Dấu hiệu đột quỵ cần đưa bệnh nhân cấp cứu ngay lập tức
20/09/2019 | 15:20 PM
|
PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ những dấu hiệu của người đột quỵ cần được đi cấp cứu càng nhanh càng tốt.
PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ những dấu hiệu của người đột quỵ cần được đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. “Với người đột quỵ, thời gian là vàng, thời gian là não, tuyệt đối không mất thời gian áp dụng các biện pháp chữa bệnh truyền miệng...”- chuyên gia tim mạch nhấn mạnh.
Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Tuy nhiên nhiều người chưa biết rằng, đột quỵ là bệnh có thể cấp cứu, “thời gian vàng” để xử trí đột quỵ trong vòng 3-4 giờ đầu, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.
Tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đột quỵ. Song điều đáng nói là đa số các ca nhập viện đều muộn nên việc điều trị hạn chế, di chứng kéo dài.
PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường.
Theo PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường, đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) nói lên vấn đề mạch não bị biến cố. Những biến cố ở mạch não gây liệt nửa người hoặc liệt mặt cùng bên, khi phát hiện dấu hiệu ở tay, mặt, lời nói thì ngay lập tức cần gọi cấp cứu.
Biểu hiện đột quỵ rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu này được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:
F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Cần cấp cứu ngay trong 3-4 giờ đầu sau cơn đột quỵ
PGS. Cường cho hay, khi bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ, các bác sĩ sẽ xác định trường hợp bệnh nhân đó là nhồi máu não tắc mạch do huyết khối hay chảy máu não. Nếu nhồi máu não tắc mạch thì bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối, dòng chảy trong mạch máu trở lại bình thường, tổ chức não sau cục tắc được tưới máu trở lại. Bệnh nhân dần hồi phục và sau đó sẽ tập phục hồi chức năng, có thể khỏe mạnh, sinh sống bình thường.
Trường hợp cục khuyết khối ở vị trí không tiêu được nhưng thuận lợi để hút được cục máu ra thì bác sĩ sẽ hút ra để dòng chảy máu bình thường.
Bệnh nhân đột quỵ cần được đi cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Với bệnh nhân đột quỵ chảy máu não, nếu do dùng thuốc chống đông quá liều sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu tương ứng làm cho tình trạng đông máu trở về bình thường. Những vị trí chảy máu sẽ được dẫn lưu ổ chảy máu ra ngoài hoặc lấy khối máu tụ đi để não không bị ép nữa, phần nhu mô não tranh chấp sống và chết hoạt động bình thường, sau đó dùng dụng cụ nút lại để không cháy máu nữa.
Hoặc trường hợp siêu âm doppler mạch thấy hẹp động mạch cảnh gây thiếu máu não thì bác sĩ có thể đặt stent giúp lòng mạch thông thoáng, không đọng lại mảng vữa xơ đó. Hoặc có thể bóc tách lớp nội mạc đó đi để dòng máu bình thường.
Ngoài đột quỵ do nhồi máu não, chảy máu não, PGS. Cường cho hay có trường hợp gọi là “đột quỵ thoáng qua”, người bệnh có đầy đủ biểu hiện ở tay, mặt, miệng nhưng các dấu hiệu có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 24h. Tuy nhiên đó cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu trong thời gian tiếp theo bệnh nhân có thể bị xuất huyết não hoặc tắc mạch não như đã nói ở trên.
Y học hiện nay có nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ, kết hợp y học hiện đại và YHCT nhưng PGS. Cường nhấn mạnh quan trọng nhất là vấn đề thời gian: “Bệnh nhân đột quỵ cần được đưa vào viện sớm, cấp cứu trong vòng 3-4 giờ đầu để tránh nguy hiểm tính mạng và hạn chế các di chứng về sau. Tuyệt đối không dùng các cách chữa bệnh theo truyền miệng khiến bệnh nặng thêm, mất “giờ vàng” điều trị.
Trải qua giai đoạn điều trị tích cực, bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng sớm, vận động sớm, điều trị kết hợp đông y – tây y, dùng thuốc, ngoài ra, người bệnh cần được hỗ trợ về mặt tâm lý…”.
Bệnh nhân đột quỵ trẻ hóaPGS.TS.BS cao cấp Tạ Mạnh Cường cảnh báo, nếu như trước kia đối tượng đột quỵ thường trên 60 tuổi thì nay độ tuổi trung niên cũng rất nhiều.Chuyên gia tim mạch khuyến cáo, những người mắc bệnh lý tim mạch cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là ở bệnh nhân van tim, van 2 lá, hẹp hở van 2 lá là đối tượng dễ đột quỵ, và có thể gây đột quỵ ở bất kỳ độ tuổi nào cho nên cần được thăm khám tỉ mỉ, thường xuyên theo hẹn của bác sĩ.Người dân không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tuyệt đối không dùng các chất cấm như cocain vì đây là những thứ dễ gây tổn thương lòng mạch. Muốn phòng tai biến mạch máu não thì cần phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ ấy.Với nnhững người không có yếu tố nguy cơ thì cần chú ý tiền sử gia đình có người mắc đột quỵ hoặc có các yếu tố nguy cơ về tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì nên tầm soát sớm |
Tin liên quan
- Bác sĩ Quảng Bình nảy sáng kiến tích trữ nước sạch để phục vụ bệnh nhân trong lũ lụt
- Bệnh viện đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ thí điểm xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão