Nguy cơ mắc sởi cao ở những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng
20/08/2018 | 05:36 AM



Thời gian gần đây, số trẻ sốt cao, nổi mẩn nghi sởi đến khám và điều trị ở Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E có chiều hướng tăng mạnh. Nhóm trẻ mắc bệnh chủ yếu đến từ các quận Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và chủ yếu dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Chưa tiêm ngừa đã mắc bệnh
Chị Phạm Thị Lành ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vài ngày nay phải chăm con hơn 9 tháng tuổi điều trị sởi ở Bệnh viện E cho hay theo lịch thì cách đây 15 ngày chị phải đưa con đi tiêm ngừa sởi, nhưng đúng dịp đó cháu lại sốt mọc răng nên gia đình lùi lại. “Sau lịch tiêm ngừa thời gian ngắn gia đình thấy cháu có vài nốt đỏ dưới da, ho, sốt, chảy nước mũi, đưa vào bệnh viện khám thì được chẩn đoán là cháu mắc bệnh sởi”- chị Lành cho hay.
Bác sỹ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi Tổng hợp cho hay hầu hết các bệnh nhi mắc sởi nhập viện thời gian qua chưa tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ mũi, một tỷ lệ bệnh nhi là các cháu chưa đến tuổi tiêm ngừa mũi vắc xin sởi, lại không có kháng thể từ mẹ truyền cho (do mẹ cũng chưa được tiêm ngừa) và khi có nguồn lây, bé dễ có nguy cơ mắc bệnh.
Ông Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay hiện tại Khoa này có khoảng 10 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị, bé nặng nhất trong số này đang phải hỗ trợ thở oxi do bị biến chứng viêm đường hô hấp. Thống kê chung của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho thấy số mắc sởi đã tăng từ tháng 5 và đặc biệt từ tháng 7 đến nay. Tuy may mắn là chưa có bệnh nhi mắc sởi tử vong trong mùa dịch này, nhưng cũng đã có những dấu hiệu ban đầu tương tự vụ dịch sởi nặng nhất trong nhiều năm gần đây (năm 2014), khi đã có một số trường hợp song sinh cùng mắc bệnh và cùng có diễn tiến bệnh rất nặng. Mùa dịch năm 2014 đã có hàng chục cặp song sinh cùng mắc sởi, cùng diễn biến nặng và một số bé đã tử vong. Thống kê riêng ở Hà Nội năm nay, 90% các cháu mắc sởi chưa được tiêm ngừa.
Nguy cơ mắc sởi cao ở những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng
Chẩn đoán mắc sởi, khi nào?
Theo ông Hải, sởi là bệnh dễ chẩn đoán do có nhiều dấu hiệu đặc thù như bé ốm, sốt kèm phát ban tuần tự từ sau tai, ngực, lưng và lan ra chân tay, kèm theo là chứng viêm kết mạc và ho khan.
Vì bệnh sởi rất dễ lây lan nên cách phòng sởi tốt nhất là tiêm ngừa cho các bé. lịch tiêm chủng là tiêm mũi sởi đơn khi trẻ 9 tháng tuổi, trẻ 18 tháng tuổi sẽ tiêm mũi sởi- rubella. Tuy nhiên nếu tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 95%, năm nào cũng còn khoảng 5% trẻ chưa được tiêm ngừa và khi số đó tích lũy đủ lớn thì rất dễ bùng phát dịch sởi.
“Ngay cả khi trẻ đang điều trị ở bệnh viện, một phòng 3-4 trẻ mà có một bé mắc sởi nguy cơ lây lan cũng rất lớn. Nếu trẻ ốm vào thời điểm tiêm ngừa, cha mẹ trẻ hãy cho cháu tiêm vào thời điểm gần đó nhất chứ không để trẻ liên tục bỏ sót mũi tiêm vì ốm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng cần tiêm ngừa mũi sởi- rubella để phòng bệnh cho bản thân và cho con”- ông Hải khuyến cáo.
· Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có 27-28% trẻ măc sởi trong các tháng đầu 2018 dưới 9 tháng tuổi, tức chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin sởi theo lịch hiện hành, 12% 9-12 tháng tuổi, 16% trên 14 tuổi.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024