Bộ Y tế khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine
05/05/2019 | 15:56 PM



Ngày 10-5, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức sự kiện “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”.
|
Cắt băng khởi động chương trình điều trị nghiện bằng Buprenorphin. |
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP), hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, cả về sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, hiện chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Vì vậy, trên thế giới, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế được coi là một trong những giải pháp ưu việt nhất hiện nay, chủ yếu là điều trị bằng Methadone và Buprenorphine.
Với người nghiện các chất dạng thuốc phiện, hiện cả nước đã có hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone. Mặc dù Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, nhưng việc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hằng ngày để uống cũng là một trở ngại trong duy trì điều trị nhất là với bệnh nhân các tỉnh miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa. Buprenorphine ngoài lợi ích tương tự như Methadone là giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C; giảm tử vong do dùng quá liều heroin; giảm các hành vi phạm pháp; giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng thì do thuốc tác dụng kéo dài nên khi điều trị bằng Buprenorphine người bệnh chỉ cần 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần. Từ đó cũng giảm đáng kể thời gian đi lại cho người bệnh nhất là những bệnh nhân ở xa. Do không có tương tác thuốc, nên điều trị Buprenorphine ở người nghiện ma túy nhiễm HIV đang điều trị ARV cũng không cần phải tăng liều thuốc ARV.
|
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại buổi lễ. |
Tại buổi lễ, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm Buprenorphine nói chung và Điện Biên nói riêng quan tâm đầu tư chỉ đạo, đẩy mạnh không chỉ điều trị nghiện bằng Methadone mà cả Buprenorphine, bao gồm các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu; cung cấp các điều kiện cần thiết, cơ sở vật chất cũng như chế độ ưu đãi cho người cung cấp dịch vụ theo các quy định hiện hành. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp cận và duy trì điều trị Buprenorphine một cách lâu dài. PGS, TS Nguyễn Hoàng Long cũng kêu gọi người nghiện ma túy, nhất là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện hãy vì sức khỏe của chính bản thân mình, vì hạnh phúc của chính gia đình mình chủ động tìm hiểu thông tin, tiếp cận các cơ sở y tế nhất là cơ sở điều trị nghiện để lựa chọn một biện pháp điều trị nghiện thích hợp.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm cụ thể: Thuốc có tác dụng kéo dài tới 72 giờ, do vậy bệnh nhân ngậm thuốc 2-3 ngày/lần nên giảm thời gian đi lại tới cơ sở y tế; không có hoặc không phải tăng liều ARV và liều Buprenorphine khi cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV; ít tác dụng phụ hơn…
Với những lợi ích đó, Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện như là bổ sung thêm một sự lựa chọn, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân khó tiếp cận cơ sở y tế hàng ngày để uống Methadone.
Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc./.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024