Bệnh không lây nhiễm do hành vi lối sống
16/12/2015 | 04:24 AM



Hầu hết các bệnh không lây nhiễm phổ biến đều có chung các yếu tố nguy cơ do hành vi lối sống như: hút thuốc, bia rượu, ít thể thao.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm khiến 38 triệu người chết mỗi năm, gần 3/4 số ca tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, 16 triệu ca tử vong xảy ra trước tuổi 70. Tại Việt Nam, năm 2012, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là 379.600 trường hợp.
Nguy cơ về hành vi lối sống
Các bệnh không lây nhiễm có thể kể đến như tim mạch, đái tháo đường, ung thư… Sự gia tăng mức độ nhiễm bệnh trở thành gánh nặng, nỗi lo cho Chính phủ cũng như các cơ quan y tế.
Thông tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế cho biết cứ 10 người chết thì có bảy người chết vì bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, số người mắc bệnh không lây nhiễm hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng. Ước tính, bệnh tăng huyết áp là 12,5 triệu người; đái tháo đường 2,5 triệu người; bệnh phổi mạn tính là trên hai triệu người; ung thư, 125.000 người mắc mới/năm. Không chỉ vậy, bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề như đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu; suy thận, nhiễm trùng, tổn thương bàn chân có thể phải cắt cụt chi... Hầu hết các bệnh không lây nhiễm phổ biến đều có chung các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống, chẳng hạn như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, lạm dụng rượu bia...
Tại Việt Nam, ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Chương trình nhằm khống chế tốc độ gia tăng, giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm. Trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn ạn tính và hen phế quản.
Giải quyết các yếu tố nguy cơ
Tại hội thảo Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia diễn ra mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết chiến lược đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, 100% UBND tỉnh, TP có kế hoạch đầu tư kinh phí thực hiện chiến lược tại địa phương, 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, giảm 30% tỉ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm 10% tỉ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015... Ngoài ra, chiến lược còn đặt ra mục tiêu về việc khống chế tỉ lệ thừa cân béo phì, tăng huyết áp...
Không chỉ ở Việt Nam, sự lo lắng về các bệnh không lây nhiễm còn hiện diện ở nhiều quốc gia khác. Dưới sự chủ trì của WHO, hơn 190 nước đã nhất trí về cơ chế toàn cầu để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm, bao gồm kế hoạch hành động toàn cầu để phòng ngừa, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2013-2020. Kế hoạch này nhằm giảm 25% số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm thông qua chín mục tiêu toàn cầu. Những mục tiêu này tập trung vào việc giải quyết các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, sử dụng rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập một cuộc họp cấp cao vào năm 2018 để đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia nhằm đạt mục tiêu toàn cầu vào năm 2025./.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh