Mang nhóm máu hiếm có đáng lo?
09/11/2015 | 01:50 AM



Chị Nguyễn Thị H. (Nam Định), hiện đang công tác tại Hà Nội, mang thai được 5 tháng, chị biết mình có nhóm máu ORh(D) âm tính (hay O-), một nhóm máu hiếm. Mặc dù, được bác sĩ tư vấn, nhưng chị H. và chồng vẫn rất lo lắng về nguy cơ cần phải truyền máu khi sinh, chưa kể việc có thể ảnh hưởng tới thai nhi... Không chỉ riêng chị H., trong cuộc gặp mặt và sơ kết hoạt động nhóm máu hiếm Rh- khu vực phía Bắc, nhiều người, nhất là các chị, em nữ vẫn thấp thỏm lo về nhóm máu của mình. Với nhiều nguyên nhân khác nhau, có người nghĩ rằng mang nhóm máu hiếm như "bị một loại bệnh”... Vậy nhóm máu hiếm Rh(D) âm tính (viết tắt Rh-) có đáng lo?. Xin giới thiệu với quý bạn đọc những thông tin cơ bản về nhóm máu hiếm Rh-.
Nhóm máu hiếm Rh- là gì?
Nhóm máu được gọi là hiếm khi có tỷ lệ thấp (<0,1%) trong cộng đồng và rất hiếm nếu tỷ lệ này <0,01%. Ở Việt Nam người có nhóm máu Rh- chiếm tỷ lệ 0,04% - 0,07% , những người có nhóm máu nằm trong tỷ lệ này được gọi là người có nhóm máu hiếm. Hệ nhóm máu Rh có khoảng 50 kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu được phát hiện, trong đó có 5 kháng nguyên chính gồm: D, C, c, E, e. Kháng nguyên D là quan trọng nhất, vì tính sinh kháng thể mạnh (khoảng 50% - 80% người Rh(D) âm tính nhận máu Rh dương sẽ sinh kháng thể chống D). Người có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu, được gọi là người có nhóm máu Rh dương (hay Rh(D) dương); Ngược lại, người không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu, là những người nhóm máu Rh âm (hay Rh(D) âm). Các kháng nguyên này do 3 cặp allen liền kề nhau trên nhiễm sắc thể số 1 quy định là Dd, Cc, Ee, các gen này liên kết và tổ hợp với nhau để tạo ra các kiểu gen của hệ Rh.
Nhóm máu hiếm Rh- là một trong hai nhóm máu thuộc hệ nhóm máu Rh
Năm 2013, Hội Truyền máu quốc tế (ISBT) đã chính thức công nhận có 34 hệ nhóm máu hồng cầu với 339 kháng nguyên nhóm máu khác nhau, trong đó hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
Một số lưu ý trong truyền máu và sản khoa
Trong thực hành truyền máu, theo khuyến cáo của thầy thuốc, người có nhóm máu Rh- chỉ nên nhận máu của người nhóm máu Rh-, đó là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Nếu người nhóm máu Rh- nhận máu của người nhóm máu Rh+ sẽ gây ra tai biến truyền máu rất nặng khi truyền máu không hòa hợp kháng nguyên D. Chính vì vậy, mỗi người nhóm máu hiếm chỉ nên tham gia hiến máu trong trường hợp có người cùng cộng đồng cần truyền máu.
Lưu ý trong thực hành truyền máu Rh-
Nhằm giúp cho người nhóm máu hiếm Rh- kết nối lại trong cùng một cộng đồng, từ năm 2007, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thành lập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc. Đây là nơi gặp gỡ, hội ngộ, chia sẻ của người nhóm máu hiếm của tất cả các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm các thành viên nhóm máu hiếm đã tham gia hiến hàng trăm đơn vị máu, góp phần cứu giúp nhiều người bệnh từ những bệnh nhân tai nạn giao thông, bệnh nhân mắc bệnh về máu đến các sản phụ, trẻ sơ sinh cần truyền máu Rh-.
Đối với các sản phụ và thai nhi, nhóm máu hiếm có thể gây ra một số tai biến không mong muốn, nếu thai nhi là Rh(D) dương tính thì có thể kích thích cơ thể mẹ sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên D (anti-D). Tuy nhiên, ở lần có thai đầu ít có tai biến cho thai nhi. Lần có thai sau, nếu thai vẫn là Rh(D) thì có thể gây nguy cơ anti-D từ mẹ sẽ truyền qua đường nhau thai, sang máu thai nhi và làm ngưng kết, phá hủy hồng cầu của thai nhi. Tuỳ theo mức độ mà dẫn đến tình trạng vàng da sơ sinh, sẩy thai hay thậm chí thai chết lưu... Tuy nhiên điều này có thể hoàn toàn phòng tránh được. Thực tế đã có nhiều phụ nữ nhóm máu hiếm Rh- sinh con thuận lợi, an toàn, nhiều bà mẹ sinh tới con thứ ba như chị Phượng (nhóm máu B-), chị Nga (nhóm máu O-),..
Lời khuyên dành cho người nhóm máu Rh-
Trước hết, mỗi người dân nói chung nên quan tâm tới sức khỏe bản thân và xét nghiệm nhóm máu Rh. Nếu bản thân mang nhóm máu Rh-, nên thông báo với các cơ sở khám, chữa bệnh khi cần truyền máu. Đặc biệt, phụ nữ nhóm máu Rh- mang thai nên quản lý thai nghén tại cơ sở y tế có khả năng giải quyết một số nguy cơ như: bất đồng nhóm máu mẹ con; truyền máu Rh- khi sản phụ cần truyền máu. Người nhóm máu hiếm nên tham gia hiến máu cho người trong cùng cộng đồng khi có người cần truyền máu.
Dự phòng Anti – D ở sản phụ nhóm máu Rh-
Trong việc quản lý thai kỳ đối với người mẹ Rh(D) âm tính, bước dự phòng Anti – D có những lưu ý: Trước hết, cần xét nghiệm nhóm máu của người chồng sản phụ để xác định có mang nhóm máu Rh(-) hay không. Nếu bố (người chồng) của thai nhi có nhóm máu Rh(-) cùng nhóm máu của người mẹ là Rh(-) thì không cần dự phòng miễn dịch bằng anti-D. Ngược lại, nếu bố của thai nhi có nhóm máu Rh(+) thì cần phải hiệu giá kháng thể miễn dịch D. Nếu hiệu giá kháng thể cho kết quả dương tính, cần tiến hành các bước như: Theo dõi thiếu máu thai nhi và hiệu quá kháng thể miễn dịch chống D 2 tuần/lần cho sản phụ; hiệu giá kháng thể miễn dịch chống D âm tính thì dự phòng định kỳ bằng anti-D. Việc sử dụng anti-D như sau: Trong quá trình mang thai: có 2 cách dùng và hiệu quả tương tự như nhau; Cách 1: 2 liều anti-D IgG 500 IU - 625 IU vào tuần thứ 28 và 34 của thai kỳ (Nếu tiêm anti-D vào tuần 28 thì tuần 34 có thể tiêm luôn anti-D mà không cần làm xét nghiệm hiệu giá kháng thể miễn dịch lại). Cách 2: tiêm 1 liều anti-D IgG 1500 IU duy nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng sau sinh, tiêm anti-D IgG 500IU – 1500 IU trong vòng 72 giờ sau khi sinh (nếu con sinh ra có nhóm máu Rh(D) dương tính).
Nhóm máu hiếm Rh- là một nhóm máu như các nhóm máu khác. Người nhóm máu hiếm Rh- có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh+ (trên 99% người Việt Nam mang nhóm máu Rh+). Có nhiều phụ nữ nhóm máu hiếm Rh- vẫn sinh con khỏe mạnh, bình thường. Do vậy, nhóm máu hiếm Rh- không đáng lo ngại nếu chúng ta hiểu, biết và sẵn sàng có những dự phòng cần thiết, cũng như nên tham gia vào cộng đồng nhóm máu hiếm để được hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ kịp thời.
Thông tin đăng ký tham gia Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ĐT: (04) 3 868 6008 - 3 782 1900 hoặc facebook https://www.facebook.com/nhommauhiem.
Nguồn: Viện Huyết học- truyền máu Trung ương
Tin liên quan
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh