Bệnh không lây nhiễm là mối đe dọa

08/07/2015 | 03:06 AM

 | 

 

Theo số liệu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng, chiếm 60,6% bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng gánh nặng bệnh tật của Việt Nam (71%), tiếp đến là chấn thương 16%, các bệnh nhiễm trùng sơ sinh và các bệnh liên quan đến sinh đẻ 13%... Mặc dù được đánh giá là hơn một số nước vì có chính sách y tế dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhưng trên bình diện chung Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược đối phó với các loại bệnh mạn tính không lây nhiễm. Công tác phòng chống, điều trị các bệnh này còn quá yếu về chuyên môn, thiếu trang thiết bị. Đặc biệt, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm, chủ yếu dựa vào báo cáo của hệ thống các bệnh viện. Vì vậy không có các số liệu thống kê hàng năm trên phạm vi toàn quốc cũng như sự thay đổi những yếu tố nguy cơ. Trong khi đó nguồn nhân lực, tài chính quá thiếu, khiến các mô hình can thiệp dự phòng tại cộng đồng chỉ được thực hiện ở qui mô nhỏ, không có mô hình lồng ghép, riêng từng nhóm bệnh. Nguy cơ bệnh không lây nhiễm tăng dần theo tuổi thọ do sự phơi nhiễm trong thời gian dài của các cơ quan bộ phận chức năng của cơ thể và giảm khả năng hệ thống miễn dịch. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Gần 70% người bệnh khi được phát hiện cùng một lúc đã có nhiều biến chứng nguy hiểm (tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, cao huyết áp, hoại tử chi, mù lòa), thậm chí nhiều người tử vong trước khi được điều trị (61%).

10 bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất là tim mạch, tai biến mạch máu não, bệnh đường hô hấp dưới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiêu chảy, HIV/AIDS, lao, ung thư phổi, tai nạn giao thông, trẻ sinh non. Theo xếp loại 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, thì các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường... đứng vị trí đầu về thứ hạng có tỉ lệ tử vong. Riêng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ vị trí thứ 4 với tỉ lệ tử vong là 5,1% năm 2004 sẽ lên vị trí thứ ba vào năm 2030, với tỉ lệ tử vong là 3,8%; đái tháo đường từ vị trí thứ 12, sẽ tiến đến vị trí thứ bảy.... 80% các ca tử vong ở những người có thu nhập vừa và thấp do điều kiện sống chưa tốt, thuốc men khi mắc bệnh và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, kiến thức tự chăm sóc bản thân thiếu… Vì đây là một loại bệnh dịch vô hình, không có tác nhân gây bệnh rõ rệt, thường xuất hiện do các yếu tố nguy cơ khác các bệnh dịch thông thường nên nhiều người dân, kể cả nhân viên y tế không biết hoặc không quan tâm. Hầu hết chỉ e ngại bệnh AIDS và ngành y tế đổ tiền vào chăm sóc bệnh AIDS, trong khi đó các bệnh không lây nhiễm lại bị “bỏ ngỏ”. Do phải sống chung lâu dài với bệnh không lây nhiễm, nhiều người lâm vào tình trạng khi bệnh bột phát thì đã vào giai đoạn nghiêm trọng, điều trị khó, tốn kém mà vẫn không thoát khỏi tử vong.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75%, tức là cứ 10 người tử vong thì có 7 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và gia tăng như: lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia và thức ăn có chứa nhiều chất béo. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống từng nhóm bệnh không lây nhiễm từ nay đến năm 2020. Chương trình được thực hiện dựa trên nguyên tắc lồng ghép, dựa vào cộng đồng. Hệ thống giám sát và điều trị được nâng cấp tại các bệnh viện chuyên ngành ở cả tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Đặc biệt kiện toàn hoạt động y tế dự phòng tuyến huyện, xã. Mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 50% người bệnh tăng huyết áp được điều trị đúng, giảm 15-20% số người bị tai biến mạch máu não, giảm 5-10% trường hợp bị bệnh van tim do thấp khớp, tăng số người bệnh đái tháo đường được phát hiện từ 36-50%, giảm tỉ lệ người bị ung thư ở giai đoạn muộn đến cơ sở chuyên khoa từ 80% xuống 40%, giảm tỉ lệ người bệnh trầm cảm tự sát xuống còn 15%, tiêm phòng viêm gan B cho 100% trẻ sơ sinh.

 ​


Thăm dò ý kiến