Hội thảo đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển
28/10/2020 | 14:41 PM



Tổng cục DS - KHHGĐ tổ chức hội thảo với chủ đề “Đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển” nhằm đề xuất mô hình tổ chức và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp.
Ngày 28/10, tại TP Vũng Tàu, Tổng cục DS - KHHGĐ tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến địa phương đối với Dự thảo Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về Dân số và Phát triển các cấp".
Tham dự hội nghị ngoài lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của Tổng cục DS - KHHGĐ còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục DS - KHHGĐ thuộc các tỉnh phía Nam.
Các lãnh đạo ngành Dân số, chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Quyên
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết đây là một việc rất quan trọng đối với ngành Dân số, nhất là trong bối cảnh hệ thống tổ chức bộ máy ngành Dân số đang có nhiều biến động, đặc biệt là tại cấp huyện.
Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập Ban Soạn thảo có sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng lên Dự thảo Đề án. Hội thảo ngày hôm nay là dịp để Tổng cục - đơn vị đầu mối của Bộ Y tế trong việc xây dựng Đề án - xin ý kiến các địa phương đối với các nội dung của dự thảo Đề án.
Sau hội thảo tại 2 miền, Tổng cục sẽ tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án, lấy ý kiến các Bộ, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
"Chính vì vậy, tôi đề nghị các đại biểu, nhất là các đại biểu địa phương tập trung trí tuệ thảo luận thẳng thắn, công khai và tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án, chỉ ra những ưu điểm, những tồn tại, hạn chế của mô hình tổ chức bộ máy ngành Dân số hiện nay; nghiên cứu, thảo luận, lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp liên ngành và mạng lưới cộng tác viên dân số nhằm thực hiện được những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác dân số trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 21- NQ/TW và phù hợp với các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước", ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, GS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch HĐKH Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình, Trẻ em cho biết: “Từ năm 1961-2007, tổ chức bộ máy quản lý Dân số triển khai theo 2 mô hình chính. Mô hình 1 (giai đoạn 1961-1991) có Ban chỉ đạo là Uỷ ban Quốc gia Dân số & Sinh đẻ có kế hoạch nhưng đều là kiêm nhiệm. Ở mô hình này, hiệu quả không thể cao vì lĩnh vực Y tế và Dân số khác nhau ở tính chất công việc. Y tế luôn khẩn trương, khẩn cấp; Dân số quan trọng nhưng là công việc mang tính lâu dài. Vì vậy, khi Dân số đặt trong Y tế thường bị chìm trong công việc khẩn trương, khẩn cấp trong bối cảnh nguồn lực có hạn”.
GS Nguyễn Đình Cử cũng cho biết, mô hình 2 (1992-2007), bộ máy quản lý dân số đã phát huy hiệu quả gấp 5 lần mô hình 1 nhờ có sự thay đổi về hình thức tổ chức, có trụ sở riêng và có người đứng đầu, cơ quan thường trực làm nhiệm vụ chuyên trách.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp đến từ các diễn giả, các chuyên gia, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Nguồn: Báo Gia đình xã hội
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024