Ngày quốc tế người cao tuổi (IDOP) 2015: Già hóa dân số do nâng cao chất lượng cuộc sống
01/10/2015 | 03:43 AM
Ngày 1/10/2015. Liên Hợp Quốc (UN)-Ngày quốc tế người cao tuổi (International Day of Older Persons_ IDOP) do UN khởi xướng và được tổ chức lần đầu tiên vào 1/10/1991 nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi trong các nước thành viên, từ đó ngày 1 tháng 10 là ngày IDOP hàng năm. Hưởng ứng IDOP lần thứ 24, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực tại địa phương thể hiện sự quan tâm với người cao tuổi.
Theo Liên Hợp Quốc (UN), Ngày quốc tế về người cao tuổi (IDOP) được tổ chức để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi, đồng thời cũng là ngày ghi nhận những cống hiến xã hội của người cao tuổi và là tâm điểm của chương trình về người cao tuổi của UN và các tổ chức chăm sóc bảo vệ người cao tuổi về các lĩnh vực sức khoẻ và ăn uống; nhà ở và môi trường; gia đình; dịch vụ và bảo trợ xã hội; việc làm và nâng cao sự hiểu biết về người cao tuổi. Hưởng ứng IDOP, ngày năm 1994 Chính phủ đã quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam để tham mưu về các chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi.
Già hóa dân số trong thế kỷ 21: thành tựu và thách thức
Theo quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HepeAge International), già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21 và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của xã hội. Trên thế giới cứ 1 giây lại có 2 người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi- trung bình một năm có 58. triệu người tròn 60 tuổi, UNFPA cho biết hiện nay trên thế giới cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên và dự báo con số này sẽ tăng lên vào 2050 thành cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên do đó theo tổ chức này hiện tượng già hóa dân số là vấn đề không thể không được quan tâm. |
Theo Báo cáo mới nhất của UNFPA với tựa đề “Già hóa dân số trong thế kỷ 21: thành tựu và thách thức” thì già hóa dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực và quốc gia với các tốc độ khác nhau, theo đó già hóa dân số tăng nhanh nhất ở các nước đang phát triển kể cả các nước có dân số trẻ đông đảo, hiện nay có 7 trong số 15 nước có hơn 10 triệu người già là các nước đang phát triển. Già hóa là một thành tựu về chất lượng cuộc sống trong quá trình phát triển, mà theo đó nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại của loài người. Con người sống lâu hơn là nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Theo UNFPA, hiện nay có 33 quốc gia đạt tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi, trong khi 5 năm trước đây chỉ có 19 quốc gia đạt con số này. Trên thế giới hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có trên 30% dân số già, dự báo đến năm 2050 sẽ có trên 64 nước có dân số già > 30% như Nhật Bản. UNFPA cho rằng quá trình biến đổi về nhân khẩu học này không ngừng đem lại những cơ hội cũng như già hóa dân số với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội cùng những đóng góp không ngừng của người cao tuổi cho xã hội.
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng tạo ra không ít những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng quốc tế theo lời Tổng Thư ký UN Ban Ki-moon: “Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ mà còn tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng thế giới theo những cách thức chưa từng có”. Đây cũng chính là cách thức cần lựa chọn để giải quyết các thách thức cũng như tận dụng tối đa những cơ hội mà già hóa dân số mang lại để chứng tỏ rằng liệu xã hội có được hưởng lợi từ “cơ hội dân số già” hsy không. Với số lượng cũng như tỷ trọng người cao tuổi trong dân số ngày càng gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia, điều cốt yếu là nâng cao năng lực của xã hội nhằm giải quyết các thách thức đặt ra từ chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học này.
Để giải quyết các thách thức đồng thời tận dụng các cơ hội từ qua trình già hóa dân số, UNFPA kêu gọi các quốc gia, xã hội, lực lượng lao động, các tổ chức xã hội và các thế hệ dân số cần tái cơ cấu dựa trên các phương thức tiếp cận mới. Các biện pháp này cần được duy trì trên cơ sở cam kết chính trị mạnh mẽ, nguồn kiến thức và số liệu vững chắc nhằm lồng ghép hiệu quả quá trình già hóa toàn cầu vào các tiến trình phát triển rộng lớn hơn. Con người ở khắp mọi nơi trên thế giới phải được hưởng tuổi già trong sự tôn trọng và an sinh, được sống cuộc sống với nhận thức đầy đủ về quyền con người và quyền tự do cơ bản mà theo đó nhìn nhậncả thách thức và cơ hội là giải pháp tốt nhất để đạt được thành công trong một thế giới đâng già hóa.
Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam
Thực hiện những cam kết với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách với người cao tuổi, đồng thời khẳng định vị trí vai trò quan trọng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt là trong năm 2015, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động vì ngưới cao tuổi Chính phủ đã ban hành Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2015 lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”. Nhân dịp 24 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991-1/10/2015) và Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với thông điệp của UN: “phần dân số cao tuổi có thể già đi nhưng vẫn hoạt động trong các kế hoạch kinh tế - xã hội và được an toàn, khỏe mạnh”. Theo Tổng cục Thống kê, số liệu tổng điều tra dân số qua mỗi giai đoạn 10 năm (1979, 1989, 1999, 2009) cho thấy trong vòng 30 năm qua (1979-2009) tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chỉ tăng trung bình 0,06% mỗi năm nhưng chỉ trong vòng 1 năm (2009-2010 thì tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 8,67% lên 9,4%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 6,4% lên 6,8% tăng gấp hơn 10 lần so với trước đây. Những dẫn này phù hợp với nhận định của các nhà nhân khẩu học là “già hóa dân số” khi dân số 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% tổng dân số hoặc tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% tổng dân số; đồng thời chứng tỏ Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới khi năm 2014 số người cao tuổi đã tăng 10,5% trong tổng dân số và dự đoán sẽ tăng gấp đôi là 23% vào năm 2040. Tuy nhiên theo UNFPA: “Già hóa dân số không phải là một thảm họa mà là một cơ hội suy nghĩ về một xã hội mà chúng ta mong muốn, để cả người cao tuổi và trẻ tuổi đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc và có cơ hội để phát triển”.
Tuổi thọ trung bình gia tăng chứng tỏ chất lượng cuộc sống gia tăng và đó cũng là niềm mong ước của hết thảy mọi người do đó già hóa dân số phản ánh những thành tựu to lớn của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Cùng với đó, người cao tuổi khỏe mạnh cũng là nguồn nhân lực quý giá nếu được hỗ trợ một cách phù hợp có thể tiếp tục đóng góp cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Tuy nhiên, theo Tổng cục dân số & kế hoạch hóa gia đình-Bộ Y tế (MoH) mặc dù tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng cao nhưng tỷ lệ khỏe mạnh lại khá thấp, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau và trung bình mỗi người cao tuổi có trên 2,6 bệnh trong cuộc đời của họ. Bệnh tật ở người cao tuổi ở nước ta có xu hướng bệnh tật kép, chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm nên chi phí chăm sóc cao với các bệnh chủ yếu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, động kinh, trầm cảm cùng với quá trình lão hóa ngày càng tăng. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi do chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn làm cho việc điều trị trị khó khăn. Hệ thống y tế lão khoa chưa hoàn thiện, trang thiết bị nghèo nàn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc thù của người cao tuổi. Kết quả diều tra toàn quốc về người cao tuổi cho thấy chỉ có 4,8% có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu; trong đó 26,1% không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào và trên 51% không đủ tiền chi trả cho việc điều trị nên không điều trị.
Nhân 24 năm kỷ niệm IDOP 1/10/2015 và lần đầu tiên tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2015 để toàn xã hội và các cấp chính quyền cùng chung tay bảo vệ vàchăm sóc người cao tuổi, phát huy uy tín, hiểu biết, kinh nghiệm của người cao tuổi được tốt hơn; tạo điều kiện tốt nhất để người cao tuổi được “sống vui-khỏe-có ích”, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo: Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn
Tin liên quan
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt