Nghành Y tế Long An triển khai đồng bộ giải pháp hướng đến mục tiêu 90-90-90
15/10/2019 | 16:28 PM
|
Nhằm khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Long An triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng mạng lưới xét nghiệm HIV,
Nhằm khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Long An triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng mạng lưới xét nghiệm HIV, chú trọng đến những người dễ phơi nhiễm HIV, mở rộng độ bao phủ dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV ở các địa bàn có số người nhiễm HIV cao.
|
Các cơ sở y tế tỉnh Long An tăng cường dịch vụ xét nghiệm HIV. |
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết: “Mục tiêu 90-90-90 nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. Giải pháp đặt ra là cần tiếp cận tìm người phơi nhiễm để quản lý, điều trị phơi nhiễm kịp thời, hạn chế lây nhiễm mới”.
Thực tế, những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh khi được tiếp cận, phần lớn chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị nhưng tải lượng HIV còn cao chính là nguồn lây HIV ra cộng đồng. Vì vậy, phương pháp ưu tiên được các cơ sở y tế tỉnh Long An triển khai là thực hiện tiếp cận, tìm người phơi nhiễm từ những người nhiễm HIV để đưa họ đi xét nghiệm và đưa vào điều trị ARV. Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu góp phần giảm sự lây nhiễm HIV thông qua các biện pháp dự phòng có hiệu quả, cải thiện việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng của hệ thống phòng, chống AIDS. Chỉ riêng từ tháng 8-2018 đến tháng 8-2019, dự án đã triển khai hai cơ sở vệ tinh điều trị HIV mới, xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật triển khai 5 cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV, đồng thời triển khai các đợt rà soát HIV ở 11 địa phương, cải thiện hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân điều trị ARV trong cơ sở y tế. Cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh tìm được 262 ca HIV mới, điều trị 216 bệnh nhân mới, duy trì điều trị hơn 1.900 bệnh nhân, xét nghiệm tải lượng HIV được 1.237 bệnh nhân.
Từ đầu năm 2019, Long An là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai chương trình điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV/AIDS (gọi tắt là PrEP). Những địa bàn đông dân cư được tỉnh chú trọng triển khai PrEP như: TP Tân An và các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước... Những người bị phơi nhiễm hoặc chưa phơi nhiễm nhưng nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm đều có thể đăng ký tham gia để được tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc uống tại các trung tâm phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, PrEP có hiệu quả đến 92% trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng tính nam.
Mới đây, phòng khám, điều trị HIV/AIDS tư nhân đầu tiên của tỉnh Long An là Phòng khám Hùng Vương (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) do bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm Bùi Thanh Bình phụ trách, mang lại tín hiệu đáng mừng cho công tác phòng, chống HIV. Phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám là khám bệnh, tư vấn, xét nghiệm HIV nhanh, sàng lọc và kê đơn điều trị bằng thuốc ARV, xử trí cấp cứu những bệnh thường gặp và cấp cứu chuyên khoa cho người bị phơi nhiễm HIV trong 72 giờ đầu bằng thuốc ARV để tránh nguy cơ bị lây nhiễm HIV. Bác sĩ Bùi Thanh Bình cho biết: “Hiện nay, nhiễm HIV có thể kiểm soát tốt nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị ARV. Phòng khám, điều trị HIV/AIDS Hùng Vương sẽ góp phần cùng ngành y tế tỉnh trong việc tư vấn, sàng lọc, phát hiện người nhiễm HIV còn tiềm ẩn trong cộng đồng để đưa vào chương trình điều trị ARV, giúp người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống tốt hơn, hạn chế lây lan ra cộng đồng”.
Từ ca phát hiện đầu tiên vào tháng 8-1993 đến tháng 8-2019, Long An ghi nhận gần 5.300 ca nhiễm HIV, trong đó hơn 1.400 ca đã tử vong. Hiện số người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý là 1.950 ca. Những năm gần đây, các trường hợp nhiễm HIV mới gia tăng trong nhóm đối tượng thanh niên, học sinh, nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam… Tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến đối tượng trọng tâm, địa bàn trọng điểm và các giải pháp hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với tỉnh là thiếu nhân sự và chiến lược sinh phẩm trong công tác xét nghiệm khẳng định HIV.
Theo bác sĩ CKII Võ Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An: Ngoài sự vào cuộc tiếp cận, tìm ca nhiễm HIV mới của ngành y tế, rất cần sự chung tay thực hiện của các sở, ngành, đoàn thể trong triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Các đơn vị liên quan cần chú trọng triển khai chương trình K=K (không phát hiện bằng không lây nhiễm), tăng cường xét nghiệm tại phòng điều trị ngoại trú ARV và phòng tư vấn, điều trị HIV miễn phí.
Các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo tâm lý ổn định cho bệnh nhân khi tiếp cận dịch vụ. Có như vậy, mục tiêu 90-90-90 sẽ đạt kết quả cao./.
Tin liên quan
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ