Bị đột quỵ: Được cấp cứu trong “giờ vàng” hiệu quả sẽ cao
20/09/2019 | 15:52 PM
|
Trao đổi với VietTimes sáng nay, 15/4, TS. Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Thời tiết giao mùa, đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh, nắng nóng, lạnh sâu, đều là những yếu tố nguy cơ làm tăng số người bị đột quỵ, nhất là người có bệnh huyết áp, tim mạch, mỡ máu, suy thận tiểu đường…
Trao đổi với VietTimes sáng nay, 15/4, TS. Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Thời tiết giao mùa, đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh, nắng nóng, lạnh sâu, đều là những yếu tố nguy cơ làm tăng số người bị đột quỵ, nhất là người có bệnh huyết áp, tim mạch, mỡ máu, suy thận tiểu đường…
Bệnh đột quỵ được điều trị kịp thời sẽ mang lại hiệu quả
“Khi bệnh nhân bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời” - TS. Nguyễn Văn Chi lưu ý.
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai – bệnh nhân đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não), nếu đến bệnh viện kịp thời thì cơ hội điều trị hiệu quả cao, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng. Ngược lại, qua “giờ vàng” thì di chứng nặng nề, điều trị khó khăn và chi phí rất cao. Thế nhưng hiện nay, số bệnh nhân bị đột quỵ đưa vào cấp cứu nằm trong “giờ vàng” chỉ chiếm 1,5%. Ở Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ này cũng chỉ 5-7%.
|
TS. Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9, Bệnh viện Bạch Mai |
“Giờ vàng là thời gian sau khi xảy ra đột quỵ 4-6 tiếng. Đặc biệt, hiện nay, với những kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, Bệnh viện Bạch Mai đã cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân đã bị đột quỵ tới 24 tiếng.” - PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết thêm,
TS. Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh việc tuyệt đối không được cho bệnh nhân khi bị đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì, cũng không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay, sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng. Càng không nên cho uống viên An Cung như nhiều người vẫn làm, vì cực kỳ nguy hiểm. Bởi lúc này, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái bị mê man, uống nước hay thuốc đều dễ bị sặc, làm tắc đường thở. Từng có bệnh nhân chết vì sặc thuốc chứ không phải vì đột quỵ, do thuốc rơi vào phổi” - TS. Nguyễn Văn Chi lưu ý.
Về việc vận chuyển để cấp cứu cho người bệnh, PGS.TS. Mai Duy Tôn cho hay: Lâu nay nhiều người hiểu sai việc bệnh nhân đột quỵ không được vận động tức là không di chuyển. Vì thế cứ để bệnh nhân nằm yên một chỗ, khiến càng nặng. Thực tế, không để bệnh nhân vận động nhưng có thể di chuyển khi họ nằm trên cáng, trên ô tô. Trong khi đợi xe cấp cứu, tránh làm tổn thương nặng thêm bằng việc cho người bệnh nằm đầu cao, lưng nghiêng 45 độ so với cơ thể, để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.
Theo các chuyên gia, có thể phân biệt được đột quỵ với cảm gió để xử trí đúng, là: Đột quỵ thường xảy vào ban ngày, ít khi xảy ra vào đêm và tối. Bệnh đột quỵ thường người già mắc nhiều hơn, nhưng hiện đang có nhiều người trẻ cũng mắc với các căn nguyên như bất thường về mạch, bệnh tăng đông, gây đột quỵ, thiếu máu.
Làm thế nào để nhận biết bệnh đột quỵ? Với câu hỏi này, PGS.TS. Mai Duy Tôn cho hay: Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, nói không tròn vành rõ chứ, cười: mồm méo, lệch một bên. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Hiện bệnh phình mạch não chiếm 1,5% - 8% dân số. Nam giới mắc đột quỵ nhiều hơn nữ vì có nhiều yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá vv…. Để phòng bệnh đột quỵ, khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, không nên ra đường tập luyện. Đặc biệt những người đã từng bị đột quỵ rồi rất dễ tái phát nên cần phải dự phòng cả đời.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để xác định chính xác bệnh nhân bị đột quỵ hay không, cần có các phương tiện hiện đại xác định. Công nghệ y tế tiên tiến giúp việc chẩn đoán chính xác đột quỵ và đánh giá tổn thương đến não bộ.
Những năm qua ở Việt Nam, số người nhập viện vì đột quỵ tăng từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỉ lệ nam giới mắc gấp 4 lần nữ.Cứ 10 người bị đột quỵ thì có tới 8 người mắc bệnh tăng huyết áp. Đáng lo khi có tới 90% bệnh nhân tăng huyết áp không được điều trị. |
| |
Tin liên quan
- Tăng cường hỗ trợ phụ nữ ở Đắk Lắk tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Điểm sáng trong xây dựng cơ sở y tế xanh
- Ngành Y tế Lâm Đồng chú trọng công tác quản lý chất thải y tế và phong trào xanh - sạch - đẹp
- Tăng cường kiểm tra thực hiện vệ sinh phòng chống dịch, xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp năm 2024
- Tăng cường thực hiện xây dựng cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp
- Xây dựng mô hình '5S' và bệnh viện xanh – sạch – đẹp tác động tích cực tới tâm lý người bệnh
- Việt Nam làm chủ công nghệ hấp khử trùng rác thải y tế