Bị u tuyến yên có thể mang thai an toàn?

20/08/2015 | 08:09 AM

 | 

U tuyến yên là khối u ở thùy trước tuyến yên. Đây là một trong 4 loại u trong sọ hay gặp nhất. U tuyến yên chiếm 10-12% tổng số u trong sọ. U tuyến yên có nhiều loại. Người ta dựa vào loại nội tiết tố (hormone) do khối u tiết ra để phân loại u tuyến yên. Những loại u tuyến yên hay gặp nhất là u tuyến yên tăng tiết prolactin, u tuyến yên không tăng tiết (các loại nội tiết tố bình thường), u tuyến yên tăng tiết GH (Growth Hormone -nội tiết tố tăng trưởng, bệnh Acromegaly), u tuyến yên tăng tiết ACTH (Bệnh Cushing)….Trong số những loại u tuyến yên trên đây, u tuyến yên tăng tiết prolactin là loại u liên quan nhiều tới thai nghén nhất. Sau đó là u tuyến yên tăng tiết GH. Tất cả bệnh nhân u tuyến yên tăng tiết prolactin đều tăng nồng độ prolactin máu, có khi tăng gấp hơn 1000 lần so với bình thường. Khoảng 30% bệnh nhân u tuyến yên tăng tiết GH có tăng nồng độ prolactin máu, nhưng thường không quá cao. Tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã phẫu thuật cho bệnh nhân bị u tuyến yên tăng tiết prolactin với nồng độ prolactin máu 780 000 mIU/l (giới hạn bình thường của prolactin máu ở nữ là 500 mIU/l).

1-Khi nào bệnh nhân mắc u tuyến yên có thể mang thai an toàn?

Bạn không may mắc bệnh u tuyến yên, bạn vẫn có thể mang thai an toàn. Nhưng bạn chỉ mang thai an toàn nếu: u tuyến yên của bạn nhỏ hơn 10mm, u tuyến yên của bạn lớn hơn 10mm nhưng bạn đã được điều trị bằng thuốc và khối u đã nhỏ lại, hoặc khối u của bạn đã được phẫu thuật. Tại sao với khối u nhỏ hơn 10mm bạn có thể mang thai an toàn? Người ta đã nghiên cứu và kết luận: hầu hết các khối u nhỏ dưới 10mm không phát triển trong thời kỳ mang thai, hoặc phát triển không đáng kể. Vì vậy bạn có thể mang thai an toàn. Rất hiếm khi bạn phải điều trị bằng thuốc với khối u tuyến yên tăng tiết prolactin nhỏ hơn 10mm trong quá trình mang thai. Đối với u tuyến yên lớn hơn 10mm, 30% bệnh nhân có khối u to hơn, phát triển lớn hơn trong quá trình mang thai và đòi hỏi phải can thiệp. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và dị dạng thai nếu điều trị. Bạn phải tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa sản, nội tiết, thần kinh trước khi quyết định có thai.

Nếu bạn đang điều trị bệnh u tuyến yên bằng thuốc (bromocriptin hoặc cabergoline hoặc quinagolide) và phát hiện bạn có thai, bạn phải ngừng ngay thuốc và tới gặp bác sỹ.

2-Bạn phải theo dõi như thế nào khi bạn mắc u tuyến yên và đang có thai?

Nếu bạn mắc u tuyến yên nhỏ hơn 10mm, bạn hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể về nhà và yên tâm theo dõi, không cần sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Phải phải theo dõi và lắng nghe cơ thể bạn. Hai biểu hiện quan trọng nhất phải theo dõi là thị lực và đau đầu. Nếu bạn nhìn mờ, nhìn đôi hoặc nhìn không bình thường, bạn phải tới gặp bác sỹ ngay, và thông báo với bác sỹ những biểu hiện của bạn, tiền sử bệnh u tuyến yên. Nếu đau đầu mới xuất hiện, hoặc đau đầu tăng, đau đầu dữ dội, bạn phải tới gặp bác sỹ ngay, không được chậm trễ. Hoặc nếu bạn có bất cứ biểu hiện gì bất thường, bạn nên tới bệnh viện để được khám và tư vấn. Nếu bạn vẫn cảm thấy rất ổn, tốt nhất vẫn nên tới bác sỹ chuyên khoa mắt để đo thị lực, đo thị trường mỗi tháng một lần vì đôi khi không dễ biết rằng bạn bị giảm thị lực. Địa chỉ nơi bạn cần tới hoặc bác sỹ bạn cần tư vấn là bệnh viện với bác sỹ chuyên khoa nội tiết, chuyên khoa sản, chuyên khoa ngoại thần kinh.

3-Tại bệnh viện, các bác sỹ sẽ đánh giá bệnh của bạn bằng cách nào?

Thông thường, bác sỹ sẽ đánh giá lại thị lực, thị trường của bạn. Bạn cũng sẽ được định lượng nội tiết tố tuyến yên trong máu để xác định lại nồng độ prolactin máu, xác định mức độ suy tuyến yên. Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ sẽ cho bạn chụp cộng hưởng từ để xác định kích thước khối u.

4-Khi nào bạn phải điều trị và bạn sẽ được điều trị bằng cách nào?

Nếu bác sỹ khẳng định thị lực của bạn giảm dần, bạn bị suy tuyến yên, nồng độ prolactin tăng nhiều, kích thước khối u to hơn trước, bạn sẽ phải điều trị. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh u tuyến yên của bạn. Bác sỹ sẽ cho bạn dùng thuốc như là sự lựa chọn đầu tiên. Thuốc duy nhất được sử dụng trong thời kỳ thai nghén hiện nay là bromocriptine vì nó an toàn và không ảnh hưởng tới thai nhi. Phần lớn bệnh nhân sẽ ổn định, khối u nhỏ hơn, đau đầu giảm, thị lực cải thiện với phác đồ điều trị này. Một số rất ít trường hợp phải phẫu thuật khi thuốc không tác dụng (kháng thuốc) hoặc biến chứng nặng hơn.​


Thăm dò ý kiến