Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi

12/07/2019 | 15:06 PM

 | 

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi nói riêng không phải là một việc đơn giản.

Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi (NCT) bạn cần phải hiểu được những nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho người cao tuổi.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe vật chất, sức khỏe tinh thần người cao tuổi cũng rất cần được quan tâm chăm sóc để giúp người cao tuổi sống vui - khỏe - có ích cho gia đình và xã hội.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, một cuộc nghiên cứu quốc gia về người cao tuổi gần đây nhất chỉ ra rằng 30% người cao tuổi khó để chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cháu. Vì con cháu quá bận rộn. Đó là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.

Thực tế cho thấy, khi về già, người ta có xu hướng ít giao tiếp, ít nói chuyện với người xung quanh và cả những người thân bên cạnh mình. Trong đầu họ thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật, về cái chết, về sự xa lánh của con cháu và người trong gia đình, về chuyện kinh tế, về những vấn đề hàng ngày cuộc sống khiến sức khỏe tinh thần của người già không tốt, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi - Ảnh 2.

Đa số người cao tuổi có tinh thần lạc quan, vui vẻ thường là những cụ có tham gia các hoạt động tổ, nhóm và được quan tâm chăm sóc của người xung quanh. Ảnh minh họa

Khi về già tâm lý của con người thường như thế nào?

- Cảm giác cô đơn khi con cháu đi làm và đi học thường xuyên khiến phần lớn thời gian của người già là ở một mình. Nếu không còn người bạn đời bên cạnh thì sự cô đơn càng rõ rệt và người già rất dễ bị trầm cảm, sống thu mình lại và lúc này con cháu muốn quan tâm lại càng khó hơn.

- Tâm lý nhớ hoài quá khứ xuất hiện khi người già thường xuyên kể chuyện “ngày xưa”, thường đem so sánh với hiện tại và điều này có thể khiến con cháu không cảm thấy thoải mái, muốn tránh xa những câu chuyện đó và vô tình lại làm người già cảm thấy bị cô lập.

- Cảm giác bi quan nếu có dấu hiệu của bệnh tật, bệnh càng nặng thì người già càng bi quan khi phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác và họ biết khả năng hồi phục của mình không còn được tốt như những người trẻ tuổi, lo lắng về một tương lai phải ngồi hoặc nằm một chỗ và không tự chủ được về sinh hoạt.

- Người cao tuổi dễ bị nóng nảy bởi tâm lý sợ mình đang làm phiền người khác, cảm giác tự ti hoặc bất lực khiến họ dễ cáu gắt khi được người khác chăm sóc, gây cản trở cho việc trợ giúp của người thân.

- Sự đa nghi cũng thường xuyên xuất hiện trong tinh thần người già bởi có thể do tâm lý khó tin người khác từ trước hoặc cũng có thể do lãng tai hoặc mờ mắt khiến họ dễ hiểu sai ý nói của người khác.

- Sự tủi thân khi con cháu không quan tâm chăm sóc hoặc ít lại gần, lúc này thì người già có thể dẫn đến tâm lý buông xuôi, và dần thu mình lại một góc.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi - Ảnh 3.

Người cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn về tinh thần để có một cuộc sống khỏe mạnh những năm cuối đời. Ảnh minh họa.

Người cao tuổi cần thời gian “giải độc” tinh thần

 

Theo các chuyên gia tâm lý, người cao tuổi hay nhớ quá khứ nên họ thường so sánh với hiện tại, điều này có thể khiến con cháu không thoải mái, muốn tránh xa những câu chuyện đó, vô tình làm NCT dễ bị tổn thương, tủi thân. Thậm chí có người bị trầm cảm, sống thu mình và mắc “tâm bệnh” - một trong số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các bệnh mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp...

Thực tế, không ít trường hợp NCT do không chia sẻ được với người thân trở nên sống khép mình, bó buộc trong suy nghĩ tiêu cực “bản thân không còn sức lực để lao động, không tự chăm sóc làm gánh nặng cho con cháu”. Qua trao đổi, nhiều NCT sợ rằng con cháu sẽ không còn quan tâm hay bỏ rơi họ. Đa số NCT có tinh thần lạc quan, vui vẻ thường là những cụ có tham gia các hoạt động tổ, nhóm và được quan tâm chăm sóc của người xung quanh.

Bác sĩ Trần Văn Lớn - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Bến Tre cho biết, nhu cầu của người NCT là nhận được sự lo lắng, chăm sóc của con cháu. Ngoài việc quan tâm bổ sung dinh dưỡng thích hợp, NCT cần thời gian “giải độc” tinh thần. Người thân có thể dành một ít thời gian trò chuyện để NCT cảm nhận được sự quan tâm hơn, sống vui, sống khỏe trong những ngày tháng về già. Qua đó, góp phần hạn chế các dấu hiệu không tốt về sức khỏe tinh thần.

Chính tinh thần của NCT tốt, vui vẻ thì sẽ đẩy lùi được bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh hơn. “Người thân có thể khuyên NCT dành thời gian tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, giảm bớt những suy nghĩ, âu lo về cuộc sống hay tham gia các lớp thể dục dưỡng sinh hoặc câu lạc bộ (CLB) NCT để có thêm người tâm tình, bầu bạn”, bác sĩ Trần Văn Lớn gợi ý.

Nguồn: Báo Gia đình xã hội


Thăm dò ý kiến