycycline và tetracycline thay thế.

Giai đoạn biến chứng: Tiêm penicillin G liều cao vào tĩnh mạch ít nhất 10 ngày cho bệnh nhân giang mai thần kinh. Có thể tiêm cetriaxone thay thế nếu người bệnh bị dị ứng penicilline G.

Ở giai đoạn này việc điều trị chỉ là hạn chế sự tiến triển của bệnh chứ không thể cải thiện các thương tổn mà bệnh giang mai đã gây ra.

3. Cách phòng tránh bệnh giang mai

Để phòng tránh căn bệnh xã hội này, bạn cần chú ý các biện pháp sau:

- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh.

- Bệnh giang mai cần phải điều trị tận gốc và tránh làm chuyện ấy trong khi điều trị nếu không sẽ rất dễ tái phát. Nam giới cần hết sức đề phòng và kịp thời đến tận các trung tâm y tế để xét nghiệm và điều trị.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ như một giải pháp phòng bệnh hữu hiệu.

- Không mang thai khi có bệnh vì căn bệnh này có thể lây từ mẹ sang con.

- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách.

Nguồn: Báo gia đình và xã hội​


Thăm dò ý kiến