Ðiều tra muỗi truyền bệnh để khống chế sốt xuất huyết
14/09/2015 | 05:20 AM



Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes aegypti thường hoạt động ở vùng đô thị và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus thường hoạt động ở vùng nông thôn, miền núi.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes aegypti thường hoạt động ở vùng đô thị và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus thường hoạt động ở vùng nông thôn, miền núi. Trong công tác giám sát dịch tễ, việc điều tra hoạt động của muỗi truyền bệnh giúp các nhà khoa học nhận định, dự báo tình hình để chỉ đạo thực hiện chủ động các biện pháp khống chế bệnh phát triển thành dịch.
Điều tra muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có mục đích xác định nơi sinh sản, trú đậu của muỗi, sự biến động của chúng, làm thử nghiệm xem xét sự nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất diệt côn trùng và đánh giá hoạt động công tác phòng chống muỗi tại cộng đồng. Điểm điều tra, giám sát muỗi truyền bệnh được lựa chọn thực hiện tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm và 2 điểm không thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm để làm đối chứng.
Muỗi trưởng thành được điều tra bằng phương pháp soi đèn để bắt cá thể muỗi trú đậu nghỉ ở trong nhà bằng ống tuýp thủy tinh hoặc máy hút cầm tay. Lưu ý khi soi đèn bắt muỗi, không bắt loại muỗi đực mà chỉ bắt loại muỗi cái đậu nghỉ trên quần áo, chăn màn, các đồ vật ở trong nhà vào ban ngày. Mỗi nhà phải soi đèn bắt muỗi trong thời gian 15 phút. Tại mỗi điểm điều tra cần soi đèn bắt muỗi đủ 30 nhà. Quy trình điều tra thực hiện thường xuyên mỗi tháng một lần. Thực tế phải điều tra cả hai loài muỗi truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypty và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus để phân tích 2 chỉ số cần thiết tính theo từng loài muỗi gồm chỉ số mật độ muỗi và chỉ số nhà có muỗi.
Chỉ số mật độ muỗi là số muỗi cái Aedes aegypty hoặc muỗi cái Aedes albopictus trung bình trong một gia đình điều tra được tính theo công thức: Số muỗi cái Aedes bắt được chia cho số nhà điều tra (số muỗi cái Aedes bắt được/số nhà điều tra).
Chỉ số nhà có muỗi là tỷ lệ phần trăm nhà có muỗi cái Aedes trưởng thành được tính theo công thức: Số nhà có muỗi cái Aedes bắt được chia cho số nhà điều tra, nhân với 100 (số nhà có muỗi cái Aedes bắt được/số nhà điều tra x 100).
Trong quá trình điều tra, giám sát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; nếu phát hiện chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh Aedes từ 0,5 con muỗi/nhà trở lên là yếu tố nguy cơ cao dự báo bệnh có khả năng bùng phát. Cần tham khảo thêm chỉ số bọ gậy muỗi BI (Breteau index) là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy Aedes trong 100 nhà điều tra để xác định rõ thêm yếu tố nguy cơ cao.
Khi xác định yếu tố nguy cơ cao bệnh sốt xuất huyết có khả năng phát triển mạnh, dự báo xảy ra dịch bệnh qua chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh được điều tra thu thập; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc khu vực có liên quan phải hướng dẫn chuyên môn cho những địa phương ảnh hưởng thực hiện chỉ định phun hóa chất diệt muỗi chủ động để khống chế dịch bệnh bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống
Tin liên quan
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh