Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Cần một trần chi phí BHYT điều trị dự phòng riêng

20/11/2019 | 11:02 AM

 | 

Một thực trạng trong điều trị hen và COPD là bảo hiểm y tế (BHYT) sẵn sàng chi trả các dịch vụ điều trị có thể rất đắt khi cấp cứu, nhập ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt) hoặc nhập viện do đợt cấp, nhưng lại từ chối chi trả cho các dịch vụ điều trị dự phòng COPD và đợt cấp: cai thuốc lá, chích ngừa cúm và ngừa viêm phổi.

 

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM, chia sẻ như trên. Trong khi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang trở thành gánh nặng về kinh tế, xã hội toàn cầu; tỷ lệ mắc bệnh, tử vong ngày càng tăng.

Cần chế độ BHYT riêng trong dự phòng COPD

Theo một nghiên cứu chi phí tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, chi phí thuốc điều trị trong một đợt cấp nhập viện vì COPD là: nhẹ (7 ngày) - 420.000 đồng; trung bình ngoại trú (7 ngày) - 1.800.000 đồng; trung bình, nội trú (7 ngày) - 17.700.000 đồng, nặng (15 ngày) - 60.000.000 đến 93.000.000 đồng. Đó là chưa kể các chi phí gián tiếp khác như ảnh hưởng lên hiệu suất làm việc, COPD có thể khiến ít nhất 2 người nghỉ việc, và thậm chí là tử vong.

Một bệnh nhân COPD vào đợt cấp nặng phải nhập viện, chi phí điều trị có thể lên đến hàng chục triệu đồng. (Ảnh minh họa)

“Bệnh nhân COPD nhập viện nhiều lần do đợt cấp sẽ phải dùng nhiều kháng sinh mạnh kèm theo corticoid toàn thân lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể dẫn tới nhiều biến chứng khác như lao phổi, teo cơ, đái tháo đường, viêm phổi, trầm cảm, loét dạ dày, mỏng da, xuất huyết, cườm mắt, loãng xương…,” PGS.TS.BS. Tuyết Lan cho biết.

PGS.TS.BS. Tuyết Lan phân tích thêm, bệnh nhân COPD hiện có một thực trạng không có thuốc theo phác đồ hoặc thuốc phiên bản (generic) không đảm bảo chất lượng.

“Trên nguyên tắc, thuốc điều trị hô hấp đã có đủ trong danh mục BHYT, BHYT không khống chế trần toa. Nhưng, thực tế, không có thuốc trong danh mục BHYT của bệnh viện; có thuốc nhưng thuốc generic không đạt chất lượng; có thuốc tốt nhưng bị giới hạn kê toa hoặc có trần toa, vì thuốc điều trị khá mắc tiền, khoảng 750.000 đồng/hộp hoặc có thuốc lên đến trên triệu đồng,” BS. Tuyết Lan chia sẻ.

Tại các tuyến quận huyện, thuốc điều trị hen và COPD không có các thuốc tốt, chỉ có một số thuốc cấp thấp chính hãng hoặc phiên bản. Trần toa theo quy định BHYT trong quản lý bệnh nhân hen và COPD chưa phù hợp, không có thuốc tốt và đúng phác đồ. Hậu quả, bệnh nhân COPD không được điều trị theo đúng phác đồ được hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiệu quả điều trị không cao, bệnh nhân vẫn vào các đợt cấp dù được điều trị hoặc tái khám đều đặn.

Trong khi đó, so sánh chi phí điều trị COPD trong giai đoạn ổn định và dự phòng, bệnh nhân chỉ phải tiêu tốn chừng 22.000.000 đồng/năm. Còn nếu bệnh nhân không được điều trị dự phòng, dự tính có thể mỗi năm gặp 2 đợt cấp nhẹ, 2 đợt cấp trung bình, 2 đợt cấp nặng với chi phí có thể lên tới hơn 200 triệu đồng. Hiệu quả quản lý COPD ngoại trú tại các BV tuyến quận giúp giảm đợt cấp sau 1 năm điều trị từ 140 đợt cấp nhập viện trên 100 bệnh nhân xuống còn 97 đợt cấp nhập viện.

Thêm vào đó, COPD là một căn bệnh mạn tính, nên gánh nặng kinh tế đối với người bệnh và gia đình là vô cùng to lớn. Khoảng 50% bệnh nhân không tuân thủ điều trị vì không có khả năng chi trả (28,3%), thuốc không được BHYT chi trả (19,9%), đặc biệt khi điều trị không hiệu quả.

Điều trị ngoại trú Hen và COPD ở giai đoạn ổn định để tránh đợt cấp vừa giúp giảm chi phí vừa nâng cao chất lượng sống cho người bệnh

Vì vậy, theo PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan, ngành y tế và ngành bảo hiểm cần xây dựng trần chi phí điều trị riêng cho bệnh nhân hen và COPD để không bị xuất toán khi vượt quỹ BHYT.

“Điều trị dự phòng ngoại trú trong cộng đồng khi bệnh nhân ổn định, còn khỏe, còn sinh hoạt đi lại được là góp phần giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân và gia đình, giảm tải cho nội trú vì bệnh nhân đợt cấp nặng đôi khi phải nằm vài tuần lễ và giảm thiểu tỷ lệ tử vong,” BS. Tuyết Lan nhấn mạnh.

COPD, một trong 3 nguyên nhân chính gây tử vong

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COPD đang chiếm vị trí thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu, ngay cả tại Việt Nam, chỉ sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Ước tính toàn cầu có khoảng 384 triệu người mắc COPD, cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD. Còn tại Việt Nam, COPD gây ra hơn 25 ngàn ca tử vong mỗi năm và nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông, con số này vẫn đang gia tăng. Theo khuyến cáo của Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ COPD ở người trên 35 tuổi ở cả hai giới tại Việt Nam là 6,7%, cao nhất khu vực.

Ô nhiễm không khí hện gia tăng đến mức báo động, là thủ phạm chính gây ra các bệnh về phổi và hô hấp.

Nguyên nhân, theo các chuyên gia dị ứng, hen suyễn và hô hấp, đó là do hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng đến mức báo động; bên cạnh đó, ngoài thuốc lá truyền thống, người dân Việt Nam bắt đầu tiếp cận thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, theo các cảnh báo, thuốc lá điện tử có thể dẫn đến 98% có triệu chứng hô hấp. Mỹ ghi nhận, tất cả bệnh nhân hút thuốc lá điện tử đều có thâm nhiễm hai bên phổi; 94% phải nhập viện, 32% phải đặt nội khí quản và 1 ca tử vong.

Những tình trạng như tiền căn lao, sống hay làm việc trong môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá, phổi không phát triển đúng mức, bị hen suyễn kéo dài, sử dụng chất đốt sinh khối, hay đói nghèo cũng làm tăng khả năng mắc COPD.

Theo các chuyên gia hô hấp khuyến cáo, để phòng ngừa COPD, nên ở trong nhà, hạn chế các hoạt động ngoài trời tại các khu vực bị đánh giá ô nhiễm cao càng nhiều càng tốt; cai nghiện thuốc lá ngay lập tức; sử dụng mặt nạ chuyên dụng hoặc theo PGS.TS.BS. Tuyết Lan, có thể mang cùng một lúc 2 - 3 lớp khẩu trang y tế đúng chuẩn, cũng có hiệu quả nhất định trong ngăn ngừa bụi; uống nhiều nước và các loại rau xanh hay trái cây giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, quýt…); uống sữa, tập thể dục, phơi nắng sáng (8 - 9g); bổ sung kẽm, omega 3 là những chất bảo vệ đường thở hữu hiệu; chích ngừa cúm và viêm phổi mỗi năm một lần; mua cây trồng trong nhà như lưỡi hổ, nha đam, trầu bà giúp thanh lọc không khí; tư vấn bác sĩ khi cảm thấy khó thở, đau ngực hay khó chịu ở mắt.

Ngoài ra, để phòng tránh phơi nhiễm ô nhiễm không khí, chúng ta không nên làm:

-         Đốt rác, lá cây, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp

-         Mở cửa nhà, cửa sổ buổi sáng sớm hay chiều tối

-         Hạn chế lái xe ô tô hay các phương tiện hai bánh

-         Đi bộ, chạy bộ, tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm và chiều tối

-         Tránh tham quan các nơi đông xe cộ, các khu vực gần nơi ô nhiễm, công trình xây dựng…

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến