"Người khai sáng cho Tim mạch can thiệp Việt Nam": Tản mạn về GS. Thạch Nguyễn

10/10/2015 | 04:54 AM

 | 

 

Giáo sư Thạch Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và thành danh ở Mỹ. Mặc dù "ngày ngày còn phải đi cày ruộng kiếm cơm ở Mỹ", như ông từng chia sẻ, nhưng như nhiều người con xa xứ của đất Việt khác, từ nửa vòng trái đất, giáo sư luôn da diết nhớ về quê hương. Tấm lòng và trái tim ông hướng về mảnh đất sinh thành. Hơn nữa, vốn là một nhà khoa học về lĩnh vực tim mạch, giáo sư luôn mong muốn có những đóng góp cho đất nước qua những việc làm thiết thực và hữu ích.

Trong nhiều năm qua, ông đã tổ chức và đưa nhiều phái đoàn gồm các giáo sư tim mạch nổi tiếng ở Mỹ và một số nước khác đến giúp Việt Nam, từ những ngày mà lĩnh vực tim mạch can thiệp của chúng ta còn rất sơ khai. Việc làm bền bỉ, nhiệt huyết của giáo sư Thạch Nguyễn đã góp phần bắc thêm những nhịp cầu vững chãi, trên hành trình đầy thử thách, đưa đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp có thể vươn tới tầm khu vực và thế giới. Hiện nay, người con của Hà Nội ấy là giáo sư danh dự và thỉnh giảng của 8 trường đại học danh giá trên thế giới, trong đó có trường đại học Y Hà Nội. Trường hợp của GS Thạnh Nguyễn cho chúng ta thấy một điều hết sức thú vị và đáng tự hào, rằng : Từ Hà Nội hay từ một mảnh đất nào trên dải đất yêu dấu hình chữ S thân yêu, người Việt của chúng ta đến với thế giới và tỏa sáng, chứng tỏ cho bạn bè năm châu biết tới Nghị lực Việt – Trí tuệ Việt và Tấm lòng Việt . Và cảm động hơn, khi những người con ưu tú ấy, trong đó có giáo sư Thạch Nguyễn không khi nào quên được nguồn cội, không bao giờ nguôi ngoai nỗi lòng của người con xa Tổ Quốc. Song , dẫu  cách xa về địa lý, nhưng ông đã khiến tất cả trở nên gần gụi với quê nhà, bằng trái tim và tâm huyết . 

Cách đây 20 năm (năm 1995), Bs. Trần Văn Dương và Bs. Nguyễn Quang Thư - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành ca chụp động mạch vành chọn lọc qua da đầu tiên ở nước ta. Hồi bấy giờ, chúng tôi may mắn đang là bác sĩ nội trú nên được tham gia phụ giúp. Đến đầu năm 1997, Viện Tim mạch đã tiến hành nong động mạch vành bằng bóng qua da dưới sự giúp đỡ của TS. Bonot Gérard, trung tâm bệnh viện Perpignan cộng hòa Pháp.

Rồi một ngọn gió lành đã đưa giáo sư Thạch Nguyễn cùng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội vào mùa thu năm 1997 khi những làn gió heo may còn vương lại, và mùa thu bao giờ cũng là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Đối với những người con xa xứ, hành trình về thăm, luôn đầy ắp nỗi nhớ và mong ước. Trong hành trang của giáo sư Thạch Nguyễn mang về quê hương ngày ấy là những điều quý giá. Ông về Tổ quốc, để cập nhật các kiến thức tim mạch mới nói chung và dạy chúng tôi kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da theo phương pháp cầm tay chỉ việc, như tại các bệnh viện của Mỹ. Trong phòng thông tim, chúng tôi là người thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành, trong khi các chuyên gia Mỹ đứng ngay sau lưng, cầm tay và giúp chúng tôi thực hiện thủ thuật từng bước một. Đây là lần đầu tiên phương pháp giảng dạy này được áp dụng ở Việt nam. Phương pháp này đã rất thành công và được các nhà tim mạch tiên phong như GS.TS. Phạm Gia Khải hoan nghênh nhiệt liệt. Đến lượt mình,  phương pháp cầm tay chỉ việc đó, đã được chính chúng tôi áp dụng để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác ở Việt Nam. Giờ đây, chính là nhờ vào phương pháp truyền thụ hiệu quả đó mà nền y học nước nhà có thêm nhiều thế hệ những bác sĩ tim mạch của miền Bắc, miền Trung và miền Nam, họ đã làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ stent, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim. Đội ngũ tinh thông nghề nghiệp này đã, đang và sẽ có những đóng góp vượt bậc cho nền y học Việt Nam trên lĩnh vực tim mạch . 

Nhớ lại những lần được gặp gỡ giáo sư Thạch Nguyễn, tôi luôn giữ những ấn tượng sâu sắc. Bài báo cáo của giáo sư Thạch Nguyễn luôn đưa người nghe tới những khám phá bất ngờ vì trong đó bao giờ cũng chứa đựng những kiến thức rất mới mẻ, rất đặc biệt và mang tính đột phá. Ngoài sự thu hút, ông đã đem đến cho chúng tôi những gợi mở đầy sinh động, truyền cảm hứng cho công việc không ít gian truân của nghề thầy thuốc. Quan điểm về giảng dạy của giáo sư cũng hết sức thú vị và đặc biệt, đó là ông không chỉ dừng lại ở chỗ "chuyển giao những kiến thức có sẵn" mà còn "chỉ cho chúng tôi cách đặt câu hỏi”. Theo ông “Khi đối diện với một vấn đề, nếu chúng ta biết đặt câu hỏi đúng, chúng ta sẽ có câu trả lời đúng. Nếu chúng ta đặt câu hỏi sai, câu trả lời và cách giải quyết cũng sẽ sai. Đó chính là chìa khoá thành công của phương pháp làm việc của Mỹ, khi phân tích và giải quyết một vấn đề”. Biết cách đặt vấn đề và tự biết cách khám phá, chiếm lĩnh vấn đề, để từ đó tự đào sâu nghiên cứu – Đó là một trong những chìa khóa vàng dẫn tới thành công của giáo sư Thạch Nguyễn. Và ông đã không ngần ngại trao lại cho chúng tôi . 

Đồng thời, với việc cá nhân giáo sư và các phái đoàn Mỹ sang Việt Nam để chuyển giao công nghệ và kỹ thuật mới, ông còn giúp nhiều bác sĩ nước ta sang Mỹ tu nghiệp tại các bệnh viện và trường đại học danh tiếng. Luật pháp của Mỹ rất chặt chẽ, chỉ những người có giấy phép hành nghề mới được khám, điều trị, can thiệp hay phẫu thuật trên bệnh nhân của họ. Do vậy, chúng tôi sang đó học chủ yếu là kiến tập. Tuy vậy, chúng tôi đã tiếp cận được những khía cạnh mới mẻ, đột phá trong cách làm việc, cách tổ chức và hơn hết là "để học cách tư duy của người Mỹ”. Vì theo giáo sư, để thành công cần "Phải có tư tưởng đột phá để thay đổi và phát triển" và "Chìa khoá thành công của người Mỹ là lối tư duy của họ: khi tiếp cận một vấn đề, người Mỹ đi thẳng vào sự việc, nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, có khi từ những lối tư duy rất khác biệt, không theo lối mòn, bật ra ngoài khuôn mẫu để giải quyết tận gốc và không đánh trống bỏ dùi khi công việc còn dở dang". Đây cũng chính làmột trong chùm chìa khoá thành công của ông và ông đã tậntình giúp nhiều học trò nắm chắc chìa khóa ấy . 

Bên cạnh việc giúp cho các bác sĩ Việt Nam, từ năm 1992 giáo sư Thạch Nguyễn đã giúp cho nhiều bệnh viện của Trung Quốc thực hiện thành công các kỹ thuật can thiệp tim mạch. Ông tâm sự: "Có một thôi thúc mãnh liệt khiến tôi đi làm việc nhiều ở Trung Quốc là vì tôi muốn đảo ngược một xu hướng lịch sử đã đã kéo dài gần 2.000 năm. Trong suốt gần 2.000 năm qua, cho đến tận thế kỷ 20, các học giả Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản đều phải đến Bắc Kinh Trung Quốc để học hỏi về Khổng giáo hay tham vấn một kỹ thuật và nghệ thuật trị quốc khác. Nay tôi muốn đến Bắc Kinh để dạy lại và đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của ngành tim mạch Trung Quốc". Để có thể giảng dạy nhiều năm tại Trung Quốc được là do ông đã làm việc dựa trên "năm nguyên tắc cơ bản của Khổng giáo là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và Đức, Dũng của Phật Giáo". Trên cơ sở của luân lý Khổng Mạnh và Phật giáo này, ông hợp tác với họ trong một tình bạn trung thực, đối xử trên quan hệ bình đẳng, không phải là một quan hệ chủ tớ, không phải là người mạnh uy hiếp người yếu, làm việc trong một tâm tính kính trọng lẫn nhau và giúp nhau, không để bị người khác lợi dụng, cộng tác để thành công chung, có lợi cho tất cả mọi người. Theo ông "Lời chỉ trích xây dựng của một người có giá trị hơn lời ca tụng suông của cả nghìn người khác và không ai thèm nghe và tin những lời ca tụng sáo rỗng đầy giả dối đâu". Vì ông luôn tâm đắc với một câu ngạn ngữ là : "Nếu bạn xử sự như một con lừa, thì đừng ngạc nhiên nếu hôm nào có một người cưỡi trên lưng trên cổ".

Trong bài diễn văn tại buổi lễ Trường Đại Học Y Hà Nội trao chức Giáo sư danh dự của Trường cho ông vào năm 2011, vị giáo sư đáng kính đã truyền cho chúng tôi thông điệp  quý báu : "Do sự phổ biến khắp nơi của cellphone, Internet, Facebook, thế giới ngày nay đã và đang trở thành một ngôi làng nhỏ. Khi bước ra thế giới, ước nguyện của người Việt chúng ta là sẽ đóng góp các giá trị cao quí về phẩm cách, tri thức Việt Nam dựa trên niềm tin vào sự thật cho sự thanh bình và thịnh vượng của ngôi làng chung mang tên thế giới đó". Mỗi lần về Hà Nội, nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, người con của Hà Thành năm xưa vẫn vẹn nguyên cảm xúc và luôn thấy "ấm lòng" vì " các sinh viên, bác sĩ, giáo sư Việt Nam, những người mẹ, những người cha, những người anh, chị và em vẫn hăng hái làm việc trong tinh thần Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí -Tín và Đức - Dũng". Với những giá trị tinh thần cốt lõi của đạo đức, cách sống được tiếp thu chắt lọc từ tinh hoa triết học và Phật giáo Phương Đông, ông cho rằng "Người Việt Nam có thể hãnh diện ngẩng cao đầu phục vụ xã hội và tự tin làm việc với bạn bè năm châu. Với những nguyên tắc Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí - Tín  và Đức - Dũng ,chúng ta mới có thể hòa mình với thế giới mà không sợ làm mất đi những di sản tinh thần và vật chất, hay đất nước yêu quí mà tổ tiên để lại. Với lòng tự tin và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể, đối phó một cách mạnh mẽ và hữu hiệu với những khó khăn gây ra do những người láng giềng gần hay xa, trên biển Đông, bên kia Thái Bình Dương, từ Tây Phương xa xôi hay từ phương Bắc ngàn trùng cách trở qua dãy núi mang tên Thập vạn đại sơn. Với lòng tự tin, hãnh diện và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể ra biển lớn đóng góp vào ngôi làng thế giới đó mà không lo những hành động, thái độ hay lời nói của chúng ta làm tủi hổ cho lịch sử anh hùng, quật cường của cha ông, mà chính chúng ta là người thừa kế. Chỉ như vậy, chúng ta mới xứng đáng để hãnh diện với tổ tiên, với chính bản thân và với con cháu chúng ta là tương lai đất nước sau này. Khi nhìn vào sự cố gắng vượt bậc, niềm tự hào, hãnh diện đó trên những khuôn mặt người Việt Nam già và trẻ hôm nay, tôi vững tin vào một tương lai rạng rỡ, hưng thịnh của Tố quốc và dân tộc Việt Nam, thế giới mà mọi chúng ta là những thành phần gắn bó".

 ​


Thăm dò ý kiến