Chủ động tránh thai vì hạnh phúc của mỗi gia đình

16/10/2020 | 14:02 PM

 | 

Phòng tránh thai an toàn giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh các tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục đồng thời nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, vẫn có 250 - 300 nghìn ca phá thai mỗi năm được thông báo chính thức. Kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn được biết là do không áp dụng biện pháp tránh thai; do thất bại của các biện pháp tránh thai (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả) và do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ.

Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), phòng tránh thai an toàn mang lại rất nhiều lợi ích như: Giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Thời gian qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thai an toàn, trong đó, Chương trình "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động" do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thời gian qua, Chương trình "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động" do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng tránh thai.

Bằng những thông điệp mang tính nhân văn cùng các hoạt động thiết thực và gần gũi dưới nhiều hình thức như truyền thông trên báo giấy và báo mạng, bác sĩ nói chuyện trên truyền hình và trong hội thảo, clip tuyên truyền, phát hành sổ tay tránh thai… Chương trình đã và đang từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về tầm quan trọng của việc tránh thai an toàn, hiệu quả để có cuộc sống thành công và hạnh phúc hơn. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ làm công tác dân số trên cả nước.

Đặc biệt, cuộc thi online "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng" nằm trong khuôn khổ Chương trình không chỉ tạo ra sân chơi dành cho các cán bộ dân số chia sẻ những vui buồn trong quá trình công tác, mà còn là nơi truyền cảm hứng cho mọi phụ nữ hiểu hơn về ý nghĩa và lợi ích của việc chủ động tránh thai, chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản của chính bản thân mình.

Theo đó, qua các bài dự thi, Chương trình nhận được không ít những câu chuyện vui buồn về cuộc đời thầm lặng của các cán bộ dân số trong quá trình vận động người dân thực hiện nâng cao nhận thức phòng tránh thai an toàn, sinh đẻ có kế hoạch. Nhiều người cho biết, họ vẫn gặp tình trạng bị xua đuổi, xa lánh khi đi gõ cửa để tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai vì một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý "trời sinh voi sinh cỏ", "con cái là lộc trời ban", "tôi đẻ tôi nuôi"…

Những lúc như thế, các cán bộ dân số phải kiên trì tuyên truyền, cặn kẽ giải thích cho họ hiểu rằng "chủ động tránh thai là chuyện không của riêng ai". Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh thai để đứa trẻ khi sinh ra được chăm sóc, được ăn no mặc ấm và học hành đầy đủ…

Bằng tình yêu với công việc đã giúp các cán bộ dân số vượt qua tất cả và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm cải thiện chất lượng giống nòi và vun đắp thêm hạnh phúc gia đình cho các hộ gia đình ở địa phương.

Nguồn: Báo Gia đình xã hội


Thăm dò ý kiến