Bệnh lao kháng thuốc nguy hiểm thế nào, phòng ngừa ra sao?

30/12/2020 | 09:43 AM

 | 

Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Điều nguy hiểm là bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng.

Cán bộ y tế phát thuốc chống lao cho bệnh nhân lao.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh nhân lao bị kháng thuốc như: Vi khuẩn lao tự biến đổi cấu trúc chống lại thuốc; người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc hoặc do uống thuốc không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn lao", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị.

Bà Nguyễn Thị Mai, ở Hà Nam là ví dụ. Bà Mai được các bác sĩ chẩn đoán mắc lao và chỉ định dùng thuốc theo phác đồ. Tuy nhiên, bà Mai đã không uống thuốc theo đúng chỉ dẫn và không tuân thủ thời gian điều trị nên bệnh trở nặng. Khi cơ thể suy kiệt, người nhà đưa bà đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc lao kháng thuốc.

Theo PGS TS Nguyễn Viết Nhung, ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc.

LAO KHÁNG THUỐC CÓ KHÓ ĐIỀU TRỊ?

Theo TS.BS Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, tùy vào tình trạng kháng thuốc của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các loại thuốc hợp lý nhất. Theo đó, thuốc nào kháng sẽ không dùng, mà chọn lựa lại các loại thuốc có tác dụng tối ưu hơn cho người bệnh. Các loại thuốc khi được sử dụng đều cần đảm bảo được sự hiệu quả trong khoảng thời gian dài. Mỗi đợt điều trị thuốc có thể diễn ra trong 9 tháng/đợt hoặc 18 tháng/đợt tùy vào diễn tiến bệnh. Do thời gian điều trị dài, khó khăn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn nên chi phí tốn kém hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn.

Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh và khỏi bệnh, người mắc bệnh lao, trong đó có lao kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, bệnh nhân không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh.

Việt Nam đã áp dụng phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới nhất

Tuy chữa bệnh lao đa kháng thuốc phức tạp hơn, thuốc điều trị tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường nhưng hiện thuốc điều trị lao kháng thuốc được Chương trình Chống lao Quốc Gia cung cấp miễn phí theo hệ thống tới tận địa phương. Mặt khác, tại Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất nên kết quả điều trị thành công lao đa kháng lên tới 70%, kết quả này tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Vì thế, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo, người dân không nên giấu bệnh khi mắc lao. Thay vào đó, cần chủ động đi khám sớm để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh được cung cấp thuốc miễn phí, với bệnh nhân nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế, sẽ được Chương trình Chống Lao Quốc gia và Bệnh viện Phổi Trung ương, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và chi phí điều trị.

Mọi thông tin đóng góp cho các trường hợp người mắc lao có hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB:

Tài khoản: 16010000288699 tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Sở Giao dịch 3, Hà Nội.

Nội dung: Ung ho Quy PASTB

Fanpage: https://www.facebook.com/PASTB2017/

Điện thoại: 0376 22 44 33/0243 761 7431

Hoặc đóng góp trực tiếp tại Trụ sở chính Quỹ PASTB: Tầng 1 Nhà K, 463 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Nguồn: bệnh viện Lao phổi Trung ương


Thăm dò ý kiến