Ung thư thực quản: Phẫu thuật nội soi điều trị
06/10/2015 | 09:02 AM



Ung thư thực quản là một bệnh lý ít gặp chiếm khoảng 5% trong nhóm ung thư đường tiêu hóa và khoảng 1% ung thư nói chung. Ung thư thực quản là một bệnh lý ác tính, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là phẫu thuật.
Bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn nên điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thời gian sống sau điều trị ngắn.
Các phương pháp phẫu thuật mở thường để lại những biến chứng nặng nề, nhiều biến chứng về hô hấp, thời gian phục hồi sau mổ chậm, tỷ lệ xì rò và tử vong cao. Ngày nay, phẫu thuật nội soi cắt thực quản đã khắc phục đáng kể biến chứng và rút ngắn thời gian nằm viện. Trong đó phẫu thuật nội soi thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày theo phương pháp Akiyama là biện pháp có nhiều lợi điểm và được các phẫu thuật viên lựa chọn. Bài viết này nhằm đánh giá kết quả điều trị UTTQ 1/3 giữa- dưới bằng phẫu thuật nội soi ngực thay thực quản có sử dụng ống cuốn dạ dày theo phương pháp Akiyama.
Đặc điểm tuổi - giới
Trong 69 BN nghiên cứu, tuổi người bệnh trên 50 chiếm 69,4%, trung bình là 54,04 ± 8,12 (73 tuổi - 36 tuổi). Ung thư thực quản chủ yếu gặp ở nam giới. Theo một nghiên cứu của Hiromasa Fujita thì năm 2001 có 10.667 người chết vì ung thư thực quản ở Nhật Bản trong đó có 9026 là nam giới và 1651 là nữ giới, tỷ lệ nam/nữ là 5,5/1. Trong 2 thập kỷ trở lại đây thì số nam giới chết vì ung thư thực quản tăng gấp 2 lần còn nữ giới tăng 1,3 lần. Tỷ lệ chết chung của ung thư thực quản trong cộng đồng năm 2001 ở nam giới là 14,7/100000 dân và nữ giới là 2,6/100000 dân. Giải thích điều này có nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống, thói quen xấu (hút thuốc, nghiện rượu) đây là thói quen của nam giới. 66/69 BN là nam (chiếm 95,65%), chỉ có có 3/69 BN là nữ chiếm 4,35%.
Đặc điểm giai đoạn bệnh
Bệnh nhân ung thư thực quản thường đến viện muộn sau khi có triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn, việc theo dõi và nội soi dạ dày sàng lọc của Việt Nam chưa tốt nên kết quả điều trị và thời gian sống sau mổ sẽ rất khác biệt ở các khu vực vùng miền khác nhau trong mỗi nghiên cứu. Chất lượng sống, tỷ lệ các tai biến, biến chứng sau phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Thời gian mắc bệnh càng lâu thì tỷ lệ biến chứng, thời gian sống sau mổ và chất lượng sống càng giảm.
Kết quả sau phẫu thuật
Thời gian phẫu thuật
Thời gian phẫu thuật thì nội soi ngực 48,6 ± 21,6 phút, ngắn nhất 30 phút, dài nhất 120 phút. Tổng thời gian phẫu thuật trung bình 116,8 ± 52,9 phút, ngắn nhất 80 phút, dài nhất 180 phút. Thấp hơn so với các tác giả trong và ngoài nước: Nguyễn Minh Hải thực hiện phẫu thuật nội soi ngực và bụng cắt thực quản thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày thời gian trung bình là 359,77 (phút). Akaishi và cộng sự thực hiện cắt thực quản bằng đường nội soi ngực kết hợp với mở bụng, vét hạch triệt căn trên 39 bệnh nhân ung thư thực quản thời gian phẫu thuật trung bình là 200 ± 41 phút. Osugi khi nghiên cứu đánh giá giữa 2 phương pháp phẫu thuật nội soi đường ngực kết hợp mở bụng với phẫu thuật mở cả ngực bụng thì thời gian của phẫu thuật nội soi trung bình là 227 phút. Thời gian phẫu thuật của chúng tôi thấp hơn các tác giả khác có thể vì 69 bệnh nhân nghiên cứu đều do một kíp phẫu thuật viên thực hiện và sau khi kết thúc thì nội soi ngực, chúng tôi tiến hành mổ mở thì bụng và cổ cùng một lúc.
Tai biến trong mổ
Có 4 tai biến trong mổ chiếm 5,8% (4/69) gồm: 2 bệnh nhân rách động mạch chủ ngực, 1 bệnh nhân rách khí quản, 1 trường hợp tổn thương nhu mô phổi. Bệnh nhân tổn thương động mạch chủ ngực thứ nhất chúng tôi phải truyền tới 18 đơn vị máu, trường hợp thứ 2 phải truyền 05 đơn vị máu và cả hai trường hợp phải mở ngực để khâu lại động mạch chủ ngực. Bệnh nhân rách khí quản do lỗi gây mê khi đặt ống nội khí quản làm tổn thương rách khí quản. Bệnh nhân này sau khi rút ống nội khí quản, đưa về phòng hồi sức thì phát hiện có khí qua dẫn lưu màng phổi và lập tức bệnh nhân đã đưa lại phòng mổ để khâu khí quản. Có 1 bệnh nhân chủ động cắt vát phế quản gốc phải do tổ chức u xâm lấn và được khâu lại bằng nội soi. Bệnh nhân này không tính vào tai biến. Không có bệnh nhân nào tử vong trong mổ và sau mổ do nguyên nhân phẫu thuật.
Biến chứng sau mổ
Trước đây phẫu thuật cắt thực quản điều trị bệnh lý ung thư thực quản chủ yếu bằng phương pháp mổ mở truyền thống gây nên nhiều biến chứng nặng nề. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tai biến, biến chứng tới 60-80%, trong đó tử vong 5-10%. Hai thập niên gần đây, sau công bố của De Paula có 12 bệnh nhân (1994), Mc Anena (1994), rồi tiếp đến là nghiên cứu rất cơ bản của Luketich (1998) đến 2003 ông đã thực hiện được 222 trường hợp với kết quả rất khả quan làm thay đổi quan niệm và chiến lược điều trị bệnh lý ung thư thực quản. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ biến chứng là 18,85%: trong đó rò miệng nối cổ gặp nhiều nhất (7,25%), các trường hợp này gặp ở giai đoạn đầu mới bắt đầu triển khai kỹ thuật và các trường hợp này điều trị bảo tồn ổn định. Có 9 trường hợp (13,04%) tràn dịch màng phổi phải chọc hút sau mổ. Kết quả sau chọc hút bệnh nhân ổn định, kiểm tra không có mủ màng phổi, dính màng phổi... các trường hợp tràn dịch màng phổi này chúng tôi không coi là biến chứng vì trong quá trình phẫu thuật chúng tôi vét hạch phẫu tích rộng làm cho vùng mổ tiết dịch nhiều hơn là điều có thể chấp nhận được. Tất cả các biến chứng trong nghiên cứu đều gặp ở giai đoạn T3, T4.
Thời gian nằm viện sau mổ
Thời gian hậu phẫu trung bình là 13,6 ± 4,9 ngày (9 - 31 ngày), ngày điều trị sau mổ của chúng tôi cao vì hầu hết bệnh nhân được mổ mở thì bụng với mục đích giảm chi phí điều trị. Bên cạnh đó 02 bệnh nhân phải mở ngực làm kéo dài thời gian điều trị của cả nhóm. Điều này khẳng định phương pháp mổ nội soi có thời gian nằm viện ngắn hơn nhiều so với các phương pháp mổ mở.
Kết quả xa sau phẫu thuật
Chất lượng cuộc sống sau mổ
Chúng tôi xếp loại chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật cắt thực quản dựa vào chỉ số Karnofsky cho thấy 25% bệnh nhân có kết quả tốt, 39,7% có kết quả trung bình, 35,3% kết quả xấu. Trong đó chúng tôi thấy bệnh nhân có chất lượng cuộc sống sau mổ xấu đều ở giai đoạn T3, T4. Tất cả các bệnh nhân ở giai đoạn T2 đều có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt.
Thời gian sống sau mổ
Thời gian sống sau mổ trung bình của 68 bệnh nhân 29 ± 4 tháng (ngắn nhất là 2 tháng, dài nhất là 70 tháng). Xác suất sống thêm sau mổ: 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm tính theo phương pháp Kaplan – Meier lần lượt là: 64,7%, 52,94%, 30,88% và 11,76%. Thời gian sống sau mổ ung thư thực quản luôn là vấn đề được các phẫu thuật viên quan tâm và cân nhắc lựa chọn chỉ định mổ. Trong vài thập niên trở lại đây phẫu thuật ung thư thực quản đã có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tử vong sau mổ khoảng < 5%. Tuy vậy, thời gian sống thêm vẫn chưa cải thiện nhiều. Thời gian sống 5 năm sau mổ mới chỉ đạt được < 20%. Theo chúng tôi, thời gian sống thêm sau mổ phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, có hay không thực hiện được kỹ thuật mổ triệt căn và các biện pháp điều trị bổ trợ như xạ trị, hóa chất. Một số yếu tố như hạch di căn, giai đoạn bệnh ảnh hưởng đến thời gian sống sau mổ.
Tóm lại, phương pháp mổ nội soi thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày theo Akiyama là một phương pháp an toàn và hiệu quả: không có tử vong, thời gian phẫu thuật là 116,8 ± 52,9 phút, tỷ lệ tai biến thấp 5,8%, biến chứng sau mổ 18,85%. Chất lượng sống tốt sau mổ theo đánh giá Karnofsky là 64,7%, có 35,3% chất lượng cuộc sống xấu. Tất cả các bệnh nhân ở giai đoạn T2 đều có chất lượng cuộc sống tốt sau mổ. Thời gian sống sau 5 năm là 11,76%.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024